Về Ôn Lương xem người Tày làm cốm từ lúa nếp Vải
Giống nếp Vải ở Ôn Lương cho cơm dẻo, vị đậm, mùi thơm ngào ngạt, ăn không nóng cổ

Lúa nếp Vải ở huyện Phú Lương đã có từ lâu đời, rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, đặc biệt là vùng đất xã Ôn Lương, chất gạo nơi đây khác hẳn với địa phương khác trong huyện về độ thơm và dẻo. Đặc tính của giống nếp Vải này cho cơm dẻo, vị đậm, mùi thơm ngào ngạt, ăn không nóng cổ. Loại lúa này chỉ được cấy duy nhất một mùa trong năm, thu hoạch khoảng tháng 10 âm lịch. Khi những hạt lúa nếp chắc xanh, bà con người Tày ở đây sẽ cắt lúa ở một vài đám ruộng về làm cốm. Đây là một sản phẩm đặc trưng, mang dấu ấn văn hóa của người Tày rất được ưa chuộng và có sức tiêu thụ tốt.

Bà Trần Thị Thu, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương chia sẻ: “Thu hoạch khi hạt mới vừa chắc và còn màu xanh, vẫn còn đông đông sữa thì chọn làm cốm. Cắt tầm khoảng 40 cm về cho vào máy phụt và mang đãi, rang”.

Nếu như trước đây, việc làm cốm được phải dùng sức, làm thủ công thì bây giờ việc chế biến đã được cơ giới hóa khá hoàn thiện. Người làm cốm không còn mất nhiều công sức như trước vì đã có máy móc hỗ trợ hầu hết các công đoạn. Lúa mang về cho vào máy phụt, sau mang đi đãi, loại bỏ hạt lép, và cho vào chảo rang. Đây là giai đoạn đóng vai trò quyết định về chất lượng của sản phẩm.

Về Ôn Lương xem người Tày làm cốm từ lúa nếp Vải
Lúa làm cốm mang về cho vào máy phụt, sau mang đi đãi, loại bỏ hạt lép rồi mới cho vào chảo rang

Dù là máy móc hỗ trợ nhưng bằng kinh nghiệm của mình, người làm phải nhận biết được lúc nào thóc chín, tránh rang quá khô hoặc chưa đều. Hạt lúa sau khi rang đến độ chín nhất định thì được hút vào máy tách, bung lớp vỏ trấu, rồi đưa vào giã. Giã cốm và sẩy cốm phải từ 2-3 lần hạt cốm mới sạch lớp vỏ trấu.

Chị Nguyễn Xuân Huế, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương cho biết về các công đoạn cần lưu ý: “Cốm ngon hay không là do người thợ. Công đoạn giã cốm là làm cho hạt cốm dẹt ra và làm mềm cốm. Càng giã cốm càng dẻo và mềm”.

Bây giờ, những công đoạn làm cốm được bà con ở đây làm từ lúc chiều tối để sáng sớm hôm nay có cốm giao cho khách hàng đã đặt trước. Đây cũng là những thời điểm tình làng xóm thêm bền chặt, nghĩa tình, đậm đà thêm nhờ hương cốm. Nhằm nâng cao giá trị và quảng bá thương hiệu cốm nếp Vải Phú Lương, trong vùng có Hợp tác xã Nông sản nếp Vải Ôn Lương đã tiên phong trong việc đầu tư bao bì, nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc để đóng gói sản phẩm cốm.

Chị Ma Thị Thúy Lan, xã Ôn Lương, Phú Lương vui vẻ chia sẻ: “Thường là buổi chiều chúng tôi đi cắt lúa, tuốt lúa. Chập tối bắt đầu đãi thóc và rang. Rang nhiều mẻ và gần như làm cả đêm rất vui. Việc hút chân không cho sản phẩm sẽ giúp người sử dụng dùng tiện lợi hơn và giữ độ dẻo được lâu hơn. Nếu cẩn thận hơn nữa thì sẽ gói bằng lá sen thì mùi lá sen quyện với cốm rất là thơm”.

Cốm là một trong số 10 sản phẩm được chế biến từ lúa nếp Vải ở xã Ôn Lương. Nhờ những đặc tính của loại lúa đặc sản này và việc chế biến đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng mà lúa nếp vải Phú Lương đã được tôn vinh là một trong 27 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2021 của tỉnh Thái Nguyên

Về Ôn Lương xem người Tày làm cốm từ lúa nếp Vải
Cốm là một trong số 10 sản phẩm tiêu biểu được chế biến từ lúa nếp Vải ở xã Ôn Lương

Ông Phan Văn Tường, Trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Phú Lương khẳng định: “Thương hiệu nếp vải Ôn Lương đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Nên rất thuận lợi trong việc quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm lúa nếp vải trong thời gian vừa qua cũng như trong thời gian tới. Trong năm 2021, chúng tôi cũng đăng ký lúa nếp vải Ôn Lương thi sản phẩm chất lượng OCOP”.

Tuy mùa cốm không kéo dài, nhưng cốm được bảo quản cẩn thận có thể dùng quanh năm. Khi mua về, cốm được bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh, chế biến được nhiều món như: Chè cốm, chả cốm, bánh cốm nên nhiều khách mua dự trữ vài kg để ăn quanh năm. Những hạt cốm xanh non, dẻo thơm mang hương vị quê hương làm nao lòng mỗi người xa quê.

Hy vọng, những hạt cốm của người Tày ở Ôn Lương sẽ ngày càng được nhiều người biết đến và yêu thích, ngoài việc phát huy những giá trị văn hóa, còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho người dân nơi đây.