Đoàn cứu hộ Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ

Tin 24h ngày 22/2/2023
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam) trả lời phỏng vấn.

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho biết khi đến địa bàn tác nghiệp, đoàn đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời và thiết thực của chính quyền sở tại và nhanh chóng triển khai công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân trong đống đổ nát. Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ nêu rõ đây là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng và Quân đội Nhân dân Việt Nam cử lực lượng và phương tiện ra khỏi lãnh thổ tham gia hỗ trợ nhân đạo, làm nhiệm vụ ứng phó với thảm họa động đất. Tuy nhiên, các thành viên đều đã trải qua quá trình huấn luyện, diễn tập và xử lý những tình huống trong nước ở quy mô nhỏ, vì thế đã áp dụng rất hiệu quả vào thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho biết đoàn đã phối hợp sử dụng chó nghiệp vụ, radar quan sát tìm bằng hình ảnh, âm thanh và hệ thống radar xuyên tường, cho kết quả rất tốt. Các đội cứu hộ địa phương và quốc tế cùng người dân sở đánh giá cao công tác tổ chức chỉ huy, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ hiệu quả trên thực địa của đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ chia sẻ thông qua thực hiện công tác hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn đã rút ra được những kinh nghiệm thiết thực, trước hết là cho từng cá nhân trong từng bộ phận, từng lực lượng. Thứ nhất, cần bổ sung, phát triển thêm lý luận để quá trình huấn luyện, diễn tập sát thực tiễn nhất, phòng khi xảy ra tình huống tương tự thì hiệu quả xử lý sẽ cao hơn. Thứ hai là kinh nghiệm về công tác tổ chức, chỉ huy điều hành lực lượng xuyên suốt từ trên xuống dưới, thời cơ sử dụng lực lượng, thời cơ sử dụng phương tiện và sự phối hợp hiệp đồng với các lực lượng tại chỗ. Thứ ba là kinh nghiệm về công tác tham mưu chiến lược, xây dựng và tổ chức lực lượng, đầu tư trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng xử lý các tình huống thiên tai, thảm họa quy mô lớn trong nước. Theo Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, đây cũng chính là tiền đề để Việt Nam đưa lực lượng, phương tiện ra nước ngoài làm nhiệm vụ tương tự như ở Thổ Nhĩ Kỳ đạt hiệu quả tốt hơn. Trên cơ sở những kinh nghiệm cơ bản này, Việt Nam vận dụng vào quá trình huấn luyện, đào tạo, diễn tập ở trong nước để nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, điều hành của người chỉ huy và rèn luyện khả năng cơ động, ý chí quyết tâm của lực lượng cứu hộ, cứu nạn không ngại gian khổ và không sợ nguy hiểm. Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ nhấn mạnh bằng mệnh lệnh của trái tim, đoàn cứu hộ, cứu nạn Quân đội Nhân dân Việt Nam quyết tâm hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Bộ trưởng Phan Văn Giang đã nêu rõ sau những nỗ lực trong thời gian qua, lực lượng cứu hộ càng phải cố gắng và quyết tâm cao hơn nữa. Theo Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, đây chính là động lực để lực lượng cứu hộ cứu nạn của Quân đội Nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ đạt hiệu quả thiết thực tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thừa Thiên - Huế: Sóng đánh chìm tàu cá, một ngư dân mất tích

Sáng 22/2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế thông tin Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An và Hải đội 2 đang huy động lực lượng, phương tiện nỗ lực cứu hộ tàu cá và một ngư dân gặp nạn, mất tích trên biển. Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 15 giờ 30 ngày 21/2, tàu cá mang số hiệu TTH 49125 TS do ông Dương Văn Cho (sinh năm 1973, trú tại tổ dân phố Tân Lập, phường Thuận An, thành phố Huế) làm chủ tàu, kiêm thuyền trưởng, trên đường đánh bắt cá trở về neo đậu tại cảng Thuận An, khi đến phao số 0, tàu bị sóng đánh bể mạn dẫn đến chìm tàu. Khi gặp nạn trên tàu có ông Dương Văn Cho và 2 thuyền viên khác gồm: anh Nguyễn Văn Toản (sinh năm 1985) và anh Nguyễn Văn Siêu (sinh năm 2001) cùng trú tại tổ dân phố Tân Lập, phường Thuận An, thành phố Huế. Ngay sau khi tàu cá bị chìm, ông Dương Văn Cho và anh Nguyễn Văn Toản đã bơi được vào bờ an toàn; anh Nguyễn Văn Siêu mất tích. Nhận được tin báo, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An đã huy động lực lượng, phối hợp phương tiện của Hải đội 2 và chính quyền địa phương cùng 3 tàu cá của ngư dân, khẩn trương tìm kiếm cứu nạn người mất tích trên biển./.

Phạt tù cựu Điều tra viên làm giả Quyết định khởi tố vụ án

Ngày 22/2, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Tuấn Thanh (cựu Điều tra viên sơ cấp Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố) 12 tháng tù giam về tội "Giả mạo trong công tác" theo Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015. Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của bị cáo đã vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật tố tụng hình sự, làm ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật. Theo nội dung vụ án, Nguyễn Tuấn Thanh được phân công thụ lý, xác minh nguồn tin về tội phạm theo đơn bà H.T.H. tố cáo bà V.T.H. có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quá trình xác minh nguồn tin, khoảng ngày 05/11/2020 (không nhớ chính xác ngày), Thanh có báo cáo đề xuất gửi Ban Chỉ huy Đội 8 Phòng PC02 cho ý kiến để trình lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra về việc khởi tố vụ án "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Khi gần hết thời hạn xác minh nguồn tin nhưng chưa nhận được phê duyệt đề xuất của lãnh đạo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh lo sợ nguồn tin về tội phạm bị quá thời hạn không được giải quyết sẽ bị Viện Kiểm sát kiến nghị, dẫn đến ảnh hưởng đến thành tích của bản thân, Thanh đã in các văn bản tố tụng đã được soạn sẵn trên máy tính cá nhân, cắt dán chữ ký Chỉ huy Đội 8 Phòng Cảnh sát Hinhf sự và chữ ký của Lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra, tự ghi số, ngày và tự đóng dấu của Cơ quan Cảnh sát điều tra để làm giả văn bản tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố. Nguyễn Tuấn Thanh đã làm giả 4 văn bản, gồm: Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 914-01, Công văn về việc kiểm sát Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 12910 gửi Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Quyết định phân công Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra tiến hành khởi tố, điều tra vụ án hình sự số 914-57, Quyết định phân công Điều tra viên, cán bộ điều tra tiến hành điều tra vụ án hình sự số 914-10. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Công an Thành phố về việc chuyển hồ sơ vụ án trên sang cho Phòng PC01 để thụ lý điều tra vụ án, Thanh đưa các văn bản tố tụng do mình làm giả trên vào hồ sơ nguồn tin để chuyển đến Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để kiểm sát và chuyển đến Phòng PC01 thụ lý, điều tra vụ án. Tuy nhiên, Phòng PC01 khi tiếp nhận hồ sơ thấy còn thiếu nhiều tài liệu tố tụng nên gửi công văn sang Phòng PC02 yêu cầu bổ sung. Từ đó, PC02 tiến hành kiểm tra thì phát hiện ra sai phạm của Thanh. Ngày 26/8/2022, Thanh bị Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khởi tố. Ngoài ra, Nguyễn Tuấn Thanh còn làm giả văn bản tố tụng là Thông báo về việc khám xét khẩn cấp, Thanh mới in văn bản, cắt dán chữ ký của ông Trần Văn Phú, Phó Thủ trưởng, nhưng chưa ghi ngày, chưa lấy số và chưa đóng dấu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh, mới chỉ ghi tháng 7 năm 2020 nên văn bản làm giả này chưa hoàn thành.

EU, NATO và Ukraine nhất trí khởi động cơ chế điều phối, sản xuất vũ khí

Ukraine cùng với Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ cùng khởi động cơ chế điều phối cung cấp vũ khí cho nước này. Thông tin trên được công bố sau cuộc gặp đầu tiên của đại diện cấp cao 3 bên diễn ra ngày 21/2 tại Brussels, Bỉ. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông đã thảo luận với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và Đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại của EU Josep Borrell về sự cần thiết phải đẩy mạnh sản xuất vũ khí và cải thiện việc mua sắm vũ khí để đảm bảo cung cấp cho Ukraine. Ông Borrell cho biết đang tìm cách đẩy nhanh việc giao hàng từ các quốc gia thành viên tới Ukraine. Để đạt được mục tiêu này, ba bên sẽ thiết lập một cơ chế phối hợp, liên kết các ngành công nghiệp quốc phòng, các nhà thầu và chính phủ. Theo đó, cơ chế này không chỉ đáp ứng nhu cầu của Ukraine mà còn bổ sung cho kho dự trữ đạn dược của các nước thành viên NATO và EU. Đại diện NATO và EU cho biết do tốc độ tiêu thụ đạn dược lớn hơn tốc độ sản xuất, các quốc gia thành viên EU và NATO cần phải tăng cường sản xuất. Ông Stoltenberg cho biết NATO sẽ giúp Ukraine phát triển một hệ thống mua sắm hiệu quả, minh bạch và có trách nhiệm giải trình, đồng thời sẽ tăng mục tiêu cho các kho dự trữ đạn dược thông qua quy trình lập kế hoạch quốc phòng. Trong khi đó, Ngoại trưởng Kuleba của Ukraine cho biết những nỗ lực tăng cường sản xuất đã được bắt đầu từ cuối mùa Hè năm ngoái.

Tai nạn giao thông ở Gia Lai, 3 xe ô tô bốc cháy

Công an huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) cho biết, rạng sáng 22/2, tại khu vực dốc Ba Cô, xã Yang Trung, đã xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến 3 xe ô tô (2 xe container, 1 ô tô tải) bị cháy rụi phần cabin. Rất may, vụ tai nạn đã không gây thiệt hại về người. Cụ thể, vào khoảng 2 giờ 15 phút ngày 22/2, xe container 37C-215.22 do lái xeTrần Văn Nho điều khiển, đang lưu thông theo hướng từ xã Chơ Glong đi xã Yang Trung, đã xảy ra va chạm với xe container 43H-021.84 kéo theo rơ móc 43R-035.85 chở sắt, do lái xe Trần Quang Vinh điều khiển, lưu thông theo hướng ngược lại. Sau vụ tai nạn, hai đầu xe container bốc cháy dữ dội. Cùng thời điểm trên, xe tải 77H-034.25 chở xi măng, do lái xe Bùi Văn Tỵ (trú huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) điều khiển, lưu thông theo hướng từ xã Yang Trung đi xã Chơ Glong đi tới, tiếp tục va chạm với hai xe đang cháy. Ngọn lửa bùng phát bắt sang xe tải 77H-034.25, thiêu rụi cabin. Vụ tai nạn khiến 3 xe bị cháy rụi phần cabin, tài xế xe container 37C-215.22 bị mắc kẹt trong cabin, may mắn được người dân cứu hộ đưa đi cấp cứu kịp thời. Hàng hóa trên 3 xe ô tô đã được Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khu vực An Khê có mặt kịp thời dập lửa, bảo vệ tài sản. Nguyên nhân vụ tai nạn đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Không khí lạnh tăng cường gây rét đậm tại vùng núi và Trung du Bắc Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, những ngày cuối tháng 2 và tháng 3/2023, không khí lạnh hoạt động với tần suất và cường độ giảm dần nhưng vẫn còn khả năng gây ra rét đậm tại các tỉnh vùng núi và Trung du Bắc Bộ. Tuy nhiên, so với trung bình nhiều năm, không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh hơn trong cuối tháng 2, đầu tháng 3 và gây gió mạnh, sóng lớn, ảnh hưởng đến các hoạt động trên các vùng biển. Ngoài ra, không khí lạnh gây giảm nhiệt độ về đêm và sáng ở Bắc Bộ có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng. Khu vực Trung Bộ có nhiều ngày có mưa, mưa rào, cục bộ có dông. Từ ngày 24-25/2, đợt không khí lạnh tăng cường gây rét ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ về đêm và sáng sớm. Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày 24/2 có mưa rải rác. Khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông; riêng từ ngày 25-27/2 có mưa vừa, có nơi mưa to, dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Để chủ động phòng tránh các bệnh lý nói chung, bệnh về đường hô hấp nói riêng, nhất là trong thời tiết giá lạnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo: Mỗi người dân cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng ở cả lượng và chất. Người dân nên ăn nhiều hoa quả, cân đối các nhóm dưỡng chất như tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất; uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Các bác sỹ cũng lưu ý: Đối với trẻ em, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc đủ ấm, ăn uống đủ dinh dưỡng, tránh cho trẻ ra ngoài mà không đeo khẩu trang. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý mặc ấm, nhưng không nên mặc cho trẻ quá nhiều áo, dễ bị toát mồ hôi, ngấm ngược vào cơ thể gây cảm lạnh, sốt cao. Trước diễn biến thời tiết phức tạp, các địa phương chịu ảnh hưởng bởi rét đậm, cử cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát cơ sở, có thông báo và hướng dẫn kịp thời về các biện pháp chống rét cho người chăn nuôi biết để họ chủ động trong công tác phòng, chống rét đối với vật nuôi, cây trồng. Người chăn nuôi cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ tài sản của mình. Khi ý thức tự bảo vệ tài sản của mỗi người dân được nâng cao cộng với sự nhắc nhở kịp thời của chính quyền trước mỗi thay đổi về thời tiết thì sẽ giúp người nông dân giảm thiểu đáng kể rủi ro không đáng có.

Tịch thu lô xe mô tô không nguồn gốc trị giá khoảng 3 tỷ đồng

Tối 21/2, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết: Tại Cảng Nam Hải (Hải Phòng), Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) đã phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3, Đội Kiểm soát hải quan (Cục Hải quan Hải Phòng) kiểm tra 1 container hàng nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc), nghi vấn gian lận xuất xứ do trên bao bì không có thông tin xuất xứ, không có thông tin người xuất nhập khẩu. Lô hàng cập Cảng Nam Hải, Hải Phòng ngày 23/10/2022, trên vận đơn hàng hóa thể hiện là 52 units, motorcycle (tạm dịch là 52 chiếc xe máy). Kết quả khám xét của lực lượng hải quan cho thấy: Trong container có 52 xe mô tô hiệu Brixton.Đáng chú ý, Brixton Motorcycle là thương hiệu xe máy được phân phối bởi Tập đoàn KSR (Áo), nhưng lô hàng trên được xuất đi từ Đài Loan (Trung Quốc).

Lầu Năm Góc điều tra vụ máy chủ rò rỉ loạt email nhạy cảm

Bộ chỉ huy Tác chiến Đặc biệt quân đội Mỹ (USSOCOM) đã mở một cuộc điều tra sau khi nhận được báo cáo một máy chủ của đơn vị đã làm rò rỉ các thư điện tử nhạy cảm. Trong một thông báo ngày 20/2, phát ngôn viên của USSOCOM Ken McGraw cho biết bộ này đã ra lệnh bắt đầu một cuộc điều tra rò rỉ thông tin máy chủ của đơn vị. “Thông tin duy nhất mà chúng tôi có thể xác nhận vào thời điểm này là không có ai xâm nhập vào hệ thống thông tin của USSOCOM”, người phát ngôn nhấn mạnh. Theo trang mạng TechCrunch, người phát hiện ra lỗi rò rỉ này là nhà nghiên cứu an ninh mạng độc lập Anurag Sen. Một lỗi bảo mật đã khiến máy chủ USSOCOM không bị khóa mật khẩu. Điều này có nghĩa là bất kỳ ai có mạng Internet đều có thể truy cập dữ liệu trong máy qua địa chỉ IP. Nhà nghiên cứu an ninh mạng Sen cho biết máy chủ bị rò rỉ chứa khoảng ba terabyte thư điện tử nội bộ của Bộ Quốc phòng, bao gồm những email từ Bộ Chỉ huy Tác chiến Đặc biệt. Bên cạnh đó, dữ liệu bị lộ còn bao gồm các biểu mẫu SF-86, chứa thông tin sức khỏe và dữ liệu cá nhân của các nhân viên chính phủ Mỹ. Khi được về vấn đề máy chủ rò rỉ, một phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Mạng cho biết: “Vì tình hình thực tiễn và bảo mật hoạt động, chúng tôi không thể bình luận thêm. Các nhà khai thác mạng phòng thủ của chúng tôi chủ động giảm thiểu rủi ro liên quan đến các mạng mà họ quản lý. Nếu có bất kỳ sự cố nào được phát hiện trong các hoạt động, chúng tôi sẽ giảm thiểu rủi ro, bảo vệ mạng lưới và hệ thống của mình”. USSOCOM là đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ tiến hành và giám sát các hoạt động đặc biệt của các lực lượng quân đội bao gồm lục quân, hải quân, thủy quân lục chiến và không quân.

Iran áp đặt trừng phạt đáp trả Anh và EU

Ngày 21/2, Iran thông báo áp đặt trừng phạt 36 cá nhân và thực thể của Anh và Liên minh châu Âu (EU) nhằm đáp trả các biện pháp tương tự chống Tehran. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Iran nêu rõ các biện pháp trừng phạt nhằm vào một số doanh nghiệp quân đội, cũng như nghị sĩ và bộ trưởng của một số nước châu Âu và Nghị viện châu Âu. Trong số đó có Bộ trưởng phụ trách bình đẳng giới và đa dạng của Pháp Isabelle Rome, các chính trị gia Frederique Ries của Bỉ và Renata Alt của Đức. Theo tuyên bố, Iran đưa vào danh sách trừng phạt các cá nhân và thực thể "hỗ trợ khủng bố" cũng như "can thiệp vào công việc nội bộ, kích động bạo lực và bất ổn". Lệnh trừng phạt bao gồm phong tỏa tài khoản và chặn giao dịch tại các ngân hàng của Iran, không cấp thị thực và cấm nhập cảnh vào Iran. Trước đó, ngày 20/2, EU thông báo áp đặt đợt trừng phạt thứ 5 đối với Iran, nhằm vào 32 cá nhân và 2 thực thể, liên quan các cuộc bầu cử gần đây ở nước này. Trong số các nhân vật bị áp đặt trừng phạt có các nghị sĩ, thẩm phán, công tố viên và các quan chức cấp cao quản lý nhà tù của Iran. Theo thông báo, EU đã phong tỏa tài sản và cấm cấp thị thực cho Bộ trưởng Giáo dục Yousef Nouri và Bộ trưởng Văn hóa và Hướng dẫn Hồi giáo Mohammad Mehdi Esmaili của Iran. Tháng trước, Iran cũng áp đặt trừng phạt 34 cá nhân và thực thể của Anh và EU để đáp trả các biện pháp tương tự chống Iran.

Nguyên cán bộ trường Trung cấp Cảnh sát lĩnh án tù vì lừa đảo xin học

Ngày 21/2, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Tô Thanh Dung (sinh năm 1982, ở phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) 11 năm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 - Bộ luật Hình sự. Vụ án bắt nguồn từ việc năm 2018, chị Vũ Thị T. (sinh năm 1979, ở quận Bắc Từ Liêm) có nguyện vọng cho con trai đang học lớp 11 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân (Hà Nội) thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân. Thông qua bạn học, chị T. gặp Dung - khi đó là Dung là cán bộ trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 6 - Bộ Công an. Dung nói với chị T. là Dung có khả năng xin cho con trai chị T. trúng tuyển Học viện Cảnh sát nhân dân kỳ thi năm 2019. Nếu không trúng tuyển thì sẽ học một trong các trường trong ngành Công an hoặc trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 6 - Bộ Công an. Dung nói chi phí “chạy trường” khoảng 800 triệu đồng, đợi con trai chị T. học xong lớp 12 sẽ làm việc cụ thể. Đến đầu năm 2019, chị T. thông báo cho Dung biết là con trai mình đánh nhau phải nghỉ học ở nhà 1 năm và chuyển đến học lại lớp 11 tại trường Trung cấp công nghệ và kinh tế đối ngoại nên sẽ thay đổi kỳ thi sang năm 2020. Lúc này, Dung nói sẽ “lo” được cho cháu thi đỗ Học viện Cảnh sát nhân dân. Hai bên thỏa thuận chi phí là 1 tỷ đồng.

Khoảng tháng 5/2019, Dung gọi điện thoại yêu cầu chị T. đưa trước 350 triệu đồng tiền đặt cọc và 200 triệu đồng để tiếp tục “lo việc”. Đến cuối tháng 3/2020, cháu Nguyễn Gia Th. - con trai chị T. nộp hồ sơ sơ tuyển vào Học viện Cảnh sát nhân dân mã ngành C03 tại Công an quận Tây Hồ. Do điểm trung bình ba môn Toán, Văn, Sử các năm học lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12 không đạt 7 điểm nên hồ sơ của Th. không đủ điều kiện sơ tuyển vào Học viện Cảnh sát nhân dân theo quy định. Thấy sự việc bất thành, chị T. yêu cầu Dung trả lại tiền thì Dung nói sẽ xin nâng điểm các môn học với giá 50 triệu đồng. Chị T. đồng ý và đưa bảng điểm bản photo cho Dung. Ngày 16/5/2020, chị T. đưa thêm cho Dung 50 triệu đồng để nhờ xin nâng điểm. Ngày 18/5/2020, Dung đưa lại bảng điểm năm học của cháu Th. đã thay đổi điểm các môn học Toán, Văn, Sử đạt 7 điểm có xác nhận và hình dấu của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân cho chị T. Với bảng điểm này, Th. đã nộp hồ sơ đăng ký sơ tuyển tại Công an quận Tây Hồ, Hà Nội. Đến tháng 6/2020, điểm học kỳ II lớp 12 của cháu Th. tiếp tục không đủ điều kiện sơ tuyển. Lúc này chị T. yêu cầu Dung phải hoàn trả số tiền 750 triệu đồng đã nhận nhưng Dung khất lần không trả. Ba tháng sau, chị T. rút học bạ của con trai tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân thì phát hiện điểm trong học bạ không trùng với bảng điểm mà Dung đưa cho chị T. Sau khi tìm hiểu, chị T. biết Dung đã chuyển công tác. Do nghi ngờ Dung có hành vi gian dối nên chị T. đã tố cáo sự việc ra cơ quan công an. Trong quá trình nói chuyện, chị T. đã ghi âm việc Dung nhận tiền và hứa hẹn sẽ xin cho con trai đỗ vào Học viện Cảnh sát nhân dân. Tại Cơ quan điều tra, Dung khai nhận không liên hệ với ai, không làm gì mà sử dụng tiền chiếm đoạt để chi tiêu cá nhân. Còn về việc sửa điểm, Dung khai đã nhờ người tên là Mai Thúy Giang (sinh năm 1985). Việc Giang sửa điểm như thế nào Dung không biết. Do Giang vắng mặt tại địa phương nên cơ quan Công an quyết định tách hành vi của Dung và Giang để làm rõ, xử lý sau. Qua xác minh tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân xác định không có việc sửa chữa điểm của học sinh Nguyễn Gia Th. và không có cá nhân nào liên hệ để sửa điểm.