Từ 2/7/2021, phương tiện kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát sẽ bị phạt
Kinh phí lớn từ việc lắp đặt Camera giám lưu trữ hình ảnh và chi trả phí bảo trì khiến các doanh nghiệp vận tải đang gặp khó do dịch COVID-19 nay lại càng khó vì quy định mới

Nghị định 10 năm 2020 của Chính phủ quy định bắt buộc xe kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera lưu trữ hình ảnh trong suốt quá trình tham gia giao thông. Trong đó thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe tối thiểu là 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500km và tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 km. Hình ảnh camera trên xe phải được truyền với tần suất từ 15 - 20 lần/giờ (tương đương từ 3 - 5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị quản lý Nhà nước có thẩm quyền nhằm đảm bảo an ninh và an toàn giao thông. Hiện nay, tai nạn giao thông do xe khách, xe tải vẫn khá phổ biến. Cùng với đó, thực trạng vi phạm các quy định về giao thông vẫn còn nhiều. Bởi vậy, việc ban hành Nghị định này về việc lắp đặt camera lưu trữ hình ảnh trong suốt quá trình tham gia giao thông được cho là cần thiết:

Ông Trần Văn Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Việc lắp camera cho hành khách và lái xe trong quá trình tham gia giao thông sẽ góp phần thực hiện nghiêm các quy định về thể lệ vận tải, các hoạt động vận tải, quá trình vận hành trên đường, góp phần đảm bảo an toàn giao thông. Việc giám sát hành trình cũng đã có kinh nghiệm rất rõ là sau khi triển khai giám sát hành trình trước đây đã có tỷ lệ mắc lỗi vi phạm trên 1 thời gian hành trình đã giảm đi 36 lần”.

Ông Nguyễn Quốc Xuân, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính Công ty TNHH Xuất - Nhập khẩu Thái An Dương chia sẻ: “Chúng tôi thấy là lắp camera hành trình thì theo quy trình nó sẽ nâng cao chất lượng tiêu chuẩn của Bộ Giao thông vận tải đề ra. Vì phải số hóa, phải theo chiều phát triển, phải nắm bắt thông tin kịp thời trong quá trình tham gia giao thông”.

Theo thống kê của Sở Giao thông- Vận tải, trên địa bàn toàn tỉnh có 739 đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện thuộc diện phải lắp camera theo quy định của Nghị định 10 với tổng số 1.946 xe. Sở đã tích cực triển khai các quy định của Nghị định 10 tới các đơn vị ngày trong đầu quý 2 năm 2020.

Từ 2/7/2021, phương tiện kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát sẽ bị phạt
Từ 2/7/2021 phương tiện kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát sẽ bị phạt

Mặc dù đã tiếp cận và nắm bắt các nội dung, quy định phải thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ song đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh vẫn chưa có đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải nào triển khai lắp đặt Camera giám sát hành trình theo quy định bởi rất nhiều lý do. Đơn cử như đối với Công ty Cổ phần vận tải hành khách Thái Nguyên. Hiện đơn vị có 50 đầu xe thuộc diện phải lắp Camera giám sát suốt hành trình theo quy định, nếu triển khai lắp đặt theo quy định đối với cả 50 xe này, thì liệu đơn vị có thể thực hiện được hay không?

Ông Lê Sỹ Tiến, Giám đốc Công ty Cổ phần vận tải hành khách Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi vẫn phải phấn đấu hết mình để kịp thời gian theo quy định. Nhưng bảo bao giờ xong thì doanh nghiệp chưa nói trước được vì cũng do điều kiện nữa. Do dịch COVID-19 từ năm 2020 đến giờ nên các doanh nghiệp vận tải gặp quá nhiều khó khăn đi. Để kinh doanh vận tải phải lắp đặt ngay nhiều thiết bị thế cũng là một vấn đề lớn”.

Đối với các đơn vị vận tải – 1 trong những lĩnh vực chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID-19 thì vấn đề kinh phí trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay là vấn đề không hề nhỏ. Bên cạnh đó, các đơn vị vận tải cũng còn nhiều băn khoăn, lo lắng về hiệu quả sử dụng camera lưu trữ hình ảnh liệu có tương xứng với giá trị đầu tư hay không?

Ông Nguyễn Quốc Xuân, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính Công ty TNHH Xuất - Nhập khẩu Thái An Dương băn khoăn: “Lắp xong camera rồi thì phải duy trì phí bảo trì hoạt động cũng rất nhiều, tính theo tháng cũng rất nhiều. Đối với các doanh nghiệp cũng rất khó khăn nên tôi kiến nghị là lui lại thời gian lắp đặt thiết bị camera giám sát”.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, trước những khó khăn và băn khoăn, lo lắng nêu trên, ngành Giao thông- Vận tải cũng rất chia sẻ với các đơn vị, doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Long, Phó Giám đốc sở Giao thông- Vận tải tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp cam kết cũng như đăng ký phương tiện về thời gian lắp đặt camera giám sát hành trình. Hiện chúng tôi cũng đang đề nghị các cơ quan chức năng có đầu mối nhập khẩu thiết bị với giá thành chi phí phù hợp để cho các doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn này giảm được chi phí”.

Hiện nhiều doanh nghiệp tại Thái Nguyên đã lắp Camera hành trình trên các phương tiện, song những Camera thông thường đó không đạt tiêu chuẩn nên vẫn phải tháo gỡ để lắp đặt thay thế camera theo quy định, quy chuẩn đã được quy định trong Nghị định 10 của Chính phủ.

Nếu như đại dịch COVID-19 không diễn ra, thì việc triển khai lắp đặt các Camera theo quy định không phải là vấn đề quá sức đối với các doanh nghiệp vận tải Thái Nguyên. Nhưng hiện nay, sau những tác động của dịch bệnh, dù đã phục hồi phần nào các hoạt động, song doanh nghiệp vận tải vẫn còn rất nhiều khó khăn phải đối mặt. Lại thêm khoản kinh phí lớn từ việc lắp đặt Camera giám lưu trữ hình ảnh và chi trả phí bảo trì. Có lẽ là quá sức doanh nghiệp trong lúc này.

Bởi vậy, đứng trước yêu cầu hoàn thành việc lắp đặt Camera giám sát hành trình theo quy định trước ngày 1/7, các đơn vị, doanh nghiệp vận tải có rất nhiều tâm tư. Đó là không phải không chấp hành quy định nhưng tại thời điểm hiện nay, khả năng tài chính của doanh nghiệp không thể đáp ứng việc theo quy định.

Tuy nhiên, sau ngày 1/7/2021, các phương tiện trong diện bắt buộc phải lắp camera giám sát nhưng chưa thực hiện hoặc lắp đặt camera không đúng quy định sẽ bị xử lý nghiêm./.