Nhận thấy chất đất tại một số địa phương phù hợp để trồng sâm bố chính, hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao TP Thái Nguyên đã liên kết với nhiều hộ dân trong vùng trên cơ sở hỗ trợ cho bà con nông dân cây giống, phân bón, kỹ thuật trồng và bao tiêu sản phẩm. Hiện, HTX đã có 20ha diện tích phát triển vùng dược liệu này. Củ sâm tươi được bán với giá dao động từ 5 trăm nghìn đồng đến 1 triệu 2 tăm nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, quá trình phát triển cây dược liệu cần thời gian và kiên trì để phát triển.

Từng bước phát triển cây dược liệu
Sâm tươi đến vụ thu hoạch.

Bà Nguyễn Son Hằng - Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao, TP Thái Nguyên cho biết: "Thời gian tới chúng tôi sẽ tham gia Ocop để khẳng định giá trị sản phẩm, hiện tại chúng tôi cũng rất mong được các sở ban ngành quan tâm hỗ trợ về nguồn vốn, hỗ trợ về xúc tiến thương mại để đầu ra ổn định hơn để bà con yên tâm sản xuất".

Theo thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến cuối năm 2021, Ngoài 3.000 ha cây quế trên địa bàn huyện Định Hóa thì diện tích cây dược liệu toàn tỉnh chỉ vào khoảng trên 300 ha. Mặc dù được sự quan tâm của các cấp chính quyền cùng với người dân trong tỉnh đã có kinh nghiệm, tập quán sản xuất một số cây dược liệu nhưng phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn khi quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ.

Ông Hà Trọng Tuấn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Với những lợi thế của từng vùng thì Thái Nguyên cũng có sự quan tâm nhất định cho việc phát triển và bảo tồn cây dược liệu, tuy nhiên hiện tại thì vẫn đang ở quy mô nhỏ lẻ, như hiện nay Võ Nhai có khoảng 8han trong đó có 7,5ha cây Đinh Lăng. Trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh có trồng mới khoảng 190ha cây dược liệu từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới".

Từng bước phát triển cây dược liệu
Phát triển cây dược liệu, thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất dược liệu tập trung.

Để thúc đẩy phát triển HTX dược liệu, Thái Nguyên đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển mô hình liên kết sản xuất, sản xuất an toàn, như hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tiếp cận vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên hiện nay, việc phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế, đòi hỏi sự tiếp tục quan tâm của các cơ quan chuyên môn để nâng cao thương hiệu, giá trị kinh tế từ những sản phẩm dược liệu.

Ông Dương Sơn Hà - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Để xây dựng xác định vùng sản xuất tập trung trong đó có phát triển theo dược liệu cùng với cây Quế, hiện nay Thái Nguyên có điều kiện thích nghi để phát triển loại cây dược liệu như là những vùng chân Tam Đảo, vùng ATK Định Hóa, vùng Võ Nhai thuận lợi khí hậu, đất để phát triển dược liệu theo Nghị quyết số 10 và đề án sản phẩm chủ lực thì với cây Quế".

Trong bối cảnh các loại cây dược liệu trong thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, một số giống cây quý có nguy cơ biến mất hoàn toàn thì việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu có ý nghĩa quan trọng. Do vậy, ngành nông nghiệp và các địa phương cần sớm có định hướng cụ thể, hướng dẫn người dân trong việc phát triển cây dược liệu, thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất dược liệu tập trung, kết nối cung - cầu, từng bước xây dựng thương hiệu, từ đó, góp phần đem lại thu nhập ổn định cho người dân, khai thác hết lợi thế hiện có.