Tháng 6/2021, Hợp tác xã Chè Tình Hoan ở xã Văn Hán huyện Đồng Hỷ đã sử dụng mã QR Code trên sản phẩm chè của mình. Mã QR Code này do phía VNPT cung cấp, có tích hợp một số thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm nên việc tiếp cận, tiêu thụ chè đến các kênh phân phối thuận lợi hơn. Chè của HTX cũng đã đạt hạng sản phẩm OCOP 3 sao.

Tín hiệu tích cực trong chuyển đổi số ở nông thôn miền núi
Hợp tác xã Chè Tình Hoan xã Văn Hán huyện Đồng Hỷ sử dụng mã QR Code trên sản phẩm chè

Bà Nguyễn Thị Tình, HTX chè Tình Hoan, xã Văn Hán, Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho biết: " Cái mã này cho chính hiệu là chè của mình, khi đi xa mọi người sẽ biết đến thương hiệu của mình mới tin tưởng và mua hàng"

Ông Hoàng Xuân Đông, Giám đốc VNPT Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho biết: " Chúng tôi cung cấp mã QR cho gần 20 đơn vị, hợp tác xã sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ."

Còn đối với lĩnh vực cung cấp điện năng tại xã Yên Lạc, huyện Phú Lương, việc sử dụng hóa đơn điện tử có chữ ký số không chỉ giúp HTX này thuận tiện trong trình chốt chỉ số tiêu thụ hàng tháng của khách hàng mà đơn vị không phải mất nhiều thời gian cho việc phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý Nhà nước. Đơn vị cũng loại bỏ được các chi phí cho các công việc liên quan đến việc phát hành hóa đơn giấy như trước kia.

Ông Lại Quang Ngọc, Giám đốc HTX Công nghiệp và thương mại Thủy Tiên Thành, xã Yên Lạc, Phú Lương, Thái Nguyên chia sẻ :" Không phải mang đi báo cáo thuế, làm đến đâu tích hợp đến đó, không xảy ra thắc mắc, nhầm lẫn giảm được nhân công chi phí rất nhiều."

Ông Chu Khánh Thành, Giám đốc VNPT Phú Lương, Thái Nguyên cho biết: " Với hóa đơn điện tử này, tiện ích của nó mang lại vừa có tính bảo mật, đối soát và đặc biệt là công tác phát hành rất nhanh"

Đối với vùng dân tộc miền núi và nông thôn, phần lớn các sản phẩm, dịch vụ đều gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Do vậy, việc sử dụng các tiện ích công nghệ gắn vào quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và thực hiện những giao dịch số sẽ là điều kiện cần và đủ để từng bước xây dựng kinh tế số.

Tín hiệu tích cực trong chuyển đổi số ở nông thôn miền núi
Hạ tầng mạng Internet đã dần được phủ rộng tại các xã thị trấn ở Thái Nguyên

Ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên cho biết: " Năm nay đưa ra chỉ tiêu là 100% các sản phẩm Ocop của Thái Nguyên đều tham gia và thương mại điện tử. Các hộ sản xuất nông nghiệp đáp ứng các tiêu chí mẫu mã, truy xuất nguồn gốc và các yếu tố, cố gắng lọt top 10 các địa phương trong cả nước, top 3 khu vực miền Bắc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử"

Hạ tầng mạng Internet đã dần được phủ rộng khắp các địa bàn bằng cả sóng di động và mạng hữu tuyến. Cùng với đó là sự chủ động cung cấp các tiện ích, sản phẩm của các đơn vị liên quan cho quá trình chuyển đổi số, trong đó có việc xây dựng kinh tế số. Do vậy, điều quan trọng lúc này đối với mỗi đơn vị, tổ chức kinh tế là thay đổi nhận thức để tiếp cận và khai thác hiệu quả hơn các tiện ích về công nghệ để tận dụng những lợi ích từ kinh tế số.