Trường hợp mới nhất, HLV Hoàng Anh Tuấn từng rất muốn nắm đội tuyển quốc gia, ít nhất là 2 lần, sau AFF Cup 2012, sau thất bại của HLV Phan Thanh Hùng ở giải Đông Nam Á năm đó, và trong khoảng thời gian vài tháng gần đây.

Tuy nhiên, ở thời điểm HLV Nguyễn Hữu Thắng chia tay các đội tuyển sau SEA Games 29, HLV Hoàng Anh Tuấn đã đổi ý, ông không còn mặn mà với việc trở thành nhà chuyên môn số 1 của nền bóng đá nữa, thông qua ghế HLV đội tuyển quốc gia.

Có thể HLV Hoàng Anh Tuấn không được lòng bầu Đức, cho đến giờ vẫn là 1 trong 3 phó chủ tịch (PCT) VFF. Tuy nhiên, đấy có khi chỉ là nguyên nhân phụ, và cũng không ai có thể khẳng định chính xác mối quan hệ giữa HLV Hoàng Anh Tuấn với bầu Đức. Nguyên nhân lớn hơn, thật ra HLV Hoàng Anh Tuấn đã đạt được thoả thuận về làm sếp của một trong những trung tâm đào tạo trẻ nổi tiếng nhất nước.

Tức là, trừ những lúc không có bến đậu ổn định, HLV Hoàng Anh Tuấn mới tính đến việc nhận ghế HLV đội tuyển Việt Nam, còn ngược lại, khi đã nhận được lời mời khác, ông Tuấn sẽ ưu tiên cho những lời mời vừa nêu.

vi sao hlv noi khong man ma voi viec dan dat doi tuyen viet nam

Sau HLV Nguyễn Hữu Thắng, không còn HLV nội nào còn mặn mà nắm đội tuyển quốc gia

(ảnh: Trọng Vũ)

Thành ra, ghế HLV trưởng đội tuyển quốc gia thay vì là vị trí đáng mơ ước của mọi nhà chuyên môn trong nước, thay vì là chiếc ghế mà tất cả những người làm nghề đều muốn vươn tới ít nhất 1 lần trong sự nghiệp cầm quân của mình, thì vài năm nay đấy chỉ là lựa chọn phụ của các HLV nội.

Thậm chí, thực tế cho thấy, một số trường hợp không còn chỗ nào để làm, không có nơi nào nhận thì mới chuyển sang nắm… đội tuyển quốc gia. Điển hình là HLV Hoàng Văn Phúc trở thành HLV đội tuyển Việt Nam và đội tuyển U23 Việt Nam cách nay 4 năm khi ông đang… thất nghiệp.

Xen giữa giai đoạn HLV Hoàng Văn Phúc đã ra đi và HLV Miura chưa đến, đội tuyển Việt Nam được giao cho HLV tạm quyền Nguyễn Văn Sỹ, người ở thời điểm đó vốn chỉ nắm một CLB hạng dưới và hầu như cũng không phải là tên tuổi được săn đón trong làng HLV đỉnh cao Việt Nam.

Trường hợp tương tự là HLV Nguyễn Hữu Thắng, ông này nhận đội tuyển quốc gia năm 2015, kế vị HLV người Nhật Toshiya Miura, khi mà ông Thắng… chưa được bất cứ đội bóng trong nước nào nhận, tức là đang rỗi việc trong nghề bóng đá.

vi sao hlv noi khong man ma voi viec dan dat doi tuyen viet nam
Trừ những lúc không có nơi có chỗ, HLV Hoàng Anh Tuấn (bìa trái) mới thể hiện khát khao nắm đội tuyển quốc gia, bằng ngược lại ông thà về đầu quân cho nơi khác (ảnh: Trọng Vũ)

Còn hiện tại, không chỉ HLV Hoàng Anh Tuấn, một nhân vật nổi tiếng khác cũng sẵn sàng từ chối ghế HLV đội tuyển Việt Nam, đó là thần tượng một thời của bóng đá nội Lê Huỳnh Đức.

Riêng ông Đức có đến vài lần từ chối ngồi ghế HLV đội tuyển quốc gia, từ chối rất dứt khoát. HLV Lê Huỳnh Đức thà an phận ở SHB Đà Nẵng còn hơn phiêu lưu với đội tuyển quốc gia, phiêu lưu với cái danh mà ngỡ như mọi HLV phải mơ ước.

Thu nhập là một chuyện, cách VFF hành xử với các HLV của mình sau thất bại có thể khiến cho các HLV nội không mấy hứng thú với công việc ở đội tuyển.

Bài học về thất bại của HLV Phan Thanh Hùng vẫn còn nguyên đấy. Ông Hùng cay đắng rời ngôi nhà VFF khi đó trong sự cô đơn đến tận cùng, bởi gần như không có ai chịu chung trách nhiệm với ông trong thất bại của đội tuyển Việt Nam tại giải Đông Nam Á năm 2012.

Điều tương tự tiếp tục xảy ra với HLV Nguyễn Hữu Thắng, VFF quy mọi trách nhiệm về thất bại của đội tuyển U22 Việt Nam ở SEA Games 29 cho nhà cầm quân này. Họ chỉ ra hàng loạt yếu kém của vị cựu HLV các đội tuyển quốc gia, trong việc sử dụng con người, trong việc điều chỉnh đấu pháp, trong việc đánh giá đối thủ…

Nhưng tuyệt nhiên không ai nói đến vai trò liên quan đến các cấp trên của ông Thắng, rằng với chừng đó yếu kém của chính ông Thắng trong thời gian qua, vai trò định hướng của VFF nằm ở đâu? Sao không góp ý để HLV Nguyễn Hữu Thắng tốt hơn? Để giờ đến lúc thất bại lại để HLV Nguyễn Hữu Thắng cô đơn với những lời nhận xét quá cay đắng một cách công khai, từ phía những người từng sử dụng ông Thắng?

Các HLV nội vì thế, trừ trường hợp không có đội nào để cầm quân, không còn nơi nào có thể cập bến mới chọn cách làm HLV… đội tuyển quốc gia. Bằng ngược lại, họ thà rẽ lối khác, ít vinh quang hơn, nhưng cũng đỡ cay đắng hơn!

Kim Điền