Các tỉnh, thành phố Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới

Ngày 24/9, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện số 11/CĐ-QG gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Công thương; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành thực hiện một số nội dung sau:

Ban Chỉ huy các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm (Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: từ vĩ tuyến 13,5 - 16,5 độ vĩ Bắc, từ kinh tuyến 109,0 - 114,5 độ kinh Đông; trong 48 giờ tới: từ vĩ tuyến 14,0 - 17,0 độ vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 112,0 và được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).

Các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các hoạt động trên biển và nuôi trồng thủy, hải sản; chủ động cấm biển và đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các chòi canh, lồng bè tùy theo diễn biến của áp thấp nhiệt đới; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Khu vực đất liền Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Các địa phương tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công dở dang; sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp; kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Cấm bay 12 tháng một nữ hành khách vì dùng giấy tờ giả

Cục Hàng không Việt Nam vừa ra quyết định cấm vận chuyển bà L.T.H (thường trú tại Cửa Dương, Phú Quốc) do sử dụng giấy tờ nhân thân không do cơ quan có thẩm quyền cấp để làm thủ tục kiểm tra an ninh hàng không vào khu vực cách ly, lên tàu bay đi chuyến bay Phú Quốc - TP Hồ Chí Minh ngày 17/7.

Tin 24h ngày 25/9/2023
Sân bay Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh tư liệu (minh họa): Huy Hùng/TTXVN

Được biết, bà H đã bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng theo Quyết định của Trưởng đại diện Cảng vụ hàng không miền Nam tại Phú Quốc.

Thời hạn bị cấm vận chuyển là 12 tháng, tính từ ngày 20/9/2023 đến hết ngày 19/9/2024. Sau thời gian này, bà H sẽ phải chịu kiểm tra trực quan bắt buộc 6 tháng tiếp theo tính từ ngày 20/9/2024 đến hết ngày 19/3/2025 nếu muốn đi máy bay.

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không của Việt Nam và nước ngoài khai thác tại Việt Nam trên các chuyến bay nội địa và quốc tế xuất phát từ Việt Nam không được vận chuyển bà H theo thời hạn nêu trên.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được yêu cầu chỉ đạo các đơn vị, bộ phận trực thuộc kiểm tra, đối chiếu chặt chẽ giấy tờ về nhân thân của hành khách sử dụng đi tàu bay để phát hiện, ngăn chặn kịp thời bà H và kiểm tra trực quan bắt buộc theo thời hạn nêu trên.

Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các cảng vụ thông báo bằng văn bản đến công an, hải quan cửa khẩu hàng không để phối hợp, cùng các hãng hàng không nước ngoài và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất thuộc địa bàn quản lý để thực hiện, cũng như kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện.

Theo Nghị định 92/2015/NĐ-CP về an ninh hàng không, sử dụng giấy tờ giả để đi máy bay là một trong những hành vi bị cấm vận chuyển bằng đường hàng không trong thời hạn từ 3 - 12 tháng. Đối với trường hợp đã bị xử phạt nhưng vẫn vi phạm sẽ bị cấm vận chuyển trong thời hạn trên 12 tháng đến 24 tháng.

TP Hồ Chí Minh: Thông tin về sức khoẻ của các nạn nhân trong vụ sập nhà 4 tầng

Chiều 24/9, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh) thông tin, khoa Cấp cứu đã tiếp nhận 2 nạn nhân (đều là nam) trong vụ sập nhà 4 tầng ở Bình Quới (quận Bình Thạnh); trong đó, một trường hợp bị đa chấn thương, gãy xương đùi trái, dập phổi.

Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, khoa Cấp cứu tiếp nhận nạn nhân thứ 2 (31 tuổi) nhập viện do đa chấn thương. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng gãy hở xương cẳng chân hai bên.

Theo Bệnh viện Nhân dân Gia Định, ngay khi tiếp nhận hai nạn nhân trong vụ sập nhà, bệnh viện đã khởi động quy trình báo động đỏ nội viện. Theo đó, cả hai nạn nhân được cấp cứu và hội chẩn khẩn nhiều chuyên khoa như Chấn thương chỉnh hình, Ngoại Thần kinh, Ngoại Lồng ngực mạch máu…

Hiện tại hai bệnh nhân được chuyển lên khoa Gây mê Hồi sức để tiếp tục cấp cứu, phẫu thuật và điều trị tích cực.

Bên cạnh đó, Bệnh viện quận Bình Thạnh cho biết, khoa Cấp cứu tiếp nhận 5 nạn nhân trong vụ sập nhà 4 tầng. Trong đó có một nạn nhân được chuyển sang Bệnh viện Nhân dân Gia Định để điều trị, một nạn nhân không bị chấn thương nên đã được xuất viện về nhà, 3 nạn nhân còn lại chỉ bị thương nhẹ.

Như Báo Tin tức đã thông tin, vào vào lúc 12 giờ 52 phút ngày 24/9 toà nhà 4 tầng nằm trong hẻm 133/1 đường Bình Quới, Phường 27, quận Bình Thạnh xảy ra sự cố đổ sập khi đang sửa chữa. Lực lượng cứu hộ và cứu nạn đã giải cứu thành công 7 người bị mắc kẹt trong căn nhà 4 tầng bị đổ sập.

Hỗ trợ cho lao động Việt Nam bị thương trong vụ cháy ở Đài Loan (Trung Quốc)

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, ngày 24/9, đại diện Văn hóa - Kinh tế Việt Nam tại Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) đã đến thăm động viên lao động Việt Nam bị thương đang điều trị tại bệnh viện Bình Đông và Cao Hùng; triển khai hỗ trợ cho lao động Việt Nam bị thương trong vụ cháy.

Đồng thời, đại diện Quản lý lao động Văn phòng Văn hóa - Kinh tế Việt Nam tại Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) đã làm việc với đại diện công ty MG nhân lực Đài Loan và đề nghị công ty phối hợp chăm lo sức khỏe cho các nạn nhân, ổn định tâm lý, đời sống của những người lao động Việt Nam đang làm việc tại nhà máy, phối hợp với chủ sử dụng lao động sớm lên phương án sắp việc việc làm cho các lao động Việt Nam làm việc tại nhà máy.

Theo Ban Quản lý lao động Văn phòng Văn hóa - Kinh tế Việt Nam tại Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc), chiều tối ngày 22/9, đã xảy ra vụ việc cháy nổ tại Công ty HHCP khoa kỹ quốc tế Minh Dương, địa chỉ số 38, đường Kinh Kiến, phường Tiền Tiến, TP Bình Đông, huyện Bình Đông, Đài Loan (Trung Quốc). Cơ quan chức năng sở tại đã xác định có 16 lao động Việt Nam bị thương trong vụ hỏa hoạn, không có trường hợp nào tử vong. Trong số 16 lao động bị thương có 3 lao động bị thương nặng, 4 lao động bị thương mức trung bình, 9 lao động bị thương nhẹ (trong đó có 3 lao động đã được xuất hiện). Các lao động Việt Nam đều không nguy hiểm đến tính mạng.

Tính đến nay, có 15 lao động Việt Nam đang được điều trị tại các bệnh viện thuộc huyện Bình Đông và TP Cao Hùng, miền Nam Đài Loan. Tình trạng 3 bệnh nhân nặng đã có tiến triển tốt, trong đó 2 bệnh nhân đã tỉnh táo, nói chuyện được; 1-2 ngày tới sẽ chuyển sang phòng điều trị thường; tạm thời không có nguy hiểm tính mạng, Cả 3 bệnh nhân này đều có người thân đang làm việc tại Đài Loan chăm sóc. Các bệnh nhân nhẹ còn lại đang được điều trị, theo dõi.

Các cơ quan chức năng Đài Loan (Trung Quốc) đã tiến hành phát tiền trợ cấp ban đầu cho 16 lao động bị thương trong vụ cháy nhà máy với tổng số tiền gần 300 triệu đồng.

Tạm giữ tàu chở khoảng 50.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc trên biển

Ngày 24/9, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 cho biết đã dẫn giải tàu BV5491TS chở khoảng 50.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc về cảng Hải đội 301 (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, vào khoảng 11 giờ ngày 22/9, tại vùng biển cách phía Đông Nam Côn Đảo khoảng 85 hải lý, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phát hiện tàu vỏ gỗ số hiệu BV5491TS có dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 3 thuyền viên do ông Phạm Văn Mỹ (SN 1966, ngụ tại xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh) làm thuyền trưởng.

Theo lời khai ban đầu của ông Mỹ, tàu đang vận chuyển khoảng 50.000 lít dầu DO, nhưng không xuất trình được hóa đơn cũng như giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc của số dầu trên.

Lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với tàu BV5491TS, đồng thời dẫn giải tàu về cảng của Hải đội 301 tại TP Vũng Tàu để tiếp tục điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Kiểm tra nồng độ cồn, phát hiện nhiều cán bộ, công chức vi phạm

Cục Cảnh sát Giao thông cho biết, thực hiện kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, ngày 23/9, các tổ công tác của Cục đã phối hợp với Công an 5 địa phương: Bắc Giang, Đắk Lắk, Trà Vinh, Nghệ An, Hà Tĩnh trực tiếp kiểm soát phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn.

Qua kiểm soát, Cảnh sát Giao thông phát hiện, xử lý 199 trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn (54 ô tô, 144 xe mô tô, 01 xe máy điện), một trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.

Đáng chú ý trong các trường hợp vi phạm, có 3 trường hợp khai nhận là phóng viên, nhà báo (có trường hợp xuất trình thẻ nhà báo cho tổ công tác) và 7 cán bộ, công chức.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Cục Cảnh sát Giao thông bố trí 3 tổ công tác phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Bắc Giang, Đội Cảnh sát Giao thông - trật tự Công an thành phố Bắc Giang tiến hành kiểm soát trên các tuyến đường Hùng Vương, 398, Tân Mỹ, Xương Giang, thành phố Bắc Giang. Qua đó, 100 trường hợp đã bị phát hiện, xử lý vi phạm, trong đó 92 trường hợp (25 ô tô, 66 mô tô, 1 xe máy điện) vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện. Trong số này, một trường hợp là Phó Giám đốc Trung tâm Quỹ đất thành phố Bắc Giang; một trường hợp là Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Bắc Giang;

Tại Đắk Lắk, Cục Cảnh sát Giao thông bố trí một tổ công tác phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh và Công an thành phố Buôn Ma Thuột, Công an huyện Ea Kar để kiểm soát vi phạm; phát hiện, xử lý 45 trường hợp (18 ô tô, 27 mô tô) vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, trong đó có hai nhà báo, Giám đốc Bưu điện thành phố Buôn Ma Thuột, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Ea Kar; một trường hợp là Phó Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ea Kar và hai công chức (Giám đốc Trạm Đăng kiểm số 4703D, xã Ea Đar, huyện Ea Kar và một trường hợp khai là cán bộ Chi cục Thú y Đắk Lắk).

Tại Trà Vinh, lực lượng của Cục phối hợp với Đội Cảnh sát Giao thông- trật tự Công an thị xã Duyên Hải và Đội Cảnh sát Giao thông, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Trà Vinh tiến hành kiểm tra nồng độ cồn trên một số tuyến đường thuộc thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Qua kiểm tra phát hiện, xử lý 35 trường hợp trong đó 33 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, một trường hợp điều khiển xe mô tô không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn.

Tại Nghệ An, kiểm tra nồng độ cồn tại quốc lộ 1A thuộc khối 5 thị trấn Diễn Châu, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Tại Hà Tĩnh, kiểm tra nồng độ cồn ở đường Trần Phú, phường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh, Cảnh sát Giao thông phát hiện xử lý 20 trường hợp vi phạm, trong đó có 19 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, gồm một trường hợp phóng viên.

20 tỷ USD đã được đầu tư vào năng lượng tái tạo

Theo Viện Năng lượng, Bộ Công Thương, trong 4 năm qua (2019-2022), Việt Nam đã có sự phát triển rất nhanh về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió.

Tính đến hết năm 2022, tổng công suất của các nguồn điện gió và mặt trời đã chiếm gần 27% tổng công suất của hệ thống. Kết quả này đưa Việt Nam trở thành một trong các nước đi đầu về công suất lắp đặt điện năng lượng tái tạo trên thế giới và trong khu vực.

Ước tính đã có khoảng 20 tỷ USD từ nguồn vốn tư nhân và nước ngoài được huy động vào năng lượng tái tạo.

Để duy trì và thu hút các nguồn lực cho phát triển năng lượng tái tạo, thời gian qua Bộ Công thương đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các dự án không đáp ứng điều kiện áp dụng giá bán điện FIT.

Đây cũng là một trong những vấn đề khó khăn đối với các chủ đầu tư i không đóng điện kịp tiến độ sau khi quy định giá bán điện FIT hết hiệu lực./.

Quảng Trị: Một ngư dân bị sét đánh tử vong khi đang đánh cá trên biển

Trưa 25/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, trong 24 giờ qua, trên địa bàn tỉnh đã có dông sét, mưa vừa đến mưa to.

Theo dự báo, địa bàn tỉnh sẽ có mưa lớn trên diện rộng vào những ngày sắp tới, kéo dài đến ngày 27/9, có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Hiện toàn tỉnh có 2.273 tàu, với 5.503 thuyền viên kịp vào neo đậu tại các bến của tỉnh, còn 13 tàu, với 100 thuyền viên đang hoạt động trên biển. Ngoài ra, có 79 tàu với 702 thuyền viên ngoại tỉnh đang vào neo đậu tại các bến trong tỉnh.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, dông sét khiến một ngư dân bị thiệt mạng. Đó là ông Trần Khương T. (59 tuổi, trú thôn 6, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) đang đánh bắt cá tại vùng biển tỉnh Quảng Trị, bằng thuyền nan công suất 12CV thì bị sét đánh. Chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình nạn nhân.

Để đảm bảo an toàn cũng như thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị có kế hoạch ứng phó thời tiết nguy hiểm trên biển, mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất…Trong đó, chú trọng triển khai lực lượng kiểm tra, rà soát khu vực nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; bố trí người canh gác, chốt chặn và sẵn sàng phương tiện, vật tư ứng phó, khắc phục sự cố; sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống xấu xảy ra.

Cao Bằng: Hàng chục học sinh vùng cao bị ngộ độc do uống nước ngọt không rõ nguồn gốc

Thời gian gần đây, một số trường học ở vùng cao của tỉnh Cao Bằng xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm do học sinh uống các loại nước ngọt rẻ tiền, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có chữ nước ngoài in trên nhãn mác.

Theo báo cáo của UBND huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, chiều 21/9, 8 học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú và Trung học Cơ sở Cốc Pàng (xã Cốc Pàng) xuất hiện các triệu chứng đau đầu, đau bụng, nuồn nôn, tiêu chảy, được đưa đến Trạm Y tế xã điều trị. Trước đó, các em đã ra cổng trường mua nước ngọt Coca Cola có in chữ nước ngoài về uống, sau khi uống khoảng 30 phút xuất hiện các triệu chứng nói trên. Các học sinh này đã được thầy cô giáo kịp thời đưa đến Trung tâm Y tế điều trị, sức khỏe đã ổn định.

Ngày 23/9 lại có 24 học sinh tiếp tục mua loại nước ngọt nói trên về uống và xuất hiện các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy được đưa đến Trạm Y tế xã, trong đó có 6 em có biểu hiện nặng phải đưa lên Trung tâm Y tế huyện điều trị.

Sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện Bảo Lạc đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Trạm Y tế có biện pháp kịp thời khám, điều trị cho các học sinh có biểu hiện nặng; lấy mẫu thực phẩm đi xét nghiệm; tiến hành kiểm tra, thu hồi các sản phẩm có liên quan; tuyên truyền vận động cho người dân, phụ huynh, học sinh không sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, ngày 7/9, 25 học sinh của Trường Tiểu học Việt Chu, xã Thống Nhất, huyện Hạ Lang bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn kẹo, uống nước ngọt không rõ nguồn gốc xuất xứ, mua ở cổng trường.

An Giang: Khởi tố, bắt tạm giam hai đối tượng cưỡng đoạt tài sản của con nợ

Sáng 25/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Long Xuyên (An Giang) cho biết vừa ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh bắt tạm giam đối với Phan Thị Tuyết Mai (sinh năm 1998) và Trần Hoàng Khả Vy (sinh năm 2002), cùng trú tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Tin 24h ngày 25/9/2023
Phan Thị Tuyết Mai và Trần Hoàng Khả Vy tại cơ quan điều. Ảnh: TTXVN

Theo kết quả điều tra ban đầu, khoảng 18 giờ 40 phút ngày 5/4/2023, Nguyễn Huỳnh Trúc Anh (sinh năm 1998, trú tại phường Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên) đang làm tại một tiệm Spa thuộc phường Mỹ Xuyên, thành phố Long Xuyên (An Giang), thì Phan Thị Tuyết Mai và Trần Hoàng Khả Vy cùng nhóm bạn đến yêu cầu Trúc Anh trả nợ Vy số tiền 160 triệu đồng và trả nợ Mai số tiền 58 triệu đồng. Trúc Anh năn nỉ được trả hàng tháng nhưng Vy và Mai không đồng ý.

Lúc này, Mai móc túi Trúc Anh, lấy chiếc điện thoại di động và hơn 1,5 triệu đồng rồi yêu cầu Trúc Anh lên xe để chở về nhà nói chuyện. Tại đây, Mai và Vy yêu cầu Trúc Anh đưa mật khẩu đăng nhập các tài khoản ngân hàng trong điện thoại nhưng Trúc Anh không đồng ý. Sau đó, Mai và Vy thay nhau kiểm tra các thông tin trong điện thoại của Trúc Anh và cầm ngón tay của Trúc Anh ấn vào điện thoại để mở mật khẩu, một lúc sau thì cả nhóm lên xe ra về.

Nhận lại chiếc điện thoại di động Mai trả, Trúc Anh kiểm tra số dư trong tài khoản ngân hàng, phát hiện số tiền 27 triệu đồng đã được chuyển đến số tài khoản của Vy. Sáng 6/4, Trúc Anh đến Công an phường Mỹ Xuyên (thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) trình báo sự việc.

Vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Long Xuyên tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ.

Hà Nội sớm bàn giao mặt bằng để xây dựng cầu Đa Phúc nối với Thái Nguyên

Theo Bộ GTVT, công trình cầu Đa Phúc trên quốc lộ 3 (địa bàn huyện Sóc Sơn, Hà Nội) thuộc dự án cầu yếu đã triển khai thi công từ tháng 6/2022 và dự kiến hoàn thành tháng 12/2023.

Tin 24h ngày 25/9/2023
Cầu Đa Phúc nối Hà Nội với Thái Nguyên đang bị chậm trễ do thiếu mặt bằng phía Hà Nội

Bộ GTVT vừa có công điện đề nghị UBND TP Hà Nội đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ, giai đoạn 1.

Theo Bộ GTVT, công trình cầu Đa Phúc trên quốc lộ 3 (địa bàn huyện Sóc Sơn, Hà Nội) thuộc dự án cầu yếu đã triển khai thi công từ tháng 6/2022 và dự kiến hoàn thành tháng 12/2023.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban QLDA 2, hiện nay UBND huyện Sóc Sơn mới bàn giao được 13/13 thửa đất công, còn vướng 18 thửa đất ở của các hộ dân và công trình hạ tầng kỹ thuật (đường điện chiếu sáng, điện hạ thế, đường nước, cáp quang).

"Công tác bàn giao mặt bằng cho dự án hiện đang rất chậm, chưa đáp ứng tiến độ triển khai thi công", Bộ GTVT nhấn mạnh và đề nghị UBND TP Hà Nội quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành các thủ tục, bàn giao mặt bằng cho dự án trong tháng 9/2023 để triển khai thi công, đáp ứng tiến độ yêu cầu, phát huy hiệu quả đầu tư.

Cầu Đa Phúc bắc qua sông Công nối TP Hà Nội với Thái Nguyên thuộc gói thầu XL-03, là 1 trong 6 cầu được xây mới trong giai đoạn 1 của dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ sử dụng vốn vay ưu đãi từ EDCF.

Theo phương án thiết kế được duyệt, dự án sẽ thi công thêm một đơn nguyên bên phải cầu Đa Phúc (hiện hữu) hướng từ TP Hà Nội đi Thái Nguyên trên QL3 (cũ).