Từng bước giải quyết ô nhiễm chăn nuôi
Nhiều trang trại chăn nuôi đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải công suất lớn, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Được sự tuyên truyền, hướng dẫn của ngành cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, trang trại này đang hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải với công suất hàng trăm m3/ngày. Với hệ thống xử lý trị giá hàng tỉ đồng được đưa vào hoạt động sẽ xử lý triệt để phát thải cho trang trại có công suất chăn lên đến hàng nghìn con lợn.

Anh Trần Đăng Mạnh, Chủ trang trại xóm Phú Tài, xã Phúc Thuận, TX Phổ Yên cho biết: “Hiện tại, trang trại đang xử lý hệ thống nước thải bằng hình thức xử lý bằng máy sục và vi sinh trong quá trình xả thải”.

Những năm trước đây, việc phát triển nóng ngành chăn nuôi đã đem đến những hệ quả nhất định cho môi trường của xã Phúc Thuận. Hiện, xã đang có 11 trạng trại chăn nuôi lớn, khoảng trên 300 hộ chăn nuôi gia trại có quy mô từ 30 con lợn trở lên. Người dân, hộ chăn nuôi và chính quyền xã đang từng bước cải tạo hệ thống xử lý chất thải, đồng thời quy hoạch các địa điểm chăn nuôi tập trung, giám sát chặt chẽ việc xử lý và xả thải của các gia trại, trang trại trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Hữu Khương, xóm Bãi Hu, xã Phúc Thuận, TX Phổ Yên, việc quy hoạch chăn nuôi sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm: “Đã có chỉ thị của tỉnh, huyện, xã, thì người ta sẽ phân ra từng khu vực. Khu vực chỗ nào chăn nuôi được và chỗ nào là chăn nuôi không hiệu quả. Từng khu vực như vậy thì ảnh hưởng hạn chế rất nhiều”.

Ông Đỗ Công Hanh, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận, TX Phổ Yên thông tin: “Từng bước đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về luật chăn nuôi, về các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực chăn nuôi; đồng thời đề xuất, kiến nghị với tỉnh, với thị xã, có các giải pháp hỗ trợ các hộ chăn nuôi đang ở trong vùng lõi dân cư”.

Ngoài việc tuyên truyền vận động để người chăn nuôi dần đi vào nền nếp, bảo vệ môi trường, ngành TNMT cũng đang chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước, chỉ cho phép các trang trại chăn nuôi tập trung hoạt động khi bảo đảm các yêu cầu đặt ra như: Đủ khoảng cách xa khu dân cư, có hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu môi trường, trồng cây xanh cách ly và các yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch bệnh... Mặt khác, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết đóng cửa các trang trại không đáp ứng yêu cầu, hoặc cố tình vi phạm, để tình trạng ô nhiễm kéo dài, chậm khắc phục.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần thực hiện việc kiểm tra, quan trắc môi trường định kỳ theo quy định đối với các khu chăn nuôi tập trung lớn để làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm và công khai các chỉ số môi trường cho người dân tham gia giám sát... Đồng thời, có chính sách, cơ chế hỗ trợ các vùng chăn nuôi tập trung, các chủ trang trại trong việc xử lý chất thải, bảo đảm vệ sinh môi trường về kỹ thuật cũng như về cơ sở hạ tầng xử lý chất thải./.