Tin 24h ngày 8/6/2023
Ngày 8/6, Bắc Bộ bắt đầu đợt mưa lớn diện rộng
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày và đêm 8/6, ở khu vực Đông Bắc của Bắc Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông mạnh với lượng mưa từ 40-70mm, có nơi hơn 100mm.
Ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa từ chiều tối 8-10/6 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 70-120mm/đợt, có nơi hơn 180mm/đợt.
Chiều tối và đêm 8/6, ở khu vực Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi hơn 70mm.
Dự báo, từ đêm 9-10/6 ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to lượng mưa phổ biến từ 30-60mm, có nơi hơn 80mm.
Ngoài ra, ngày và đêm 8/6, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi hơn 70mm (thời gian xảy ra mưa lớn tập trung vào chiều và tối).
Cảnh báo, mưa dông diện rộng và mưa lớn cục bộ ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ còn có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.
Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Dự báo thời tiết ngày và đêm 8/6 tại các khu vực trên cả nước:
Khu vực Hà Nội: Có mây, ngày nắng; chiều tối và đêm nhiều mây, có mưa vừa và dông, có nơi mưa to đến rất to. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ: 25-27 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ: 33-35 độ C.
Phía Tây Bắc Bộ: Có mây, ngày có mưa rào và dông vài nơi; chiều tối và đêm nhiều mây, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ: 24-27 độ C, có nơi dưới 23 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ: 32-35 độ C, có nơi hơn 35 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ: Ngày có mây, có mưa rào và dông vài nơi, riêng khu vực Đông Bắc nhiều mây có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông; chiều tối và đêm nhiều mây, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ: 24-27 độ C, có nơi dưới 23 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ: 32-35 độ C, riêng khu Đông Bắc 30-32 độ C.
Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế: Có mây, ngày có mưa rào và dông vài nơi; chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to, riêng Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ: 24-27 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ: 31-34 độ C.
Đà Nẵng đến Bình Thuận: Có mây, ngày có mưa rào và dông vài nơi; chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to. Gió tây nam cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ: 25-28 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ: 31-34 độ C, có nơi hơn 34 độ C.
Tây Nguyên: Nhiều mây, có mưa rào và dông vài nơi; riêng chiều và tối có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to. Gió tây nam cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ: 20-23 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ: 27-30 độ C, có nơi hơn 30 độ C.
Nam Bộ: Nhiều mây, có mưa rào và dông vài nơi; riêng chiều và tối có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to. Gió tây nam cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ: 24-27 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ: 29-32 độ C, có nơi hơn 32 độ C.
Nhiều hồ thuỷ điện ở mực nước chết hoặc lưu lượng không đảm bảo phát điện
![]() |
Từ ngày 1/6 hồ thủy điện Thác Bà đã dưới mực nước chết. |
Ngày 8/6, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có báo cáo Bộ trưởng Công Thương về tình hình vận hành hồ chứa thủy điện trong ngày 8/6.
Theo đó, lưu lượng nước về hồ tăng nhẹ so với ngày 7/6 nhưng vẫn thấp. Mực nước các hồ khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ thấp, một số hồ xấp xỉ, dưới mực nước chết; Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên mực nước các hồ ở mực nước yêu cầu theo quy định của Quy trình vận hành.
“Lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, các nhà máy thủy điện vận hành phát điện bằng lưu lượng nước về, một số nhà máy phải dừng để đảm bảo an toàn cho tổ máy khi vận hành với lưu lượng và cột nước thấp dưới thiết kế, khó có thể đáp ứng được việc phát điện theo quy trình vận hành hồ chứa tại thời kỳ này”, báo cáo nêu rõ.
Cụ thể, một số hồ ở mực nước chết như Lai Châu, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ, Trị An.
Một số thủy điện phải dừng phát điện vì lưu lượng và mực nước hồ không đảm bảo như Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh, Pleikrong.
Dự báo tình hình thủy văn, lưu lượng nước về hồ 24h tới tăng nhẹ, vẫn thấp; mực nước hồ dao động nhẹ ở mức thấp.
Trước đó, tại cuộc gặp mặt trao đổi với báo chí về tình hình cung ứng điện do Bộ Công Thương tổ chức chiều 7/6, ông Trần Việt Hoà, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, tình hình nắng nóng gay gắt và tác động của hiện tượng El Nino diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước đã làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân, kết hợp với tình trạng nước về các hồ thuỷ điện rất thấp đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện trong mùa khô năm 2023.
Theo đại diện Bộ Công Thương, tính đến ngày 6/6, hầu hết các hồ thủy điện lớn miền Bắc đã về mức nước chết gồm: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà. Riêng hai hồ thủy điện Lai Châu và Sơn La đã phải chạy xuống dưới mực nước chết.
"Duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 12-13/6. Tổng công suất không huy động được của các nguồn thủy điện miền Bắc nêu trên sẽ ở mức 5.000 MW và có thể lên đến 7.000MW khi hồ thủy điện Hòa Bình về mực nước chết. Như vậy, tính đến ngày 6/6, công suất khả dụng của thuỷ điện là 3.110 MW chỉ đạt 23,7% công suất lắp", ông Hoà cho biết.
Tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc (bao gồm cả điện nhập khẩu) có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện chỉ đạt mức 17.500-17.900MW (khoảng 59,2% công suất lắp đặt). Công suất này đã bao gồm khoảng từ 2.500 đến 2.700 MW truyền tải từ miền Nam và miền Trung ra Bắc. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500-24.000 MW trong những ngày nắng nóng sắp tới.
Như vậy, hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350 MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng là 30,9 triệu kWh, ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh. Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày.
Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Trần Việt Hoà chia sẻ với những khó khăn của khách hàng sử dụng điện trong thời gian qua. "Với bất kỳ lý do gì, dù đã có rất nhiều nỗ lực trong đảm bảo cung ứng điện, nhưng để thiếu điện cung ứng cho sự phát triển kinh tế-xã hội là trách nhiệm không thể biện minh của cơ quan quản lý nhà nước cũng như ngành điện. Thay mặt cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như ngành điện, tôi gửi lời xin lỗi đến người dân, doanh nghiệp. Mong người dân, doanh nghiệp chia sẻ với khó khăn của ngành điện, cùng chung tay vượt qua giai đoạn căng thẳng cung ứng điện năm 2023", ông Trần Việt Hòa nói.
Từ 1/8 tăng phí thi sát hạch bằng lái xe
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 37/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/8/2023.
Theo đó, tổ chức thu phí, lệ phí quy định tại thông tư này gồm Cục Đường bộ Việt Nam và cơ quan quản lý đường bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bên cạnh đó, mức thu phí quy định tại thông tư này, một số khoản phí giữ nguyên và một số khoản được điều chỉnh tăng so với quy định trước đây. Cụ thể, phí sát hạch lái xe, đối với thi sát hạch lái xe các hạng xe A1, A2, A3, A4 có mức thu từ 60.000 - 70.000 đồng/lần, mức thu cũ là từ 40.000 - 50.000 đồng/lần.
Đối với thi sát hạch lái xe ô tô (hạng xe B1, B2, C, D, E, F): mức thu từ 80.000 đồng/lần đến 350.000 đồng/lần. Các khoản lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng (phương tiện thi công), lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện giữ nguyên như hiện hành.
Thông tư nêu rõ, mức thu phí sát hạch lái xe quy định tại thông tư này được áp dụng thống nhất trên cả nước (không phân biệt cơ quan thuộc Trung ương quản lý hay cơ quan thuộc địa phương quản lý). Người dự sát hạch để được cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ phần nào thì nộp phí sát hạch lái xe phần đó (tính theo lần sát hạch: sát hạch lần đầu, sát hạch lại).
Tổ chức thu phí phải nộp 100% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước, nguồn chi phí trang trải cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ, thì được trích để lại 75% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định; nộp 25% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp tại những địa phương còn khó khăn về điều kiện vật chất, chưa xây dựng được trung tâm sát hạch đủ điều kiện vật chất nhưng được Bộ Giao thông Vận tải cho phép sát hạch lái xe tại các trung tâm, bãi sát hạch cũ, tổ chức thu phí được trích để lại 40% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; nộp 60% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Slovakia chính thức công nhận cộng đồng người gốc Việt Nam là dân tộc thiểu số thứ 14
![]() |
Đại diện cộng đồng người Việt tại Slovakia tham dự chương trình Tết Cộng đồng nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. |
Quyết định của Chính phủ Slovakia được đưa ra dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Chính phủ Slovakia về nhân quyền, dân tộc thiểu số và bình đẳng giới, ý kiến chuyên gia của Viện Dân tộc học và Nhân chủng học xã hội của Viện Hàn lâm khoa học Slovakia. Theo đó, cộng đồng người gốc Việt Nam có đầy đủ tiêu chí “về số lượng”, “đã sinh sống ở Slovakia trong gần 70 năm và thế hệ thứ 3 đã hòa nhập hoàn toàn vào xã hội".
Với nghị quyết của Chính phủ Slovakia, cộng đồng người gốc Việt Nam sẽ có đại diện tại Ủy ban Dân tộc thiểu số và Các nhóm sắc tộc của Hội đồng Chính phủ Cộng hòa Slovakia về nhân quyền, dân tộc thiểu số và bình đẳng giới. Cộng đồng người Việt Nam sẽ được hỗ trợ các hoạt động từ nguồn tài chính của Quỹ hỗ trợ văn hóa các dân tộc thiểu số và có quyền tham gia ý kiến liên quan tới quỹ này.
Việc Chính phủ Slovakia chính thức công nhận cộng đồng người gốc Việt Nam là dân tộc thiểu số thứ 14 là minh chứng rõ ràng về vai trò tích cực, khả năng hội nhập sâu rộng của cộng đồng. Hội người Việt Nam tại Slovakia đánh giá sự kiện này mang lại cho cộng đồng người Việt Nam thêm nhiều quyền lợi, giúp xây dựng cộng đồng vững mạnh hơn.
Ước tính, hiện có khoảng 7.000 người Việt đang sinh sống và học tập tại Slovakia. Lần gần đây nhất quốc gia với 5,5 triệu dân này công nhận một cộng đồng là dân tộc thiểu số cách đây 13 năm (năm 2010 đối với cộng đồng người gốc Serbia).
Tìm ra hỗn hợp vi khuẩn và virus có thể ngừa bệnh, giúp sống lâu hơn
Các nhà khoa học tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch) đã nghiên cứu 176 người Nhật Bản sống khoẻ mạnh trên trăm tuổi và nhận thấy tất cả họ đều có sự kết hợp giữa các loại vi khuẩn và virus cụ thể trong đường tiêu hóa.
Nghiên cứu cho thấy rằng các loại virus nhất định có thể hữu ích cho hệ vi sinh vật trong ruột và do đó có lợi cho sức khoẻ của chúng ta.
Mặc dù không thể thay đổi khuynh hướng di truyền của con người, nhưng các nhà nghiên cứu suy đoán rằng họ có thể thay đổi hỗn hợp vi sinh vật đường ruột của một người để giúp họ sống lâu năm hơn.
Tác giả nghiên cứu, ông Joachim Johansen cho biết: “Chúng tôi luôn mong muốn tìm hiểu lý do tại sao một số người sống rất lâu”.
Và nghiên cứu đã chỉ ra rằng vi khuẩn đường ruột của những người sống lâu trăm tuổi ở Nhật Bản tạo ra các phân tử hoàn toàn mới giúp chúng chống lại các vi sinh vật gây bệnh. Và nếu ruột của họ được bảo vệ tốt hơn khỏi nhiễm trùng, đó có lẽ là một trong những yếu tố giúp họ sống lâu hơn những người khác.
Nhóm nghiên cứu ở Đan Mạch đã phát triển một thuật toán để lập bản đồ về vi khuẩn và virus đường ruột của những người sống trăm tuổi. Những kết quả này sau đó được so sánh với một nhóm người trưởng thành trong độ tuổi từ 18 đến 60.
Ông Johansen cho biết nhóm nghiên cứu đã tìm thấy sự đa dạng tuyệt vời ở cả vi khuẩn và virus ở những người sống trên 100 tuổi.
Ông giải thích: “Sự đa dạng vi sinh vật thường liên quan đến hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh. Và chúng tôi hy vọng những người có hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh sẽ được bảo vệ tốt hơn trước các bệnh liên quan đến lão hóa”.
Nhà nghiên cứu này nói thêm rằng phát hiện đó có thể được ứng dụng nhằm tăng tuổi thọ cho những người khác, thông qua cách thiết kế hệ vi sinh vật cụ thể để đạt được sự cân bằng tối ưu giữa virus và vi khuẩn nhằm bảo vệ chống lại bệnh tật.
Các loại virus trong đường ruột của 176 người trên 100 tuổi ở Nhật Bản còn chứa thêm những gien có thể tăng cường cho vi khuẩn, thúc đẩy quá trình biến đổi của các phân tử cụ thể trong ruột, có thể giúp ổn định hệ vi khuẩn đường ruột và chống viêm nhiễm.
Điển hình, nghiên cứu cho biết những người sống trăm tuổi này có lượng Vi khuẩn khử sunfat dồi dào hơn, qua đó có thể hỗ trợ tính toàn vẹn của niêm mạc và khả năng chống lại mầm bệnh.
Tính toàn vẹn của niêm mạc ám chỉ khả năng phục hồi của đường tiêu hóa - con đường dẫn từ miệng đến hậu môn.
Biển Bắc Cực có thể không còn băng trong 10 năm nữa
![]() |
Toàn cảnh biển băng ở Bắc Băng Dương gần bờ biển Svalbard, Na Uy, hôm 5/4. Ảnh: Reuters |
Trong báo cáo mang tính bước ngoặt gần đây nhất, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) dự đoán Bắc Cực sẽ chứng kiến tháng 9 không có băng vào khoảng năm 2050, nếu con người tiếp tục thải khí nhà kính ở mức cao hoặc vừa phải. Tuy nhiên, nghiên cứu mới, được công bố hôm 6/6 trên tạp chí Nature Communications, cho biết điều này sẽ xảy ra ngay cả ở kịch bản phát thải thấp. Theo đó, lượng khí thải cao hơn khiến Bắc Cực sẽ phải trải qua tháng không có băng ngay từ những năm 2030 - 2040.
Ông Dirk Notz - nhà hải dương học tại Đại học Hamburg (Đức), chuyên về băng biển, một trong những tác giả của nghiên cứu - cho biết: “Về cơ bản, chúng tôi muốn nói rằng đã quá muộn để cứu băng biển mùa hè ở Bắc Cực. Chúng tôi thực sự không thể làm gì với sự biến mất hoàn toàn này vì chúng tôi đã chờ đợi quá lâu”. IPCC từng dự đoán mùa hè không có băng sẽ diễn ra trước năm 2050, khi các mô hình khí hậu cho phép hy vọng phát thải thấp có thể trì hoãn cột mốc nghiệt ngã đó.
Độ bao phủ của băng biển Bắc Cực thường thấp nhất vào tháng 9, thời điểm cuối mùa hè, trước khi tăng trở lại vào những tháng mùa thu và mùa đông lạnh hơn, tối hơn và đạt đỉnh điểm vào tháng 3. Các nhà nghiên cứu cho rằng biển Bắc Cực không còn băng sẽ tác động lớn đến toàn cầu. Khi sự khác biệt về nhiệt độ giữa Bắc Cực và các vĩ độ thấp hơn thu hẹp lại, sự thay đổi của dòng khí quyển sẽ dữ dội hơn. Bắc Cực ấm hơn sẽ làm băng vĩnh cửu tan nhanh hơn, giải phóng nhiều khí nhà kính hơn vào khí quyển. Dải băng Greenland có thể cũng sẽ tan chảy nhanh hơn, nghĩa là nước biển sẽ dâng cao hơn. Bà Seung-Ki Min – tác giả nghiên cứu, đồng thời là giáo sư khoa học môi trường tại Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang của Hàn Quốc – cho biết: “Nếu băng biển ở Bắc Cực tan nhanh hơn dự đoán, thì tình trạng nóng lên ở Bắc Cực cũng sẽ diễn ra nhanh hơn”.
Nghiên cứu mới cũng chỉ ra rằng khoảng 90% lượng băng tan chảy ở biển Bắc Cực là do tác động của người, 10% là do các yếu tố tự nhiên gây ra.
Ông Mark Serreze, Giám đốc Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia tại Đại học Colorado (Mỹ), cho biết khi tác động của con người có thể đo lường và được tích hợp vào các mô hình khí hậu, điều đó sẽ cung cấp một bức tranh rõ ràng hơn về thời điểm băng ở Bắc Cực biến mất. Phương pháp này chính xác hơn so với các phương pháp khác - như ngoại suy từ các xu hướng nhiệt độ trước đây.
Ông Serreze cho rằng lớp băng ở Bắc Cực sẽ biến mất vào cuối mùa hè trong tương lai. Nhưng câu hỏi luôn luôn là khi nào, và câu trả lời luôn phức tạp bởi một số yếu tố - bao gồm sai sót trong các mô hình khí hậu hiện có và lượng lớn biến thiên tự nhiên trong dữ liệu khí hậu. Dù ở bất kỳ thời điểm nào, những thay đổi về mô hình thời tiết hầu như không thể dự đoán được. Hơn nữa, các hiện tượng như El Niño hoặc La Niña có thể gây ra những biến động kéo dài tới vài năm.
Theo nhà hải dương học Notz, dù biết rằng băng tan chủ yếu do hoạt động của con người gây ra và chúng ta có thể hành động để làm chậm sự biến mất đó. Tuy nhiên, khi mô hình khí hậu được cải thiện, ông dự đoán sẽ có nhiều tin xấu hơn.
“Tôi hy vọng rằng ngày càng có nhiều nghiên cứu tương tự được tiến hành, khám phá các khía cạnh khác của hệ thống Trái Đất. Điều đó cũng sẽ nói lên rằng: Chúng tôi đã luôn cảnh báo con người nhưng con người không phản ứng. Bây giờ đã quá muộn để hành động”.
Interpol cảnh báo về khủng hoảng buôn người toàn cầu liên quan đến bẫy 'việc nhẹ lương cao'
Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã đưa ra cảnh báo toàn cầu về xu hướng gia tăng tệ nạn buôn người quy mô lớn liên quan đến lừa đảo việc làm.
Theo đó, nạn nhân thường bị dụ giỗ bởi các quảng cáo giả mạo việc làm đơn giản, nhẹ nhàng với mức lương cao. Sau khi sập bẫy, họ bị bắt cóc và buộc phải thực hiện hành vi lừa đảo tài chính.
Interpol trong thông cáo báo chí ngày 7/6 nhấn mạnh các nghiên cứu mới cho thấy cách thức hoạt động này đang tăng nhanh chóng và lên đến quy mô toàn cầu. Interpol đã ban hành cảnh báo màu cam với các thành viên của tổ chức, biểu thị cho mối đe dọa nghiêm trọng, nhãn tiền đối với an toàn công cộng.
Các trung tâm lừa đảo thường tập trung tại Campuchia trong khi điểm nóng buôn người đã được phát hiện tại Lào, Myanmar và 4 quốc gia châu Á khác Interpol không nêu tên cụ thể. Interpol bổ sung rằng cách thức hoạt động này cũng được sao chép tại những khu vực khác như Tây Phi, nơi tội phạm tài chính trên mạng vốn đã thịnh hành.
Theo Interpol, thông tin về hình thức tội phạm này xuất hiện đầu tiên vào năm 2021. Các tổ chức tội phạm đăng tin tuyển dụng việc làm hấp dẫn lên mạng xã hội cùng các trang tìm kiếm việc làm. Chúng sau đó bắt cóc nạn nhân và buộc họ làm việc trong điều kiện tồi tệ. Họ bị đánh đập, tra tấn và buộc phải thực hiện hành vi phạm tội, chủ yếu là trên mạng như lừa đảo đầu tư, tình cảm, đánh bạc trực tuyến, đầu tư tiền kỹ thuật số trực tuyến… Dịch COVID-19 khiến hình thức này trở nên nghiêm trọng hơn khi nhiều người thất nghiệp làm và cố gắng nắm bắt mọi cơ hội việc làm.
Những “con mồi” mà chúng nhắm tới là người dân sống tại Bắc Mỹ, châu Âu và nhiều nơi thuộc châu Á.
Trong bài viết đăng tải 2/6, CNN đã đưa ra một trường hợp điển hình trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo này. Anh Raju Rai (32 tuổi) tại thành phố Varanasi (Ấn Độ) đã liên lạc với quảng cáo trên Facebook về công việc tư vấn kinh doanh ở Thái Lan. Anh sau đó bay đến Bangkok với hy vọng có thu nhập được tính bằng USD và gửi tiền về cho gia đình tại Ấn Độ. Nhưng mọi thứ không như Raju Rai tưởng tượng. Khi Raju Rai đặt chân đến Bangkok, một người tự nhận là đại diện của cơ quan tuyển dụng đã đưa anh trải qua hành trình 8 tiếng đồng hồ vào sâu trong Thái Lan và buộc anh lên thuyền đi qua biên giới đến Myanmar.
Rai bị đưa vào tòa nhà cũng có rất nhiều người Ấn Độ đang sống và làm việc. Hầu hết họ phải làm nhiệm vụ lừa đảo người giàu có ở phương Tây. Họ không được rời tòa nhà và có thể bị đánh hoặc tra tấn nếu không đạt được chỉ tiêu hàng ngày. Sau khi gửi lời kêu cứu đến giới chức Ấn Độ, Rai cùng nhiều người khác đã được giải cứu.
Interpol cũng cảnh báo rằng sự phát triển của trí thông minh nhân tạo (AI) cùng các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT đã bị lợi dụng khiến hình thức lừa đảo trở nên tinh vi hơn.
Để giải quyết mối đe dọa này, Interpol đang kêu gọi trao đổi thông tin tình báo nhiều hơn giữa các cơ quan thực thi pháp luật, các tổ chức phi chính phủ, các đơn vị tình báo tài chính và các công ty thuộc khu vực tư nhân có liên quan để hỗ trợ giải cứu các nạn nhân buôn người và phá bỏ các hoạt động rửa tiền tạo điều kiện cho hình thức phạm tội này.
Loài sâu tí hon có thể ăn hàng tỷ kg rác thải nhựa
Các nhà nghiên cứu ở châu Âu đã phát hiện ra rằng ấu trùng của một loại côn trùng phổ biến có khả năng tiêu hóa nhựa khác thường.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng sâu sáp, một loài sâu bướm thường được sử dụng làm mồi câu cá, được đặt tên theo thói quen ăn sáp ong, có thể phá vỡ các liên kết hóa học trong polyetylen, một loại polyme tổng hợp và nhựa được sản xuất rộng rãi dùng trong bao bì, túi xách và các vật liệu khác.
![]() |
Federica Bertocchini, một nhà khoa học thuộc Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha, tình cờ phát hiện ra khả năng khác thường của loài côn trùng này vài năm trước. Là một người nuôi ong nghiệp dư, cô Bertocchini đã bắt vài con sâu ra khỏi tổ ong của mình và cất chúng trong một chiếc túi nhựa.
![]() |
Cô sớm phát hiện ra rằng những con sâu đã đục lỗ trên túi và nhận ra những tác động tiềm tàng, cô đã liên lạc với các đồng nghiệp tại đại học Cambridge là Paolo Bombelli và Christopher J. Howe. Một bài báo mà nhóm đã xuất bản trên tạp chí Current Biology giải thích cách họ phát hiện ra chính xác điều gì cho phép giun phân hủy nhựa.
Theo đó, 100 con sâu nhai hết 92 mg nhựa trong khoảng 12 giờ, khiến chiếc túi siêu nhẹ chỉ còn lại những mảnh vụn. Chúng phân tách nhựa thành ethylene glycol, một chất chống đông.
Sâu sáp là loài côn trùng duy nhất được biết đến có khả năng phân hủy polyethylene theo cách này. Các nhà nghiên cứu chưa rõ cơ chế hoạt động chính xác của sâu sáp. Đó có thể là bản thân con sâu sáp hoặc vi khuẩn sống trong ruột của nó phân hủy nhựa. Nhóm nghiên cứu cần tiến hành thêm vài bước trước khi dùng sâu sáp để xử lý hàng núi rác thải nhựa ở các bãi rác mỗi năm.
![]() |
Một tỷ tỷ chiếc túi nylon được sử dụng mỗi năm. Polyethylene chiếm khoảng 92% trong tất cả túi nhựa được sản xuất. Một tổ chức sinh vật có thể phân hủy hợp chất này mà không chịu ảnh hưởng mang đến tiềm năng cách mạng hóa ngành xử lý rác. Hiện tại, hàng tỷ kilogram nhựa đổ xuống đại dương, tích tụ chất độc trong những động vật hoang dã vô tình ăn phải rác.