Thủ tướng chủ trì hội nghị về phát huy hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước

Tin 24h ngày 18/3/2023

Sáng 18/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, góp phần thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Sau gần 5 năm thành lập, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban Quản lý vốn) đã thực hiện cơ bản đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty. Mô hình quản lý này mang lại một số thay đổi tích cực.

Nhờ đó, 19 tập đoàn, tổng công ty tăng trưởng tốt, có hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, qua đó cho thấy việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước là phù hợp. Tính đến 31/12/2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty là 1 triệu 173 ngàn tỷ đồng; tổng tài sản hợp nhất là 2 triệu 445 tỷ đồng.

Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sau gần 5 năm thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chúng ta đã sơ kết và báo cáo Bộ Chính trị. Chính phủ tổ chức hội nghị nhằm tiếp tục triển khai kết luận của Bộ Chính trị; đánh giá lại hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, đề ra giải pháp trọng tâm cho thời gian tới để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần đánh giá kỹ lưỡng hơn những việc đã làm được, chưa làm được, bài học kinh nghiệm, sắp tới cần làm gì để nâng cao kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; phải nghiên cứu Kết luận của Bộ Chính trị về Đề án “Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp” để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác này thời gian tới.

Đặc biệt, các đại biểu thảo luận, nêu tình hình liên quan các thể chế, cơ chế, chính sách quản lý tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với các doanh nghiệp; vấn đề quản trị kinh doanh; sự tham gia của các tập đoàn, tổng công ty vào đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu…, góp phần nâng cao hiệu quả của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong giai đoạn hiện nay để phục hồi nhanh, phát triển bền vững…

Cổ phiếu bất động sản thương mại vẫn hút dòng tiền

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 17/3, phần lớn cổ phiếu bất động đều chịu áp lực bán gia tăng song vẫn ghi nhận lực hấp thụ khá tốt, thậm chí một số cổ phiếu thu hút được dòng tiền tham gia và ngược dòng tăng điểm cũng như duy trì được sắc xanh đến khi kết phiên.

Đáng chú ý, ở nhóm bất động sản thương mại, ngoại trừ NLG giảm 1,6%, cổ phiếu HDC, CEO và SCR giảm điểm nhẹ từ 0,2 - 0,5%, PDR đóng cửa tại mức giá tham chiếu, còn lại phần lớn cổ phiếu DXG, KDH, NVL, DIG... ghi nhận lực cầu tham gia mạnh về cuối phiên, qua đó đóng cửa xanh điểm với mức tăng từ 1,9 - 3,8%.

Trước đó, nhóm cổ phiếu bất động sản thương mại đã phản ứng mạnh mẽ với động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước khi ghi nhận giao dịch tăng điểm mạnh hiện diện ở phần lớn lớp cổ phiếu các phiên trong tuần.

Động thái này được giới phân tích nhận định đến từ kỳ vọng của thị trường sau một loạt chính sách mới ban hành của Chính phủ. Mới nhất, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững (Nghị quyết số 33), giúp giảm bớt việc thiếu thanh khoản cho ngành bất động sản trong ngắn hạn. Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành hai Quyết định số 313 và 314 điều chỉnh giảm một số lãi suất điều hành vào ngày 14/3/2023.

Lừa đảo chuyển tiền cấp cứu: Lỗ hổng an toàn thông tin trong trường học

Nhiều phụ huynh có thói quen chụp ảnh phần thưởng, giấy khen của con để khoe trên mạng xã hội nên đã vô tình để lộ thông tin của con; đồng thời phụ huynh còn không nắm thông tin, không đọc thông tin cảnh báo trên các phương tiện thông tin, mạng xã hội... là những kẻ hở cho các đối tượng lừa đảo.

Nhận định trên được đưa ra tại buổi tọa đàm “Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh mạng trong trường học”, được tổ chức ngày 17/3, tại TP Hồ Chí Minh.

Chiêu thức lừa đảo gọi điện thoại cho phụ huynh thông báo con em của học bị tai nạn nguy kịch và yêu cầu chuyển tiền đóng viện phí xuất hiện đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh vào đầu tháng 3, khiến nhiều phụ huynh “mắc bẫy”, trong đó có phụ huynh mất hàng trăm triệu đồng. Đến nay, vấn nạn lừa đảo này đã lan rộng ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… Đáng lưu ý, dù các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo, nhưng vẫn có phụ huynh bị lừa.

Theo Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh, sau dịch COVID-19, tội phạm lừa đảo về công nghệ cao nhiều hơn. Mỗi ngày, Phòng cảnh sát hình sự tiếp nhận khoảng 20 - 30 đơn tố cáo, phản ảnh các vụ việc lừa đảo. Tuy nhiên, nóng nhất gần đây là hình thức lừa đảo dùng điện thoại để gọi cho phụ huynh thông tin con em bị tai nạn nhập viện để lừa đảo lấy tiền. Đáng nói, các đối tượng lừa đảo lấy danh học sinh, người thân, mượn danh cơ quan nhà nước, thậm chí giả danh cơ quan chức năng, giả danh giáo viên, bác sĩ... để thực hiện hành vi lừa đảo.

Nhận việc chốt đơn hàng online: Cẩn thận sập bẫy lừa đảo

Thời gian gần đây, tình trạng phát tán tin nhắn trên mạng xã hội có nội dung tuyển dụng việc làm với thù lao hậu hĩnh đang diễn biến phức tạp. Các cơ quan chức năng đã cảnh báo làm việc online “việc nhẹ, lương cao” là một thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng. Thế nhưng, không ít lao động, đặc biệt là những lao động trẻ như học sinh, sinh viên vẫn… "sập bẫy".

Với nhu cầu tìm việc làm thêm, anh Nguyễn Văn Tuấn (trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã lên mạng xã hội để lựa chọn công việc phù hợp. Thấy hấp dẫn trước lời chào mời của nhóm "Tìm việc làm AEON MALL Long Biên và các khu vực lân cận", anh Tuấn nhắn tin tới số điện thoại 0968785604 của chủ tài khoản bài viết. Sau đó, anh Tuấn được người này nhận tuyển làm cộng tác viên. Người này hứa hẹn, công việc của anh là chốt đơn hàng online trên phần mềm của công ty. Với mỗi đơn hàng chốt được, anh Tuấn sẽ được hưởng 20% hoa hồng giá trị đơn hàng.

Ban đầu, anh Nguyễn Văn Tuấn chỉ cần nạp số tiền vài chục ngàn đồng để làm nhiệm vụ. Sau khi hoàn thành 5 đơn hàng đầu tiên với tổng số tiền 150.000 đồng, anh Tuấn đã rút cả vốn lẫn lãi là 190 nghìn đồng. Thấy kiếm tiền dễ, anh Tuấn tiếp tục nạp 1,2 triệu đồng để chốt đơn thứ 6 rồi đơn thứ 7, đơn thứ 8 với số tiền nạp vào app tăng lên. Đến đơn hàng thứ 9, số tiền anh Tuấn bỏ ra lên tới 20 triệu đồng. Lúc này, nghi ngờ mình bị lừa đảo, anh Tuấn nhắn tin cho tư vấn viên viên là muốn rút tiền.

“Nhưng tôi không rút tiền ra được. Họ yêu cầu tôi phải hoàn thành nốt đơn thứ 10, rồi làm thêm hai đơn nữa mới rút được. Trong khi đó, số tiền tôi nạp vào tài khoản là 41.338.000 đồng. Tiếp tục gọi cho họ để rút tiền ra, họ lại lấy lý do số tiền lớn, phải chuyển khoản qua ngân hàng. Họ yêu cầu tôi cung cấp thông tin cá nhân để làm thủ tục giải ngân. Khi gửi bản chụp thẻ căn cước công dân như yêu cầu, họ lại yêu cầu tôi nộp thuế Thu nhập cá nhân với số tiền là 14.468.300 đồng mới hoàn trả lại tiền. Lúc này, tôi biết mình bị lừa đảo nên đã làm đơn trình báo, tố giác hành vi của các đối tượng này tới Cơ quan Công an”, anh Nguyễn Văn Tuấn bức xúc nói.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Thiếu tá Bùi Quang Tùng, Phó đội trưởng Đội 10, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an thành phố Hà Nội cho biết: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đã tiếp nhận rất nhiều tin báo tố giác tội phạm của người dân phản ánh bị các đối tượng lừa đảo thông qua việc tuyển dụng việc làm online. Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần đặc biệt lưu ý đối với các bài đăng, quảng cáo hoặc tin tuyển dụng trên các mạng xã hội về việc tuyển cộng tác viên online làm việc cho các công ty. Phần lớn các tin bài này có tính chất mạo danh. Do đó, người dân cần đặc biệt chú ý khi tham gia vào hoặc tương tác với các bài đăng này.

Dược sỹ lĩnh án 12 năm tù vì trộm tiền của chủ nhà thuốc

Chiều 17/3, Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và tuyên án đối với bị cáo Bùi Trúc Ly (sinh năm 1988), ngụ khóm 3, phường 6, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh về tội trộm cắp tài sản.

Theo cáo trạng, bị cáo Bùi Trúc Ly làm việc tại nhà thuốc Từ Hảo (khóm 3, phường 2, thành phố Trà Vinh) từ năm 2010 với nhiệm vụ bán thuốc và thu tiền. Ngày 21/7/2021, qua kiểm tra camera, ông Từ Hảo (chủ nhà thuốc) phát hiện bị cáo Ly lợi dụng các nhân viên trong nhà thuốc không để ý đã lén lấy tiền bỏ vào túi áo. Khoảng 16 giờ cùng ngày, ông Hảo tra hỏi sự việc, bị cáo đã thừa nhận lấy trộm 4,1 triệu đồng giấu trong túi áo.

Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Bùi Trúc Ly trình bày, trong quá trình làm việc tại nhà thuốc, gia đình bị cáo gặp nhiều khó khăn, chồng bệnh nặng, chi phí điều trị cao, nguồn thu nhập từ làm thuê không đủ trang trải nên nảy sinh ý định trộm tiền tại nhà thuốc, mỗi lần Ly lén lấy trộm từ 2 đến 4 triệu đồng. Theo kết quả điều tra, từ tháng 11/2020 đến lúc phát hiện vào ngày 21/7/2021 bị cáo Ly đã lấy trộm 1,9 tỷ đồng của chủ nhà thuốc Từ Hảo.

Căn cứ vào tính chất, mức độ, hành vi phạm tội, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh tuyên phạt bị cáo Bùi Trúc Ly 12 năm tù về tội trộm cắp tài sản.

Triệt phá địa điểm mua bán ma túy tinh vi do phụ nữ cầm đầu ở Bình Phước

Ngày 17/3, phòng Cảnh sát ma túy, Công an tỉnh Bình Phước cho biết, đơn vị vừa phối hợp với lực lượng liên quan triệt phá thành công điểm mua bán ma túy tinh vi do một phụ nữ có tiền án về tội cướp tài sản cầm đầu.

Cụ thể, từ tin báo của nhân dân và qua nắm bắt địa bàn, sáng 16/3, tại tổ 9 (khu phố Tân Trà 2, phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài), phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với lực lượng đặc nhiệm, phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Bình Phước và Công an thành phố Đồng Xoài bắt quả tang đối tượng Nguyễn Thị Hương Sen (37 tuổi, ngụ khu phố Phú Cường, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài) đang bán ma túy cho các đối tượng nghiện. Lực lượng chức năng đã thu giữ tang vật gồm: 31 đoạn ống hút chứa chất màu trắng và 8 cục màu trắng bọc trong vỏ kẹo. Đối tượng Sen khai nhận, đây là ma túy.

Khám xét nơi ở của Sen, cơ quan chức năng phát hiện thêm nhiều ma túy đã được chia nhỏ vào 230 đoạn ống hút và 15 vỏ kẹo, giấu trong lọ thủy tinh. Số ma túy trên được đối tượng mua từ TP Hồ Chí Minh về chia nhỏ để bán kiếm lời. Hoạt động mua bán ma túy của đối tượng rất tinh vi. Nhà luôn đóng kín cửa và gắn camera xung quanh để quan sát bên ngoài. Con nghiện có nhu cầu mua ma túy sẽ liên lạc qua điện thoại với Sen rồi đến nhét tiền vào trong cửa nhà. Sen sẽ ném ma túy ra ngoài cho các đối tượng.

Đối tượng Nguyễn Thị Hương Sen từng có một tiền án về tội cướp tài sản.

Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đắk Nông: Phát hiện vụ trồng, sơ chế cần sa quy mô lớn tại xã Quảng Trực

Ngày 17/3, Công an huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông cho biết đang phối hợp với với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương điều tra, xác minh vụ trồng, sơ chế cần sa quy mô lớn trên địa bàn xã biên giới Quảng Trực (huyện Tuy Đức).

Trước đó, vào khoảng 14 giờ ngày 16/3, Công an huyện Tuy Đức phối hợp với Công an xã Quảng Trực, Đồn cửa khẩu Bu Prăng, Đồn Biên phòng Đắk Đang, Trung đoàn 726 (Binh đoàn 16) phát hiện, bắt quả tang Trần Văn Vụ (44 tuổi) và Lê Thị Thơm (39 tuổi), cùng trú tại bon Bu Dăr, xã Quảng Trực đang có hành vi trồng cần sa trái phép tại nương rẫy của hai đối tượng tại bon Đắk Huýt ở cùng xã. Tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện, nhổ, tịch thu hơn 500 cây cần sa có chiều cao từ 35 – 80cm.

Đáng chú ý, qua đấu tranh của lực lượng chức năng, hai đối tượng Vụ, Thơm còn giao nộp cho cơ quan chức năng hơn 30kg nghi là hoa, cành, thân, lá cần sa khô và tươi các loại đã được các đối tượng thu hoạch, sơ chế và cất giấu tại nhiều vị trí trong nhà, trong rẫy cà phê. Về nguồn gốc giống cần sa, hai đối tượng khai nhận đã đặt mua trên mạng xã hội vào tháng 1/2023.

Hiện Cơ quan công an đang tạm giữ hai đối tượng Vụ, Thơm để điều tra, làm rõ hành vi trồng cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, theo quy định tại Điều 247, Bộ luật Hình sự 2015.

Vụ việc đang tiếp tục được các cơ quan chức năng huyện Tuy Đức điều tra, làm rõ.

Nghệ An: Khởi tố đối tượng chuyên cho các tiểu thương vay nặng lãi

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An) vừa khởi tố vụ án, khởi tố đối tượng Ma Thị Ngoan (42 tuổi, trú xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc) để điều tra về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.

Các bị hại trong đường dây mà Ma Thị Ngoan cho vay với lãi suất cao đều là các tiểu thương chuyên kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ tại các chợ. Quá trình cho vay, Ma Thị Ngoan thu lãi theo ngày, khi đến hạn thanh toán tiền lãi, nếu người vay không trả kịp, đối tượng sẽ trực tiếp đến nhà đe dọa người vay nhằm gây sức ép.

Ngày 12/3, Ma Thị Ngoan bị Công an huyện Nghi Lộc bắt giữ cùng tang vật 10 triệu đồng tiền mặt, 1 điện thoại di động, 2 thẻ ATM và các tang vật khác liên quan.

Bước đầu, cơ quan Công an chứng minh được từ tháng 10/2022 cho đến khi bị bắt giữ Ma Thị Ngoan đã sử dụng số tiền trên 600 triệu đồng cho nhiều bị hại vay, qua đó thu lời bất chính hơn 80 triệu đồng.

Hiện, Công an huyện Nghi Lộc đang tiếp tục đấu tranh mở rộng chuyên án.

Khởi tố 6 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty Xi măng Hoàng Thạch

Theo Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Hải Dương, ngày 17/3, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương đã phê chuẩn các quyết định khởi tố của Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Hải Dương) đối với 6 bị can về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch (Công ty Xi măng Hoàng Thạch).

Theo thông tin ban đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương khởi tố Nguyễn Việt Nga (sinh năm 1978, quê quán tại Yên Thành, Nghệ An), Trưởng ban Kế hoạch chiến lược Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch chiến lược Công ty Xi măng Hoàng Thạch); Đỗ Hoàng Linh (sinh năm 1977, quê quán ở Hưng Hà, Thái Bình), Trưởng Phòng Kỹ thuật của Công ty Xi măng Hoàng Thạch; Trần Trọng Khánh (sinh năm 1977, quê quán ở Phủ Lý, Hà Nam); Lê Quy Nhơn (sinh năm 1980, quê quán ở Hưng Hà, Thái Bình); Trần Ngọc Tân (sinh năm 1983, quê quán ở Đông Triều, Quảng Ninh), đều là cán bộ Công ty Xi măng Hoàng Thạch và Hoàng Ngọc Tâm (sinh năm 1994, quê quán ở Hậu Lộc, Thanh Hóa) là nhân viên Công ty Cổ phần Tư vấn Thương mại và Công nghệ AMIC.

Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố, bắt tạm giam một lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương đang điều tra mở rộng vụ việc.

Scotland: Xóa ứng dụng TikTok khỏi tất cả các thiết bị của Quốc hội

Tờ Sky News ngày 17/3 cho biết ứng dụng TikTok sẽ bị xóa khỏi điện thoại và các thiết bị của Quốc hội Scotland trong bối cảnh lo ngại về bảo mật thông tin.

Sky News trích dẫn một thư điện tử cho biết các Nghị sĩ và nhân viên trong Quốc hội Scotland đã được khuyến cáo “mạnh mẽ” về việc xóa TikTok, kể cả trong các thiết bị cá nhân được sử dụng để truy cập các hệ thống công nghệ thông tin của Quốc hội Scotland.

Trước đó cùng ngày, New Zealand tuyên bố sẽ cấm cài TikTok trên các thiết bị có quyền truy cập vào mạng của Quốc hội nước này từ ngày 31/3 tới do những lo ngại về an ninh mạng. Giám đốc điều hành các dịch vụ của Quốc hội New Zealand, ông Rafael Gonzalez-Montero, cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi tham vấn các chuyên gia an ninh mạng cũng như sau các cuộc thảo luận trong nội bộ Chính phủ và với các quốc gia khác.

Những quyết định đối với TikTok của Scotland và New Zealand được đưa ra sau khi Anh ngày 16/3 thông báo cấm cài đặt TikTok trên các thiết bị thuộc sở hữu cơ quan nhà nước và Chính phủ. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức. Phản ứng trước động thái của Anh, Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh ra tuyên bố phê phán quyết định của London là “can thiệp vào hoạt động bình thường của các công ty có liên quan ở Anh và cuối cùng sẽ chỉ làm tổn hại đến lợi ích của chính Vương quốc Anh”.

Tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) - chủ sở hữu TikTok - cho rằng các lệnh cấm gần đây là dựa trên "những quan niệm sai lầm cơ bản”, đồng thời khẳng định nền tảng này đã chi hơn 1,5 tỷ USD để tăng cường bảo mật dữ liệu và bác bỏ mọi cáo buộc liên quan.

TikTok hiện thu hút hơn 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới, trong đó có 150 triệu người dùng trên khắp châu Âu và khoảng 100 triệu người dùng tại Mỹ. Tuy nhiên, giới chức nhiều quốc gia lo ngại nguy cơ rò rỉ dữ liệu khi sử dụng ứng dụng này.