Tự chủ Đại học: Cơ hội và thách thức
Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp là một trong những đơn vị có số lượng sinh viên theo học lớn nhất của Đại học Thái Nguyên.

Là một trong 10 đơn vị thành viên của Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp được hưởng những chính sách đặc thù và quyền tự chủ của Chính phủ dành cho Đại học Vùng. Đến nay trường đã từng bước tự chủ được về học thuật, chuyên môn, về biên chế tổ chức bộ máy và về tài chính theo quy định. Với gần 30 chương trình đào tạo, trường là một trong những đơn vị có số lượng sinh viên theo học lớn nhất của Đại học Thái Nguyên. Tuy nhiên, khi nguồn lực tài chính chủ yếu từ học phí, lại chỉ đáp ứng được kinh phí chi thường xuyên ở mức hạn hẹp.

PGS.TS Ngô Như Khoa - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi hơn 10 năm rồi cũng không có được đến một giá trị đầu tư đáng kể nào. Tuy nhiên thì theo định hướng tự chủ thì kinh phí đầu tư hàng năm của Nhà nước thì giảm dần, trong khi đó với vị trí của trường, nguồn thủy sinh không được dồi dào, cực kỳ khó khăn trong việc tạo ra thế và lực phát triển".

Tự chủ Đại học: Cơ hội và thách thức

Tự chủ đại học được coi là cơ hội để các trường tạo sức đột phá, thúc đẩy phát huy tối đa nội lực, vận hành tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn; đồng thời làm tăng tính cạnh tranh giữa các trường, tạo điều kiện để đa dạng hóa các hoạt động giáo dục đại học. Tuy nhiên, để tự chủ hoàn toàn thì cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với các trường.

PGS.TS Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng Trường Đại học CNTT và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên cho biết: "Khi ngân sách thường xuyên không được cấp nữa, vì vậy chúng tôi cũng rất mong muốn về kế hoạch quản lý thì Nhà nước sẽ có những hỗ trợ, những gói đầu tư để cho những đơn vị đủ điều kiện tự chủ mạnh dạn tiến hành tự chủ. Mong muốn là có những cơ chế chính sách được điều chỉnh cho phù hợp hơn trong quá trình tự chủ như câu chuyện tự chủ về mặt nhân sự, con người đối với các trường tự chủ sẽ được thực hiện như thế nào!".

PGS.TS Đỗ Anh Tài - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế - QTKD, Đại học Thái Nguyên cho biết: "Các cơ sở giáo dục đào tạo trong Đại học Thái Nguyên, đặc biệt là một số trường ra đời sau như trường Đại học Kinh tế & Quản trị kinh doanh của chúng tôi hiện nay về cơ sở vật chất cũng còn đang rất là yếu, tất nhiên tự chủ trong thời gian tới Nhà nước vẫn đầu tư cơ sở vật chất, nhưng về cơ bản thì các trường cũng sẽ phải dùng nguồn của mình để tiếp tục đầu tư, vì vậy khi chuyển sang tự chủ thì vấn đề đó cũng bị sẽ bị hạn chế".

Để giải quyết căn bản các vấn đề trên thì trước mắt các trường đang nỗ lực để từng bước nâng cao chất lượng toàn diện, từ đó mới thu hút được người học. Đồng thời tận dụng mọi nguồn lực đầu tư để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất nhà trường.

PGS.TS Ngô Như Khoa, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên cho biết về định hướng của trường: "Chúng tôi cũng chấp nhận vốn vay từ nguồn đầu tư ODA hay vốn vay từ các doanh nghiệp xã hội để xây dựng phát triển ở trường thì mới thu được cho đối tượng người học".

PGS.TS Đỗ Anh Tài, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế - QTKD, Đại học Thái Nguyên cho biết thêm: "Chúng tôi cũng quyết tâm trong thời gian tới sẽ triển khai các hoạt động nhanh hơn, nhạy bén và cố gắng đổi mới toàn diện".

Triển khai cơ chế tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ và từng bước khẳng định vị thế, nâng tầm thương hiệu. Do vậy, để thực hiện tự chủ thành công, Đại học Thái Nguyên cần có giải pháp tạo động lực, nâng cao năng lực tự chủ gắn với trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả lĩnh vực quản lý nhà trường nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác quản trị theo hướng tự chủ, từ đó thúc đẩy cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ trong thời gian sớm nhất./.