Tinh giản biên chế và bài toán thiếu giáo viên ở nhiều cấp học

Trường THPT Điềm Thuỵ hiện chỉ có 76/78 biên chế giáo viên theo quy định. Do vậy từ năm học 2021 - 2022, trường đã phải thực hiện thuê khoán hợp đồng 2 giáo viên giảng dạy môn văn học và công nghệ.

Thầy giáo Dương Xuân Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Điềm Thuỵ cho biết: "Thực tế hiện nay các nhà trường đang thiếu giáo viên mà vẫn phải hợp đồng theo nghị quyết của HĐND, nên việc tinh giản biên chế rất khó khăn".

Hết năm học 2021-2022, ngành Giáo dục và ĐT tỉnh Thái Nguyên có trên 18.200 trên tổng số gần 22.700 biên chế định mức theo quy định. Như vậy, toàn tỉnh thiếu trên 4.400 biên chế. Thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy giai đoạn 2017-2021 ngành giáo dục và đào tạo Thái Nguyên đã phải giảm trên 2.000 biên chế người làm việc trong ngành. Giai đoạn 2022 - 2025, toàn tỉnh dự kiến giảm 10% số lượng người làm việc sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Vấn đề đặt ra là biên chế sự nghiệp giáo dục giảm khi số học sinh đang tăng ở các cấp học và việc thuê khoán giáo viên cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Thầy giáo ưu tú Trần Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thái Nguyên cho biết: "Theo quy định định mức biên chế trong lớp học thì 1 lớp phải là 3,1 giáo viên, nếu tính 3 lớp chúng tôi đã thiếu 9 giáo viên rồi, trường THPT Chuyên Thái Nguyên chủ yếu thiếu giáo viên môn Tiếng anh".

Ông Trần Phúc Vĩnh, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Định Hóa cho biết: "Chúng tôi đã rà soát đội ngũ hiện có, và có kế hoạch hợp đồng với bộ môn còn thiếu theo hình thức hợp đồng khoán để đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy, đứng lớp của năm học 2022-2023".

Năm học 2022 - 2023 này, tỉnh Thái Nguyên được giao bổ sung 1.157 biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập theo Quyết định số 72 của Bộ Chính trị. Với nguồn nhân lực được bổ sung này sẽ bước đầu khắc phục những khó khăn của ngành GD&ĐT hiện nay.

Tinh giản biên chế và bài toán thiếu giáo viên ở nhiều cấp học

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên cho biết về định hướng và khắc phục những khó khăn của ngành giáo dục: "Đây là bài toán rất lớn của ngành giáo dục, vừa phải thực hiện tinh giản biên chế, vừa thiếu giáo viên theo định mức hiện nay. Chính vì vậy giải pháp được ưu tiên lựa chọn là việc sắp xếp lại trường lớp và học sinh ở từng lớp một cách phù hợp nhất để tiết kiệm được những biến chế tinh giản".

Sắp xếp nguồn nhân lực đáp ứng được số lượng và chất lượng để giảng dạy đã khó, việc tinh giản biên chế càng khó khăn hơn. Chính vì vậy, trong khi chờ tuyển dụng biên chế đối với giáo viên, trước mắt, ngành Giáo dục và đào tạo cần tiếp tục thực hiện tốt việc thuê khoán giáo viên trong điều kiện năm học mới sắp bắt đầu. Đồng thời thực hiện các giải pháp tinh giản, sắp xếp nguồn nhân lực theo lộ trình cụ thể và phù hợp với điều kiện thực tiễn./.