Từ “Lá chắn trắng” đến “Họ cần tiếp sức”
Họa sỹ Nguyễn Lộc bên bức tranh “Họ cần tiếp sức

Chương trình “Đấu giá tác phẩm nghệ thuật – Vượt qua đại dịch COVID-19” do Báo An ninh Thủ đô và Indochineart phối hợp thực hiện năm 2020 đã thu hút và nhận được sự ủng hộ của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Phan Cẩm Thượng, Lý Trực Sơn, Khổng Đỗ Tuyền, Trần Hoàng Sơn, Vũ Đình Tuấn, Nguyễn Lộc.

Bức tranh mà họa sỹ Nguyễn Lộc tham gia đấu giá có tên gọi: “Lá chắn trắng”. Sắc trắng và những đôi mắt dưới ngôn từ hội họa được họa sĩ khắc họa như một biểu tượng đẹp về người thầy thuốc, đem lại niềm tin cho mọi người trước dịch bệnh.

Họa sỹ Nguyễn Lộc, Giảng viên trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc chia sẻ: “Tôi cảm động trước sự quyết tâm hết lòng của những người lính trên tuyến đầu chống dịch là các bác sỹ, lực lượng công an, quân đội. Tôi vẽ lá chắn trắng, những đôi mắt đỏ, là sự đoàn kết giữa con người tạo ra lá chắn để chống lại dịch bệnh”.

Nối tiếp mạch nguồn cảm xúc của mình, năm 2021, đợt dịch lần thứ 4 bùng phát với nhiều diễn biến phức tạp. Họa sỹ Nguyễn Lộc lại một lần nữa cầm cọ. Lấy cảm hứng từ câu chuyện, hình ảnh thời sự, những điều thực tế mà Việt Nam đã và đang trải qua trong cuộc chiến chống dịch.

Bức tranh “Họ cần tiếp sức” với hình ảnh đẹp, cảm xúc, chứa đựng lòng biết ơn, khâm phục này đã tạo nên những lan tỏa tích cực, là ánh sáng có ý nghĩa, sự ấm áp để khích lệ tinh thần quyết tâm chống dịch của toàn dân .

Họa sỹ Nguyễn Lộc, Giảng viên trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc chia sẻ thêm: “Trước tiên, tôi vẽ vì bản thân muốn vẽ. Vẽ vì không thể dừng. Nếu sau này có thể có ai đó mua tôi sẽ dùng số tiền này quyên góp, góp công sức nho nhỏ của mình vào cuộc chống đại dịch. Lúc này, nhìn họ là lá chắn, nhưng đến giờ cũng khá mệt mỏi, kiệt sức nên tôi nghĩ họ cần tiếp sức”.

Có ánh mắt kiên nghị, có ánh mắt hi vọng và có cả ánh mắt mệt mỏi. Họ - lực lượng y tế, công an, quân đội thực sự đang cần tiếp sức. Sự tiếp sức đến từ mỗi chúng ta: đồng lòng và quyết tâm, mạnh mẽ cùng một cái nhìn, cùng nghĩ suy, cảm xúc và ý chí, tạo nên sức mạnh của sự đoàn kết, nghị lực phi thường chiến đấu và vượt qua dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.