Văn hóa soi đường cho quốc dân đi
Toàn cảnh hội nghị tại hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc Hội)

Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức sau 75 năm kể từ khi Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được diễn ra năm 1946. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" đã tạo thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình giải phóng dân tộc, bảo vệ, xây dựng đất nước.

Nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước, hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đánh giá toàn diện việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định ý nghĩa đặc biệt của hội nghị Văn hóa toàn quốc. Nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của Đảng về văn hóa ngay từ ngày đầu thành lập tới nay, chính là văn hóa phải được đặt ngang hàng chính trị, kinh tế, xã hội. Tổng Bí thư nêu rõ, không chỉ quan tâm phát triển văn hóa, Đảng ta đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa quần chúng, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây chính là điểm ưu việt của Đảng ta.

Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó nhấn mạnh: Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc.

Văn hóa soi đường cho quốc dân đi
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị

Với báo cáo đánh giá toàn diện, sâu sắc cùng các tham luận của các các ngành, địa phương. hội nghị Văn hóa toàn quốc đã cụ thể các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Với sự tham gia của các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ, hội nghị Văn hóa lần này gửi gắm nhiều kỳ vọng về phát triển văn hoá, con người Việt Nam trong thời đại mới.

Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên chia sẻ suy nghĩ: “Chúng tôi kỳ vọng rằng sau hội nghị này, từ nghị quyết của trung ương, chúng ta có hệ thống hành lang pháp lý, có hệ thống ứng xử trong từng ngành, từng lĩnh vực để làm sao mỗi ngày ra đường, mỗi công việc đó là ngày vui. Đó là văn hóa”.

Nhà báo Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Trong mọi cuộc biến thiên của lịch sử, của đời sống, thì cái còn lại cuối cùng chính là văn hóa. Đó chính là nội sinh, là giá trị mà con người có thể làm ra, có thể ý thức trao truyền cho nhau. Gía trị thực sự được khẳng định với thông điệp mới từ hội nghị sẽ được lan tỏa từ hình thức đến hành động”.

Đây cũng là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hội nghị mở ra sự chuyển động mạnh mẽ trong đời sống văn hóa của đất nước nói riêng và đời sống xã hội nói chung. Cùng với đó, những chính sách về phát triển văn hóa sẽ được đưa vào thực tế.

Ông Mông Đông Vũ, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên thì cho biết: “Văn hóa cộng đồng các dân tộc ở Thái Nguyên, muốn cho nó phát triển thì tôi cho rằng cần phải được đầu tư, từ chính người dân từ mỗi dân tộc, từ người nghệ nhân, nghệ sỹ, chuyên gia, và người làm quản lý văn hóa”.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc bản luận xoay quanh nhiều vấn đề như động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay; Hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Xây dựng môi trường văn hóa, nhiệm vụ quan trọng để phát triển văn hóa con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam và phát huy giá trị của các di sản văn hóa để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây đều là những định hướng quan trọng để các địa phương, trong đó có Thái Nguyên tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu về phát triển văn hóa theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh.

Văn hóa soi đường cho quốc dân đi
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên khẳng định: “Những chính sách liên quan đến phát triển văn hóa như hỗ trợ xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở, các chính sách về bảo tồn văn hóa truyền thống, chính sách hỗ trợ đội ngũ văn nghệ sỹ, nghệ nhân trên địa bàn sẽ tạo điều kiện xây dựng văn hóa ở Thái Nguyên giữ gìn được bản sắc và luôn phát triển”.

Sau 75 năm kể từ hội nghị Văn hóa toàn quốc đầu tiên, hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 được tổ chức sẽ mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, sự đồng tâm hiệp lực của toàn thể nhân dân, của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa nước nhà sẽ có thêm động lực mới mạnh mẽ hơn để tham gia vào sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà. Triển khai thực hiện nghiêm túc và đồng bộ, toàn diện những quan điểm chỉ đạo, những nhiệm vụ và giải pháp mà Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, của tất cả các cấp các ngành để biến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng thành hiện thực.