ung dung khoa hoc cong nghe cao trong san xuat che
Hiệp hội Làng nghề tỉnh bàn giao thiết bị chế biến, bảo quản sản phẩm chè cho nhân dân Làng nghề chè truyền thống xóm 9, thị trấn Sông Càu (Đồng Hỷ).

Từ lâu, Thái Nguyên đã triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích nhân dân các địa phương phát triển cây chè, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình lai tạo giống, chăm sóc, chế biến và bảo quản sản phẩm. Nội dung hỗ trợ gồm: Hỗ trợ giá các giống chè mới để trồng thay thế, trồng mới; cấp phát thiết bị chế biến, bảo quản sản phẩm chè; thực hiện các mô hình điểm về ứng dụng khoa học kỹ thuật gắn với tiêu thụ sản phẩm…

Doanh nghiệp (DN) tư nhân Linh Lượng, ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) là một trong những đơn vị đi đầu trên địa bàn tỉnh về việc xây dựng mô hình nhân giống chè bằng hom. Trung bình mỗi năm, DN sản xuất từ 12-15 triệu hom chè giống chất lượng cao phục vụ nhu cầu chuyển đổi cơ cấu giống chè của nhân dân trong tỉnh. Anh Dương Văn Lượng, Giám đốc DN thông tin: Để tạo ra nguồn chè giống bảo đảm, chúng tôi đã đầu tư hệ thống nhà xưởng, lưới che và vòi phun tưới đồng bộ; nguồn cây giống được lựa chọn rất kỹ; đồng thời chú trọng đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động. Từ đó góp phần giảm công lao động đến 85% và nâng cao năng suất. Hiện nay, doanh thu của DN đạt hơn 20 tỷ đồng/năm.

Trong việc trồng và chăm sóc chè, mô hình xây dựng nhà lưới của anh Đinh Quốc Văn, Tổ trưởng Tổ sản xuất chè VietGAP ở xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh (Phú Lương) rất đáng tìm hiểu để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Bắt đầu thử nghiệm làm nhà lưới bằng vật liệu tre nứa cho vườn chè từ năm 2014 và thu được hiệu quả, đầu năm 2016, anh Văn đầu tư hơn 30 triệu đồng làm mô hình bằng khung sắt với diện tích khoảng 700m2 để sản xuất chè vụ đông. “Nhà kính giống như trồng rau màu giúp giữ nhiệt nên cây chè có thể cho thêm thêm được 2 lứa vụ đông. Đây chính là vụ có ít chè thành phẩm nên giá bán tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với chính vụ. Mặt khác, việc che phủ như vậy còn giúp hạn chế một số loại sâu bệnh, công chăm sóc và tưới nước cũng ít hơn” - anh Văn chia sẻ. Được biết, ngoài làm nhà kính cho vườn chè, anh Văn còn áp dụng phương pháp bảo quản chè khá mới, đó là giữ trong tủ lạnh. Thực tế cách này giúp giữ được hương vị và màu sắc của chè như vừa thu hái với thời gian đến cả năm. Đây chính là bài toàn mà nhiều người làm chè cá thể đã loay hoay nhiều năm nhưng chưa tìm được lời giải. Bởi chè chính vụ có sản lượng lớn nhưng giá bán rẻ, muốn giữ lại dạng thô bán vào dịp Tết Nguyên đán thì hương vị và chất lượng lại giảm nhiều.

Vài năm trở lại đây, các DN, hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến chè trên địa bàn tỉnh cũng tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật và mang lại hiệu quả. HTX chè Tân Hương (xã Phúc Xuân, T.P Thái Nguyên) là một trong những DN tiên phong. Đây là đơn vị đầu tiền và duy nhất trên địa bàn tỉnh đã và đang áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt hơn theo tiêu chuẩn UTZ Certified (của tổ chức Solidaridad - Hà Lan). Để sản phẩm vừa đảm bảo chất lượng và an toàn, HTX đã tiến hành nâng cấp nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị phục vụ cho việc chế biến chè bằng công nghệ hiện đại kết hợp với phương pháp truyền thống của nghệ nhân. Ngoài ra, HTX còn trang bị các loại máy chuyên dụng như: máy sấy ủ hương chè, máy hút chân không, máy đóng gói băng chuyền tiên tiến… Bà Đỗ Thị Hiệp, Giám đốc HTX Chè Tân Hương giới thiệu: Chúng tôi đang thực hiện quy trình hút chân không “kép” trong quá trình chế biến. Chè thô sau khi sao được hút chân không ngay để bảo quản trong túi lớn, đến khi đóng hộp mới chia nhỏ và thực hiện hút chân không một lần nữa. Nhờ vậy, sản phẩm giữ được hương và chất lượng trong thời gian dài.

Để khuyến khích hơn nữa việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, tháng 7-2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2223/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2017-2020. Trong đó, Đề án đặt mục tiêu riêng với cây chè sẽ hình thành vùng sản xuất ứng dụng công nghệ có diện tích 3.900ha tại các địa phương của T.P Thái Nguyên, Đại Từ, Phú Lương, Định Hóa, Đồng Hỷ, Võ Nhai và T.X Phổ Yên. Đồng thời, xây dựng “mô hình điểm” sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao với quy mô 5ha tại xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên). Đây là mô hình được hỗ trợ đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, quản lý, từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh cũng đề ra những giải pháp về công nghệ trong sản xuất, chế biến và bảo quản chè, cũng định hướng hỗ trợ cụ thể. Đây thực sự sẽ cơ hội để người làm làm chè tiếp tục nâng cao hơn nữa, đưa sản phẩm thế mạnh của địa phương vươn xa không chỉ trong nước mà cả quốc tế.