1. Đà Nẵng: Nam thanh niên đi phượt rơi xuống vực sâu ở đèo Hải Vân

Lúc 22 giờ 17 phút ngày 28/1, Trung tâm chỉ huy 114 của Công an TP Đà Nẵng tiếp nhận thông tin về trường hợp nam thanh niên bị nạn. Theo mô tả, nạn nhân rơi xuống hố sâu bị thương nặng, đa chấn thương không tự di chuyển được, ví trí bị nạn cách xa trục đường chính nhiều km, địa hình hiểm trở…

Ngay sau khi nhận được tin báo, các lực lượng chức năng Đà Nẵng đã cử nhiều cán bộ chiến sĩ tiếp triển khai phương án cứu nạn. Đến 6 giờ 56 phút ngày 29-01, lực lượng CNCH Công an TP Đà Nẵng phối hợp với Bộ đội Biên phòng đi cano, tiếp cận vị trí nạn nhân gặp nạn theo đường biển.

Lực lượng chức năng TP Đà Nẵng tìm kiếm xuyên đêm và phát hiện nạn nhân bị kẹt dưới ghềnh đá sát bãi biển trong tình trạng đa chấn thương, đang đi vào trạng thái hôn mê.

Nạn nhân được lực lượng chức năng đưa về cầu cảng sông Hàn (Đà Nẵng) và bàn giao cho lực lượng y tế tiếp tục cứu chữa. Thông tin ban đầu, nam thanh niên tên B.L.X.H (1996, trú H. Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh). Nguyên nhân ban đầu được xác định là do nạn nhân đi phượt một mình rồi bị ngã xuống vực.

2. Yên Bái: Thực hư thông tin nữ sinh tử vong do uống 4 bát rượu liên tiếp

Ngày 28/1 (mùng 7 Tết Nguyên đán Quý Mão), mạng xã hội đăng tải thông tin "một cô gái ở Trạm Tấu, nghi do uống nhiều rượu 4 lần bằng bát liên tiếp, dẫn đến tử vong" khiến nhiều người tỏ ra lo lắng, sợ hãi.

Trung tá Vũ Tuấn Đạt - Trưởng Công an xã Bản Công (nơi cô gái và người nhà sinh sống) cho biết: Nạn nhân sinh năm 2008. Cô gái này có uống rượu sau đó bị nôn, quá trình nôn em này bị tắc phổi dù được đưa đi bệnh viện cấp cứu ngay sau đó nhưng cô gái đã không qua khỏi.

Cũng liên quan đến thông tin trên, ông Giàng A Chư - Chủ tịch UBND xã Bản Công khẳng định: "Việc một nữ sinh vừa tử vong trên địa bàn là đúng, nhưng nguyên nhân tử vong không phải do uống 4 bát rượu liên tiếp, cần phải chờ kết luận của cơ quan chức năng".

3. Bắc Ninh: Nghiêm cấm hát quan họ "ngửa nón nhận tiền" ở hội Lim

Sau 3 năm tạm dừng vì dịch COVID-19, năm nay, Lễ hội Lim tiếp tục được tổ chức tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Huyện Tiên Du đã thành lập Ban chỉ đạo lễ hội vùng Lim xuân Quý Mão năm 2023. Ban chỉ đạo yêu cầu các đơn vị có kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp làm mất an ninh trật tự, ùn tắc giao thông.

Kế hoạch tổ chức hội Lim nêu rõ: "Ngăn chặn và giải quyết các trường hợp ăn xin, ăn mày tại khu vực lễ hội; thực hiện công tác kiểm tra phòng dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát giá cả tại khu vực lễ hội; nghiêm cấm các dịch vụ điện tử, các trò chơi dùng loa có công suất lớn hoạt động tại địa điểm gần trung tâm lễ hội.

Đặc biệt, nghiêm cấm tất cả các hình thức hát quan họ "ngửa nón nhận tiền"; khuyến khích các điểm hát quan họ dùng nhạc cụ dân tộc; không hát nhạc mới, hát chèo, hát văn nhảy đồng, loại nhạc khác không phù hợp..."

Ban chỉ đạo yêu cầu việc tổ chức phần lễ phải theo nghi thức truyền thống, đảm bảo giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa quê hương; ngăn chặn, bài trừ sự xâm nhập của những sản phẩm văn hóa có nội dung xấu.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lễ hội, chỉ đạo tổ chức các hoạt động của lễ hội với tinh thần vui tươi, thiết thực, đảm bảo tính trang nghiêm, an toàn và tiết kiệm.

Lễ hội vùng Lim xuân Quý Mão 2023 được tổ chức vào ngày 2/2 và 3/2 (tức ngày 12 và 13 tháng Giêng). Hội Lim được tổ chức tại 3 xã thuộc tổng Nội Duệ xưa, nay là thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão, trong đó trung tâm lễ hội là núi Hồng Vân (núi Lim) thị trấn Lim.

Lễ hội Lim Xuân Quý Mão năm 2023 bao gồm cả phần lễ và hội. Cụ thể, ở phần lễ, từ 8h ngày 2/2 (tức ngày 12 tháng Giêng) sẽ tổ chức Lễ dâng hương tại chùa Hồng Ân, lăng Tướng công Nguyễn Đình Diễn trên đồi Lim.

Phần hội tổ chức hát quan họ tại các lán trại quan họ (12 lán) và trên sân khấu của lễ hội, các trò chơi dân gian như tổ tôm điếm, thư pháp, hội thơ. Buổi tối diễn ra chương trình văn nghệ biểu diễn tại sân khấu chính của lễ hội.

Ở các khu vực khác diễn ra nhiều hoạt động phong phú như Thi cờ người, tổ chức các canh hát quan họ truyền thống tại nhà chứa Quan họ thôn Lũng Giang, nhà chứa Quan họ tại khu Đình Lim (thị trấn Lim), hát quan họ tại cửa đình, cửa chùa, hát quan họ dưới thuyền.

4. Đợt rét đậm, rét hại ở Bắc Bộ sẽ còn kéo dài bao lâu?

Theo dự báo, đợt rét đậm, rét hại này sẽ kéo dài 2 ngày nữa. Giá rét nhất về đêm và sáng do quang mây, nhiệt độ giảm rất thấp. Ban đêm, nhiệt độ toàn miền dưới 10 độ C.

Vùng núi cao như Sapa, Lũng Cú là 2 độ C. Không loại trừ khả năng xuất hiện băng giá, sương muối tại các đỉnh núi trên 2000m như Fansipan, Y Tý của Lào Cai, Tà Xùa - Yên Bái, Phia Oắc - Cao Bằng.

Trưa chiều 29/1 (mùng 8 Tết), trời có nắng giúp nhiệt độ tăng lên, ở ngoài nắng đỡ rét nhưng trong bóng râm vẫn thấy cóng. Nhiệt độ cao nhất tại Thủ đô Hà Nội và các thành phố là 18-21 độ C. Trời hanh khô với độ ẩm nhiều nơi dưới 40%.

Trái với nắng khô ở miền Bắc, miền Trung nhiều nơi có mưa gồm các thành phố Đông Hà trở vào Tuy Hòa. Về nhiệt độ Thanh Hóa đến Đà Nẵng trời rét, 17-20 độ C. Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang trời se lạnh, 25-26 độ C.

Tây Nguyên và Nam Bộ ngày Chủ Nhật thời tiết nắng đẹp. Ở Tây Nguyên trời mát, không nơi nào quá 24 độ C. Nam Bộ ngày 29/1 cũng khá dễ chịu, nhiệt độ cao nhất từ 29-32 độ C.

5. Gần 3.500 người vào bệnh viện vì đánh nhau trong Tết

Gần 3.500 người phải vào bệnh viện vì đánh nhau trong dịp Tết. Đây là số liệu vừa được Bộ Y tế cho biết về tình hình cấp cứu điều trị của các bệnh viện trong dịp Tết.

Trong đó có gần 43% phải nhập viện. Tại các bệnh viện tuyến cuối như bệnh viện Chợ Rẫy, dịp Tết nguyên đán luôn đông đúc do số ca cấp cứu vì đánh nhau, tai nạn, ngộ độc gia tăng.

Đáng chú ý số liệu về đánh nhau, bệnh viện Chợ Rẫy ghi nhận có 47 ca vào viện, tăng hơn 88% so với năm trước. Còn số liệu cả nước được Bộ y tế cho biết cả nước có gần 3.500 người phải vào viện vì đánh nhau. Mặc dù có giảm nhẹ so với năm trước nhưng đã có 11 trường hợp tử vong.

Ngoài ra số ca cấp cứu vì tai nạn giao thông cả nước là gần 30.000 trường hợp, tăng so với năm trước 10%.

Trong đó từ mùng 5 - mùng 6, lượng người dân di chuyển về lại các thành phố tăng cao nên số ca cấp cứu vì tai nạn giao thông cũng tăng theo.

Về dịch bệnh, Bộ Y tế đánh giá các bệnh truyền nhiễm được kiểm soát suốt kỳ nghỉ Tết, không ghi nhận ổ Covid-19 lớn trong cộng đồng.

6. Giá sầu riêng tăng cao kỷ lục

Nguyên nhân khiến giá sầu riêng tăng cao là do thời điểm này vẫn chỉ là sầu riêng trái vụ, sản lượng khan hiếm. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu lớn.

Theo một số nhà vườn trồng sầu riêng tại Cần Thơ, Tiền Giang, giá sầu riêng Ri6 có lúc lên đến mức 140.000 - 160.000 đồng/kg. Hiện giá sầu riêng đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức 140.000 - 150.000 đồng/kg tuỳ loại.

Trước kia loại sầu 3,5 hộc múi mới đạt tiêu chuẩn thu mua xuất khẩu, nhưng nay loại quả 2,5 hộc thì các vựa cũng gom mua hết.

Nguyên nhân khiến giá sầu riêng tăng cao là do thời điểm này vẫn chỉ là sầu riêng trái vụ, sản lượng khan hiếm. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu lớn. Những vùng trồng có mã số xuất khẩu sang Trung Quốc giá tốt, cao hơn giá nhà vườn trồng bình thường.

Tiềm năng xuất khẩu sầu riêng

Dù sầu riêng Việt Nam mới chính thức được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc từ tháng 9/2022 nhưng lượng đơn hàng mà các nhà nhập khẩu Trung Quốc đặt hàng doanh nghiệp Việt lớn gấp đôi so với sản lượng cả nước.

Có tháng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đã đạt gần 50 triệu USD, tăng hơn 4.000% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng chưa từng có trong lịch sử ngành sầu riêng Việt Nam.

Theo đánh giá, Trung Quốc là nước đứng thứ 3 thế giới về tiêu thụ sầu riêng. Hiện tổng diện tích sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc ở nước ta khoảng 3.000 ha, tức chỉ chiếm khoảng 3% so với tổng diện tích trồng sầu riêng cả nước. Diện tích này rất nhỏ, so với nhu cầu sản lượng của thị trường Trung Quốc mà các doanh nghiệp Việt Nam đã có hợp đồng là khoảng 1,3 triệu tấn/năm.

Xây dựng mã số vùng trồng cho sầu riêng

Tính tới nay, Việt Nam được Trung Quốc cấp 113 mã vùng trồng và cơ sở đóng gói. Trước tiềm năng xuất khẩu của mặt hàng sầu riêng, nhiều nông dân và doanh nghiệp đang đầu tư vùng trồng và hệ thống lại quy trình canh tác, để đáp ứng yêu cầu thị trường.

Nhãn, vú sữa là 2 loại trái cây của Cần Thơ đã được xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường và thời gian tới đây là sầu riêng. Nông sản Cần Thơ đang đứng trước vận hội mới. Việc xuất khẩu này không chỉ mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân mà còn góp phần khẳng định trái cây của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Sầu riêng của Hợp tác xã Tân Thới 1 đã được cấp chứng nhận VietGAP. Tuy là trái cây đạt chuẩn nhưng giá cả sầu riêng vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường và thương lái vì thế lợi nhuận chưa cao.

Khi loại trái cây này của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các thành viên rất phấn khởi và tự tin với việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật mà đối tác đưa ra.

"Cũng gọi là mới nhưng đối với nông dân cũng dễ. Tại vì trong mấy chục năm người ta còn trồng trọt được thì chuyện ghi chép cũng dễ", anh Tống Văn Ngọt - Hợp tác xã Tân Thới 1, Phong Điền, TP Cần Thơ cho biết.

Thành phố Cần Thơ có gần 3.000 ha trồng sầu riêng. Công tác tập huấn cho nhà vườn được ngành chuyên môn đặc biệt quan tâm thời gian qua.

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nộp 33 hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng với 705 ha. Trước Tết Nguyên đán có 8 hồ sơ đã được phía nước nhập khẩu là Trung Quốc kiểm tra trực tuyến.

Việt Nam mất 4 năm đàm phán để trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Chính vì vậy, từng mắc xích của chuỗi ngành hàng đã rất ý thức trong việc bảo vệ thành quả này.

Ngành chức năng Cần Thơ cho rằng đây là thời gian để chuẩn bị thật kĩ các yêu cầu, nhất là về mặt kĩ thuật từ phía đối tác đưa ra để có thể đưa lô hàng đầu tiên của địa phương xuất khẩu chính ngạch trong năm nay.

7. Thanh Hóa: Tạm giữ 3 đối tượng liên quan vụ tạt axit trả thù tình ngày 27 Tết

3 đối tượng vừa bị Công an Thanh Hóa tạm giữ hình sự để điều tra, làm rõ vụ việc tạt axit vào 1 phụ nữ để trả thù tình.

Ngày 28/1, Công an huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết đã tạm giữ hình sự 3 nghi phạm có liên quan đến vụ tạt axit xảy ra hôm 27 Tết Nguyên đán (18/1).

Trước đó, vào khoảng 16h15’ ngày 18/1, nạn nhân L.T.H. (sinh năm 1992, ngụ huyện Thường Xuân) điều khiển xe máy chở theo con trai và chị gái trên đường, khi tới khu vực nghĩa trang thôn Buồng, huyện Thường Xuân, thì bất ngờ bị 2 người đàn ông đi xe máy ngược chiều, ép vào lề đường rồi tạt axit về phía xe. Vụ việc khiến 3 người trong gia đình chị H. bị thương ở vùng mặt và tay.

Nhận được tin báo từ bị hại, lực lượng chức năng đã huy động lực lượng vào cuộc xác minh, tới ngày 24/1, xác định đối tượng Lê Văn Cường (sinh năm 1991, ngụ huyện Thiệu Hóa) là người điều khiển xe máy gây ra vụ việc trên nên đã triệu tập để điều tra.

Tại cơ quan công an, Cường khai nhận được đối tượng Lê Xuân Anh (sinh năm 1999, ngụ huyện Thiệu Hóa), thuê chở đi tạt axit với giá 5 triệu đồng. Đấu tranh với đối tượng Lê Xuân Anh, lực lượng chức năng lại phát hiện chủ mưu là Đỗ Viết Lợi (sinh năm 1981, ngụ xã Thiệu Hợp). Đây là đối tượng đã thuê Lê Xuân Anh tạt axit chị H. với giá 30 triệu đồng. Công an đã tiến hành bắt giữ Đỗ Viết Lợi để điều tra, làm rõ vụ việc.

Qua đấu tranh, Lợi khai nhận vào năm 2020 đã nảy sinh tình cảm với chị H., là nhân viên quán karaoke tại Thiệu Hóa. Được biết, khi đó, Lợi đã có gia đình nhưng vẫn tiếp tục qua lại với chị H. Đến tháng 10/2022, chị H. muốn chấm dứt tình cảm nên đã bỏ đi nơi khác làm việc.

Sau nhiều lần gọi điện níu kéo bất thành, để trả thù tình, Lợi đã thuê Xuân Anh để tạt axit chị H.

Hiện vụ việc đang được Công an huyện Thường Xuân tiếp tục điều tra, làm rõ.

8. Quy định mới về số lượng tối đa học sinh giỏi quốc gia trong mỗi đội tuyển

Bộ GD&ĐT đã có Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia trong đó quy định mới về số lượng tối đa học sinh trong mỗi đội tuyển.

Thí sinh là học sinh đang học cấp THPT, có xếp loại hạnh kiểm và học lực từ khá trở lên theo kết quả cuối kì hoặc năm học liền kề với kì thi được chọn vào đội tuyển của đơn vị dự thi.

Cụ thể, đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi (trừ Hà Nội) có tối đa 6 thí sinh. Đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong 2 kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ GD&ĐT xét tăng đến tối đa 10 thí sinh.

Riêng đội tuyển mỗi môn thi của đơn vị dự thi Hà Nội có tối đa 12 thí sinh. Trường hợp đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong 2 kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ GD&ĐT xét tăng đến tối đa 20 thí sinh.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia. Theo đó, quy định về số lượng thí sinh dự thi của mỗi đội tuyển được nới lỏng hơn.

Cụ thể, theo quy định hiện hành, khoản 1, Điều 16 về số lượng thí sinh dự thi Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia quy định: "Đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi (trừ đơn vị dự thi Hà Nội) có tối đa 6 thí sinh; đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong hai kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp ngay trước năm tổ chức kỳ thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tăng đến tối đa 10 thí sinh.

Đội tuyển mỗi môn thi của đơn vị dự thi Hà Nội có tối đa 12 thí sinh; đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong hai kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp ngay trước năm tổ chức kỳ thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tăng đến tối đa 20 thí sinh".

Tuy nhiên, dự thảo Thông tư mới bỏ cụm từ "ngay trước năm tổ chức kỳ thi" ở điều khoản trên. Theo đó, các đội tuyển có thể được xét tăng số lượng thí sinh dự thi nếu có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong hai kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp bất kỳ.

Dự thảo cũng quy định điều khoản chuyển tiếp: "Số lượng thí sinh trong đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2022-2023 và năm học 2023-2024 tiếp tục giữ ổn định theo số lượng thí sinh được đăng ký tối đa trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022".

9. Một số chính sách mới nổi bật sẽ có hiệu lực trong tháng 2

Từ tháng 2/2023, một số chính sách mới, trong đó có các chính sách về việc làm, tài chính có hiệu lực.

Quy định về trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân

Nghị định số 103/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/12/2022, có hiệu lực từ 1/2/2023 quy định về trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân.

Nghị định này quy định về vị trí pháp lý, nhiệm vụ và quyền hạn, cơ cấu tổ chức, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nhà giáo, người học, quản lý đối với trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân (trường đào tạo, bồi dưỡng).

Nghị định quy định trường đào tạo, bồi dưỡng là cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức, hoạt động theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật, cụ thể:

Trường của cơ quan nhà nước là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước.

Trường của tổ chức chính trị là cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương; huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trường của tổ chức chính trị-xã hội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan trung ương của tổ chức chính trị-xã hội.

Trường của lực lượng vũ trang nhân dân là đơn vị trực thuộc các cấp quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nằm trong tổ chức, biên chế của Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam.

Nghị định nêu rõ cơ cấu tổ chức của trường đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội phải phù hợp với cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập, theo quy định của pháp luật có liên quan, trong đó bao gồm: Hiệu trưởng, giám đốc (hiệu trưởng); phó hiệu trưởng, phó giám đốc (phó hiệu trưởng); Hội đồng trường, hội đồng học viện (hội đồng trường) thực hiện theo quy định tại Nghị định và của pháp luật có liên quan; Hội đồng khoa học và đào tạo; Khoa, phòng chức năng; đơn vị phục vụ đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học; các đơn vị, tổ chức khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của trường đào tạo, bồi dưỡng.

Các trường hợp ký hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập

Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực từ ngày 22/2/2023.

Nghị định nêu rõ các công việc thực hiện hợp đồng bao gồm các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật lao động, pháp luật dân sự và quy định của pháp luật khác có liên quan, gồm lái xe, bảo vệ; lễ tân, phục vụ; tạp vụ; trông giữ phương tiện; bảo trì, bảo dưỡng, vận hành trụ sở, trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; công việc hỗ trợ, phục vụ khác thuộc danh mục vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập không được xác định là công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.

Các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách như công chức, gồm bảo vệ ở các cơ quan, đơn vị Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; Kho tiền hoặc Kho hồ sơ ấn chỉ có giá trị như tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Kho ấn chỉ thuế, Kho ấn chỉ hải quan; lái xe phục vụ Bộ trưởng hoặc chức vụ, chức danh tương đương Bộ trưởng trở lên; lái xe chuyên dùng chuyên chở tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; người làm công việc hỗ trợ, phục vụ khác tại cơ quan trọng yếu, cơ mật ở Trung ương theo quyết định của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý.

Các công việc chuyên môn, nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung được quy định trong Thông tư số 12/2022/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dung chung; hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Hỗ trợ người trồng lúa không thấp hơn 50% kinh phí

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, địa phương sẽ quyết định thực hiện các việc như hỗ trợ cho người trồng lúa: Sử dụng không thấp hơn 50% kinh phí dùng hỗ trợ cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Phần kinh phí còn lại để thực hiện các việc gồm phân tích chất lượng hóa, lý tính của các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao định kỳ 10 năm để sử dụng hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù hợp: Căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật, các đơn vị lập dự toán chi trình cấp có thẩm quyền quyết định;

Cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại: Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa trong từng thời kỳ được cấp có thẩm quyền phê duyệt của địa phương, chất lượng đất chuyên trồng lúa nước trên địa bàn và điều kiện thực tế của địa phương, ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo ủy ban nhân dân cấp huyện lập phương án cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại cho cả thời kỳ và từng năm, gửi sở nông nghiệp và phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Căn cứ phương án cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa được duyệt và định mức kinh tế kỹ thuật, các đơn vị lập dự toán chi cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa (tăng độ dày tầng canh tác; tôn cao đất trồng lúa trũng, thấp; tăng độ bằng phẳng mặt ruộng; thau chua, rửa mặn đối với đất nhiễm phèn, mặn và các biện pháp cải tạo đất khác) trình cấp có thẩm quyền quyết định để làm cơ sở thực hiện;

Đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi trên đất trồng lúa;

Khai hoang, phục hóa đất chưa sử dụng thành đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại: Mức chi theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/2/2023.

Giảm 50% lệ phí khi đăng ký thường trú qua Cổng dịch vụ công trực tuyến

Thông tư số 75/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú có hiệu lực từ ngày 5/2/2023. Theo đó, công dân được giảm 50% lệ phí khi đăng ký thường trú qua Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Thông tư nêu rõ, công dân Việt Nam khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú (đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, tách hộ) với cơ quan đăng ký cư trú theo quy định pháp luật cư trú thì phải nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư này.

Quy định mới về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài

Thông tư 20/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân có hiệu lực từ ngày 15/2/2023.

Thông tư quy định, các trường hợp mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để phục vụ mục đích tài trợ, viện trợ của tổ chức bao gồm mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ theo các cam kết, thỏa thuận giữa Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương với nước ngoài. Nguồn tài trợ, viện trợ là các khoản kinh phí từ ngân sách hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ;

Mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh. Nguồn tài trợ, viện trợ là nguồn tiền đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân trong nước và/hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ;

Mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ cho các chương trình, các quỹ, dự án do tổ chức trong nước và/hoặc tổ chức ở nước ngoài thành lập nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển trong các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục (tài trợ học bổng), y tế. Nguồn tài trợ là nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ các trường hợp mua, chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của tổ chức để phục vụ mục đích khác.

10. Giá xăng có thể sắp tăng vọt

Giá xăng bán lẻ trong kỳ điều hành ngày 1/2 có khả năng tăng mạnh do giá nhập khẩu tăng cao.

Đầu ngày 29/1, giá dầu Brent giao dịch ở mức 79,6 USD/thùng, giảm 1,33 USD/thùng, tương đương mức giảm 1,4%; dầu WT giao dịch mức 86,6 USD/thùng, giảm 0,8 USD/thùng (0,9%). Tuy giảm trong phiên giao dịch cuối tuần song giá dầu thế giới trong 15 ngày gần đây có xu hướng tăng cao.

Dữ liệu cập nhật mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy trên thị trường Singapore tính đến 16/1, giá xăng A92 là 97,3 USD/thùng, xăng A95 là 100,2 USD/thùng, dầu diesel 116,3 USD/thùng, cao hơn rất nhiều so với bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá gần nhất (xăng RON92 là 88,620 USD/thùng, xăng RON95 là 92,022 USD/thùng và 108,580 USD/thùng dầu diesel).

Theo một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore từ 12 - 18/1 có xu hướng tăng, bình quân giá xăng RON95 lên đến 99,12 USD/thùng, xăng RON92 là 97,55 USD/thùng, dầu diesel khoảng 116,38 USD/thùng. Do đó, ở kỳ điều chỉnh tới đây, giá bán lẻ xăng dầu trong nước có thể được điều chỉnh tăng mạnh. Mức tăng cụ thể còn tùy thuộc vào diễn biến giá dầu trước kỳ điều hành và việc điều hành quỹ bình ổn giá, nhưng dự báo tăng trong khoảng 1.000 - 2.000 đồng/lít với xăng và 800 - 1.500 đồng/lít với dầu diesel.

Ở kỳ điều hành ngày 11/1, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định giữ nguyên giá với xăng E5 RON92 ở mức 21.352 đồng/lít; xăng A95 cũng giữ nguyên mức giá bán lẻ ở mức 22.154 đồng/lít.

Trong khi đó, các mặt hàng dầu được điều chỉnh giảm. Cụ thể, dầu diesel giảm 517 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành ở mức 21.634 đồng/lít; dầu hỏa giảm 958 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành về mức 21.809 đồng/lít; dầu mazut giảm 374 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành về mức 13.366 đồng/kg.

Liên quan đến thời gian điều hành giá xăng dầu, trước đó, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào ngày 1/2, thay vì 21/1 như quy định, do trùng vào ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2023./.