Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là quốc gia phải gánh chịu nhiều nguy cơ thiên tai như bão, lốc xoáy, lũ lụt và hạn hán. Ước tính khoảng 60% tổng diện tích đất đai và 71% dân số phải chịu nguy cơ bão và lũ lụt. Hàng năm, tổn thất kinh tế trực tiếp bình quân do bão và lũ lụt ước bằng khoảng 0,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đứng thứ 3 (sau Myanmar và Philippines) trong các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

viet nam nguy co thiet hai 67 ty usd do thien tai
Sáng 15/11, Bộ Tài chính phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo “Giải pháp tài chính cho rủi ro thiên tai tại Việt Nam”.

Còn “dựa” nhiều vào ngân sách nhà nước

Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế của WB, cho biết từ năm 2013, WB, với sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Sĩ (SECO), đã hỗ trợ Việt Nam cải thiện các giải pháp tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai của nhà nước thông qua xây dựng mô hình rủi ro thiên tai dành riêng cho Việt Nam. Đồng thời, cải thiện các giải pháp tài chính để bảo vệ ngân sách nhà nước với thiên tai và phát triển thị trường bảo hiểm rủi ro thiên tai trong nước.

“Mô hình rủi ro thiên tai sẽ giúp Chính phủ Việt Nam và các tổ chức đánh giá về khả năng xảy ra và mức độ nghiêm trọng của tổn thất do thiên tai gây ra và lập kế hoạch đối phó trước về mặt tài chính với tác động của những sự kiện đó”- ông Sebastian Eckardt nhấn mạnh.

Trình bày kết quả của mô hình rủi ro thiên tai cho Việt Nam, ông Olivier Mahul, Chuyên gia trưởng toàn cầu, Trưởng phái đoàn, Quản lý Chương trình Giải pháp tài chính rủi ro thiên tai (của WB) cho biết: Việt Nam có thể phải chịu tổn thất vật chất đối với tài sản của khu vực công và tư nhân do lũ lụt, bão và động đất lên đến 30.200 tỷ đồng (1,4 tỷ USD) mỗi năm, trong đó nghĩa vụ dự phòng của Chính phủ được ước tính ở mức 5.900 tỷ đồng (278 triệu USD). Tài sản của cư dân và tài sản của khu vực công (công sở và cơ sở hạ tầng công cộng) lần lượt chiếm 65% và 11% tổng thiệt hại.

Trong vòng 50 năm tới, với xác suất 40%, Việt Nam có thể phải chịu thiệt hại vượt quá 141.200 tỷ đồng (6,7 tỷ USD) do lũ lụt, bão hoặc động đất. Tổn thất bình quân hàng năm ở một số địa phương có thể cao hơn 1.700 tỷ đồng. Các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ có tỷ lệ nghèo cao hơn cũng có xu hướng phải đối mặt với thiệt hại cao hơn do bão và lũ lụt.

Chính phủ Việt Nam hiện có nhiều công cụ tài chính khác nhau để đảm bảo tài chính nhằm ứng phó và khôi phục thiên tai, như dự phòng ngân sách ở trung ương và các địa phương, bố trí lại ngân sách, dự trữ nhà nước, quỹ dự trữ tài chính, quỹ phòng chống thiên tai, các công cụ chuyển giao rủi ro như bảo hiểm, viện trợ của các nhà tài trợ.

Tuy nhiên, các cấp ngành hiện còn phụ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước để đảm bảo kinh phí xử lý sau thiên tai. Bên cạnh đó, Quỹ phòng chống thiên tai được thành lập ở cấp tỉnh nhằm bổ sung cho các nguồn lực ngân sách. Tuy nhiên, các quỹ này còn gặp nhiều hạn chế nên chưa vận hành đầy đủ ở các địa phương.

Chính phủ gần đây đã ban hành Quyết định số 01/2016 về cơ chế và quy trình sử dụng dự phòng ngân sách trung ương để hỗ trợ tài chính cho các địa phương trong trường hợp thiên tai. Tuy nhiên, hiện chưa có một chiến lược toàn diện nhằm điều phối và tối ưu hóa các nguồn vốn có thể huy động, đặc biệt ở các cấp địa phương. Các công cụ chuyển giao rủi ro mới như bảo hiểm hiện mới ở giai đoạn sơ khai.

Khu vực tư nhân là đối tác thiết yếu

Với thực trạng này, theo ông Olivier Mahul, mô hình rủi ro thiên tai hỗ trợ cho các quyết định quản lý rủi ro khác nhau. Trong đó, việc xác định và đánh giá rủi ro thông qua việc lập sơ đồ rủi ro, lượng hóa đối tượng chịu rủi ro, nguy cơ tổn thương, đánh giá rủi ro, phân tích chi phí và phân tích tổn thất tài chính do thiên tai.

Theo đó, sẽ giảm rủi ro thông qua việc lập kế hoạch ngành, trang bị mới hạ tầng, giáo dục, luật pháp về xây dựng, các công trình giảm thiểu rủi ro; bảo vệ tài chính thông qua cơ chế dự trữ, chuyển giao rủi ro, bảo hiểm, phân bổ ngân sách; phòng ngừa qua hệ thống cảnh báo sớm, đối phó và dự phòng, lập kế hoạch đối phó; tái thiết đảm bảo khả năng chống chịu là đảm bảo tái thiết cân đối được mọi rủi ro, lập kế hoạch khôi phục và tái thiết.

Nhìn chung, theo ông Olivier Mahul, quản lý tài chính hiệu quả cho thiên tai phụ thuộc vào đánh giá chi tiết về tài chính. Thông qua mô hình rủi ro này, có thể hỗ trợ cho Chính phủ trong việc ra các quyết định một cách có căn cứ về: chiến lược phòng vệ tài chính quốc gia; các chiến lược đảm bảo xã hội và giảm nghèo; xây dựng thị trường rủi ro thiên tai; quy hoạch đô thị và đầu tư giảm rủi ro...

Đặc biệt, theo khuyến nghị của các chuyên gia WB, chiến lược bảo vệ tài chính phải là một phần của chương trình tổng thể quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu chung. Các cơ chế chính sách, pháp luật, thể chế và vận hành cũng như hoạt động thực chất của các quỹ này thì cần được Việt Nam rà soát nhằm tăng cường khả năng chống chịu về tài chính của các địa phương. Khu vực tư nhân là đối tác thiết yếu đóng góp về vốn, chuyên môn kỹ thuật và các giải pháp tài chính sáng tạo để bảo vệ tốt hơn cho chính quyền và xã hội nhằm đối phó thiên tai./.