Xuất phát từ ghen tuông tình cảm với “người yêu cũ”, Phạm Văn Hải, sinh năm 1989, trú tại xóm Cả, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình đã chiếm tài khoản facebook của bạn gái, sau đó soạn nội dung: “Thôi xong rồi thái nguyên mình đã có người chết do covit mà nhà nước mình lại giấu”, rồi đăng lên mạng xã hội. Thông tin sai sự thật trên đã thu hút hàng trăm lượt bình luận, chia sẻ, gây hoang mang trong nhân dân. Còn đối với N.T.B, 30 tuổi, trú tại phường Cải Đan, thành phố Sông Công, khi đang “lướt” facebook, anh vô tình đọc được nội dung: “Covid đi hát có tay vịn”. Do không kiểm chứng tính chính xác thông tin, anh đã vội vàng đăng tải lại với mục đích thu hút nhiều người tiếp cận.

Anh N.T.B thú nhận : " Em lướt Facebook thấy trên trang có một tin Covid em vào bình luận thấy có hình ảnh về bệnh nhân đi tất niên xong đi hát karaoke có tay vịn, em nhìn thấy và tải hình ảnh về xong em đăng lên mạng để giải trí, không nghĩ tin đấy là tin giả cũng vô tư đăng lên"

Tin giả và thói “a dua” theo mạng xã hội
Thời gian qua, những diễn biến phức tạp của dịch, bệnh Covid-19 đã kéo theo sự bùng nổ về số lượng và tần suất chia sẻ thông tin liên quan trên các trang mạng xã hội

Thời gian qua, những diễn biến phức tạp của dịch, bệnh Covid-19 đã kéo theo sự bùng nổ về số lượng và tần suất chia sẻ thông tin liên quan trên các trang mạng xã hội. Bên cạnh những nguồn thông tin chính thống, không ít đối tượng đã lợi dụng tình hình dịch, bệnh để đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật, bịa đặt vì nhiều mục đích khác nhau.

Thượng tá Triệu Xuân Hiếu- Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Lợi dụng tâm lý hoang mang, lo lắng của một bộ phận người dân, cùng với sự lan toả thông tin nhanh chóng của mạng xã hội, nhiều đối tượng đã đăng tải những thông tin xuyên tạc, sai sự thật liên quan đến dịch bệnh Covid-19 trên các trang cá nhân, hoặc các trang nhóm nhằm tăng lượt theo dõi, thu hút câu view, câu like để bán hàng online hoặc thực hiện những mục đích xấu khác gây phức tạp trên không gian mạng."

Việc đăng tải, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội phản ánh nhu cầu thông tin của người đọc. Tuy nhiên, nhiều người vô tình nghĩ hình ảnh và nội dung sai sự thật trên mạng xã hội là đúng bản chất sự việc, chưa kiểm tra thông tin đã lập tức đăng tải, chia sẻ mà không nghĩ đến hậu quả xảy ra. Có trường hợp khi thấy người thân, bạn bè đăng tải thông tin giật gân, thì ngay lập tức “lao vào” chia sẻ, để chứng minh bản thân không lạc hậu thông tin. Để đảm bảo an toàn an ninh mạng, chủ động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh có hiệu quả đối với các hoạt động đăng tải thông tin xấu, độc, Công an tỉnh đã tăng cường công tác rà soát, nắm tình hình trên không gian mạng, tập trung phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng thực hiện hành vi đăng tải, chia sẻ, phát tán thông tin xuyên tạc, sai sự thật. Đồng thời tích cực tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng đưa thông tin xấu, độc trên không gian mạng để người dân nhận biết, cảnh giác phòng ngừa. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Công an tỉnh và Sở Thông tin và truyền thông tỉnh đã phát hiện, xử lý hơn 20 vụ, hơn 50 đối tượng về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên không gian mạng; xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 80 triệu đồng.

Tin giả và thói “a dua” theo mạng xã hội
Để đảm bảo an toàn an ninh mạng, chủ động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh có hiệu quả đối với các hoạt động đăng tải thông tin xấu, độc, Công an tỉnh đã tăng cường công tác rà soát, nắm tình hình trên không gian mạng, tập trung phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng thực hiện hành vi đăng tải, chia sẻ, phát tán thông tin xuyên tạc, sai sự thật.

Thượng tá Triệu Xuân Hiếu- Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết thêm :"Người dùng MXH cần bình tĩnh, sáng suốt trong việc tiếp nhận, sàng lọc và xử lý thông tin, chỉ nên theo dõi và tiếp nhận những thông tin về dịch Covid-19 từ các nguồn thông tin chính thống, tuyệt đối không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch dẫn đến phải chịu hậu quả pháp lý đối với chính bản thân mình"

Ranh giới thật – giả của những nội dung thông tin trên mạng xã hội nhiều khi khó phân định và nhận biết được ngay. Do vậy, người sử dụng mạng xã hội, nhất là giới trẻ cần thận trọng, trang bị những kỹ năng khi tiếp cận thông tin; tìm hiểu, kiểm chứng kỹ những thông tin trước khi chia sẻ, đăng tải lên mạng xã hội; tránh đưa tin giả, sai sự thật để lại những hậu quả đáng tiếc.