Trang trại chăn nuôi không giấy phép gây ô nhiễm môi trường
Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở lên bức xúc với người dân sống quanh khu vực.

Theo phản ánh của người dân xã Nam Hòa, khoảng tháng 6 năm trở lại đây khi một số trang trại chăn nuôi trên địa bàn thị trấn Trại Cau đi vào hoạt động, do các trang trại này nằm tiếp giáp với khu dân cư xóm Bờ Suối, xã Nam Hòa, nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở lên bức xúc. Nhiều lần người dân đã phán ánh đến các cấp chính quyền địa phương nhưng không chuyển biến, cực chẳng đã mỗi gia đình đành phải tìm mọi cách khắc phục tạm thời hạn để hạn chế bớt phần nào ngột ngạt vì ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của hàng trăm hộ dân.

Ông Đỗ Văn Quyền - Xóm Bờ Suối xã Nam Hòa phản ánh: "Nhiều nhà ở đây phải cắt xốp bít cửa, ô thoáng không dám để hở, hằng ngày phát tỏa cái mùi hôi thối, người dân chúng tôi không dám ra ngoài nữa bởi vì nó quá nặng mùi không chịu nổi".

Ông Lương Văn Thiện - Xóm Bờ Suối xã Nam Hòa đề nghị: "Đề nghị chính quyền xem xét, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở đây, bây giờ con suối bị ô nhiễm nghiệm trọng rồi".

Do trang trại nằm trên địa bàn thị trấn Trại Cau nhưng lại gây gô nhiễm trực tiếp đến các hộ dân thuộc xóm Bờ Suối xã Nam Hòa. Mặc dù nhiều lần cử tri phản ánh, nhưng lãnh đạo xã Nam Hòa cũng chỉ biết báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền kiểm tra, xử lý.

Trang trại chăn nuôi không giấy phép gây ô nhiễm môi trường
Khu vực trang trại chăn nuôi không đúng quy định pháp luật.

Ông Lê Văn Lâm - Chủ tịch UBND xã Nam Hòa, Đồng Hỷ cho biết: "Trong thời gian tới thì chúng tôi sẽ có công văn đề nghị UBND thị trấn Trại Cau phối hợp với phòng Tài nguyên Môi trường kiểm tra và xử lý theo quy định pháp luật".

Theo hồ sơ địa chính do UBND thị trấn Trại Cau quản lý, trang trại mà người dân phản ánh gây ô nhiễm được xây dựng và đi và hoạt động từ năm 2015 trên diện tích khoảng 4000 mét vuông, nằm trên địa bàn tổ 1, thị trấn Trại Cau. Qua kiểm tra thực tế, toàn bộ diện tích này chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, người dân tự ý san gạt, xây dựng trên đất trồng rừng, vì hoạt động tự phát do nhu cầu phát triển kinh tế hộ gia đình nên các thủ tục đăng ký kinh doanh, cam kết bảo vệ môi trường cũng không được thực hiện theo quy định.

Ông Vũ Văn Hùng - Chủ trang trại chăn nuôi, Tổ 1, thị trấn Trại Cau cho biết: "Từ lúc xây dựng trang trại, tôi chỉ báo cáo UBND thị trấn để xây dựng thôi, còn vấn đề môi trường thì không có máy móc nên không kiểm định được vấn đề ô nhiễm môi trường".

Ông Nghiêm Sơn Hà - Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau, Đồng Hỷ cho biết: "hầu hết các trang tại xây dựng từ năm 2015 đều không được cấp phép, đây cũng là một tồn tại trong quá trình xây dựng và sử dụng đất ở trên địa bàn thị trấn. Rất mong muốn các cấp huyện, tỉnh có cơ chế chính sách, chủ trương để giải quyết những tồn tại từ trước đến nay".

Theo quy định của Luật chăn nuôi 2018, hầu hết các trang trại chăn nuôi ở các địa phương hiện nay đều không đáp ứng yêu cầu khoảng cách tối thiểu với khu dân cư, không phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Theo quy định của pháp luật hiện hành, tất cả những trang trại này đều phải chuyển đổi sang loại hình kinh doanh khác phù hợp, tuy nhiên giải pháp trước mắt là tuyên truyền vận động người dân tự giác. Để chấn chỉnh, xử lý dứt điểm những trai trại như thế này đang là bài toán khó đặt ra cho mỗi địa phương.