Không yêu cầu người dân xuất trình, nộp Sổ hộ khẩu khi giải quyết thủ tục hành chính

Thủ tướng vừa ký ban hành Chỉ thị số 05 chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, đánh giá và tái cấu trúc toàn bộ quy trình nghiệp vụ các dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm quán triệt, chỉ đạo cụ thể các cơ quan, tổ chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính không yêu cầu người dân phải xuất trình, nộp Sổ hộ khẩu theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn Luật Cư trú.

Các bộ, ngành phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, ứng dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VNeID và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử để dần thay các loại giấy tờ công dân, trước mắt là việc thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy từ ngày 1/1/2023.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới phương thức, lề lối làm việc, kiên quyết xử lý theo quy định những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tự ý đặt ra thủ tục hành chính không đúng quy định hoặc để chậm, muộn hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia trình Chính phủ chậm nhất trong tháng 4/2023. Đồng thời, đẩy mạnh việc cấp mã định danh cá nhân, thẻ căn cước công dân gắn chip cho công dân đủ điều kiện, thực hiện thường xuyên; chuẩn hóa, cập nhật và chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tăng cường hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công có sử dụng thông tin công dân, nhất là thời gian đầu bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy. Bảo đảm tích hợp, chuẩn hóa, cập nhật và chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương.

Không khí lạnh tăng cường làm giảm nhiệt tại miền Bắc từ hôm nay

Thời tiết khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét. Trong khi vùng núi Bắc Bộ có nơi rét đậm. Khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế từ tối và đêm ngày 24/2 trời chuyển rét.

Theo dự báo thời tiết, trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến 13-16 độ. Khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 10-13 độ. Vùng núi cao có nơi dưới 9 độ.

Thời tiết Hà Nội nhiều mây, không mưa. Gió Đông cấp 2-3. Sáng và đêm trời rét. Trời hửng nắng. Nhiệt độ thấp nhất từ: 16-18 độ. Nhiệt độ cao nhất từ: 22-24 độ.

Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định đặc điểm của đợt không khí lạnh lần này chỉ gây giảm nhiệt về đêm và sáng sớm. Đợt rét ngày 24/2 khiến nền nhiệt giảm mạnh, sau đó trời lại có nắng, nhiệt độ nhích nhẹ. Đến ngày 27/2, nhiều khả năng miền Bắc lại có thêm một đợt không khí lạnh bổ sung khiến nền nhiệt duy trì trạng thái rét về đêm và sáng.

Thái Bình: Bắt giám đốc đăng kiểm và thuộc cấp vì nhận 120 triệu đồng của chủ tàu

Chiều 23/2, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Trung Hải (SN 1964, trú quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng), Giám đốc Chi Cục đăng kiểm 11 ở phường Trần Hưng Đạo, TP Thái Bình về tội "Nhận hối lộ".

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình cũng ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với các đăng kiểm viên gồm: Vũ Đăng Hạnh (SN 1979), Trần Văn Quyết (SN 1987), Trần Công Trịnh (SN 1984), cùng trú tại TP Thái Bình. Các quyết định và lệnh nêu trên đã được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn.

Bước đầu điều tra, làm rõ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, các đối tượng đã nhận của các chủ phương tiện với tổng số tiền trên 120 triệu đồng để bỏ qua các lỗi: không có đầy đủ thiết bị neo, trang bị chữa cháy, trang bị cứu sinh…

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang khẩn trương điều tra mở rộng vụ án, xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật và triệt để thu hồi tài sản do phạm tội mà có.

Hải Dương: Phạt 375 triệu đồng với 6 thanh niên vắng mặt trong lễ giao nhận quân

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương vừa ký ban hành quyết định xử phạt hành chính với 6 thanh niên trú tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, tổng mức phạt lên tới 375 triệu đồng (62.5 triệu đồng/người). Lý do xử phạt là vì ngày 6/2, UBND huyện Tứ Kỳ tổ chức lễ giao nhận quân nhưng 6 người trên vắng mặt không có lý do chính đáng.

6 thanh niên gồm: N.N.Ch. (sinh năm 2004, ở thôn Kim Xuyên, xã Chí Minh); N.M.T. (sinh năm 2000, thôn Bỉnh Di, xã Đại Sơn); N.V.Đ. (sinh năm 2001, ở thôn Quàn, xã Minh Đức); V.V.N. (sinh năm 1998, ở thôn Bình Cách); N.T.L. (sinh năm 2004, ở thôn Hữu Chung); P.X.T. (sinh năm 2001, thôn Hàm Cách, cùng xã Hà Thanh). Bên cạnh đó, 6 thanh niên vẫn phải chấp hành và thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định.

Từ 01/8/2024, chỉ tuyển công chức đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào

Theo Nghị định trên, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức áp dụng đối với người đăng ký tuyển dụng vào công chức thông qua hình thức thi tuyển.

Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức là hoạt động đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức tại cơ quan có thẩm quyền.

Bộ Nội vụ là cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được tổ chức định kỳ hai lần vào tháng Bảy và tháng 11 hằng năm.

Điều kiện đăng ký dự kiểm định

Nghị định quy định điều kiện đăng ký dự kiểm định chất lượng đầu vào công chức thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức . Những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức không được đăng ký dự kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Hình thức kiểm định

Hình thức kiểm định là thi trắc nghiệm trên máy vi tính.

Nội dung kiểm định gồm: Đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn; hiểu biết chung, cơ bản của thí sinh về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan nhà nước; quản lý hành chính nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức, đạo đức công vụ; kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử.

Theo quy định, thời gian kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ đại học trở lên là 120 phút, số lượng câu hỏi 100 câu; kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ trung cấp, cao đẳng là 100 phút, số lượng câu hỏi 80 câu.

Kết quả kiểm định được xác định theo số câu trả lời đúng trong bài thi. Thí sinh trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên thì được xác định là đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ. Trong thời hạn kết quả kiểm định còn giá trị, người đạt kết quả kiểm định được đăng ký thi tuyển công chức ở các cơ quan, tổ chức trong phạm vi toàn quốc.

Thi tuyển công chức, đã đạt kiểm định đầu vào, không phải thi vòng 1

Việc tổ chức thi vòng 1 trong thi tuyển công chức tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP đến hết ngày 31/7/2024. Trong thời gian này, người đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào theo quy định tại Nghị định này khi tham gia thi tuyển công chức không phải thực hiện thi vòng 1 theo quy định tại khoản 1 Điều 8 và điểm a, điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP.

Kể từ ngày 1/8/2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định.

Trung Quốc cấm công cụ ChatGPT

Các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã yêu cầu các công ty công nghệ lớn của nước này không cung cấp dịch vụ ChatGPT cho người dân.

Theo đó, các tập đoàn lớn tại Trung Quốc như Tencent, Alibaba nhận được yêu cầu về việc ngừng cung cấp dịch vụ ChatGPT cả trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua nền tảng của bên thứ ba.

Ngoài cấm ChatGPT, Trung Quốc cũng đưa ra thông báo về việc các công ty trong nước muốn ra mắt chatbot hoặc dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) có liên quan phải báo cáo và xin phép cơ quan quản lý. Không tổ chức hoặc cá nhân nào tại quốc gia này được tự ý khởi chạy các dịch vụ kiểu siêu AI như ChatGPT.

ChatGPT là sản phẩm do công ty OpenAI có trụ sở tại San Francisco phát triển. Công cụ này đang đặt ra nhiều vấn đề về nguy cơ thông tin sai lệch và gian lận về học vấn.

V-League 2023 nghỉ hơn 1 tháng, lãnh đạo VFF tiết lộ điều bất ngờ

V-League 2023 mới diễn ra được 4 vòng đấu, nhưng lại nghỉ thi đấu hơn 1 tháng, điều này khiến nhiều HLV của các đội bóng không hài lòng. Các chuyên gia và truyền thông cũng phản ánh khá nhiều.

Lý giải về việc V-League 2023 diễn ra được 4 vòng đấu lại nghỉ hơn 1 tháng, ông Trần Anh Tú - Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cho biết, VFF cũng như Ban tổ chức đã họp lấy ý kiến và có sự đồng thuận của các bên.

Ông Trần Anh Tú khẳng định: “VFF và VPF đã làm việc về lịch thi đấu này. Chúng tôi đã trình bày trước đại hội và nhận được sự đồng thuận của các CLB, với 8/14 đội bóng đồng thuận. Ở đại hội lần 2 vừa qua, chỉ có ý kiến về lịch thi đấu của giải hạng nhất để điều chỉnh lại một chút”.

Cũng nói về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hội - Ủy viên BCH Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cho biết, VFF và VPF đã nhận được sự đồng thuận của các CLB nên mới quyết định cho V-League 2023 nghỉ, chứ không phải tự ý làm được mọi việc.

Ông Nguyễn Quốc Hội nói: “Về việc các trận đấu V-League bị gián đoạn, đây là mùa giải chuyển giao để ta hội nhập với khu vực. Thời gian năm nay rất ít nên ta phải tương đối ưu tiên cho ĐTQG. Những việc này, VPF đã tham khảo các CLB nên tôi nghĩ đây vẫn là phương án tối ưu để giải đấu hoạt động”.

Ngoài việc V-League 2023 nghỉ để phục vụ cho U20 Việt Nam và các ĐTQG thì đợt nghỉ hơn 1 tháng này cũng giúp cho VFF và VPF tập huấn cho các trọng tài về VAR để sớm đưa công nghệ này áp dụng vào V-League 2023/2024./.

Chuẩn bị thu phí không dừng phương tiện vào sân bay

Cũng nói về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hội - Ủy viên BCH Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cho biết, VFF và VPF đã nhận được sự đồng thuận của các CLB nên mới quyết định cho V-League 2023 nghỉ, chứ không phải tự ý làm được mọi việc.

Ông Nguyễn Quốc Hội nói: “Về việc các trận đấu V-League bị gián đoạn, đây là mùa giải chuyển giao để ta hội nhập với khu vực. Thời gian năm nay rất ít nên ta phải tương đối ưu tiên cho ĐTQG. Những việc này, VPF đã tham khảo các CLB nên tôi nghĩ đây vẫn là phương án tối ưu để giải đấu hoạt động”.

Ngoài việc V-League 2023 nghỉ để phục vụ cho U20 Việt Nam và các ĐTQG thì đợt nghỉ hơn 1 tháng này cũng giúp cho VFF và VPF tập huấn cho các trọng tài về VAR để sớm đưa công nghệ này áp dụng vào V-League 2023/2024./.

Giá vàng tiếp tục giảm sâu

Phiên giao dịch hôm nay (24-2), giá vàng thế giới rớt xuống mức mới là 1.818 USD/ounce, tương đương 52,7 triệu đồng/lượng. Giá vàng đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng qua.

Với mức giá này, người mua vàng một năm trước đó lỗ đến 78 USD/ounce, tương đương 2,3 triệu đồng/lượng.

Theo giới phân tích, sau khi biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được công bố hôm qua, thị trường đã bắt đầu định vị Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.

Ông Bob Haberkorn, chuyên gia phân tích Quỹ RJO Futures cho biết, dù kinh tế Mỹ có suy giảm nhẹ trong quý 4-2022, nhưng tỉ lệ tăng trưởng việc làm vẫn còn rất tốt. Chỉ số này sẽ gây sức ép lên tiền lương và giá cả.

Trong khi đó, quan điểm của Fed rất rõ, sẵn sàng hy sinh nền kinh tế để chống lạm phát, do đó, lãi suất sẽ tiếp tục duy trì mức tăng. Giá vàng khó làm nên chuyện trong môi trường lãi suất cao.

Sáng nay (24-2), vàng PNJ giảm 100.000 đồng xuống còn 54,45 triệu đồng/lượng. Vàng SJC cũng giảm 100.000 đồng về mức giá 67 triệu đồng/lượng.

Ủy ban châu Âu cấm nhân viên cài đặt TikTok trên các thiết bị

Ủy ban châu Âu (EC) cấm cài đặt ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok trên các thiết bị chính thức mà các quan chức và nhân viên của Ủy ban sử dụng vì lý do an ninh mạng. EC là thể chế đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) áp lệnh cấm này.

Thông tin trên được ông Thierry Breton, Ủy viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp của EU đưa ra tại một cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 23/2.

Theo đó, lệnh cấm được áp dụng đối với cả các thiết bị cá nhân cũng như các thiết bị được sử dụng trong công việc. Thông báo cũng nêu rõ, biện pháp này nhằm bảo vệ EC chống lại các mối đe dọa về an ninh mạng và những hành động có thể bị lợi dụng để tiến hành các vụ tấn công mạng vào môi trường làm việc của Ủy ban. Hiện chưa có thông tin về việc liệu các thể chế khác của EU như Hội đồng châu Âu hay Nghị viện châu Âu có thực hiện các biện pháp tương tự hay không.

Về phần mình, người phát ngôn của TikTok cho biết công ty “thất vọng” về lệnh cấm của EC, một quyết định mà phía TikTok cho là “không thỏa đáng và dựa trên những quan niệm sai lầm cơ bản”. TikTok nêu rõ công ty này đang bảo vệ dữ liệu của 125 triệu người dùng hằng tháng tại EU trên ứng dụng cùng tên, đồng thời đang triển khai các bước nhằm tăng cường bảo mật dữ liệu.

Thời gian qua, TikTok - thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance (trụ sở tại Bắc Kinh) - bị chính phủ và cơ quan quản lý ở một số nước giám sát chặt chẽ do lo ngại nguy cơ không bảo mật dữ liệu của người dùng. Hồi năm ngoái, Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật cấm nhân viên liên bang sử dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ sở hữu.