* Khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng cướp tiệm vàng ở Hải Dương

Cơ quan chức năng đã thu giữ tại nhà các đối tượng một súng tự chế dạng côn quay, 5 viên đạn, 3 điện thoại, giày và quần áo sử dụng để gây án.

Liên quan đến vụ cướp tiệm vàng Đức Nam xảy ra tối mùng 7/6 tại huyện Kim Thành, Hải Dương, trao đổi với phóng viên Chuyển động 24h, Đại tá Bùi Quang Bình - Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đồng thời ra lệnh bắt tạm giam 2 đối tượng về hành vi giết người, cướp tài sản xảy ra tại tiệm vàng ở xã Đồng Cẩm.

Trước đó vào khoảng 20h tối 7/6, hai nam thanh niên trú tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đeo khẩu trang điều khiển xe mô tô Exciter xông vào tiệm vàng Đức Nam dùng búa đập tủ kính, lấy được vài chiếc vòng vàng, sau đó dùng súng bắn con trai chủ cửa hàng.

Sau gần 8 tiếng tập trung lực lượng để truy bắt, đến sáng ngày 8/6, lực lượng Công an bắt giữ được 2 đối tượng nổ súng cướp tiệm vàng khi đang lẩn trốn tại xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng.

Cơ quan chức năng đã thu giữ tại nhà các đối tượng một súng tự chế dạng côn quay, 5 viên đạn, 3 điện thoại, giày và quần áo sử dụng để gây án và một số vật dụng liên quan.

* Liên tiếp ca ngộ độc nấm nguy kịch

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không nên ăn các loại nấm không rõ nguồn gốc.

Gần đây, liên tiếp các vụ ngộ độc nấm xảy ra, như tại Tây Ninh, sau khi hái nấm và xào cùng mướp ăn, cả gia đình ba người phải nhập viện do ngộ độc nặng. Đáng tiếc, hiện người chồng đã tử vong, người vợ và con gái rơi vào tình trạng nguy kịch.

Người chồng được tiếp nhận trong tình trạng bị khó thở, suy hô hấp, được đặt nội khí quản, bóp bóng, tuy nhiên do tình trạng nặng đã tử vong tại khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy. Hiện, người con đã cải thiện nhưng người vợ vẫn nguy kịch, rối loạn chức năng gan diễn tiến nghiêm trọng, tiên lượng khó qua khỏi.

Một vụ việc khác xảy ra tại tỉnh Đồng Nai, hai mẹ con ngụ xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc đã phải nhập viện cấp cứu nghi do ngộ độc nấm mọc trên xác nhộng ve sầu. Các bác sĩ đã truyền dịch để tăng cường thải chất độc trong cơ thể bệnh nhân.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không nên ăn các loại nấm không rõ nguồn gốc vì có nhiều loại nấm độc khi ăn vào sẽ dẫn đến tổn thương đa cơ quan, suy gan, suy thận, rối loạn nhịp tim, có nguy cơ tử vong.

* AI sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn thay vì sa thải hàng loạt

Những tiến bộ trong công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn, thay vì gây ra tình trạng sa thải hàng loạt.

Báo cáo khảo sát cho biết, hơn nửa số công ty được hỏi khẳng định, AI sẽ giúp tăng quy mô nhân viên của công ty trong 2 năm tới. Điều này trái ngược hoàn toàn với những lo ngại rằng AI sẽ khiến các công ty cắt giảm một lượng lớn nhân lực và máy móc sẽ thay thế con người.

Rahul Kumar, Giám đốc công ty tuyển dụng Experis - người thực hiện khảo sát, nhận định, tâm trạng của các nhà tuyển dụng phần lớn đang mâu thuẫn khi được hỏi liệu AI có gây tác động tiêu cực đến công việc trong tương lai hay không.

Tuy nhiên, ông Kumar cho biết, các doanh nghiệp cần thuê nhân viên để xây dựng các kỹ năng nội bộ, với mong muốn sử dụng AI và máy học hiệu quả hơn, nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và tạo ra hiệu quả.

Ông chia sẻ, qua khảo sát nhiều khách hàng bày tỏ mong muốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ mới mẻ này và tăng cường khám phá thêm ý nghĩa của AI đối với doanh nghiệp. Đó là lý do tại sao có sự cải thiện về triển vọng công việc, thay vì thu hẹp quy mô việc làm.

Không những tạo thêm việc làm, theo ông Kumar, AI cũng sẽ tạo ra sự khác biệt trong cấu trúc việc làm và kỹ năng.

Hơn 2/3 số người được hỏi cho biết các chương trình và công nghệ AI như ChatGPT sẽ có tác động tích cực đến việc đào tạo và nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động của họ.

Nhưng trong lĩnh vực công nghệ, những đột phá gần đây về AI đã dẫn tới sự suy thoái của nhiều công ty, đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất tăng và chi tiêu của người tiêu dùng bị siết chặt, tạo ra áp lực lớn đối với các doanh nghiệp.

Nhà lãnh đạo của Experis nói thêm cuộc thăm dò cho thấy nhiều doanh nghiệp đang tìm cách sử dụng AI để tuyển dụng và giữ chân người lao động hơn là thay thế họ.

Hai phần ba các chủ doanh nghiệp cho biết họ tin rằng sự tham gia rộng rãi hơn của nhân viên cũng sẽ được cải thiện nhờ việc sử dụng AI rộng rãi hơn.

* Hà Nội sẽ xây dựng "bản đồ foodtour" sau khi nhiều nhà hàng được Michelin vinh danh

Chiều 7-6, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ có kế hoạch tăng cường quảng bá hệ thống các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống vừa được tổ chức Michelin gắn sao và vinh danh trong danh sách giới thiệu cho du khách khi đến Hà Nội.

Vào tối 6-6-2023 tổ chức Michelin đã công bố danh sách những những nhà hàng đạt tiêu chuẩn do Michelin thẩm định. Trong số 103 nhà hàng được Michelin Guide tuyển chọn, Hà Nội có 48 đại diện, gồm 3 nhà hàng được gắn “1 sao Michelin”; 13 nhà hàng nhận giải quán ăn ngon với giá cả phải chăng (Bib Gourmand); 32 nhà hàng thuộc danh sách tuyển chọn Michelin (Michelin Selected) và 1 Giải thưởng Michelin dành cho Đầu bếp trẻ xuất sắc.

Với việc Hà Nội có đại diện nhà hàng được gắn sao Michelin - Giải thưởng danh giá trong làng ẩm thực thế giới là tin vui cho ngành Du lịch Thủ đô, là cơ hội tốt để quảng bá rộng rãi ẩm thực Hà Nội ra thế giới, đồng thời cũng là động lực để các nhà hàng, quán ăn chuẩn chỉnh lại phong cách phục vụ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, sáng tạo trong cách chế biến và tạo được không gian đặc trưng để mang lại nhiều trải nghiệm cho khách hàng.

Trước sự kiện được nhiều người quan tâm này, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, theo định hướng phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2030, sản phẩm dịch vụ ẩm thực sẽ được phát triển đa dạng, tập trung vào các loại hình mang tính chất độc đáo như các phố ẩm thực đêm, các làng nghề ẩm thực cùng hệ thống các nhà hàng phát triển để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và khách du lịch.

Để khai thác, phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực trở thành thế mạnh của Du lịch Thủ đô, trong thời gian tới Sở Du lịch Hà Nội sẽ đẩy mạnh quảng bá hệ thống nhà hàng được gắn sao Michelin bên cạnh những nhà hàng, quán ăn uy tín khác của Hà Nội trong các chương trình tuyên truyền, quảng bá du lịch Hà Nội trên sóng của các kênh truyền thông, các trang mạng xã hội cũng như tại các sự kiện xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch có chủ trương xây dựng "bản đồ foodtour" để du khách có thể tự mình khám phá, trải nghiệm ẩm thực địa phương. Sở sẽ phối hợp với các địa phương phổ biến kiến thức về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ năng giao tiếp, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, đặc biệt tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch để tiếp tục duy trì và nâng cao hình ảnh, chất lượng của du lịch Thủ đô trong thời gian tới.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, việc có đại diện trong danh sách các nhà hàng được gắn sao Michelin sẽ góp phần nâng tầm ẩm thực Hà Nội nói riêng, ẩm thực Việt Nam nói chung trên bản đồ du lịch ẩm thực thế giới.

* Bao giờ cán bộ, công chức được tăng lương theo bảng lương mới?

Theo Bộ trưởng Nội vụ, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi, Hội nghị TW 13 khóa XII và Hội nghị TW 4 khóa XIII đã chỉ đạo lùi thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới vào thời điểm phù hợp.

Một trong những kết quả nổi bật được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ là việc sắp xếp bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Trao đổi về kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Nghị quyết đã tạo sự chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị, gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

- Mới đây, tại Kết luận số 50-KL/TW, Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu tiếp tục thực hiện có hiệu quả, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 18-NQ/TW (một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả). Thưa bà, 5 năm qua, tổ chức bộ máy từ địa phương đến Trung ương đã có những thay đổi như thế nào?

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Kết luận số 50-KL/TW của Bộ Chính trị đã đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu của bộ, ban, ngành, địa phương trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết, có thể thấy chúng ta đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên 3 lĩnh vực: sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và quản lý, tinh giản biên chế.

Về cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu đề ra đến năm 2021, nhất là việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và cơ cấu lại tổ chức bên trong; giảm cấp trung gian, giảm đầu mối cấp tổng cục, cấp vụ, cấp phòng; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, theo nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính; giảm cán bộ lãnh đạo, quản lý nhất là cấp phó và cán bộ giữ chức vụ hàm. Tinh giản biên chế vượt mục tiêu đề ra, tiết kiệm được ngân sách nhà nước...

Đến nay, tổ chức bộ máy của bộ, ngành giảm 301 đầu mối tổ chức bên trong, trong đó đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục chưa đáp ứng đủ tiêu chí thành lập; giảm 11 cục, 143 vụ/ban; 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành và giảm 108 phòng trong vụ.

Hiện đã có 26/27 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành được ban hành; còn nghị định của Thanh tra Chính phủ chưa được ban hành (3 bộ, ngành đề xuất tiếp tục thực hiện theo nghị định hiện hành, gồm: Bộ Công an, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam).

Ở địa phương, sắp xếp tổ chức bộ máy, số lượng cấp phó thuộc sở, phòng theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tiêu chí thành lập tổ chức, số lượng cấp phó theo quy định của Chính phủ. Đến nay đã giảm 7 sở và 6 tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh; giảm 1.941 tổ chức bên trong sở (trong đó giảm 1.632 phòng và 309 chi cục thuộc sở) và giảm 46 tổ chức bên trong tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh; giảm 585 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc Ủy ban Nhân dân huyện.

Bộ Nội vụ cũng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, xây dựng phương án sắp xếp thu gọn đầu mối và nâng cao mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng dự thảo Đề án đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập trình Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc sắp xếp, tổ chức lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Bộ Nội vụ đã phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện rất quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính, đặc biệt là 45 tỉnh có nhiều đơn vị hành chính cấp xã không đảm bảo 50% tiêu chuẩn theo quy định. Sau 3 năm thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021, đã hoàn thành mục tiêu, yêu cầu đề ra, giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện và giảm 561 đơn vị hành chính cấp xã.

Chúng tôi cũng đã xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022-2025 và đến năm 2030, báo cáo Chính phủ để trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 48-KL/TW về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, đồng thời đang báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết mới về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022-2025.

Một kết quả nổi bật khác tôi muốn đề cập đến là quản lý và tinh giản biên chế. Đến năm 2021, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước đã giảm 10,01%, biên chế viên chức giảm 11,67% so với năm 2015 (đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị).

Đối với biên chế giai đoạn 2022-2026, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW, Quyết định số 73-QĐ/TW ngày 18/7/2022; theo đó giai đoạn 2022-2026 giảm 5% biên chế cán bộ, công chức và giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.

Kết quả đạt được 5 năm vừa qua đã tạo tiền đề, cơ sở thực tiễn và nền tảng quan trọng để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW đến năm 2030.

- Theo Bộ trưởng, còn điều gì khó khăn, vướng mắc mà chúng ta chưa thể thực hiện?

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, tuy nhiên, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, tác động trực tiếp, toàn diện đến nhiều tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị. Bên cạnh kết quả đạt được là nổi bật, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương chưa đầy đủ, sâu sắc, quyết tâm thực hiện chưa cao, chưa gắn với hiệu lực, hiệu quả hoạt động; nhất là chưa gắn sắp xếp tổ chức bộ máy với tinh giản biên chế theo vị trí việc làm và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, tổ chức còn giao thoa, trùng lắp, trong khi đó cơ chế phối hợp chưa thực sự hiệu quả nên làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Một số chủ trương mới về chính sách tiền lương, thu hút, trọng dụng nhân tài chậm được cụ thể hóa, thời gian gần đây có hiện tượng một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có năng lực chuyển sang khu vực tư...

- Bộ trưởng đánh giá thế nào về việc thực hiện nguyên tắc "Một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính"?

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Nguyên tắc "một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính" đã được đặt ra trong các nghị quyết, kết luận của Đảng từ khá sớm, từ Hội nghị Trung ương 5 khóa X, năm 2007.

Việc sắp xếp, điều chỉnh tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ qua các nhiệm kỳ Chính phủ và sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thời gian qua luôn bảo đảm quán triệt các nghị quyết của Đảng về cải cách hành chính và thực hiện nhất quán nguyên tắc này.

Chính phủ tiếp tục tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hợp lý; nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối. Tóm lại, ở Trung ương tổ chức bộ đa ngành, ở địa phương tổ chức cơ quan chuyên môn đa ngành.

Tuy nhiên, như tôi đã đề cập, hiện nay còn một số nhiệm vụ có giao thoa giữa các cơ quan quản lý nhà nước, như: quản lý an toàn thực phẩm; quản lý môi trường (rác thải y tế); bảo hiểm y tế; quản lý đa dạng sinh học...

Trong Đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV (2021-2026), Bộ Nội vụ đã báo cáo, đề xuất Chính phủ giao cơ quan chủ trì (theo quy định tại pháp luật chuyên ngành) phối hợp với cơ quan có liên quan ban hành quy chế phối hợp để xác định rõ phạm vi, đối tượng quản lý, nội dung phối hợp, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan trong việc tổ chức thực hiện.

Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Chính phủ về việc triển khai nhiệm vụ "Nghiên cứu, tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ từ khóa XII đến khóa XV" một cách bài bản, khoa học, tổng thể, toàn diện.

Trên cơ sở đó, xác định rõ phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của các bộ, ngành; đồng thời nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành; qua đó hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc "một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính."

- Trước đây, chúng ta vẫn đề cập câu chuyện ngân sách oằn mình vì gánh nặng biên chế. Xin Bộ trưởng cho biết việc giảm chi thường xuyên thời gian qua để thực hiện cải cách chính sách tiền lương?

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Tinh giản biên chế là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính, việc giảm biên chế trong 4 năm (2017-2021) đã tiết kiệm chi ngân sách nhà nước 25.638 tỷ đồng.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua thời điểm và phương án điều chỉnh tăng lương, phụ cấp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, thực hiện từ ngày 1/7/2023).

Đồng thời, Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung cụ thể của chính sách tiền lương mới, bảo đảm phù hợp với quan điểm, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; trong đó, kinh phí tiết kiệm do tinh giản biên chế nêu trên là nguồn ngân sách nhà nước quan trọng để thực hiện tăng lương trong năm 2023 và các năm sau.

- Vậy theo Bộ trưởng, bao giờ cán bộ, công chức, viên chức được tăng lương theo bảng lương mới?

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW là vấn đề rất được quan tâm bởi liên quan mật thiết đến đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chế độ tiền lương mới để thay thế chế độ tiền lương hiện hành (Bộ Nội vụ đang xây dựng 1 dự thảo nghị định và 11 dự thảo thông tư).

Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Hội nghị Trung ương 13 khóa XII và Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã chỉ đạo lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW vào thời điểm phù hợp.

Bộ Nội vụ sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương và việc bố trí nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cho cải cách chính sách tiền lương giai đoạn sau năm 2023.

- Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, Bộ Nội vụ có giải pháp gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Chúng tôi sẽ tham mưu Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để chỉ đạo các bộ, ngành kiện toàn tổ chức của các tổng cục và tổ chức tương đương; đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến địa phương.

Bộ Nội vụ nghiên cứu, tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ (từ khóa XII đến khóa XV), trên cơ sở đó nghiên cứu, xây dựng Đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI.

Bộ cũng tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm chất lượng, tiến độ đã đề ra. Trước mắt trong năm 2023 tập trung xây dựng một loạt nghị định về vị trí việc làm và biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; chính sách tinh giản biên chế; quy định về số lượng cấp phó; chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố…

Ngoài ra, theo lộ trình kế hoạch đến năm 2026, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức, Luật Tổ chức chính quyền địa phương...

Bên cạnh đó là các giải pháp về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, quản lý biên chế giai đoạn 2023-2026 theo quy định của Bộ Chính trị; tham mưu cho Ban Chỉ đạo về xây dựng, quản lý vị trí việc làm để tổ chức triển khai việc xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các bộ, ngành, địa phương.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

* Gỡ diều mắc vào đường điện, nam thanh niên bị bỏng điện nặng

Nam bệnh nhân V.N.T., (18 tuổi) bị tai nạn bỏng điện khi sử dụng sào nhôm dài để lấy diều mắc trên dây điện trung thế.

Sau tai nạn, bệnh nhân bất tỉnh khoảng 10 phút, được đưa vào trạm xá xã sơ cứu, chuyển Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác cùng ngày.

Tại đây, bệnh nhân được đánh giá bước đầu các tổn thương gồm bỏng sâu, rộng 18% độ II, III, IV, V thân, chi; nghi ngờ tổn thương ngực bụng do tia lửa điện nên được chuyển sang Bệnh viện Quân y 103 lúc 4 giờ ngày 29/5.

Bệnh nhân nhập Khoa Hồi sức ngoại trong tình trạng vết thương khoảng 1x3cm ở vùng thượng vị trên nền da bỏng chợt, bờ mép nham nhở trắng nhợt không có máu, không kiểm soát được đáy vết thương. Bệnh nhân đã được khâu tạm thời vết thương vùng thượng vị, chụp cắt lớp vi tính ngực, bụng thấy tổn thương đông đặc, kính mờ phổi phải, tràn dịch - tràn khí khoang màng phổi phải, tụ khí dưới da mạn sườn phải; chấn thương gan độ 3, tụ dịch dưới bao gan.

Bệnh nhân được đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, hồi sức tích cực bằng truyền dịch, giảm đau, kháng sinh phổ rộng, dẫn lưu khoang màng phổi phải cấp cứu, mời khám và hội chẩn các chuyên khoa ngoại lồng ngực, ngoại bụng. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật kiểm soát tổn thương ở lồng ngực, bụng; được mổ cấp cứu ngay sau khi vào khoa khoảng 1 giờ.

Tổn thương ổ bụng phát hiện trong khi mổ gồm rách cơ hoành phải khoảng 4 cm gần dây chằng liềm, phân thùy giữa của gan bị tổn thương bỏng kích thước 6x8cm màu vàng nâu, cứng chắc kiểu bỏng nhiệt của tia lửa điện, rách bao gan khoảng 4cm. Tổn thương ngực gồm ống vết thương thấu ngực dài 3cm, đáy vết thương thông với khoang màng phổi phải, miệng vết thương gọn, trắng nhợt, dạng hoại tử khô, gãy sụn sườn số 7 bên phải, rách nhu mô thùy dưới phổi phải dài 3cm, nhu mô thùy dưới, thùy giữa xung huyết nhiều; nhiều máu khoang màng phổi phải.

Bệnh nhân được khâu lỗ thủng cơ hoành, làm sạch tổn thương gan, đặt dẫn lưu dưới gan; khâu vết rách nhu mô phổi, bơm rửa khoang màng phổi, dẫn lưu khoang màng phổi phải.

Sau mổ, bệnh nhân tiếp tục được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức ngoại và tiến triển tốt, tỉnh táo, huyết động ổn định, được rút ống nội khí quản. Bệnh nhân được chuyển sang viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác để tiếp tục xử trí điều trị các tổn thương bỏng.

* El Nino đến sớm làm tăng thêm nhiệt cho Trái Đất

Các nhà khí tượng học tuyên bố hiện tượng thời tiết El Nino đã chính thức hình thành sớm và, có khả năng làm biến đổi thời tiết trên toàn thế giới.

Không giống như La Nina thường làm giảm nhẹ nhiệt độ toàn cầu và chiếm ưu thế trong ba năm qua, El Nino liên quan đến gia tăng nhiệt độ trên toàn thế giới.

Nhà khoa học khí hậu Michelle L'Heureux, người đứng đầu văn phòng dự đoán Nino/La Nina của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Hải dương Quốc gia Mỹ (NOAA) hôm 8/6 cho biết năm nay El Nino đã hình thành sớm hơn một hoặc hai tháng so với những lần xuất hiện trước đó. Điều này “tạo cơ hội cho sự phát triển” với 56% khả năng sẽ được coi là mạnh và 25% khả năng đạt đến mức siêu lớn.

Bà cũng nhấn mạnh: “Tùy thuộc vào cường độ, El Nino có thể gây ra nhiều tác động, chẳng hạn như làm tăng nguy cơ mưa lớn và hạn hán ở một số địa điểm trên thế giới”. Theo bà L’Heureux, mặc dù theo truyền thống El Nino có nghĩa là ít bão hơn ở Đại Tây Dương, nhưng nó còn có thể là nhiều bão nhiệt đới hơn ở Thái Bình Dương. El Nino ảnh hưởng nặng nề nhất từ tháng 12 đến tháng 2, làm dịch chuyển đường đi của bão mùa Đông xa hơn về phía Nam tới xích đạo.

Hãng thông tấn AP (Mỹ) đưa tin, trong quá khứ, hiện tượng El Nino mạnh dẫn đến mức nhiệt độ nóng lên toàn cầu kỷ lục, như năm 2016 và 1998. Các nhà khoa học vào đầu năm nay nhận định rằng năm 2024 có nhiều khả năng thiết lập mức nhiệt kỷ lục, đặc biệt là do El Nino thường đạt cực đỉnh vào mùa Đông. El Nino thậm chí còn khởi đầu sớm hơn bình thường trong năm nay.

Giáo sư khí tượng Marshall Shepherd tại Đại học Georgia (Mỹ) cho biết: “Sự khởi đầu của El Nino cho thấy 2023 có thể trở thành năm nóng nhất được ghi nhận khi kết hợp với bối cảnh khí hậu ấm lên”.

Bà L'Heureux cho biết vài tháng tới, El Nino sẽ được cảm nhận nhiều nhất ở Nam bán cầu với "tác động tối thiểu" ở Bắc Mỹ. Trong khi đó, hiện tượng El Nino khiến phía Bắc Nam Mỹ với Brazil, Colombia và Venezuela có khả năng khô hơn và Đông Nam Argentina cùng một số khu vực của Chile có thể ẩm hơn. Ấn Độ và Indonesia cũng có xu hướng khô trong suốt tháng 8 do El Nino.

Tuy nhiên, nhà khoa học Azhar Ehsan tại Đại học Columbia nhận định các quốc gia bị hạn hán ở Đông Bắc châu Phi sẽ chào đón lượng mưa có ích sau khi hạn hán kéo dài trong vài năm ở khu vực này.

Một số nghiên cứu kinh tế đã chỉ ra rằng La Nina gây ra nhiều thiệt hại hơn ở Mỹ và trên toàn cầu so với El Nino. Nghiên cứu năm 2017 trên một tạp chí kinh tế cho thấy El Nino có “tác động thúc đẩy tăng trưởng” đối với các nền kinh tế của Mỹ và châu Âu, trong khi nó gây tốn kém cho Australia, Chile, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Nam Phi. Nhưng một nghiên cứu gần đây cho biết El Nino gây tốn kém hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây, ước tính thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ USD trên toàn cầu. Ngân hàng Thế giới ước tính rằng El Nino trong giai đoạn 1997-1998 đã tiêu tốn của các chính phủ 45 tỷ USD.

Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 5 trên tạp chí Science, El Nino năm nay có thể dẫn đến thiệt hại kinh tế toàn cầu lên tới 3 nghìn tỷ USD do thời tiết khắc nghiệt làm giảm sản lượng nông nghiệp, sản xuất và gây lây lan dịch bệnh. Do đó, một số chính phủ như Peru đã dành ra 1,06 tỷ USD để đối phó với các tác động của El Nino và biến đổi khí hậu. Philippines đã thành lập một nhóm chính phủ đặc biệt để xử lý hậu quả được dự đoán.

* Núi lửa Kilauea tại Hawaii phun trào sau ba tháng tạm dừng

Kilauea, một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất trên thế giới, đã bắt đầu phun trào trở lại sau ba tháng tạm dừng.

Đài quan sát núi lửa Hawaii thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết, một ánh sáng rực rỡ đã được phát hiện trong các hình ảnh do webcam chụp từ đỉnh núi Kilauea vào sáng sớm 7/6 (theo giờ địa phương), cho thấy một vụ phun trào đang xảy ra bên trong miệng núi lửa Halemaumau.

Theo Đài quan sát núi lửa Hawaii, những hình ảnh từ đỉnh núi trên Đảo Lớn của Hawaii cho thấy, các vết nứt ở đáy miệng núi lửa tạo ra dòng dung nham trên bề mặt đáy miệng núi lửa.

Trước khi đưa ra thông báo về vụ phun trào núi lửa, Đài quan sát núi lửa Hawaii cho biết, hoạt động động đất gia tăng và những thay đổi về mô hình biến dạng địa chất tại đỉnh núi bắt đầu diễn ra vào đêm 6/6. Tất cả các hoạt động diễn ra trong một khu vực khép kín của Công viên Quốc gia Núi lửa Hawaii.

Người phát ngôn của công viên Jessica Ferracane thông tin: "Dung nham vào sáng nay bị giới hạn trong hõm chảo trên đỉnh núi. Vì vậy, vẫn còn nhiều chỗ để chứa dung nham sản sinh thêm mà không đe dọa bất kỳ ngôi nhà hoặc cơ sở hạ tầng nào".

Cô cho biết, các quan chức công viên đang chuẩn bị cho đám đông du khách đến đây để có thể chứng kiến vụ phun trào từ nhiều điểm quan sát thuận lợi./.