Triển khai công tác tài chính - ngân sách năm 2022
đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại Hội nghị

Hết năm 2021, thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt 219.900 tỷ đồng, bằng 116% so với dự toán, tăng 3,7% so với năm 2020. Công tác điều hành chi NSNN chủ động, triệt để. Riêng tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển chậm hơn năm trước, đến hết năm 2021 cả nước giải ngân đạt 74,7% dự toán Quốc hội giao và ba bằng 77,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong năm, Bộ Tài chính cũng đã kiểm soát chặt chẽ nợ công, tiếp tục tái cơ cấu nợ công theo hướng bền vững. Đồng thời, chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời có những điều chỉnh về chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân.

Phát biểu thảo luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đã báo cáo khái quát những kết quả nổi bật mà Thái Nguyên đạt được trong năm qua, trong đó, thu NSNN lần đầu tiên đạt 18 nghìn tỷ đồng; công tác điều hành chi ngân sách đạt hiệu quả; giải ngân vốn đầu tư công đạt 143% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Để việc thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục dành sự quan tâm, tháo gỡ khó khăn trong thanh toán các dự án BT (nhất là dự án đã được triển khai trước ngày 1/8/2021); Báo cáo Quốc hội để Thái Nguyên được sử dụng nguồn kết dư từ cải cách tiền lương để đầu tư cho công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án đầu tư công; tiếp tục dành nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Thái Nguyên cũng mong muốn được đón nhận các dự án về chuyển đổi số, các dự án, mô hình thí điểm trên các lĩnh vực mà Trung ương triển khai trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực và kết quả Ngành Tài chính đã đạt được trong năm 2021. Đồng thời nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ mà toàn ngành cần quan tâm thực hiện trong năm 2022 đó là: cần thể chế hóa các nghị quyết để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao; khắc phục hạn chế, bám sát thực tiễn, chủ động thích ứng và nắm chắc tình hình, tham mưu chiến lược, lắng nghe ý kiến của địa phương và tập trung đẩy mạnh 3 đột phá; phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; đảm bảo chi hiệu quả, tiết kiệm, dành nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ phục hồi kinh tế và các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách khác; đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai mạnh hóa đơn điện tử, chuyển đổi số. Thủ tướng tin tưởng, năm 2022, toàn ngành Tài chính sẽ đạt thành tích cao hơn năm 2021.