Người dân đi lễ chùa cầu bình an trong ngày mùng 1 Tết

Sáng mùng 1 Tết, nhiều người dân TP Hồ Chí Minh đã đi lễ chùa, thắp hương cầu bình an, may mắn cho gia đình và người thân trong năm mới.

Tin 24h ngày 22/1/2023
Trong ngày đầu năm mới, người dân TP Hồ Chí Minh đến chùa Vĩnh Nghiêm (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, Quận 3) lễ chùa khá đông.
Tin 24h ngày 22/1/2023
Đi chùa lễ Phật đầu năm là một trong những nét văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam.
Tin 24h ngày 22/1/2023
Tọa lạc ngay giữa lòng TP Hồ Chí Minh, chùa Vĩnh Nghiêm với khuôn viên rộng lớn, luôn thu hút đông đảo người dân đến lễ Phật vào những ngày lễ, Tết.
Tin 24h ngày 22/1/2023
Người dân đến chùa để cúng Phật, cầu mong bình an, may mắn cho gia đình trong năm mới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Sẵn sàng các kịch bản ứng phó thu ngân sách năm 2023

Năm 2023, ngành Tài chính xác định thu ngân sách phải đối diện với những áp lực lớn, nhưng cũng đã sẵn sàng các kịch bản ứng phó. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề này.

Giải ngân vốn đầu tư công năm vừa qua đạt tỷ lệ khá thấp. Thưa Bộ trưởng, làm thế nào để khơi thông dòng vốn đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển và lan tỏa trong toàn nền kinh tế?

Qua kết quả 4 đợt kiểm tra của 6 Tổ công tác của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp và xác định có 25 vấn đề tồn tại, khó khăn vướng mắc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được phân thành 3 nhóm.

Nhóm liên quan đến thể chế, cơ chế chính sách, khó khăn chủ yếu thuộc các lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, ngân sách nhà nước và công sản, xây dựng, đấu thầu và đầu tư công. Hiện nay, các Bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên môi trường, Tài chính đã và đang có nhiều giải pháp cụ thể để xử lý và kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết.

Nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện như tiến độ và chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch vốn đầu tư, chuẩn bị đầu tư chưa đảm bảo và sát với khả năng thực hiện dẫn đến chậm các khâu tiếp theo. Việc chỉ đạo cũng chưa quyết liệt, năng lực cơ quan quản lý dự án hạn chế, tâm lý dồn khối lượng vào cuối năm, khó khăn từ phía nhà tài trợ đối với các dự án ODA...

Nhóm khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022 như giá các loại vật liệu xây dựng tăng đột biết, đặc biệt là giá xăng, dầu, sắt, thép, đất, cát... tăng mạnh những tháng đầu năm.

Ngày 15/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022; đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 17/10/2022 về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023. Tại Nghị quyết trên của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã quy định nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ quản lý cũng như các công việc yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai thực hiện. Trong thời gian tới, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính với chức năng, nhiệm vụ được giao liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, nhất là về quy trình thủ tục thanh toán tiếp tục thực hiện đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát thanh toán đến mức tối đa.

Nhằm khơi thông dòng vốn đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công không trở thành điệp khúc "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, tahnhf phố chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ đã được quy định tại Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Các nhiệm vụ này nếu được triển khai đúng, đủ và kịp thời sẽ tạo ra sự chuyển biến lớn khắc phục những bất cập trong giải ngân vốn đầu tư công.

Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, nhưng năm qua có nhiều biến động ảnh hưởng lớn đến thị trường này. Năm 2023, ngành Tài chính có định hướng và giải pháp gì để giữ vững niềm tin của nhà đầu tư, phát triển thị trường lành mạnh, bền vững, thưa Bộ trưởng?

Với quy mô huy động vốn ngày càng tăng, thị trường vốn dần khẳng định sự quan trọng là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp theo đúng định hướng của Nhà nước về phát triển cân bằng thị trường vốn và thị trường tín dụng, giảm áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế của kênh tín dụng ngân hàng. Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, so với tiềm năng và tương quan với thị trường trong khu vực thì quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn khá khiêm tốn. Hiện dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở mức trên 15% GDP. Trong khi đó, Chiến lược Tài chính đặt ra mục tiêu quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến năm 2025 là 20% GDP và đến năm 2030 đạt tối thiểu 25% GDP.

Thị trường chứng khoán, trái phiếu trong năm 2022 gặp nhiều khó khăn và nguyên nhân chủ yếu từ niềm tin của nhà đầu tư và thanh khoản thị trường trong nước cũng như tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về tình hình kinh tế - chính trị thế giới. Đối với thị trường trong nước, việc lãi suất ngân hàng tăng nên có xu hướng dòng tiền dịch chuyển sang hệ thống ngân hàng thương mại và thanh khoản của nền kinh tế khó khăn. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng ảnh hưởng bởi niềm tin của nhà đầu tư do các sai phạm của một số doanh nghiệp vừa bị xử lý và một số phương tiện thông tin đưa tin không chính thống, tin thất thiệt về một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Đồng thời, việc kiểm tra, giám sát tập trung vào giám sát mục đích phát hành trái phiếu cũng dẫn đến tâm lý quan ngại của cả doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ.

Để kịp thời chấn chỉnh, cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ các giải pháp rà soát, hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường quản lý giám sát và chủ động thông tin, tuyên truyền. Nhằm từng bước phục hồi và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo đúng thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính xác định quan điểm tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng ổn định, lành mạnh; không tạo ra tâm lý tẩy chay trái phiếu doanh nghiệp, tránh tình trạng nhà đầu tư yêu cầu tất toán, mua lại trước hạn trái phiếu hàng loạt. Việc phát hành và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, Nhà nước tạo ra khung pháp lý điều chỉnh để các bên giao kết đầu tư, kinh doanh. Khi có sự kiện doanh nghiệp gặp khó khăn trong thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn xảy ra, doanh nghiệp và nhà đầu tư tự thỏa thuận theo quy định của pháp luật để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa tổ chức phát hành và nhà đầu tư.

Để sớm ổn định tâm lý thị trường, Bộ Tài chính liên tục có thông cáo báo chí và văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí mọi nguồn lực thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị các doanh nghiệp trong trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc về thanh toán thì phải làm việc, đàm phán với các nhà đầu tư để thống nhất phương án cơ cấu lại trái phiếu đó phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định của pháp luật. Chẳng hạn như cơ cấu về kỳ hạn, lãi suất, phương thức thanh toán trái phiếu. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp xem xét sử dụng dịch vụ kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản để đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp, nhất là chủ động, kịp thời công bố thông tin chính thống cho nhà đầu tư. Chỉ khi doanh nghiệp tự tăng cường tính công khai, minh bạch, những doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp minh bạch mới có thể tiếp tục quay trở lại phát hành trái phiếu huy động vốn.

Nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển thị trường an toàn, minh bạch, bền vững, trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý: rà soát tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Trước mắt, do tình hình thị trường tài chính, tiền tệ gặp nhiều khó khăn, thanh khoản sụt giảm, niềm tin của thị trường suy giảm, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành đánh giá cụ thể tình hình, xem xét trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP để tháo gỡ những khó khăn phát sinh hiện nay.

Cùng với đó, Bộ Tài chính tập trung truyền thông với thông điệp rõ ràng về định hướng phát triển của Nhà nước đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời, phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông định hướng vấn đề truyền thông, ngăn chặn việc đưa tin không chính thống, chưa kiểm soát; kịp thời phát hiện và có giải pháp xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin giả mạo, thất thiệt... gây ảnh hưởng đến thị trường.

Ngoài ra, quản lý giám sát, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, rà soát, cải cách quy trình cấp phép chào bán chứng khoán ra công chúng.

Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị với Ngân hàng nhà nước triển khai các biện pháp điều hành đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại, điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn.

Bộ Tài chính khẳng định quan điểm nhất quán và xuyên suốt là phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường. Bên cạnh các nhiệm vụ thuộc phạm quản lý, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan nâng cao hiệu quả công tác giám sát liên thông, kịp thời nhận diện, cảnh báo rủi ro và đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh, an toàn, bền vững.

Thưa Bộ trưởng, năm 2023 Bộ Tài chính sẽ điều hành chính sách tài khóa như thế nào để đảm bảo phát triển kinh tế, ổn định vĩ mô?

Năm 2022, thu ngân sách nhà nước đã hoàn thành và vượt dự toán Quốc hội và Chính phủ giao cho Bộ Tài chính. Kết quả này không chỉ thể hiện nỗ lực của ngành Tài chính, cơ quan thuế các cấp mà là kết quả của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt là những quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong phục hồi kinh tế, kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, từ quý 3 trở lại đây nền kinh tế đã bộc lộ một số khó khăn khi tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường; xung đột địa chính trị Nga – Ukraine diễn biến phức tạp; khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng kéo theo khủng hoảng các thị trường hàng hóa khác; các nước lớn áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ. Ở trong nước, áp lực lạm phát gia tăng; thị trường vốn, bất động sản, chứng khoán, tiền tệ, giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều điểm nghẽn,... chưa thể khắc phục ngay để khôi phục nguồn thu ngân sách nhà nước. Sức ép về lãi suất, tỷ giá, lạm phát đẩy chi phí đầu vào tăng cao, đầu ra tiêu thụ chậm lại do thiếu đơn hàng mới. Thị trường xuất khẩu giảm sút khi cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia suy giảm... Những vấn đề này sẽ là những áp lực lớn cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong năm 2023.

Để giảm thiểu tác động từ bên ngoài, kiềm chế lạm phát, Chính phủ đang nghiên cứu trình Quốc hội một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp phát triển. Trước mắt có thể làm giảm số thu nội địa năm 2023 so dự toán đã tính toán, tạo áp lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách đối với ngành thuế.

Khắc phục những khó khăn này, ngành Tài chính xác định thu ngân sách sẽ phải đối diện với những áp lực lớn và cũng đã sẵn sàng các kịch bản ứng phó trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu cho cả năm 2023 và giai đoạn 2023 - 2025 để hoàn thành mục tiêu thu ngân sách theo Nghị quyết của Quốc hội với một số nhóm giải pháp.

Theo đó, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về chính sách tài khóa nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp tài khóa, tiền tệ tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP và Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Chính phủ về dự toán ngân sách Nhà nước và các Nghị quyết mới của Quốc hội, Chính phủ. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội những giải pháp mới phù hợp tình hình thực tiễn.

Cùng với đó, nghiên cứu, rà soát và sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; tiếp tục thực hiện một số giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân để có thêm nguồn lực ứng phó với những khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Ngoài ra, thực hiện các giải pháp về quản lý thu ngân sách nhà nước và cải cách thủ tục hành chính trong quản lý thu ngân sách nhà nước, đảm bảo hiệu quả các mục tiêu đề ra.

Đồng thời, chủ động rà soát lại nhu cầu chi và cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước; sắp xếp các khoản chi theo thứ tự ưu tiên, thực hiện quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, cơ cấu nợ công trong giới hạn; sử dụng hiệu quả ngân quỹ nhà nước; tăng cường quản lý hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý giá; điều hành linh hoạt giá cả trên cơ sở dự báo cung - cầu thị trường; thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường vốn công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển; đẩy mạnh công tác giám sát, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; tăng cường truyền thông, tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư...

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!.

Singapore: Nhu cầu thuê người yêu tăng vọt dịp Tết Nguyên đán

Với một vài trăm đô la Singapore, khách hàng có thể thuê một người đóng giả làm người yêu để về nhà tham dự bữa tiệc đầu năm cùng gia đình.

Để tránh những câu hỏi thăm khá riêng tư từ những người thân trong gia đình, một số người độc thân đã tìm đến dịch vụ cho thuê bạn trai/bạn gái “giả” để cùng họ đi tới các buổi họp mặt đầu năm.

Những dịch vụ như trên nhanh chóng trở nên phổ biến tại Singapore, đặc biệt nhu cầu về dịch vụ này tăng vọt mỗi khi dịp Tết đến xuân về.

Chi phí thuê người yêu tối thiểu là 100 đô la Singapore với 2 giờ đồng hồ. Chi phí thuê bạn gái cũng thường đắt hơn chi phí thuê bạn trai, với chi phí có thể lên tới hơn 400 đô la Singapore. Những người được thuê thường trong độ tuổi từ 18 đến 30.

“Khi có khách hàng tìm đến dịch vụ, chúng tôi sẽ hỏi họ muốn tìm người như thế nào, một người vui vẻ hay người có thể duy trì một cuộc trò chuyện”, ông Dichson Chung – người đồng sáng lập website cho thuê người yêu Elitely – chia sẻ.

“Chúng tôi bắt đầu dịch vụ với tối thiểu 2 giờ đồng hồ. Sau đó, bạn có thể thuê thêm. Chúng tôi có những khách hàng muốn hẹn hò với cùng một cô gái nhiều lần sau đó. Nếu như mối quan hệ của họ hoà hợp, họ có thể tự phát triển mối quan hệ cá nhân. Đó cũng là một cách để tìm những mối quan hệ tiềm năng”, ông Chung cho biết thêm, đồng thời nhấn mạnh quan niệm sai lầm phổ biến nhất mà mọi người mắc phải là nghĩ dịch vụ thuê người khác đóng giả người yêu là một hành động không được xã hội chấp nhận.

“Dịch vụ này xuất hiện ở Nhật Bản và về cơ bản nó là một xu hướng hẹn hò mà bạn chỉ cần mua thời gian của họ để rủ họ đi chơi”, ông Chung giải thích.

Một bạn nữ 28 tuổi lần đầu tiên được thuê để đóng giả làm người yêu dự một buổi tiệc của gia đình trong năm mới.

“Buổi gặp mặt cũng không tệ vì người thuê tôi là một người tốt. Cả hai chúng tôi đều thấy khá thoải mái. Tôi chỉ chào hỏi người thân của anh ấy, mỉm cười và ăn một chút đồ Tết. Không ai thực sự hỏi tôi điều gì khó chịu. May mắn là buổi gặp mặt đầu tiên khá dễ dàng”, cô gái có biệt danh Spica trên website Elitely chia sẻ.

Trong khi đó, một số người độc thân muốn tìm kiếm sự giúp đỡ từ các công ty hẹn hò để xem liệu họ có thể tìm được một đối tác thực sự kịp thời cho các cuộc tụ họp Tết Nguyên đán hay không.

“Trong thời gian còn lại của năm, nhu cầu sẽ ổn định. Nhưng vào Giáng sinh, Năm mới, Tết Nguyên đán và ngày Lễ Tình nhân, nhu cầu tăng vọt”, bà Violet Lim, giám đốc điều hành và người đồng sáng lập của website Bữa trưa Thực tế cho biết.

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu một số khách hàng có yêu cầu ngày đặc biệt cho Tết Nguyên đán hay không, bà nói: “Khách hàng của chúng tôi khá rõ ràng về những gì họ đang tìm kiếm. Vì vậy, nếu họ đang đầu tư vào dịch vụ hẹn hò hoặc mai mối, rất có thể họ nghiêm túc về một mối quan hệ lâu dài”.

Gần 2.500 trẻ chào đời trong ngày mùng 1 Tết Quý Mão

Thông tin từ Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, báo cáo của các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, 63 Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và y tế ngành trên toàn quốc cho biết, tính đến ngày 22/1 (tức mùng 1 Tết Quý Mão 2023) có 76.871 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho trên 47.000 bệnh nhân, giảm 13,8% so với cùng ngày Tết Nhâm Dần 2022. 19.042 bệnh nhân phải nhập viện điều trị nội trú, chiếm 52% số tới khám, giảm 29,1% so với cùng ngày Tết Nhâm Dần 2022. Các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước đã thực hiện 2.442 ca phẫu thuật cấp cứu, trong đó 705 ca phẫu thuật chấn thương sọ não do các nguyên nhân; đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 2.491 trẻ chào đời và cho xuất viện 31.844 bệnh nhân điều trị khỏi về nhà ăn Tết. Trong ngày mùng 1 Tết Quý Mão, tổng số có 4.353 trường hợp khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, tăng 2,4% so với cùng ngày Tết Nhâm Dần 2022; trong đó, 1.563 lượt trường hợp bị tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị nội trú hoặc theo dõi, tăng 12,8% so với cùng ngày Tết Nhâm Dần 2022; có 511 trường hợp chuyển tuyến trên điều trị. Tổng số có 44 ca ca tử vong do tai nạn giao thông (bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về), tăng 8 ca (22%) so với cùng ngày Tết Nhâm dần 2022. Như vậy, hai ngày nghỉ đã có 8.235 ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, tăng nhẹ 1,3% so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022; trong đó, 3.002 trường hợp phải nhập viện điều trị chiếm 36,5% trong tổng số khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông. Ngày mùng 1 Tết Quý Mão, các bệnh viện trên cả nước tiếp nhận 186 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, nhiều hơn 57 ca so với cùng ngày Tết Nhâm Dần 2022; 19 trường hợp khám, cấp cứu do vũ khí tự chế, vật liệu nổ khác. Cũng trong ngày đầu tiên của năm mới, tổng số 551 trường hợp cấp cứu do đánh nhau, giảm 5% so với cùng ngày Tết Nhâm Dần 2022, trong đó có 205 ca nặng phải nhập viện điều trị, theo dõi; không có ca tử vong. Tính chung trong hai ngày nghỉ đã có 1.056 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, chiếm 1% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện, 395 ca phải nhập viện điều trị, theo dõi và đã có ba trường hợp tử vong. Cũng trong hai ngày nghỉ, tổng cộng 4.943 trường hợp khám, cấp cứu do tai nạn sinh hoạt, lao động, chiếm 5,1% trong tổng số khám, cấp cứu bệnh viện, trong đó 10 trường hợp đã tử vong. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê đánh giá, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về tăng cường công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết Quý Mão 2023, bảo đảm công tác thường trực cấp cứu cho nhân dân. "Số nhập viện do tai nạn giao thông tăng, nhưng số ca tử vong giảm. Cùng với đó, tai nạn đánh nhau giảm, tai nạn do pháo nổ lại tăng so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022", Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết.

Miền Bắc đón không khí lạnh từ mùng 2 Tết, trời mưa rét, có nơi dưới 3 độ C

Do ảnh hưởng không khí lạnh, từ đêm 23/1, ở Bắc Bộ trời rét, vùng núi trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm, có nơi rét hại, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C, trời mưa.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, hiện nay (22/1), ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Dự báo, khoảng chiều tối và đêm 23/1, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc và Trung Trung Bộ. Gió trong đất liền chuyển hướng Đông Bắc mạnh dần lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4 - 5, giật cấp 6 - 7. Từ đêm 23/1, ở Bắc Bộ trời rét; từ ngày 24/1 khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời rét; vùng núi trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm, có nơi rét hại. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 10 - 13 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6 - 9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế phổ biến 14 - 17 độ C. Cảnh báo khả năng xuất hiện thiên tai đi kèm trong đêm 23/1 và sáng 24/1, vùng núi, trung du Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa và Nghệ An có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Từ gần sáng ngày 24 - 25/1, khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa, mưa rào, cục bộ có mưa vừa, mưa to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Từ ngày 24 - 25/1, khu vực vùng núi, trung du Bắc Bộ trời rét đậm, có nơi rét hại; vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá. Trên biển từ tối và đêm 23/1, ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9, sóng biển cao 2,5 - 4 m, biển động mạnh; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8 - 9, sóng biển cao 4 - 6 m, biển động mạnh. Từ ngày 24/1, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9, sóng biển cao 3 - 5 m, biển động mạnh. Từ chiều tối ngày 24/1, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực giữa Biển Đông, vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8, sóng biển cao 3 - 5 m, riêng khu vực giữa Biển Đông 4 - 6 m; biển động.

729 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện, xử lý trong ngày mùng 1 Tết

Chiều 22/1, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, toàn quốc xảy ra 17 vụ tai nạn giao thông, làm chết 11 người, bị thương 16 người, giảm 1 vụ, giảm 1 người chết và tăng 5 người bị thương so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Trong số này, đường bộ xảy ra 16 vụ, làm chết 10 người, bị thương 16 người, giảm 2 vụ, giảm 2 người chết, tăng 5 người bị thương so với cùng kỳ Tết năm trước. Đường sắt xảy ra 1 vụ tại Bình Thuận, làm chết 1 người. Đường thủy không xảy ra tai nạn. Trong ngày, Cảnh sát giao thông Công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 2.091 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; phạt tiền 4,2 tỷ đồng; tạm giữ 75 xe ô tô, 1.094 xe mô tô, 12 phương tiện khác; tước 405 giấy phép lái xe các loại. Riêng vi phạm nồng độ cồn phát hiện, xử lý 729 trường hợp (tăng 524 trường hợp so với cùng kỳ Tết năm trước), vi phạm tốc độ là 122 trường hợp và 3 trường hợp quá tải. Các Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc, thuộc Cục Cảnh sát giao thông đã kiểm tra, lập biên bản 17 trường hợp, phạt tiền 96 triệu đồng. Tước giấy phép lái xe 10 trường hợp, tạm giữ 9 trường hợp. Trong đó có 7 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Qua Hệ thống giám sát xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc, Cục Cảnh sát giao thông phát hiện 99 trường hợp vi phạm và đã gửi thông báo vi phạm tới các trường hợp này. Trên đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông và Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an các địa phương tổ chức tuần tra kiểm soát trên các tuyến, địa bàn đường thủy nội địa; tuyên truyền, nhắc nhở các phương tiện thủy đảm bảo an ninh trật tự và trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết. Trên đường sắt, các đơn vị thuộc Phòng hướng dẫn và tổ chức bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt, Cục Cảnh sát giao thông bố trí lực lượng trực, nắm tình hình trên các tuyến đường sắt do đơn vị phụ trách, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội. Về tình hình giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, trên toàn địa bàn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tuyến cửa ngõ, vành đai các tuyến nội đô và các trục xuyên tâm trọng điểm các phương tiện di chuyển ổn định, thông thoáng, lưu lượng phương tiện thấp. Trên các tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận tình hình trật tự, an toàn giao thông trên tuyến cơ bản ổn định, lưu lượng phương tiện bình thường, di chuyển ổn định. Lực lượng Cảnh sát giao thông các đơn vị thuộc Cục, Công an Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị đã tăng cường tuần lưu trên tuyến, phối hợp với các địa phương khác điều tiết, phân luồng không để xảy ra ùn tắc giao thông.

Somalia: Phiến quân al-Shabaab tấn công trụ sở chính quyền ở Mogadishu

Theo cơ quan dịch vụ cứu thương và các nhân chứng, một vụ nổ lớn xảy ra ngày 22/1 tại cổng Văn phòng Thị trưởng thủ đô Mogadishu của Somalia, sau đó có nhiều tiếng súng tại hiện trường. Nhóm phiến quân Hồi giáo al-Shabaab thừa nhận tiến hành vụ tấn công nói trên. Theo người đứng đầu Cơ quan dịch vụ cứu thương Aamin Abdikadir Abdirahman, ít nhất 16 người bị thương đã được ra khỏi hiện trường. Hiện giao tranh vẫn tiếp diễn trong khu vực và các xe cứu thương rất khó tiếp cận hiện trường. Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin tình báo cho biết các lực lượng an ninh đã ngay lập tức phong tỏa khu vực, song giao tranh giữa lực lượng quân đội và các tay súng vẫn đang tiếp diễn. Trong khi đó, một nhân viên tại trụ sở chính quyền Mogadishu cho biết vụ tấn công bắt đầu bằng đánh bom liều chết, sau đó các tay súng vào tòa nhà và giao tranh với lực lượng an ninh. Văn phòng Thị trưởng Mogadishu nằm trong tòa nhà trụ sở của chính quyền địa phương ở thủ đô Mogadishu, thuộc khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt. Các tuyến đường tại khu vực này đều có rào chắn bê tông và nhiều rào cản. Tòa nhà này chỉ cách Văn phòng Tổng thống Somalia 1,5 km. Al-Shabaab thường xuyên tiến hành các vụ đánh bom và tấn công các mục tiêu ở Mogadishu cũng như trên cả nước Somalia.

Vụ xả súng ở Los Angeles (Mỹ) làm 9 người thiệt mạng

Giới chức Mỹ cho biết, vụ xả súng xảy ra tối 22/1 (giờ địa phương) tại thành phố Monterey Park, bang California, đã làm 9 người thiệt mạng. Các nhân viên điều tra án mạng của Cảnh sát trưởng hạt Los Angeles đang hỗ trợ Sở Cảnh sát Monterey Park điều tra vụ việc. Trước đó cùng ngày, tờ Los Angeles Times dẫn nguồn tin lực lượng thực thi pháp luật cho biết cảnh sát đã được triển khai để ứng phó vụ xả súng gây nhiều thương vong ở thành phố Monterey Park. Vụ xả súng xảy ra vào khoảng 22h ngày 21/1 theo giờ địa phương (13h ngày 22/1 theo giờ Việt Nam) ở gần địa điểm tổ chức lễ hội mừng Tết Nguyên đán tại Monterey Park. Trước đó cùng ngày, lễ hội này đã thu hút sự tham gia của hàng chục nghìn người. Những hình ảnh trên truyền thông xã hội cho thấy nhiều xe cảnh sát xuất hiện tại hiện trường vụ xả súng bị phong tỏa. Thành phố Monterey Park thuộc hạt Los Angeles, cách trung tâm Los Angeles 11 km. Đây là nơi có nhiều người châu Á sinh sống.

Nguyên nhân dẫn tới làn sóng cắt giảm nhân sự ở lĩnh vực công nghệ

Chỉ tính riêng năm ngoái, trên 150.000 người làm việc trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu đã bị sa thải và dự kiến con số đó tiếp tục tăng lên trong năm 2023.

Mới đây, tập đoàn Microsoft thông báo kế hoạch cắt giảm 10.000 việc làm vào cuối quý III của tài khóa 2023. Đây là đợt sa thải mới nhất trong lĩnh vực công nghệ Mỹ khi nhiều tập đoàn tiếp tục thu hẹp quy mô nhân sự để vượt qua tình hình kinh tế khó khăn.

Các nhà phân tích đã chia sẻ với báo Anh Guardian một số yếu tố đứng sau sự sụp đổ của lĩnh vực công nghệ.

Mở rộng quá đà trong đại dịch

Đầu tháng 1, tập đoàn bán hàng trực tuyến Amazon đã mở rộng kế hoạch cắt giảm việc làm từ 10.000 lên 18.000 khi giám đốc điều hành của công ty thừa nhận công ty đã tuyển dụng nhanh chóng trong vài năm qua. Giám đốc Andrew Jassy chỉ ra một nền kinh tế không chắc chắn là một yếu tố then chốt, khi sự tăng trưởng của các công ty liên quan đến đại dịch đối mặt sự suy thoái kinh tế toàn cầu và của Mỹ.

Vào tháng 3/2020, số lượng người lao động trên toàn cầu của Amazon là 628.000 nhưng đã tăng lên 1,5 triệu do thói quen của người tiêu dùng hướng đến mua sắm trực tuyến nhiều hơn trong thời kỳ đại dịch. Làn sóng cắt giảm mới nhất sẽ tập trung vào bộ phận cửa hàng – bao gồm bán lẻ trực tuyến, kho bãi và các cửa hàng.

Cũng trong đầu tháng 1, công ty kinh doanh phần mềm Salesforce cho biết họ đã sa thải khoảng 8.000 nhân viên, tương đương 10% nhân sự. Giám đốc điều hành Marc Benioff cho biết công ty đã mở rộng quá mức.

Trong lá thư gửi cho nhân viên, ông Benioff viết: “Khi doanh thu của chúng ta tăng nhanh nhờ đại dịch, công ty đã thuê quá nhiều người dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế mà chúng ta đang phải đối mặt và tôi sẽ chịu trách nhiệm về điều đó”.

Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành kiêm người sáng lập công ty mẹ của Facebook và Instagram là Meta, đã công bố kế hoạch cắt giảm 11.000 việc làm vào tháng 11/2022 và thừa nhận rằng ông đã mở rộng hoạt động kinh doanh trong thời kỳ đại dịch với giả định rằng hoạt động trực tuyến sẽ tiếp tục gia tăng. “Thật không may, điều này đã không diễn ra theo cách tôi mong đợi”, ông trùm công nghệ nói.

Theo website Layoffs.fyi, các công ty công nghệ toàn cầu đã sa thải hơn 150.000 nhân viên vào năm ngoái. Các chuyên gia cho rằng con số sẽ tiếp tục tăng khi nền kinh tế toàn cầu và kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Joshua White, Phó Giáo sư chuyên ngành tài chính tại Đại học Vanderbilt (Mỹ), cho biết: “Có khả năng xu hướng sa thải này sẽ tiếp tục xảy ra trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là khi phản ứng của thị trường đối với các công ty có số lượng nhân viên bị sa thải dường như là tích cực. Các nhà đầu tư coi đây là những biện pháp cắt giảm chi phí thận trọng”.

Nền kinh tế toàn cầu gặp khó

Chỉ số niềm tin CEO – tên một cuộc khảo sát hàng tháng đối với các ông chủ Mỹ - đã chạm mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Theo James Knightley - nhà kinh tế quốc tế của tập đoàn ngân hàng ING, đây là dấu hiệu báo trước tình trạng cắt giảm việc làm trong các doanh nghiệp.

Knightley nói: “Khi các CEO tỏ ra bi quan như vậy, điều đó cho thấy các công ty Mỹ đang tìm cách chuẩn bị cho tình huống khó khăn và cho thấy mối đe dọa ngày càng tăng về mất việc làm và giảm vốn”.

Vị chuyên gia này cho rằng việc tăng lãi suất mạnh mẽ trên khắp thế giới - bao gồm cả ở Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) sẽ đạt được mục tiêu giảm lạm phát, nhưng hiện tại, chi phí sinh hoạt vẫn ở mức cao ở các nền kinh tế lớn và đang ăn mòn sức chi tiêu của các gia đình. Đây là một vấn đề đối với các công ty công nghệ trên nhiều mặt, bao gồm nhu cầu về ô tô điện và đăng ký chương trình phát sóng trực tuyến.

“Với việc người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến triển vọng kinh tế thì chúng ta sẽ chứng kiến​​việc cắt giảm chi tiêu tùy ý, trong đó hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến chiếm một tỷ lệ đáng kể”, chuyên gia Knightley lý giải.

COVID-19 ở Trung Quốc đối với Apple và Tesla

Tập đoàn Apple đã giảm xuống dưới mức vốn hóa thị trường 2.000 tỷ USD, một năm sau khi trở thành công ty đầu tiên đạt mức định giá 3.000 tỷ USD. Cổ phiếu của Apple đã bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn liên quan đến các lệnh phong toả đối với việc sản xuất iPhone ở Trung Quốc, dẫn đến việc hạ thấp kỳ vọng của các nhà phân tích về doanh số bán hàng.

Mặc dù lệnh phong tỏa đã được dỡ bỏ tại nhà máy sản xuất chính của Apple ở Trịnh Châu nhưng các nhà đầu tư lo ngại công ty sẽ phá vỡ kỷ lục tăng trưởng doanh số 14 quý trong 3 tháng tính đến tháng 12.

Trong khi đó, nhà sản xuất ô tô điện Tesla cũng bị ảnh hưởng. Ngày 6/1, Tesla đã hạ giá xe Model 3 và Model Y tại Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới và là nguồn cung cấp khoảng 40% doanh số bán hàng của Tesla. Hiệp hội ô tô chở khách Trung Quốc cho biết số lượng xe Tesla sản xuất tại nước này hồi tháng 12 đã đạt mức thấp nhất trong 5 tháng.

Jeffrey Osborne, nhà phân tích tại công ty tài chính Cowen của Mỹ, cho biết môi trường tiêu dùng yếu hơn ở Trung Quốc cộng với cạnh tranh gia tăng là một vấn đề đối với Tesla.

Thương vụ Twitter

Vấn đề của Twitter cần được phân tích riêng vì yếu tố Elon Musk. Tháng 10/2022, nhà tỷ phú Elon Musk đã mua Twitter với giá 44 tỷ USD và ngay lập tức sa thải khoảng 3.750 nhân viên, tương đương gần một nửa lực lượng lao động. Các nhân viên được thông báo rằng điều này được thực hiện để đưa Twitter trở lại đúng hướng, phản ánh thực tế là công ty đã thua lỗ 10 trong 12 năm qua. Musk cũng đã ám chỉ về việc tuyển dụng quá mức, nói rằng có quá nhiều nhà quản lý, trong khi ông cũng cảnh báo về một cú quay xe sắp xảy ra đối với doanh thu quảng cáo do suy thoái kinh tế.

Twitter đang mắc nợ nặng nề sau khoản vay gần 13 tỷ USD, tiêu tốn hơn 1 tỷ USD một năm cho nhân viên và từ đó gây sức ép lên chi phí. Ông Musk thừa nhận rằng những lo ngại về việc quản lý công ty của ông ấy đã gây ra sự sụt giảm lớn về quảng cáo doanh thu.