Vật liệu xây dựng tăng giá- doanh nghiệp và người dân gặp khó
Nguyên liệu sản xuất tăng giá nhanh là một trong những nguyên nhân khiến giá thành sản phẩm thép đã tăng khoảng 40% so với thời điểm cuối quý III/2020

Trong nhóm các mặt hàng vật liệu xây dựng thì giá sản phẩm thép có mức tăng cao nhất. Hàng loạt thương hiệu thép trong nước đã điều chỉnh tăng mạnh giá bán. Trong tháng 5, giá thép xây dựng đã tăng khoảng 40% so với thời điểm cuối quý III/2020. Rất nhiều yếu tố chi phối khiến giá thép tăng cao.

Ông Lê Thành Thực, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng phân tích: “Nhiều nguyên liệu sản xuất thép như quặng sắt, sắt phế tăng lên gấp 2 lần so với trước. Phần lớn các nguyên liệu để sản xuất thép thì Việt Nam phải nhập khẩu nên bị ảnh hưởng. Nguyên nhân thứ 2 là dẫn đến giá thép tăng do nguồn cung thiếu hụt do một số doanh nghiệp tham gia sản xuất thép lớn đẩy mạnh xuất khẩu nguyên liệu bán thành phẩm ra nước ngoài nên trong nước thiếu hụt nguồn cung”.

Theo tính toán, tỷ trọng chi phí thép xây dựng trong tổng giá trị công trình chiếm khoảng 12 - 16%. Nếu giá thép tăng 10% thì giá công trình sẽ tăng 1% khiến các doanh nghiệp xây dựng phải đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ các công trình, dự án, thậm chí là "vỡ trận".

Ông Ngô Quốc Đạt, Phụ trách thi công Doanh nghiệp Thằng Hát thông tin: “Đơn vị chúng tôi vừa rồi do dịch COVID-19 nên bị ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ xây dựng, giá trị của vật liệu tăng, gây phát sinh chi phí của công trình lên cao nên phải tạm dừng để xin bổ sung kinh phí”.

Bà Nguyễn Thị Oanh, Giám đốc Công ty TNHH Dũng An Phát cho biết: “Sắt thép tăng nên chi phí của công trình cũng tăng lên. Cho nên nhu cầu xây dựng của dân giảm đi, các công trình xây dựng của tư nhân và nhà nước cũng bị chậm lại tiến độ”.

Vật liệu xây dựng tăng giá- doanh nghiệp và người dân gặp khó
Hàng loạt công trình xây dựng của tư nhân và Nhà nước bị chậm tiến độ thi công hoặc phải tạm dừng do nguyên vật liệu xây dựng đang bị đội giá thành

Cùng với đà tăng của thép, các mặt hàng khác như: xi măng, gạch các loại, cát, đá, kính xây dựng, tôn lợp mái cũng tăng giá từ 10 đến 30%. Ông Hoàng Đăng Hội, Nhà máy gạch Tuynel Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ lý giải việc phải tăng giá thành của công ty: “Thứ nhất là nhu cầu tăng. Thứ 2 là do nguyên liệu đầu vào tăng nên chúng tôi cũng phải tăng giá gạch”.

Không chỉ doanh nghiệp gặp khó mà người dân cũng lao đao bởi vật liệu xây dựng tăng giá. Bà Phan Thị Thu Hậu - Phường Tân Lập, T.P Thái Nguyên chia sẻ: “Như nhà tôi muốn xây dựng lên 5 tầng nhưng có thể chỉ dừng ở tầng 3 hoặc cùng lắm tầng 4 thôi vì giá vật liệu tăng nhanh quá”.

Trước thực trạng này, việc tăng cường năng lực sản xuất nhiều giải pháp phù hợp và sát với tình hình thực tế đã được Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng triển khai.

Ông Lê Thành Thực, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng cho biết: “Thái Hưng đã phải tìm kiếm nhiều nguồn để bù đắp cho khách hàng, điều tiết sản phẩm ra các vùng miền khác nhau. Ví dụ như mang thép từ miền bắc vào miền nam cho khách hàng, hoặc từ miền nam ra miền trung hoặc ra hải đảo để phục vụ các công trình lớn; Điều tiết giảm hoạt động xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung trong nước cho khách hàng nội địa của mình”.

5 tháng năm 2021, lượng nhập khẩu sắt thép của Việt Nam tiếp tục tăng. Nhu cầu thép trên thế giới cũng tăng cao song nguồn cung sản phẩm và nguồn nguyên liệu sản xuất lại gặp khó, khiến giá thép có thể đạt đỉnh trong năm 2021.

Việc tăng giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là tăng giá mặt hàng thép kéo dài sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với kinh tế Thái Nguyên nói chung và các đơn vị, doanh nghiệp nói riêng. Trước nguy cơ này, cộng đồng doanh nghiệp Thái Nguyên đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ lẫn nhau, nhằm giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực trước diễn biến khó lường của thị trường thép trong nước và thế giới thời gian tới.