Đoạn đường bê tông dài gần 1km nối từ đường Tân Thành vào xóm La Hoàng, xã Lương Sơn (T.P Thái Nguyên) vừa hoàn thành với giá trị đầu tư 1,8 tỷ đồng, DN Tư nhân Trung Thành ủng hộ trên 500 triệu đồng.
Đoạn đường bê tông dài gần 1km nối từ đường Tân Thành vào xóm La Hoàng,
xã Lương Sơn (T.P Thái Nguyên) vừa hoàn thành với giá trị đầu tư 1,8 tỷ đồng,
DN Tư nhân Trung Thành ủng hộ trên 500 triệu đồng.

Hỗ trợ vật chất xây dựng hạ tầng nông thôn

Nhà văn hóa xóm 6, xã Phúc Hà (T.P Thái Nguyên) được xây dựng đạt tiêu chí NTM, với tổng giá trị đầu tư 180 triệu đồng, hoàn thành vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập T.P Thái Nguyên (19-10). Trước nhu cầu về kinh phí (ngoài phần đóng góp của người dân), xóm cùng với xã đã vận động và được Công ty TNHH Một thành viên Than Khánh Hòa hỗ trợ 2,5 vạn viên gạch (trị giá 17 triệu đồng), Công ty CP Xi măng Quan Triều hỗ trợ 5 tấn xi măng (trị giá 5,5 triệu đồng), Xí nghiệp Z127 cùng với 2 DN tư nhân khác đóng trên địa bàn xã hỗ trợ tổng cộng 4 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phúc Hà, vào các năm 2009 và 2010, Công ty TNHH Một thành viên Than Khánh Hòa cũng đã hỗ trợ Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Phúc Hà xây dựng các công trình phụ trợ với tổng số tiền hàng chục triệu đồng; hỗ trợ gần 40 triệu đồng cho HTX Dịch vụ nông nghiệp Nam Hồng xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi…

Được biết, Công ty TNHH Một thành viên Than Khánh Hòa là đơn vị thường xuyên, tích cực hỗ trợ các địa phương nơi Công ty đóng chân, hoặc vùng lân cận (ngoài xã Phúc Hà còn có xã An Khánh, huyện Đại Từ và xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương) xây dựng những công trình phúc lợi xã hội như: Nhà văn hóa xóm (ủng hộ mỗi nhà văn hóa xây mới từ 2 đến trên 10 triệu đồng), giao thông nông thôn, trường học, kênh mương nội đồng. Năm 2011, Công ty đã xây tặng xã An Khánh hệ thống kênh mương thủy lợi trị giá 200 triệu đồng. Mới đây, Công ty tiếp tục hỗ trợ xã 2.000m3 đá bây (trị giá khoảng 140 triệu đồng) để làm đường dân sinh cấp phối – đây là lần thứ 3 tính từ đầu năm 2012, Công ty hỗ trợ xã Anh Khánh bằng hình thức này.

Góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường

Tháng 6/2012, Công ty TNHH Biển Đông (xã Yên Trạch, Phú Lương) đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất thanh củi mùn cưa, công suất 300 tấn sản phẩm/tháng. Nguyên liệu phục vụ cho dây chuyền là các phụ phẩm nông, lâm nghiệp rất sẵn có tại địa phương như mùn cưa, phoi bào, củi vụn, vỏ chấu, cốt ngô… Từ đó, chủ các cơ sở chế biến lâm sản tại xã Yên Trạch và khu vực lân cận không còn lo tìm chỗ đổ hoặc đốt lượng mùn cưa được thải ra hằng ngày mà lại có thêm thu nhập từ bán phụ phẩm này. Vấn đề môi trường phát sinh từ hàng chục tấn mùn cưa được thải ra mỗi ngày do các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn xã Yên Trạch đã cơ bản được giải quyết. Trước đó, mùn cưa thường được tiêu hủy bằng cách đốt nên gây ô nhiễm môi trường, hoặc đổ ra đường, ra suối gây cản trở giao thông, ách tắc dòng chảy.

Ông Nguyễn Văn Biểu, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trạch cho biết: Hoạt động của Công ty TNHH Biển Đông còn góp phần thúc đẩy kinh tế rừng của xã. Tiền thân của Công ty là cơ sở xẻ gỗ, buôn bán gỗ, ván đầu tiên tại xã Yên Trạch. Sau khi thấy xưởng xẻ gỗ của Công ty hoạt động hiệu quả đã có ngày càng nhiều người trong xã và khu vực lân cận làm theo (hiện nay, Yên Trạch có gần 50 cơ sở chế biến lâm sản). Trước đó, dù là một xã miền núi nhưng người dân trong xã không thực sự mặn mà với nghề rừng, bởi giá trị kinh tế thấp (chỉ bán gỗ thô; giao thông khó khăn). Người dân ngày càng nhận thấy lợi ích của việc trồng rừng khi đầu ra thuận lợi, giá bán ổn định, một phần do hoạt động của Công ty TNHH Biển Đông và những cơ sở thu mua, chế biến lâm sản trên địa bàn, kinh tế rừng đã trở thành mũi nhọn của xã.

Tạo việc làm cho người lao động

Công ty CP May Thành Hưng (xã Bảo Lý, Phú Bình) hiện đang sử dụng 200 lao động, chủ yếu là người dân địa phương. Mức thu nhập trung bình của công nhân Công ty hiện nay là 2,4 triệu đồng/người/tháng (cao hơn đầu năm 200.000 đồng), mỗi suất ăn trưa trị giá 12.000 đồng (cao hơn năm 2011 là 2.000/suất). Chị Nguyễn Thị Sen (xóm Thượng, xã Bảo Lý) đã làm việc tại Công ty được gần 2 năm, thu nhập 3 triệu đồng/tháng cho biết: Dù mức thu nhập chưa cao, nhưng khá hơn so với làm ruộng. Công ty lại ở gần nhà nên đỡ chi phí thuê nhà so với làm ở xa, tôi có thể tận dụng thời gian làm việc nhà ngoài giờ làm tại Công ty, tâm lý cũng thấy yên tâm hơn.

Tổng doanh số 10 tháng qua của Công ty CP May Thành Hưng đạt trên 8 tỷ đồng (không tăng so so với cùng kỳ), lợi nhuận thấp hơn giai đoạn trước, thậm chí có thời điểm thua lỗ nhưng người lao động vẫn được duy trì việc làm thường xuyên, trả lương đúng thời điểm và được đảm bảo các chế độ (bảo hiểm xã hội, thai sản…) theo quy định. Công ty đã thành lập tổ chức Công đoàn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động.

Ngoài các phương diện mà những ví dụ trên đây chỉ ra, vai trò của DN đối với xây dựng NTM ở tỉnh ta nói riêng, cả nước nói chung còn được thể hiện ở những phương diện khác, đang được các DN khẳng trong quá trình hoạt động, như: Góp phần quan trọng tạo ra chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa; chuyển giao khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho nông dân; bỏ vốn đầu tư vào những công trình có thể thu hồi vốn trực tiếp, như chợ nông thôn; ủng hộ Chương trình xóa nhà dột nát… Để đội ngũ DN ngày càng có những đóng góp lớn hơn cho quá trình xây dựng NTM, theo ông Nguyễn Xuân Tốt, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh thì chính quyền các địa phương cần thể hiện sự thân thiện, chia sẻ và tạo điều kiện hơn cho DN trong quá trình đầu tư, hoạt động, tránh việc chỉ chú tâm vận động ủng hộ.

Theo Báo Thái Nguyên