Trong những ngày gần đây, bằng camera giấu kín, phóng viên VTV đã ghi được những hình ảnh 1 số cơ sở bán hoa quả nhập khẩu có thủ đoạn "nhập nhèm" nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Tại một cửa hàng bán hoa quả trên phố Minh Khai, Hà Nội, có nhiều loại nho được bày bán. Nhân viên ở đây giới thiệu đều là nho nhập khẩu Úc, Mỹ, Hàn với giá từ 350 nghìn đồng đến 1,8 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, trên sản phẩm lại không hề có tem mác gì để chứng minh.

Ngoài ra, phóng viên tìm cả cửa hàng mới phát hiện có quả lê được dán tem mác, được giới thiệu nhập từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, quả thì không có mã QR, quả có mã thì lại không quét được.

Tại một cửa hàng khác, nhân viên giới thiệu các loại táo ở đây đều được nhập từ Mỹ, thế nhưng tem mác lại in chữ nhập từ New Zealand.

Mỗi cửa hàng đều tìm lý do không bình thường để giải thích về nguồn gốc bất thường của các loại trái cây nhập khẩu được bày bán. Dưới cái mác trái cây nhập khẩu, không ít người tiêu dùng đã bỏ tiền để mua các loại trái cây này với mức giá không hề rẻ. Vậy nhưng, ít ai biết được, nguồn gốc thực sự của những loại hoa quả này mà các cửa hàng đang bán.

Mới đây, lực lượng quản lý thị trường TP Hà Nội đã đi kiểm tra đột xuất 1 số cửa hàng bán hoa quả nhập khẩu thì phát hiện 1 cửa hàng ở đường Trần Duy Hưng có hành vi "hô biến" lê Trung Quốc thành lê Hàn Quốc để bán cho người tiêu dùng.

Ông Lee Kwang Sung, Phó trưởng Chi nhánh Hiệp hội nông thủy sản Hàn Quốc tại Hà Nội, cho biết: "Hiện nay có rất nhiều sản phẩm giả mạo lê Hàn Quốc đang được phân phối tại thị trường Việt Nam. Cách để nhận diện rõ nhất chính là mã QR, tem chống hàng giả, nhãn K-pear có chữ Korea trên các sản phẩm lê Hàn Quốc. Vì có tem nhãn và mã QR nên cách chắc chắn nhất và yên tâm nhất là scan mã QR để kiểm tra thông tin nhà xuất khẩu".

Mập mờ nguồn gốc của trái cây nhập khẩu, không ít cửa hàng hoa quả đã thu lãi đậm bởi thực tế, cùng 1 loại hoa quả nhưng nguồn gốc khác nhau, giá cả đã chênh nhau từ 3-5 lần.