Từ sự lựa chọn lịch sử đến điểm hẹn lịch sử
“Cuộc họp Tỉn Keo” sẽ mãi được lịch sử nhắc nhớ trên quê hương “Thủ đô gió ngàn”

Năm 1953, sau 8 năm trở lại xâm lược, với hy vọng sớm giành thắng lợi quân sự quyết định, tìm “lối thoát danh dự” dứt điểm cuộc chiến tranh ở Việt Nam, hơn 16.200 quân đã được thực dân Pháp huy động để xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, "một pháo đài không thể công phá" với mục đích "nghiền nát" bộ đội chủ lực của ta, hi vọng trong 18 tháng "sẽ chuyển bại thành thắng".

“Cuộc họp Tỉn Keo” sẽ mãi được lịch sử nhắc nhớ về những thời khắc đặc biệt nhất trong 9 năm trường kỳ kháng chiến của Bác Hồ và các cơ quan Trung ương trên quê hương “Thủ đô gió ngàn”. Dưới mái lán vầu, cọ đơn sơ trên đồi Tỉn Keo, ngày 6/12/1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị thông qua chủ trương, kế hoạch tác chiến Đông Xuân (1953-1954), quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chị Hoàng Thị Hiệp, Hướng dẫn viên Ban Quản lý Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa, Thái Nguyên kể lại: “Sau khi cuộc họp này kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh có căn dặn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp rằng: ‘trận đánh này có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ về mặt quân sự mà còn cả về mặt chính trị, không chỉ có ý nghĩa trong nước mà còn cả với quốc tế. Chính vì vậy mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải kiên quyết đánh cho kỳ thắng”. Lời căn dặn của Bác tuy ngắn ngủi nhưng đã thể hiện được trọn vẹn niềm tin của người đối với vị tướng trẻ, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Từ sự lựa chọn lịch sử đến điểm hẹn lịch sử
Lán Tỉn Keo, nơi diễn ra cuộc họp Bộ Chính trị thông qua chủ trương, kế hoạch tác chiến Đông Xuân (1953-1954) ngày 6/12/1953

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Bộ Chính trị giao trọng trách làm Tổng tư lệnh, trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Một ngày đầu năm 1954, lán Khuôn Tát chứng kiến cuộc chia tay giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh tiễn người học trò của mình lên đường ra trận: “Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”. Những lời dặn dò ấy đã giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa ra một quyết định lịch sử, thay đổi cục diện chiến trường. Đó là những kí ức không thể quên đối với những người lính đã từng vinh dự tham gia vào chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Trần Xuân Yến, Nguyên Chiến sỹ Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 nhớ lại: “Ngày 26/1/1954 thì bắt đầu xuất kích, đánh nhanh, thắng nhanh. Đi được khoảng 2 Km chúng tôi có lệnh dừng lại. Đến sau chúng tôi mới hiểu khi đó Đại tướng đã thay đổi phương châm”.

Trung tướng Phạm Hồng Cư, Nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chia sẻ: “Khi đó Đảng ủy thống nhất với Đại tướng rằng, không theo phương án đánh nhanh thắng nhanh nữa, tạm thời lui quân cho ngay Đại đoàn 308 sang Lào để đánh lạc hướng địch và chuẩn bị lại. Từ việc chuẩn bị lại ấy sẽ tiến hành đánh chắc, tiến chắc, hình thành bao vây chiến dịch”.

Ngày mở màn trận đánh “kinh điển” Điện Biên Phủ được lùi lại một tháng rưỡi so với kế hoạch đã được xác định. Trận khai hỏa chiến dịch Điện Biên Phủ được ấn định vào ngày 13/3/1954 với việc tấn công vào đồi Him Lam và đã kết thúc vào chiều ngày 7/5/1954. Lá cờ quyết chiến, quyết thắng của Quân đội Việt Nam tung bay trên nóc hầm chỉ huy của tướng De Castries, chỉ huy cao nhất ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng đã đặt dấu chấm hết cho sự xuất hiện của thực dân Pháp trên toàn cõi Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm của dân tộc Việt Nam.

Tin vui chiến thắng trăm miền

Hoà Bình, Tây Bắc, Ðiện Biên vui về

Vui từ Ðồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng

Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Việt Nam đã khiến cả thế giới chấn động. Và mảnh đất này đã cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm nên một hành trình lịch sử trong suốt 9 năm nếm mật nằm gai đưa ra những quyết định quân sự quan trọng, đi từ sự lựa chọn lịch sử đến điểm hẹn lịch sử./.