Truy thăng quân hàm cho phi công hy sinh trong khi làm nhiệm vụ

Theo thông tin từ Quân chủng Phòng không - Không quân sáng 1/2, Bộ Quốc phòng đã quyết định truy thăng quân hàm sĩ quan trước thời hạn đối với phi công Trần Ngọc Duy, thuộc Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân, đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bay huấn luyện chiến đấu.

Theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, phi công Trần Ngọc Duy được truy thăng quân hàm sĩ quan trước thời hạn từ Đại úy lên Thiếu tá. Trước đó, vào 12 giờ 9 phút ngày 31/1/2023, máy bay Su 22, số hiệu 5873 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân do Đại úy phi công cấp 3 Trần Ngọc Duy điều khiển đã cất cánh chuyến bay thứ nhất, bài bay huấn luyện số 206. Lúc 12 giờ 27 phút, trong lúc hạ cánh, máy bay đã gặp nạn, phi công được lệnh nhảy dù nhưng cố cứu máy bay. Tuy nhiên, sau đó, máy bay bị rơi và phi công đã hy sinh. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục hậu quả, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn; cùng với cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương thăm hỏi, động viên gia đình và làm công tác chính sách đối với đồng chí Trần Ngọc Duy và gia đình. Thiếu tá Trần Ngọc Duy (sinh năm 1992), quê quán huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình; trú tại phường Nam Cường, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái; là Phi đội phó, Tham mưu trưởng Phi đội 1 thuộc Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371. Đồng chí Trần Ngọc Duy nhập ngũ tháng 9/2010, đã được đào tạo Sĩ quan lái máy bay quân sự tại Trường Sĩ quan Không quân và đã từng trải qua các nhiệm vụ, chức vụ: Phi công, Phi đội 2, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân; phi công, Phó phi đội trưởng Phi đội 1, Trung đoàn 921, Sư đoàn 371. Sau đó, đồng chí là Phó phi đội trưởng - Tham mưu trưởng Phi đội 1, Trung đoàn 921, Sư đoàn 371 thuộc Quân chủng Phòng không - không quân. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đồng chí Trần Ngọc Duy đã tích lũy được tổng số giờ bay 725 giờ 25 phút. Đồng chí từng được khen thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2020. Đồng chí được phong quân hàm Thiếu úy năm 2014, được thăng quân hàm Trung úy năm 2016, Thượng úy năm 2019, thăng quân hàm trước niên hạn từ cấp bậc Thượng úy lên Đại úy năm 2021.

Thời tiết ngày 1/2: Bắc Bộ và Trung Bộ trời rét, đêm có mưa phùn và sương mù

Thời tiết Thủ đô Hà Nội nhiều mây, không mưa, trưa chiều giảm mây trời nắng; đêm có mưa phùn và sương mù. Gió nhẹ. Sáng và đêm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 16-18 độ C. Nhiệt độ cao nhất 21-23 độ C.

Các tỉnh phía Tây Bắc Bộ ngày có mây, trời nắng; đêm nhiều mây, có mưa phùn và sương mù rải rác, riêng khu Tây Bắc có mưa vài nơi. Gió nhẹ. Sáng và đêm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 14-17 độ C, có nơi dưới 14 độ C. Nhiệt độ cao nhất 24-27 độ C.

Khu vực phía Đông Bắc Bộ nhiều mây, sáng mưa nhỏ vài nơi, trưa chiều giảm mây trời nắng; đêm có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù rải rác. Gió nhẹ. Sáng và đêm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 15-18 độ C, vùng núi có nơi dưới 13 độ C. Nhiệt độ cao nhất 20-23 độ C, có nơi trên 23 độ C.

Các tỉnh Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế nhiều mây, có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; trưa chiều giảm mây trời nắng. Gió nhẹ. Sáng và đêm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 17-20 độ C. Nhiệt độ cao nhất Phía Bắc 22-25 độ C, phía Nam 25-28 độ C.

Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận nhiều mây, phía Bắc ngày có mưa vài nơi, đêm có mưa rải rác; phía Nam có mưa, mưa rào và có nơi có dông. Gió đông bắc đến đông cấp 3. Sáng và đêm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C. Nhiệt độ cao nhất 25-28 độ C.

Khu vực Tây Nguyên nhiều mây, có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Gió đông bắc cấp 2-3. Sáng sớm và đêm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 16-19 độ C. Nhiệt độ cao nhất 25-28 độ C.

Các tỉnh Nam Bộ có mây, có mưa rào và dông vài nơi. Gió đông bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 21-24 độ C. Nhiệt độ cao nhất 30-33 độ C.

Mỹ sắp đưa ra gọi viện trợ mới, lần đầu cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine

Tin 24h ngày 1/2/2023
Bom đường kính nhỏ GBU-39 tại khu lưu trữ đạn dược của Căn cứ không quân Al Udeid. Ảnh: Lực lượng phòng không quốc gia Mỹ.

Theo đài RT (Nga), Chính quyền Tổng thống Joe Biden được cho đã quyết định gửi tên lửa tầm xa tới Ukraine, giúp lực lượng Kiev có khả năng tấn công các mục tiêu xa hơn phía sau tiền tuyến. Tuyên bố này được đưa ra sau khi một quan chức tình báo hàng đầu của Ukraine đe dọa sẽ tiến hành nhiều cuộc tấn công sâu hơn vào bên trong lãnh thổ Nga. Dẫn hai nguồn hai quan chức Mỹ giấu tên am hiểu về vấn đề, hãng tin Reuters (Anh) hôm 31/1 đưa tin gói viện trợ mới bao gồm đạn pháo phản lực kết hợp với bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) có tầm bắn 150 km. Gói viện trợ mới cũng sẽ bổ sung vũ khí chống tăng Javelin, phương tiện chống mìn, hệ thống rocket phóng loạt (MLRS) và thiết bị hỗ trợ cho hệ thống phòng không Patriot. Theo đó, tên lửa GLSDB sẽ giúp các lực lượng Ukraine tấn công các mục tiêu xa hơn, tăng gần gấp đôi tầm bắn của các loại đạn MLRS và HIMARS mà Washington và các đồng minh NATO đã cung cấp cho Kiev trước đó. Dù đã từ chối cung cấp vũ khí có thể giúp Kiev tấn công lãnh thổ Nga, và có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn với Moskva, nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép viện trợ ngày càng nhiều loại vũ khí mạnh hơn cho Ukraine trong những tuần gần đây. Cuối tuần trước, Washington đã chấp thuận kế hoạch gửi 31 xe tăng M1 Abrams tới Kiev, ngay cả khi hồi tháng 3, ông Biden tuyên bố rằng Mỹ sẽ không cung cấp xe tăng hoặc chiến đấu cơ cho Ukraine vì lo ngại leo thang xung đột. Trong khi các xe tăng do Mỹ sản xuất dự kiến sẽ chuyển giao cho Ukraine vào cuối năm nay, hoặc thậm chí vào năm 2024, thì lô hàng đầu tiên - gồm 60 xe chiến đấu bộ binh Bradley được phê duyệt trước đó - đã được vận chuyển tới vùng chiến sự. Bộ Tư lệnh Vận tải Mỹ đã xác nhận thông tin trên hôm 30/1. Nhà thầu quốc phòng Boeing của Mỹ đang đẩy mạnh phát triển GLSDB, với kế hoạch nhanh chóng gửi loại vũ khí mới sản xuất cho Kiev. Loại tên lửa này kết hợp bom đường kính nhỏ GBU-39 với động cơ tên lửa M26, cả hai đều có thể lấy từ kho vũ khí hiện có của Mỹ. Tuy nhiên, Washington đã từ chối yêu cầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là gửi Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân MGM-140 (ATACMS) cho Kiev. Loại ATCMS này có tầm bắn khoảng 300 km, gấp đôi tầm bắn của GLSDB. Trong khi các quan chức Mỹ tuyên bố rằng họ không có ý định gửi vũ khí có thể tấn công lãnh thổ Nga cho Ukraine, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã nhắc lại lập trường của Washington hồi đầu tháng này rằng Kiev có quyền tự do lựa chọn các mục tiêu của riêng mình, bao gồm cả Crimea, nơi mà ông tuyên bố vẫn là lãnh thổ của Ukraine. Hôm 31/1, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc phòng Ukraine Kirill Budanov tuyên bố rằng “cho đến khi Ukraine khôi phục toàn vẹn lãnh thổ, sẽ có những vấn đề bên trong lãnh thổ Nga”. Ông cũng tiết lộ rằng Kiev đã đặt mục tiêu giành lại Crimea vào mùa hè này. Về phần mình, Điện Kremlin cảnh báo Nga sẽ sử dụng vũ khí mạnh hơn để đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào đối với lãnh thổ Nga, bao gồm cả Crimea và các vùng lãnh thổ đã bỏ phiếu sáp nhập Nga hồi tháng 9/2021. Đầu tháng này, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin đã cảnh báo “thảm kịch toàn cầu” có thể xảy ra đối với nhân loại nếu các quốc gia phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí mà Kiev có thể sử dụng để tấn công các khu dân sự và cố gắng giành lại các lãnh thổ do Nga kiểm soát. “Nếu vũ khí do Mỹ và các quốc gia thành viên NATO cung cấp được sử dụng để tấn công các thành phố dân sự và cố gắng giành lại các vùng lãnh thổ của Nga, như họ đe dọa sẽ thực hiện, thì Moskva sẽ đáp trả bằng vũ khí mạnh hơn”, ông Volodin tuyên bố.

Nga hỗ trợ ngành hàng không đối phó với lệnh trừng phạt của phương Tây

Theo phóng viên Báo chí tại Moskva, Nga đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ ngành hàng không trong nỗ lực đối phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 31/1, Cục trưởng Cục Hàng không Liên bang Nga (Rosaviasia) Alexander Neradko đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt chưa từng có của phương Tây, bao gồm lệnh cấm cung cấp máy bay và linh kiện cho Moskva, đồng thời đóng cửa thị trường châu Âu đối với các hãng hàng không của Nga. Theo ông Neradko, để giảm thiểu hậu quả từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Vladimir Putin đã cho phép đăng ký máy bay nước ngoài ở Nga và Thủ tướng Mikhail Mishustin đã ký sắc lệnh cho phép máy bay được bảo dưỡng bằng phụ tùng thay thế không chính hãng. Ngoài ra, trong năm 2022, Chính phủ Nga đã phân bổ hơn 172 tỷ ruble (hơn 2,45 tỷ USD) để hỗ trợ ngành hàng không dân dụng, tạo điều kiện vận chuyển gần 100 triệu lượt hành khách. Theo Cục trưởng Neradko, Nga sẽ tiếp tục hợp tác với cơ quan hàng không của các quốc gia thân thiện và những tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Song song với đó, Nga cũng sẽ duy trì “liên hệ không chính thức” với những đối tác từ các quốc gia đã áp đặt lệnh trừng phạt nước này. Theo người đứng đầu Rosaviasia, các đối tác thân cận nhất của ngành hàng không Nga là những quốc gia và doanh nghiệp chưa dừng các chuyến bay, nhất là những chuyến bay thẳng đến nước này. Ông khẳng định: “53 hãng hàng không của 26 quốc gia đã không dừng bay và số lượng các chuyến bay (tới Nga) đang tăng lên.” Không lâu sau khi bùng phát cuộc xung đột ở Ukraine hồi tháng Hai năm ngoái, hàng loạt lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây đã đẩy ngành hàng không Nga vào thế cô lập. Nhiều năm nay, ngành hàng không Nga vốn đã phụ thuộc nhiều vào phương Tây khi lượng máy bay nước ngoài, cụ thể từ các hãng Airbus và Boeing, chiếm 95%. Khi các lệnh trừng phạt có tác dụng, bên cạnh việc cấm bay vào không phận Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây, Nga không còn có được dịch vụ bảo dưỡng máy bay định kỳ, cũng như ngưng được cung cấp các phụ tùng thay thế cho đội bay của quốc gia này. Các quốc gia khác cũng không bán phụ tùng cho Nga bởi lo sợ các lệnh cấm vận tương tự. Trước tình hình này, ngành hàng không Nga đã đặt mục tiêu nội địa hóa, hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào phương Tây. Đại diện Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec hồi năm ngoái cho biết Nga kỳ vọng sẽ sản xuất được 1.000 máy bay vào năm 2030, không cần phụ tùng và bảo dưỡng từ 2 hãng sản xuất lớn nhất thế giới là Airbus và Boeing./.

Tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về lễ hội

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương vừa ký ban hành công văn số 46/VHCS-NSVH gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về lễ hội năm 2023. Công văn nêu rõ thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các Sở tập trung tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về lễ hội năm 2023 trên địa bàn. Các địa phương tổ chức hoạt động lễ hội năm 2023 bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của địa phương. Đồng thời, các địa phương chấp hành nghiêm quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính; hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, xóc thẻ, xin quẻ. Mặt khác, các đơn vị chức năng cần di dời “hiện vật lạ” không phù hợp với thuần phong mỹ tục ra khỏi khuôn viên di tích; không đốt đồ mã; quản lý việc đặt hòm công đức theo quy định, phân công lực lượng thu gom tránh để xảy ra tình trạng rải (đặt, cài) tiền lẻ, tiền công đức không đúng nơi quy định. Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các địa phương triển khai phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội, không để xảy ra các hành vi chen lấn, tranh cướp; có phương án xử lý kịp thời những tình huống phát sinh trong lễ hội, trường hợp xảy ra mất an ninh trật tự phải yêu cầu tạm ngừng việc tổ chức theo quy định hiện hành. Các địa phương tổ chức phương án về an toàn giao thông đường bộ, đường thủy; an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng, chống cháy nổ; giữ gìn cảnh quan môi trường trong khu vực di tích và nơi thờ tự; có nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu của du khách tham gia lễ hội. Các địa phương tiếp tục triển khai biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong hoạt động lễ hội, đẩy mạnh giám sát để đánh giá nguy cơ và kịp thời ứng phó dịch bệnh trong mọi tình huống. Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý và tổ chức lễ hội. Qua đó kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Các đơn vị chức năng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; phát hiện xử lý kịp thời và có biện pháp chấn chỉnh những trường hợp vi phạm. Ban Tổ chức các lễ hội thực hiện quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội theo quy định tại Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/1/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Hà Nội: Cặp vợ chồng tử vong với nhiều vết thương ở phòng ngủ

Ngày 1/2, Công an thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị khác làm rõ nguyên nhân vụ án mnạg khiến 2 người tử vong. Trước đó, vào tối ngày 31/1, công an nhân được tin báo của người dân về việc phát hiện cặp vợ chồng tử vong tại căn nhà trên phố Phùng Khắc Khoan, phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây. Tại hiện trường, hai nạn nhân trung tuổi tử vong với nhiều vết thương ở phòng ngủ tầng 2. Đáng chú ý, gần đó có 1 con dao dài khoảng 15cm. Ngay sau đó, lực lượng chức năng phong toả hiện trường, điều tra nguyên nhân và giải quyết vụ việc. Hiện vụ việc vẫn đang được điều tra, làm rõ.

Tổ chức lễ tang phi công Trần Ngọc Duy hy sinh trong khi làm nhiệm vụ

Tin 24h ngày 1/2/2023
Các đoàn đến viếng, chia buồn cùng gia đình Thiếu tá Trần Ngọc Duy.

Từ 8 giờ ngày 1/2, tại Nhà tang lễ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, lễ tang Thiếu tá Trần Ngọc Duy hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bay huấn luyện chiến đấu ngày 31/1 tại Yên Bái được tổ chức theo nghi thức Quân đội.

Các đoàn của cán bộ, sĩ quan thuộc Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân; các Sư đoàn Không quân, nhà trường, đơn vị trực thuộc; đoàn viếng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái cùng các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội và nhân dân thành phố Yên Bái đã đến viếng, chia buồn cùng gia đình. Lễ truy điệu và đưa tang Thiếu tá Trần Ngọc Duy vào hồi 12 giờ 20 phút cùng ngày; hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ thành phố Thái Nguyên, an táng tại nghĩa trang Dốc Lim, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Thiếu tá Trần Ngọc Duy (sinh năm 1992), quê quán tại xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình; trú tại phường Nam Cường, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái; là Phi đội phó, Tham mưu trưởng Phi đội 1 thuộc Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371. Phi công Trần Ngọc Duy nhập ngũ tháng 9/2010, được đào tạo sỹ quan lái máy bay quân sự tại Trường Sỹ quan Không quân và đã từng trải qua các nhiệm vụ, chức vụ: Phi công, Phi đội 2, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không-Không quân; phi công, Phó phi đội trưởng Phi đội 1, Trung đoàn 921, Sư đoàn 371. Sau đó, phi công Trần Ngọc Duy là Phó phi đội trưởng - Tham mưu trưởng Phi đội 1, Trung đoàn 921, Sư đoàn 371 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phi công Trần Ngọc Duy đã tích lũy được tổng số giờ bay là 725 giờ 25 phút; được khen thưởng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở năm 2020. Phi công Trần Ngọc Duy được phong quân hàm Thiếu úy năm 2014, được thăng quân hàm Trung úy năm 2016, Thượng úy năm 2019, thăng quân hàm trước niên hạn từ cấp bậc Thượng úy lên Đại úy năm 2021. Trước hành động dũng cảm của phi công Trần Ngọc Duy khi máy bay gặp sự cố dù đã được lệnh nhảy dù, nhưng vì cố gắng cứu máy bay nên đã hy sinh, ngày 1/2, Bộ Quốc phòng đã quyết định truy thăng quân hàm sỹ quan từ cấp bậc Đại úy lên Thiếu tá đối với phi công Trần Ngọc Duy. Trước đó, vào 12 giờ 9 phút ngày 31/1/2023, máy bay Su 22, số hiệu 5873 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân do Đại úy phi công cấp 3 Trần Ngọc Duy điều khiển đã cất cánh chuyến bay thứ nhất, bài bay huấn luyện số 206. Lúc 12 giờ 27 phút, trong lúc hạ cánh, máy bay đã gặp nạn, phi công được lệnh nhảy dù nhưng cố cứu máy bay. Tuy nhiên, sau đó, máy bay bị rơi và phi công đã hy sinh.Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục hậu quả, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn; cùng với cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương thăm hỏi, động viên gia đình và làm công tác chính sách đối với phi công Trần Ngọc Duy và gia đình.

Tai nạn kinh hoàng khiến 3 cầu thủ trẻ thiệt mạng

Tin 24h ngày 1/2/2023
Chiếc xe chở các thành viên của CLB Esporte Clube Vila Maria Helena.

Theo Daily Mail đưa tin, chiếc xe buýt chở thành viên CLB Esporte Clube Vila Maria Helena đã bị mất lái khi đang đi qua cây cầu ở Alem Paraiba (bang Minas Gerais, Đông Nam Brazil). Được biết, chiếc xe buýt đã rơi xuống từ độ cao 10m và làm cho 4 người tử vong (trong đó có 3 cầu thủ từ 14 đến 17 tuổi và một nhân viên của đội bóng). Bên cạnh đó, còn có 29 người khác bị thương sau vụ rơi xe. Trong danh sách bị thương có 24 người đã được đưa đến bệnh viện Salvador, 5 người còn lại được điều trị tại Leopoldina. Theo nguồn tin từ bệnh viện Salvador, hầu hết các nạn nhân đều ở độ tuổi từ 18-19 tuổi. Tờ G1 tiết lộ, nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn này là do tài xế bị mất lái khi đi qua cầu. “Cả đội đều đang vui mừng sau khi có được danh hiệu nhưng thật không may, tai nạn đã xảy ra. Nó đến rất nhanh, khi tất cả đang ngủ”, một cầu thủ kể lại. Được biết, CLB Esporte Clube Vila Maria Helena vừa giành chức vô địch cho độ tuổi dưới 18 và ngôi á quân ở cấp độ U16. Tuy nhiên, chưa kịp ăn mừng thành tích có được thì đội đã gặp nạn trong lúc trở về từ Ubaporanga, nơi họ vừa có trận đấu với Simonesia tại một giải địa phương.

Bộ Y tế: Bố trên 45 tuổi, mẹ ngoài 35 có nguy cơ sinh con bị khuyết tật

Theo hướng dẫn mới vừa được Bộ Y tế ban hành, tuổi của mẹ trên 35 và bố trên 45 khi sinh con được xem là một trong những nguyên nhân có thể gây khuyết tật ở trẻ.

Tin 24h ngày 1/2/2023
Lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh để sàng lọc phát hiện dị tật bẩm sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Ngày 31/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ký ban hành Quyết định về việc ban hành tài liệu “Hướng dẫn Phát hiện sớm - Can thiệp sớm khuyết tật trẻ em”. Theo cơ quan này, ước tính mới từ số liệu các cuộc điều tra y tế và gánh nặng bệnh tật toàn cầu, thế giới có hơn 1 tỷ người bị khuyết tật. Tại Việt Nam, Bộ Y tế dẫn số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê về điều tra quốc gia người khuyết tật, ước tính khoảng 1,2 triệu trẻ em gặp phải tình trạng này trong độ tuổi 0-17 (chiếm 3,1% trẻ trong độ tuổi này). Khoảng 55-65% trẻ bị khuyết tật là do bẩm sinh, trong khi tỷ lệ do bệnh tật chiếm 23,5-29,1%. Loại khuyết tật phổ biến nhất ở trẻ em trong điều tra tại cộng đồng là vận động (chiếm 22,4%) và nói (chiếm 21,4%). Báo cáo khám sàng lọc trẻ khuyết tật của một số tổ chức phi chính phủ hoạt động tại tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên - Huế cũng cho thấy tỷ lệ trẻ khó khăn về học chiếm 42,6%; nói 39,8%; nhìn 30%; vận động 27,3% và nghe 15,5%. Về nguyên nhân gây khuyết tật ở trẻ, Bộ Y tế chia thành 3 nhóm: Trước sinh, trong sinh và sau sinh. Trong đó, nhóm nguyên nhân trước sinh gồm: Bệnh của mẹ khi mang thai (virus, bệnh giáp trạng, ngộ độc thai, tiểu đường, chấn thương...). Tuổi của mẹ trên 35 và bố trên 45 khi sinh con cũng được liệt kê. Mẹ phơi nhiễm môi trường độc hại khi mang thai như các kim loại nặng, chất độc dùng trong nông nghiệp, thực phẩm, các loại thuốc, các chất khích thích như rượu, ma túy… Dinh dưỡng bà mẹ, nhiễm trùng, bất thường nhiễm sắc thể, gene, chất liệu di truyền thai nhi cũng được xếp vào nhóm nguyên nhân trước sinh. Với nhóm nguyên nhân trong lúc sinh, việc can thiệp sản khoa (dùng kẹp/ hút lấy thai, mổ đẻ, kích thích đẻ...) được liệt kê đầu tiên. Trẻ đẻ non (dưới 37 tuần), thiếu oxy não (ngạt), cân nặng khi sinh thấp (<2.500g), trẻ bị vàng da nhân não do bất đồng nhóm máu… cũng được cho là các yếu tố nguy cơ khiến trẻ bị khuyết tật. Sau sinh, trẻ bị chấn thương sọ não, chảy máu não, nhiễm trùng thần kinh, suy hô hấp, sốt cao co giật, phơi nhiễm các yếu tố môi trường độc hại như hóa chất, thuốc trừ sâu, kim loại nặng có nguy cơ bị khuyết tật. Nếu được phát hiện sớm và can thiệp sớm, nhiều trẻ sẽ phục hồi tốt và trở thành trẻ bình thường, ví dụ trẻ bị bàn chân khoèo bẩm sinh hoặc trật khớp háng bẩm sinh, trẻ tự kỷ nhẹ có chỉ số IQ bình thường. Một số trẻ khuyết tật khác có thể phát triển được các kỹ năng gần như trẻ bình thường, như chậm phát triển vận động, ngôn ngữ so với tuổi, bại não liệt nửa người hoặc hai chân mức độ nhẹ. Một số bệnh nhi nặng cũng được phục hồi, cải thiện kỹ năng và có thể hội nhập xã hội. Ví dụ, trẻ bại não thể co cứng nặng sẽ không bị co rút biến dạng khớp, tuy không đi lại được nhưng ngồi xe lăn vẫn có thể đi học.

Bỉ đóng cửa lò phản ứng hạt nhân gần biên giới với Đức

Tin 24h ngày 1/2/2023
Lò phản ứng hạt nhân Tihange-2.

Lò phản ứng 40 năm tuổi này đã gây tranh cãi giữa Bỉ và Đức trong nhiều năm qua. Giới chức Đức kêu gọi đóng cửa lò phản ứng Tihange 2 do những quan ngại về an ninh sau khi phát hiện hàng nghìn vết rạn bằng sợi tóc trong các bình áp suất. Phát biểu với truyền thông địa phương sau khi Bỉ quyết định đóng cửa lò phản ứng này, Bộ trưởng Môi trường Đức Steffi Lemke bày tỏ hoan nghênh, nhấn mạnh “việc đóng cửa nhà máy này sẽ tăng cường đáng kể an ninh ở hai nước”. Tihange 2 là lò phản ứng hạt nhân thứ hai mà Bỉ cho dừng hoạt động trong 4 tháng qua, trong khuôn khổ kế hoạch của nước này dần từ bỏ điện hạt nhân vào năm 2025 theo luật định từ năm 2003. Tuy nhiên, năm ngoái, Bỉ đã quyết định trì hoãn mục tiêu này thêm 10 năm nữa, trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao liên quan xung đột tại Ukraine. Nhưng đồng thời nhà chức trách bỉ cũng thúc đẩy việc đóng cửa 2 trong số các lò phản ứng lâu đời nhất nước này, theo đó một lò phản ứng khác tại nhà máy Doel, gần Antwerp, dự kiến đóng cửa vào tháng 9 tới. Tháng 1/2023, Bỉ công bố thỏa thuận với công ty năng lượng Engie của Pháp gia hạn hoạt động của 2 lò phản ứng khác thêm 10 năm. Khoảng 50% nhu cầu điện năng của Bỉ phụ thuộc vào các lò phản ứng hạt nhân.