Từng bước xây dựng thương hiệu chè Văn Hán
Toàn xã Văn Hán hiện có trên 2.600 hộ dân, trong đó gần 2.300 hộ có nguồn thu nhập từ chè.

Toàn xã Văn Hán hiện có trên 2.600 hộ dân, trong đó gần 2.300 hộ có nguồn thu nhập từ chè. Cây chè đã được trồng ở đây khoảng 60 năm, mặc dù, thổ nhưỡng, khí hậu rất thích hợp nhưng sản phẩm chè Văn Hán vẫn chưa có thương hiệu, giá bán ra thị trường khá thấp so với những vùng chè khác trong tỉnh, 1kg chè búp khô thường dao động trong khoảng 80.000 đồng - 100.000 đồng. Vì vậy, khoảng 2-3 năm trở lại đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất chè VietGap, hướng hữu cơ tại xã.

Chị Hoàng Thị Thu Thương, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên chia sẻ: "Nếu làm theo mô hình này, chè của chúng tôi sẽ có thương hiệu hơn, người dân mong muốn thành lập hợp tác xã để có thương hiệu".

Bà Trần Thị Lụa, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi mong muốn làm mô hình chè sạch, an toàn, thay đổi tư duy sản xuất".

Từng bước xây dựng thương hiệu chè Văn Hán
Hiện nay, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn đang định hướng cho bà con nhân dân nhiều giải pháp để nâng cao giá trị sản phẩm chè Văn Hán.

Hiện nay, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn đang định hướng cho bà con nhân dân nhiều giải pháp để nâng cao giá trị sản phẩm chè Văn Hán như: chú trọng đến việc cải tạo, thâm canh, mở rộng diện tích trồng chè; thay thế các giống chè cũ, chè địa phương bằng những giống chè lai có năng suất, chất lượng cao; thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các hộ dân có nhu cầu gắn bó, phát triển cây chè, tham gia các mô hình trồng, chế biến chè theo quy trình VietGap.

Ông Nguyễn Xuân Hiên, Chủ tịch UBND xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho hay: "Chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con. Trong thời gian tới sẽ nâng cao giá trị của làng nghề, xây dựng thương hiệu chè Văn Hán".

Cây chè được coi là cây thoát nghèo của địa phương này. Làm sao trong những năm tới tiếp tục khuyến khích bà con nhân dân mở rộng và thay thế những giống chè cũ bằng giống chè mới có năng suất, chất lượng cao. Cùng với đó, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Văn Hán là trăn trở của người dân nơi đây, điều đó cần sự nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất của nông dân và sự tiếp tục hỗ trợ của ngành nông nghiệp./.