Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp
Phòng mô phỏng, nơi thực hành và đào tạo kỹ năng cho sinh viên của Trường cao đẳng Y tế Thái Nguyên

Tại hội nghị tập huấn về công tác giáo dục nghề nghiệp do sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Thái Nguyên tổ chức mới đây, một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận đó là công tác chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.

Theo ông Kim Hồng Hưng, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp: "Bản thân các nhà trường cũng phải xây dựng được kế hoạch chuyển đổi số. Thứ nhất nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, tiếp cận với công nghệ số để xây dựng được hệ thống học liệu số cũng như nền tảng quản lý của nhà trường".

Ông Nguyễn Văn Thủy, Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường Cao đẳng công nghiệp Việt Đức cho biết: "Tất cả các khâu quản lý, từ quản lý hồ sơ học sinh, sinh viên, quản lý thông tin, kế toán... của trường đều phải áp dụng công nghệ thông tin".

Phòng mô phỏng, nơi thực hành và đào tạo kỹ năng cho sinh viên của Trường cao đẳng Y tế Thái Nguyên… Với hệ thống trang thiết bị và phần mềm hiện đại, giáo viên đưa ra các tình huống tiền lâm sàng như thật trên mô hình bệnh nhân, từ đó hướng dẫn sinh viên các biện pháp xử trí phù hợp.

Bên cạnh được quan sát, hướng dẫn chi tiết qua màn hình, sinh viên còn được thực hành trực tiếp trên các mô hình có kết nối với bảng điều khiển của giáo viên. Những công nghệ mới này đã hỗ trợ giáo viên giám sát và quản lý lớp học thuận lợi, đồng thời giúp sinh viên có đầy đủ kỹ năng khi đi thực tập lâm sàng tại các bệnh viện.

Sinh viên Nguyễn Đặng Anh Tuấn, Lớp CD 15A4, Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên tâm sự: "Các mô hình đều có trên App của trường nên chúng em được thực hành gần giống như trên người thật. Điều này giúp chúng em đi thực tế được dễ dàng hơn".

Điều dưỡng CK1 Lê Thị Phương Thảo, Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên: "Qua thời gian được làm quen cũng như được áp dụng công nghệ số vào trong giảng dạy tôi nhận thấy có nhiều chuyển biến tích cực, trong cả người học và giảng viên, giúp cho công tác dạy học và đánh giá người học rất tích cực".

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp

Thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực, chủ động, linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, giúp học viên phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo và chủ động.

Ông Phan Văn Tư, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại cho biết: "Trong bài giảng của giáo viên, nhà trường cho phép dùng giáo án điện tử, qua đó sự chuẩn bị của giáo viên được chu đáo, bài giảng được đa dạng thông tin và sinh động hơn".

Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Định Hóa xác định: "Chuyển đổi số là khâu then chốt của trường, coi là nhiệm vụ phải áp dụng thường xuyên trong những năm tiếp theo".

Về nhiệm vụ thời gian tới, Tiến sỹ Bế Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên cho biết: "Sẽ tiếp tục số hóa tất cả các hoạt động của nhà trường, từ công tác tuyển sinh, đào tạo, quản lý giảng viên; hoàn thiện hệ thống hạ tầng mạng, xây dựng chương trình đào tạo, đặc biệt là đào tạo chất lượng cao...".

Trong thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến 2030 với nhiều nội dung cụ thể. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗ lực khắc phục khó khăn, tăng cường thực hiện chuyển đổi số, từng bước phát triển hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế.