Tin 24h ngày 28/9/2024
Bệnh xá đảo Song Tử Tây tiếp nhận, điều trị ngư dân bị tai nạn trên biển
Bệnh xá đảo Song Tử Tây tiếp nhận cấp cứu ngư dân Nguyễn Hữu Vinh bị tai nạn trên biển. |
Trước đó, khoảng 17 giờ ngày 27/9, trong quá trình khai thác hải sản trên vùng biển cách đảo Song Tử Tây 90 hải lý, ngư dân Nguyễn Hữu Vinh, 51 tuổi, trú tại xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, bị dây cước bật vào hai bàn tay. Bàn tay trái bị lóc da; bàn tay phải bị trật khớp. Do bị tổn thương mạch máu nên bệnh nhân bị mất rất nhiều máu.
Bệnh nhân được tàu QNa 90668 TS do ông Lương Tới, sinh năm 1976 làm thuyền trưởng, đưa vào Bệnh xá đảo Song Tử Tây.
Hiện bệnh nhân Nguyễn Hữu Vinh đang được khâu vết thương bàn tay trái; nắn chỉnh các khớp đốt tay phải; đặt nẹp cố định; truyền dịch, kháng sinh…
Quảng Bình: 1 cây cầu có nguy cơ sập, trụ cầu bung lòi cả sắt thép
Theo đánh giá, cầu Sông Thai tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đang xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ sập cầu.
cầu Sông Thai tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đang xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ sập cầu. |
Ngày 28-9, tin từ Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình cho biết, cầu Sông Thai trên địa bàn huyện Quảng Trạch sau gần 30 năm đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập cầu rất cao.
Theo đánh giá của Công ty sửa chữa đường bộ II Quảng Bình (đơn vị quản lý vận hành cầu Sông Thai), cầu có nguy cơ sập cao, nếu cầu sập sẽ cô lập hàng ngàn hộ dân thuộc 2 xã Quảng Kim, Quảng Hợp thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Về mặt hiện trạng của cầu Sông Thai, phần bê tông thân trụ đã bị bung tróc, đặc biệt ở trụ T4 và trụ T5, lớp bê tông thân trụ bị bong bật lòi cốt thép gỉ sét, vị trí cầu nằm ở vùng nhiễm mặn nên hiện tượng ăn mòn cốt thép rất nhanh.
Tại mố cầu, đá hộc xây vữa gia cố đã bị xói mạnh, trôi hết vữa xây chỉ còn trơ lại đá hộc dễ bị nước xói thêm. Trên mặt cầu đã bị bong tróc, nứt nẻ, khe co giãn bằng cao su cốt thép đã bị hư hỏng nặng.
Hiện tại cầu Sông Thai đã được cắm biển báo hạn chế tải trọng 10 T, tuy nhiên các xe tải chở keo tràm, xe chở vật liệu xây dựng và đặc biệt xe chở bê tông thương phẩm có trọng tải >30T thường xuyên qua lại cầu. Điều này gây nguy hiểm đến tính mạng người điều khiển giao thông, mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến kết cấu công trình.
Để cảnh báo và bảo đảm an toàn giao thông, đơn vị quản lý cho biết trong thời gian chờ xử lý sửa chữa cầu, cần cắm thêm biển báo cầu yếu, thay biển báo hạn chế tải trọng 10T, sang biển báo 5T và cắm thêm biển phụ “Đi chậm khi qua cầu”.
Được biết, cầu Sông Thai được đưa vào sử dụng năm 1998, kết cấu sáu nhịp, dài 180m. Mỗi nhịp được bố trí ba dầm bê tông cốt thép thường, với tải trọng thiết kế H10-X60.
344 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế hơn 81.000 tỷ đồng do bão Yagi
Tính đến ngày 27/9, bão số 3 và mưa lũ sau bão khiến 344 người chết, mất tích; 1.976 người bị thương; tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 81.503 tỷ đồng
Sáng 28/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3. |
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 3 (Yagi) là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt chưa từng có trong rất nhiều năm qua ở khu vực Bắc Bộ; xảy ra gần như đồng thời các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm như bão rất mạnh, lũ lớn, đặc biệt lớn; ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên diện rộng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tình đến ngày 27/9, bão số 3 và hoàn lưu sau bão làm 344 người chết, mất tích (318 người chết, 26 người mất tích); 1.976 người bị thương.
Trong đó, tỉnh thiệt hại nặng nề nhất về người là Lào Cai với 151 người (132 người chết; 19 người mất tích). Tiếp đó là các tỉnh: Cao Bằng 57 người (55 người chết; 2 người mất tích); Yên Bái 54 người chết; Quảng Ninh 29 người chết...
Thiên tai cũng khiến 281.966 nhà bị hư hỏng, tốc mái và 112.034 nhà bị ngập.
Về nông nghiệp, 284.472 ha lúa cùng 61.114 ha hoa màu bị ngập úng; 39.188 ha cây ăn quả hư hại; 189.982 ha rừng bị thiệt hại; 35.029 ha và 11.832 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 44.174 con gia súc, 5.604.587 con gia cầm chết.
Thống kê của cơ quan chức năng cũng nêu rõ có 3.755 điểm trường và 852 cơ sở y tế bị ảnh hưởngi; 2.211 công trình thuỷ lợi và 1.306 công trình nước sạch hỏng hóc...
"Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 81.503 tỷ đồng. Tính riêng thiệt hại ước tính cho các lĩnh vực về sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp) là trên 30.800 tỷ đồng (chiếm khoảng 38% tổng thiệt hại về kinh tế)", báo cáo nêu.
Cụ thể, Quảng Ninh 24.876 tỷ đồng; Hải Phòng 12.249 tỷ đồng; Lào Cai 6.687 tỷ đồng; Yên Bái 5.738 tỷ đồng; Hoà Bình 1.065 tỷ đồng; Cao Bằng 880 tỷ đồng; Lạng Sơn 900 tỷ đồng; Tuyên Quang 1.350 tỷ đồng; Thái Nguyên 859 tỷ đồng; Bắc Giang 5.000 tỷ đồng; Phú Thọ 1.588 tỷ đồng; Hải Dương 7.498 tỷ đồng; Hưng Yên 3.637 tỷ đồng; Bắc Ninh 1.200 tỷ đồng, Thái Bình 1.479 tỷ đồng; Nam Định 1.142 tỷ đồng...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát, đánh giá và cập nhật thống kê thiệt hại.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết với tinh thần làm việc cả ngày Thứ Bảy vì đồng bào bão lũ, thiên tai, Chính phủ tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Từ đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng nêu rõ, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống và tinh thần của Nhân dân.
"Hậu quả và những ảnh hưởng của cơn bão là hết sức nặng nề. Thiệt hại về người rất lớn, nhiều người mất tích vẫn chưa được tìm thấy, gây sang chấn tinh thần của một bộ phận nhân dân. Nhiều gia đình vẫn phải ở trong những nơi ở tạm, nhiều bản làng phải rất lâu mới có thể trở lại bình thường", Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, theo người đứng đầu Chính phủ, nhiều công trình hạ tầng cầu, đường…bị sập đổ đang được khắc phục để duy trì giao thông thông suốt cho người dân; hạ tầng điện, nước, sóng được khẩn trương khôi phục. Hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, lực lượng Quân đội đang tích cực xây dựng cầu phao tại khu vực cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập.
Nhiều chính sách của Chính phủ đang được tích cực thực hiện để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng thiên tai đã phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại; đồng thời nhận được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, đồng bào và doanh nghiệp trên cả nước.
TP HCM: Nữ sinh bị đánh hội đồng, công an vào cuộc
Sau khi nữ sinh này bị đánh hội đồng tại huyện Củ Chi, TP HCM, gia đình đã đưa em về Bình Phước để ổn định tinh thần
Ngày 28-9, Công an huyện Củ Chi, TP HCM cho biết đã vào cuộc điều tra vụ một nữ sinh bị 3 cô gái đánh hội đồng.
Theo tố cáo của bà T. (ngụ huyện Củ Chi), con gái bà là B.H. (SN 2009, học sinh cấp 3 một trường THPT trên địa bàn) đã bị 3 người đánh tới tấp.
Cụ thể, ngày 30-8, H. bị 3 cô gái đánh đập, quay clip và yêu cầu xin lỗi. Sự việc xảy ra tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi.
Thậm chí, một trong 3 cô gái dùng mũ bảo hiểm đập vào đầu H.; người còn lại đè em xuống đường, dùng chân đạp vào đầu. Nạn nhân lúc này nằm gục, tay ôm đầu.
Sau khi H. bị hành hung, gia đình đã đưa em về Bình Phước để ổn định tinh thần.
Sáng 28-9, bà T. đã đưa con lên lại TP HCM để phối hợp với cơ quan chức năng xử lý.
Đặt mua 4 sổ đỏ giả trên Facebook để đi vay 800 triệu đồng
Người phụ nữ đã đặt mua trên mạng facebook 4 quyển sổ đỏ giả đứng tên mình rồi mang đi thế chấp, vay 800 triệu đồng.
Đối tượng Ngô Thị Huế |
Ngày 28- 9, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã truy bắt được Ngô Thị Huế (49 tuổi, nơi thường trú phường Bảo Vinh, TP Long Khánh, Đồng Nai) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”
Kết quả điều tra xác định, do cần tiền để sử dụng vào mục đích cá nhân, người phụ nữ này lên mạng xã hội Facebook, thuê làm 4 sổ đỏ giả mang tên Ngô Thị Huế rồi đem đi thế chấp cho bà DTT (TP. Long Khánh) với mục đích chiếm đoạt tài sản.
Nạn nhân không biết các sổ đỏ giả nên đã cho Huế vay tổng số tiền 800 triệu đồng.
Một thời gian sau bà DTT mới phát hiện những Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Huế mang thế chấp giả nên trình báo cơ quan công an.
Qua điều tra xác minh, Công an đã bắt giữ Huế. Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai thông báo, ai là bị hại của đối tượng Ngô Thị Huế liên hệ Văn Phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai (địa chỉ: 47 Nguyễn Ái Quốc, phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) để được hướng dẫn giải quyết theo quy định của pháp luật.
Phòng bệnh sau mưa lũ: Vì sao có nhiều ca nhiễm khuẩn 'ăn thịt người'?
Bệnh Whitmore lây từ vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (còn gọi vi khuẩn ăn thịt người). Vi khuẩn này thường tồn tại trong đất và nước nên mùa mưa bão là môi trường rất thuận lợi để nó phát triển.
Thạc sĩ - bác sĩ Trần Đăng Khoa, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết mưa bão là tình hình thời tiết khá thường gặp ở nước ta, do đó cũng góp phần làm một số bệnh hô hấp và bệnh truyền nhiễm sẽ bùng phát vào mùa này.
Các bệnh hô hấp
Viêm nhiễm hô hấp: Mùa mưa bão dễ gây các bệnh lý đường hô hấp, nhất là viêm hô hấp trên, viêm phế quản và viêm phổi. Cần chú ý bảo vệ đường hô hấp, tăng cường sức đề kháng, tránh dầm mưa, lội nước nhiều.
Hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Mùa mưa, mùa lạnh và viêm nhiễm cũng dễ khởi phát các cơn khó thở, cơn hen hay cơn COPD, thậm chí là bội nhiễm thành viêm phổi nặng.
Các bệnh truyền nhiễm
Bệnh Whitmore: Bệnh lây từ vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, còn được gọi là "vi khuẩn ăn thịt người" ở nước ta, vi khuẩn này thường tồn tại trong đất và nước nên mùa mưa bão là môi trường rất thuận lợi để nó phát triển.
Sốt xuất huyết dengue: Bệnh lây truyền qua muỗi nên mùa mưa là mùa tăng cường sinh sản của muỗi và dễ lây lan dịch bệnh.
Cúm: Bệnh lý thường gặp nhiều hơn vào mùa mưa, mùa lạnh ở nước ta, thường do các chủng cúm H1, H3 gây ra, nếu bị trên các cơ địa suy giảm miễn dịch như người già, trẻ em, phụ nữ có thai, bệnh mạn tính… thì có thể tiến triển thành viêm phổi nặng và nguy cơ tử vong cao.
Sởi: Bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp, mùa mưa và mùa lạnh là điều kiện dễ lây lan.
Bệnh lý nhiễm trùng tiêu hóa: Mưa bão có khả năng làm ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển, vệ sinh, chế biến và bảo quản thực phẩm, nên có thể gây ra các bệnh lý nhiễm trùng đường tiêu hóa. Do độc tố có sẵn trong thức ăn, hoặc do vi sinh vật vào ống tiêu hóa phát triển và gây bệnh.
Bệnh nhiễm Leptospira: Là bệnh gây ra do xoắn trùng Leptospira, lây chủ yếu từ chuột và một số loài khác sang người qua môi trường đất nước tù đọng (cống rãnh, ao hồ có chứa vi khuẩn từ chất thải của động vật mang mầm bệnh).
Biện pháp phòng ngừa
Theo thạc sĩ - bác sĩ Trần Đăng Khoa, để phòng bệnh sau mưa lũ, chúng ta cần thực hiện các bước sau:
-
Giữ vệ sinh: Sử dụng nước sạch, rửa tay thường xuyên và đảm bảo môi trường khô ráo.
-
Sử dụng thực phẩm an toàn vệ sinh, ăn chín, uống sôi.
-
Tránh tiếp xúc trực tiếp với nước ô nhiễm, sử dụng bảo hộ cá nhân như găng tay, khẩu trang.
-
Chăm sóc y tế kịp thời, đúng cách: Khi có bất cứ triệu chứng bất thường.
-
Vệ sinh môi trường, loại bỏ nước đọng và phòng ngừa muỗi đốt.
-
Cần chú ý tiêm ngừa, tránh nhiễm lạnh và khám bác sĩ chuyên khoa hô hấp sớm khi có triệu chứng bệnh hen hay COPD tái phát.
-
Cần chú ý tiêm ngừa cúm, sởi ở nhóm người nguy cơ cao.
Hai trung tâm đăng kiểm ở Hải Dương bị tạm dừng hoạt động 3 tháng
Sở GTVT Hải Dương vừa có quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với 2 Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới là 34-04D và 34-05D.
Nguyên nhân do 2 Trung tâm đăng kiểm này vi phạm quy định tại điểm d khoản 10 Điều 1 Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 8/6/2023 của Chính phủ.
Theo đó, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 34-04D (địa chỉ tại thôn Quỳnh Khê, xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) bị tạm đình chỉ 3 tháng, tính từ 26/9 đến hết ngày 25/12/2024.
Theo quyết định, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 34-04D phải dừng toàn bộ hoạt động đăng kiểm xe cơ giới trong thời gian bị tạm đình chỉ theo quy định tại Điều 1; Thông báo bằng văn bản về kế hoạch hoạt động trở lại gửi Sở Giao thông vận tải Hải Dương và Cục Đăng kiểm Việt Nam trước ngày hết hạn tạm đình chỉ không quá 3 ngày.
Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 34-04D và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành theo đúng quyết định.
Tương tự, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 34-05D (địa chỉ tại phân khu 2 - Khu đô thị mới phía Nam TP Hải Dương, xã Liên Hồng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) bị tạm đình chỉ 3 tháng, tính từ ngày 26/9 đến hết ngày 25/12/2024.
Nguyên nhân 2 trung tâm đăng kiểm trên bị đình chỉ do mỗi đơn vị có 2 đăng kiểm viên bị Cục Đăng kiểm Việt Nam thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên.
Trước đó ngày 26/9/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử sơ thẩm 6 bị cáo về tội nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 34-05D và Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 34-04D.
Bốn phó giám đốc đồng thời là đăng kiểm viên tại 2 trung tâm này đã cấu kết với một số doanh nghiệp nhận hối lộ hơn 200 triệu đồng để hướng dẫn chủ các phương tiện cải tạo phương tiện cơ giới đường bộ tại các cơ sở thi công bên ngoài.
Ngoài mức án phạt tù, các đăng kiểm viên còn bị thu hồi chứng chỉ. Như vậy, theo quy định, trung tâm sẽ phải tạm dừng hoạt động.
Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình bị cách chức
Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình bị cách chức; ba Phó giám đốc Sở bị khiển trách và kiểm điểm sau sự cố nhầm phách, làm sai lệch điểm của gần 1.600 học sinh thi vào lớp 10.
Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình bị cách chức |
Cụ thể, theo thông tin từ UBND tỉnh Thái Bình, sau những sai phạm trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT tỉnh Thái Bình năm học 2024-2025, ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, bị kỷ luật cách chức.
Bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc, bị khiển trách. Ông Đặng Xuân Phong, Phó giám đốc, kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó giám đốc, kiểm điểm rút kinh nghiệm tại Hội nghị kiểm điểm đối với công chức lãnh đạo quản lý của Sở.
Đối với những tập thể, cá nhân thuộc, trực thuộc Sở có hành vi vi phạm đã được nêu trong các kết luận thanh tra, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan này xem xét, xử lý theo trình tự, thủ tục, phân theo cấp và thẩm quyền để đảm bảo khách quan, công bằng và đúng pháp luật.
Trước đó, Thanh tra tỉnh Thái Bình đã công bố kết luận thanh tra cho thấy, có gần 1.600 học sinh bị sai điểm thi lớp 10 do ghép phách nhầm.
Tổng điểm xét tuyển của 1.589 em bị sai. Trong đó, 252 em từ trượt thành đỗ công lập, số ngược lại cũng tương tự.
Sau thanh tra, Sở công bố lại điểm thi của các thí sinh và tổ chức xét tuyển theo quy định. Tổng số thí sinh được phê duyệt trúng tuyển là 16.287.
Trong 260 thí sinh từ đỗ thành trượt, 141 em nhập học lớp 10 trường tư, 73 em học GDTX. Với 16 em còn lại, ba em không nhập học, 13 em không đăng ký trường nào, từ trước khi thanh tra.
Sự cố được phát hiện sau khi một số phụ huynh tố cáo kỳ thi có "bất thường" hồi cuối tháng 7.
Nhiều thí sinh được tăng điểm sau phúc khảo, với mức tăng khoảng 1,25-5,75.