Tinh hinh dich benh sang 8/5: Gan 3,3 trieu nguoi tu vong do COVID-19 hinh anh 1
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Osaka, Nhật Bản, ngày 7/5/2021. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 8/5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 157.526.743 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 3,28 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là hơn 134,7 triệu người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 594.909 ca tử vong trong tổng số hơn 33,4 triệu ca nhiễm. Ấn Độ xếp thứ hai thế giới về số ca nhiễm với 21,8 triệu ca, song đứng thứ ba thế giới về số ca tử vong với 238.265 ca.

Với hơn 15 triệu ca nhiễm và 419.393 ca tử vong, Brazil xếp thứ ba thế giới về số ca mắc và thứ hai thế giới về số bệnh nhân không qua khỏi.

Tính theo tỷ lệ dân số, Hungary là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 293 người tử vong. Tiếp đến là Cộng hòa Séc với 276 người và Bosnia-Herzegovina với 267 người/100.000 dân.

Tại châu Á, Nhật Bản ngày 7/5 ghi nhận thêm 6.057 ca mắc mới COVID-19, lần đầu tiên vượt ngưỡng 6.000 ca/ngày kể từ ngày 16/1. Ngoài ra, Nhật Bản cũng có thêm 148 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 tại nước này lên 10.773 người.

Nhiều địa phương của nước này đã ghi nhận sự gia tăng trở lại các ca mắc mới COVID-19, trong đó thủ đô Tokyo ghi nhận 907 ca và tỉnh Osaka có thêm 1.005 ca.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã tuyên bố gia hạn tình trạng khẩn cấp đối với 4 địa phương là Tokyo, Osaka, Hyogo và Kyoto đến hết ngày 31/5, đồng thời bổ sung thêm 2 tỉnh Aichi và Fukuoka vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp từ ngày 12/5.

Trong khi đó, chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) tuyên bố sẽ rút ngắn thời gian cách ly đối với những người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 kể từ ngày 12/5.

Theo đó, những người khi đến Hong Kong từ các khu vực được đánh giá là có nguy cơ thấp như Australia, New Zealand, Singapore, đã tiêm xong 2 mũi vaccine 14 ngày trước khi nhập cảnh vào Hong Kong chỉ phải cách ly tại khách sạn được chỉ định trong 7 ngày, còn 7 ngày tự theo dõi tại nhà.

Những người đến từ các khu vực có nguy cơ trung bình và cao phải cách ly tại khách sạn được chỉ định 14 ngày và 7 ngày cách ly tại nhà, trong khi những người đến từ các khu vực nguy cơ rất cao như Anh, Ireland vẫn áp dụng chính sách cách ly tại khách sạn được chỉ định 21 ngày.

Những người đến từ khu vực có nguy cơ cao nhất như Philippines, Ấn Độ, Nam Phi vẫn tiếp tục bị cấm nhập cảnh Hong Kong.

Tại châu Âu, Pháp ghi nhận thêm 19.124 ca mắc và 235 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và không qua khỏi lên lần lượt 5.747.214 ca và 106.101 ca. Trong 24 giờ qua, Đức có thêm 17.550 ca mắc, nâng tổng số ca nhiễm lên 3.504.012 ca. Số ca tử vong do COVID-19 tại Đức hiện là 85.056 ca, tăng thêm 245 ca.

Trong khi đó, Italy thông báo 10.554 ca mắc mới và thêm 207 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và không qua khỏi lên lần lượt 4.092.747 ca và 122.470 ca.

Anh đã ghi nhận 4.428.553 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và 127.583 ca tử vong kể từ khi đại dịch xuất hiện. Các quan chức y tế Anh đã liệt B.1.617.2 - biến thể virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ - là "biến thể đáng lo ngại" do đặc tính dễ lây lan của nó.

Tại châu Mỹ, Mexico hiện ghi nhận gần 3.000 ca mắc mới mỗi ngày. Bộ trưởng Giáo dục Mexico Delfina Gomez Alvarez cho biết nước này sẽ cho mở lại hình thức lớp học trực tiếp từ ngày 15/6 tới, sau khi toàn bộ 3 triệu giáo viên đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Việc cho giáo viên và học sinh trở lại lớp học phải đáp ứng các điều kiện cần thiết để đảm bảo an toàn trước nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Theo đó, việc các em đến trường là hoàn toàn tự nguyện và có sự đồng ý của phụ huynh.

Các em phải tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh dịch tễ ở trường học và theo dõi sát tình trạng sức khỏe. Trong trường hợp phát hiện có ca lây nhiễm, trường học phải đóng cửa trong ít nhất 15 ngày.

Liên quan đến vaccine ngừa COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Trung Quốc Sinopharm trong trường hợp khẩn cấp.

Với quyết định này của WHO, vaccine của Sinopharm trở thành vaccine ngừa COVID-19 thứ sáu được WHO phê chuẩn. Đây cũng là lần đầu tiên WHO cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp cho một loại vaccine do Trung Quốc phát triển và bào chế./.