1. Quảng Ninh: Nổ lớn trong xưởng sửa chữa tàu làm 8 người bị thương

Một vụ nổ lớn vừa xảy ra trong một xưởng đóng tàu tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh vào sáng 2/2 làm 8 người bị thương.

Vào thời điểm trên, tại hầm số 5 tàu biển Oriental Glory trọng tải 68.000 tấn thuộc Công ty Cổ phần Vận tải biển và Thương mại Phương Đông đang neo đậu, sửa chữa thì bất ngờ phát nổ.

Hiện đã xác định 8 nạn nhân bị thương, bỏng đều là công nhân Phân xưởng vỏ 3, Công ty Cổ phần sửa chữa tàu biển Nosco ShipYard. Các nạn nhân trên đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.

2. Quảng Nam: Đốt lửa sưởi ấm khiến nhiều nhà cháy rụi

Sáng nay (2/2), 5 ngôi nhà và 3 căn bếp của người dân ở thôn A Rầng, xã vùng sâu A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã bị thiêu rụi hoàn toàn.

Thông tin ban đầu, khoảng 4h ngày 2/2, trong lúc mọi người còn đang ngủ, người dân dậy sớm đã phát hiện ngọn lửa bốc lên từ phía sau 5 ngôi nhà cùng 3 căn bếp nói trên và cháy lan rất nhanh. Người này tri hô và tất cả người trong 5 ngôi nhà đã kịp thời thoát ra ngoài an toàn. Tuy nhiên, ngọn lửa lớn và các ngôi nhà, căn bếp đều làm bằng vật liệu dễ cháy nên bị thiêu rụi hoàn toàn.

Nhận được thông tin, chính quyền xã A Xan cùng cơ quan chức năng của huyện Tây Giang đã khẩn trương có mặt hiện trường để tham gia dập tắt đám cháy

Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Nguyễn Văn Lượm cho biết, một Phó Chủ tịch huyện và các cơ quan chức năng của địa phương đã có mặt tại hiện trường vụ hỏa hoạn để điều tra, làm rõ nguyên nhân; đề xuất các giải pháp giúp đỡ gia đình có nhà bị thiệt hại.

Bước đầu, các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân vụ việc trên là do đồng bào đốt lửa sưởi ấm, vô tình gây ra hỏa hoạn.

3. Bắc Bộ chuyển nồm ẩm, Nam Bộ có mưa rào và dông

Phía Tây Bắc Bộ có mưa vài nơi, sáng sớm và đêm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều giảm mây trời nắng. Gió nhẹ. Sáng và đêm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 15-18 độ C, có nơi dưới 15 độ C; cao nhất 22-25 độ C, riêng khu Tây Bắc có nơi 26-28 độ C.

Phía Đông Bắc Bộ có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, đêm có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù. Gió Đông đến Đông Nam cấp 2-3. Sáng và đêm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 16-19 độ C, vùng núi có nơi dưới 16 độ C, cao nhất 20-23 độ C.

Thủ đô Hà Nội không mưa, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ, đêm có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù. Gió nhẹ. Sáng và đêm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 17-19 độ C, cao nhất 21-23 độ C.

Các tỉnh từ Thanh Hóa đếnThừa Thiên - Huế có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; riêng phía Nam chiều và đêm có mưa, mưa rào rải rác. Gió nhẹ. Phía Bắc sáng và đêm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 17-20 độ C, cao nhất phía Bắc 22-25 độ C, phía Nam 25-27 độ C.

Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng Đến Bình Thuận có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Gió Đông Bắc đến Đông cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C, cao nhất 26-28 độ C, phía Nam 29-31 độ C.

Khu vực Tây Nguyên có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Gió Đông đến Đông Bắc cấp 2-3. Sáng sớm và đêm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 18-21 độ C, cao nhất 27-30 độ C.

Khu vực Nam Bộ có mưa rào và dông vài nơi. Gió Đông đến Đông Bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C, cao nhất 28-31 độ C, có nơi trên 31 độ C.

4. Quảng Nam: Chồng trộm gần 3 tỷ đồng của vợ

Ngày 1/2, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa nhanh chóng điều tra, làm rõ vụ trộm cắp tài sản trị giá lên gần 3 tỷ đồng xảy ra tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình.

Trước đó vào ngày 31/1, bà Nguyễn Thị M (SN 1970) báo bị kẻ gian đột nhập trộm cắp tài sản để trong két sắt trị giá gần 3 tỷ đồng cùng nhiều trang sức có giá trị được cất giữ trong phòng ngủ.

Sau khi tiếp nhận tin báo, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra. Từ kết quả khám nghiệm hiện trường và tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, sàng lọc đối tượng, Phòng Cảnh sát hình sự nhận định đối tượng nghi vấn thực hiện vụ trộm trên là Đinh Văn T (SN 1969, chồng bà M) nên đã triệu tập đối tượng để đấu tranh.

Sau 2 giờ đấu tranh, Đinh Văn T đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Bước đầu xác định, 2 người này là vợ chồng nhưng đã ly thân nhiều năm nay, ở cùng nhà nhưng không chung phòng.

Do có mẫu thuẫn, tranh chấp về tiền bạc trong sinh hoạt nên T nảy sinh ý định trộm cắp tài sản cất giữ trong phòng bà M. Toàn bộ tài sản sau khi trộm được T bỏ vào túi ni lông, sau đó đem cất giấu tại nhà kho sau nhà.

5. Tiền gửi tiết kiệm gia tăng

Sau Tết Nguyên đán, dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư đã chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng.

Với phần đông người dân, gửi tiết kiệm luôn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn và mang lại lợi nhuận ổn định, nhất là khi lãi suất huy động vẫn đang ở mức khá cao như hiện nay.

Sau kỳ nghỉ Tết, các khoản tiền nhà rỗi thường được nhiều người lựa chọn gửi vào ngân hàng. Lãi suất đang khá cao lại được tặng thưởng lì xì đầu năm mới đã hấp dẫn nhiều người tìm đến ngân hàng gửi tiền.

So với những tháng trong năm, lượng tiền sau Tết gửi vào ngân hàng đã gia tăng đáng kể. Hiện mức lãi suất tiền gửi mà nhiều ngân hàng áp dụng phổ biến từ 8,5 - 9,5%/năm. So với nhiều kênh đầu tư khác, gửi tiền tiết kiệm hiện đang chiếm ưu thế hơn vì sự an toàn, ít rủi ro và lãi suất cũng đang khá hấp dẫn.

6. Nguy cơ mắc bệnh lao phổi ở bệnh nhân COVID-19 cao gấp 7 lần

Nghiên cứu chỉ ra rằng những bệnh nhân bị mắc viêm phổi do COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh lao phổi cao hơn so với những người khác.

Ngày 1/2, các chuyên gia nghiên cứu bệnh lao tại trường Đại học Prince of Songkla (PSU) của Thái Lan đã công bố kết quả nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ giữa bệnh viêm phổi do COVID-19 và bệnh lao.

Tiến sĩ Ponlagrit Kumwichar và Giáo sư Virasakdi Chongsuvivatwong thuộc Bộ môn Dịch tễ học, Khoa Y học, Đại học Prince of Songkla, đã phân tích dữ liệu từ các bệnh nhân mắc COVID-19 có triệu chứng viêm phổi. Họ phát hiện ra rằng nguy cơ mắc bệnh lao ở những bệnh nhân này cao gấp 7 lần so với người bình thường.

Các chuyên gia đã thu thập dữ liệu bệnh nhân mắc COVID-19 trong năm 2021 từ Văn phòng An ninh y tế quốc gia trong bối cảnh đang diễn ra sự bùng phát của các biến thể Alpha và Delta ở 7 tỉnh miền Nam Thái Lan. Ngoài ra, họ cũng tổng hợp dữ liệu về lượng thuốc điều trị bệnh lao từ đầu tháng 1/2022 trở đi. Dữ liệu cho thấy phần lớn bệnh nhân lao cũng từng được điều trị nội trú vì COVID-19.

Thái Lan là quốc gia có tỷ lệ người nhiễm bệnh lao cao. 30% số người mắc bệnh lao không có triệu chứng và không lây truyền cho người khác. Đây được gọi là "bệnh lao tiềm ẩn". Theo các chuyên gia, có thể phản ứng miễn dịch với virus SAR-CoV-2 đã làm suy yếu hệ thống miễn dịch của những người mắc bệnh, đặc biệt là trong các trường hợp bị viêm phổi, sau đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng phân tích dữ liệu về bệnh nhân mắc COVID-19 và bệnh lao, đồng thời so sánh số ca mắc bệnh lao mới trong số những bệnh nhân mắc COVID-19 có tiền sử viêm phổi với những người chưa nhiễm virus SAR-CoV-2. Kết quả cho thấy rằng nguy cơ mắc bệnh lao ở những người có tiền sử viêm phổi và mắc COVID-19 cao gấp 7 lần so với những người chưa nhiễm virus SAR-CoV-2.

Giáo sư Chongsuvivatwong cho biết, bệnh lao vẫn là một vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng tại Thái Lan, mặc dù căn bệnh này nhìn chung không gây tử vong. Phần lớn bệnh nhân lao là người nhiễm HIV hoặc mắc bệnh đái tháo đường. Những phát hiện trong nghiên cứu này cho thấy những người bị viêm phổi do mắc COVID-19 cũng nên được coi là nhóm có nguy cơ cao. Họ được khuyến cáo đi khám để sàng lọc bệnh lao và hệ thống y tế công nên xem xét có những ưu tiên cho nhóm dễ bị tổn thương này.

7. Trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều

Theo khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trẻ em sử dụng mạng xã hội từ 5 – 7 giờ/ngày.

Theo báo cáo của tổ chức UNICEF, 83% trẻ em từ 12 – 13 tuổi sử dụng Internet. Con số này tăng lên 93% ở độ tuổi 14-15 tuổi. Theo khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trẻ em sử dụng mạng xã hội từ 5 – 7 giờ/ngày; chỉ 36% trẻ em, hầu hết ở độ tuổi 16 -17 được dạy về việc bảo đảm an toàn trên mạng. Trẻ rất dễ rơi vào bẫy của người lạ trên mạng, tiếp cận với những nội dung độc hại như bạo lực, khiêu dâm; bị phát tán thông tin riêng tư, bị bắt nạt trực tuyến, bị lôi kéo, quấy rối, lừa đảo, tống tiền, dọa nạt, ép tham gia các hoạt động phi pháp.

Một nghiên cứu của trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho thấy 10 -12 % học sinh lớp 3 đã tiếp xúc với Internet. Giờ đây, học sinh của các cấp học đều đang tiếp xúc với Internet. Văn hóa là một phần không thể thiếu tạo nên nền tảng tinh thần của các em. Một không gian văn hóa mới cũng hình thành trên mạng Internet, với sự tham gia của cả giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Xây dựng văn hóa học đường không thể thiếu quản lý và xây dựng văn hóa mạng.

Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia của trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, có 31% học sinh THCS và THPT bị bắt nạt trực tuyến. Thế giới ảo với chức năng ẩn danh đã tạo điều kiện cho những hành vi ứng xử chưa văn minh, thiếu chuẩn mực.

"Nhiều vụ việc, hành vi chưa phù hợp với văn hóa của Việt Nam lại bắt nguồn từ những mâu thuẫn trên không gian mạng, ở đó có một đặc điểm dễ khiến chúng ta tạo ra xích mích. Bởi lẽ, trên không gian mạng chỉ là bức hình, dòng chữ, chúng ta không thể hiểu được cảm xúc của người đối diện để thấu cảm những thông điệp của nhau. Một người bình thường không dám nói trong tình huống mặt đối mặt nhưng trên không gian mạng lại có thể nói những lời thậm tệ", PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.

Ngoài bắt nạt, có nhiều hành vi khác trên không gian mạng tác động đến môi trường học đường. Năm 2022, trên thế giới, nhiều trào lưu độc hại đã lan truyền trên không gian mạng như ăn cắp đồ trong trường học, đánh lén giáo viên… Tại Việt Nam, những trào lưu này chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, lường trước những tác động tiêu cực của văn hóa mạng đến đời sống học đường, thời gian qua nhiều trường học ở các địa phương đã tích cực xây dựng chương trình kỹ năng sử dụng mạng và ứng xử trên môi trường mạng.

Mỗi học sinh được trang bị nhận thức đúng, kỹ năng ứng phó tốt với các tình huống xảy ra trên mạng, các nhà trường sẽ bớt gánh lo về tác động tiêu cực từ không gian mạng. Đồng thời, các nhà quản lý, giáo viên cũng cần đổi mới tư duy xây dựng phương pháp tiếp cận học sinh, để hiểu hơn những điều các em suy nghĩ, các hành vi ứng xử của các em trên mạng mỗi ngày. Từ đó, hỗ trợ, định hướng cho các em kịp thời. Ngành giáo dục và văn hóa cần sớm ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, làm cơ sở để xây dựng văn hóa học đường lành mạnh, hướng đến những giá trị chuẩn mực phù hợp với cả thầy và trò trong kỷ nguyên số.

8. Đắk Lắk: Chồng đem xăng đốt vợ cũ khiến cả hai bị bỏng nặng

Trưa 1/2, anh Ph.Đ.P.P (42 tuổi, trú ở phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) dùng can xăng đổ lên người chị Tr. T. T. H, vợ cũ, rồi châm lửa đốt khiến cả hai bị bỏng nặng.

Ngày 1/2, Công an thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết đơn vị đang xác minh, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc chồng đem xăng đốt vợ cũ khiến cả hai bị bỏng nặng vừa xảy ra trên địa bàn.

Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 11 giờ 30 ngày 1/2, anh Ph.Đ.P.P. (42 tuổi, trú ở phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột) mang theo một can xăng (khoảng 5 lít) đến tìm chị Tr. T. T. H. (39 tuổi, cùng trú ở phường Tân Thành).

Khi đến đường Giải Phóng, phường Tân Thành, hai người gặp nhau. Sau đó, anh P. dùng can xăng đổ lên người chị H. rồi châm lửa đốt khiến cả hai bị bỏng nặng.

Phát hiện vụ việc, người dân cùng nhau dập lửa và đưa hai người đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu.

Theo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trưa cùng ngày, Khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận hai trường hợp trên trong tình trạng bị bỏng nặng.

Do vết bỏng nặng, bệnh viện đã làm thủ tục chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục chữa trị.

Cơ quan chức năng cho biết hai người trên từng là vợ chồng. Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định./.

9. Tiếp tục đề nghị điều tra bổ sung vụ Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm

Ngày 2/2, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung vụ án "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" do Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm thực hiện.

Viện Kiểm sát đề nghị cơ quan điều tra nêu rõ kết luận về việc giám định nội dung phát ngôn của ông Đặng Anh Quân có một số nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm cá nhân.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất Kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát truy tố 4 bị can về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo điều tra, bị can Nguyễn Phương Hằng (sinh năm 1971, thường trú 17-19 Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, Quận 1; Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, cung cấp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác.

Cụ thể, vào khoảng tháng 3/2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội, bị can Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream phát ngôn trực tiếp qua mạng Internet để nói về nhiều chủ đề, nhiều nội dung khác nhau về chuyện bí mật đời tư cá nhân, sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các ông Võ Nguyễn Hoài Linh, bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh và bà Đặng Thị Hàn Ni.

Cùng khoảng thời gian này, bị can Nguyễn Phương Hằng cũng thông qua các tài khoản mạng xã hội, công khai xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của ông Nguyễn Đức Hiển, ông Huỳnh Minh Hưng, bà Đặng Thị Hàn Ni, bà Đinh Thị Lan, bà Trần Thị Thủy Tiên cùng chồng là ông Lê Công Vinh trong các buổi livestream tại Bình Dương.

Cơ quan điều tra xác định với vai trò "cố vấn pháp lý" cho bị can Nguyễn Phương Hằng, ông Đặng Anh Quân (tiến sỹ luật, giảng viên) tham gia livestream cùng bị can Nguyễn Phương Hằng 11 buổi từ tháng 10/2021-3/2022, trong đó có một số nội dung chưa đủ cơ sở xử lý hình sự, tuy nhiên vẫn có một số nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm cá nhân. Cơ quan điều tra không khởi tố ông Quân.

Trong vụ án này, các bị can Nguyễn Thị Mai Nhi (sinh năm 1983, ngụ tại quận 12, trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (sinh năm 1992, ngụ tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; nhân viên Công ty cổ phần Đại Nam), Huỳnh Công Tân (sinh năm 1994, ngụ tại thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương; Trưởng phòng truyền thông Công ty cổ phần Đại Nam) đã có hành vi giúp sức cho hành vi phạm tội của bị can Nguyễn Phương Hằng.

Các bị can đã tạo lập, quản lý các trang mạng xã hội; đăng tải thời gian, chủ đề livestream lên trang mạng xã hội; kết nối các tài khoản mạng xã hội vào Internet, chuẩn bị sân khấu để Hằng livestream; đăng tải nội dung xúc phạm trên trang cá nhân và phục vụ cho Nguyễn Phương Hằng khi Hằng trực tiếp livestream phát ngôn xúc phạm cá nhân.

Việc giúp sức của Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tân chỉ dừng lại khi Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 24/3/2022.

Trước đó, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã 2 lần trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung vụ án này vào tháng 9/2022 và tháng 11/2022.

Sau lần trả hồ sơ thứ nhất, Cơ quan điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra kết luận điều tra bao gồm nội dung hành vi sai phạm của bị can Hằng tại Bình Dương.

Còn sau lần trả hồ sơ thứ 2, Cơ quan điều tra đã khởi tố thêm 3 bị can Nhi, Hà, Tân về hành vi giúp sức cho bị can Nguyễn Phương Hằng./.

10. Samsung, Qualcomm và Google xây dựng hệ sinh thái vũ trụ ảo

Một quan chức của Samsung khẳng định: "Chúng tôi sẽ thay đổi tương lai của ngành công nghiệp di động bằng cách xây dựng hệ sinh thái vũ trụ ảo cùng với Qualcomm và Google."

Công ty công nghệ Samsung Electronics của Hàn Quốc thông báo sẽ hợp tác với các công ty Qualcomm và Google của Mỹ để xây dựng một hệ sinh thái vũ trụ ảo, còn gọi là công nghệ thực tế mở rộng (XR).

Theo hãng tin Yonhap, Samsung đã công bố mối quan hệ đối tác trên tại sự kiện Galaxy Unpacked ở San Francisco (Mỹ) diễn ra ngày 1/2 (giờ Mỹ, tức ngày 2/2 giờ Hàn Quốc), nơi hãng ra mắt bộ 3 mẫu điện thoại mới nhất thuộc dòng Galaxy S23.

Phát biểu tại sự kiện diễn ra 2 năm/lần này, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh thiết bị di động Mobile eXperience của Samsung, ông Roh Tae-moon, khẳng định: "Chúng tôi sẽ thay đổi tương lai của ngành công nghiệp di động bằng cách xây dựng hệ sinh thái XR cùng với Qualcomm và Google."

XR là một thuật ngữ bao trùm thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR).

Giám đốc điều hành của Qualcomm, ông Cristiano Amon, và Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách hệ điều hành Android của Google, ông Hiroshi Lockheimer, cũng xuất hiện trên sân khấu cùng với ông Roh để công bố thông tin này.

Samsung, Qualcomm và Google không công bố cụ thể về thời gian cũng như sản phẩm mà các bên hợp tác phát triển.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành công nghệ dự đoán "gã khổng lồ" công nghệ của Hàn Quốc có thể phát triển tai nghe XR sử dụng bộ chip của Qualcomm và hệ điều hành của Google.

Thương vụ hợp tác nói trên được công bố trong bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng đối thủ của Samsung là Apple có thể tung ra tai nghe thực tế ảo đầu tiên vào đầu mùa Xuân năm nay./.