Luật Khiếu nại tố cáo, Luật tiếp công dân cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ và các ngành đã quy định rõ “tất cả các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội đều phải bố trí cán bộ và nơi tiếp công dân thường xuyên”. Đặc biệt, pháp luật còn quy định trong một thời hạn nhất định người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải bố trí thời gian để tiếp công dân theo định kỳ. Với quy định đó, gần đây những người đứng đầu chính quyền, cơ quan, tổ chức đã thực hiện khá nghiêm túc việc tiếp công dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị địa phương người đứng đầu chưa nghiêm túc thực hiện quy định tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo.

tiep cong dan nhieu noi khoan trang cho cap duoi kieu lam cho co
Nhiều nơi việc tiếp dân còn làm qua loa, hình thức. (Ảnh minh họa. Cổng Điện tử tỉnh Thái Bình)

Người đứng đầu phải bố trí thời gian để tiếp công dân theo hạn

Luật Khiếu nại, Luật tố cáo và Luật tiếp công dân đều có quy định, Chủ tịch UBND cấp xã phải tiếp công dân ít nhất 1 ngày/ tuần; Chủ tịch UBND cấp huyện phải bố trí tiếp công dân 2 ngày/ tháng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh 1 ngày/ tháng; còn đối với thủ trưởng các cơ quan Nhà nước khác phải tiếp công dân ít nhất 1 lần/ tháng. Riêng Thanh tra Nhà nước các cấp, các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm tiếp công dân thường xuyên theo quy định của pháp luật.

Thực hiện quy định của Luật cũng như các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội về tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân trong tình hình mới tại nhiều địa phương, ngành, người đứng đầu đơn vị đã tổ chức tiếp và giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân khá đều đặn, góp phần hạn chế khiếu nại vượt cấp. Từ thực tế hoạt động của mình, ông Lê Quang Minh- Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai cho rằng, khi người đứng đầu tiếp dân đúng quy định thì sẽ giải quyết yêu cầu kiến nghị, khiếu nại tố cáo của dân tốt hơn, hiệu quả hơn.

“Một trong những nhiệm vụ quan trọng của người đứng đầu là tiếp dân theo định kỳ. Chúng tôi quy định ngày 20 hàng tháng, người đứng đầu phải tiếp dân nhưng thực tế chúng tôi phải tiếp dân nhiều hơn. Ngay bản thân tôi là Chủ tịch cũng phải tiếp dân nhiều hơn 3 lần/tháng và khi tiếp phải đối thoại và có văn bản chỉ đạo giải quyết. Thực tế, khi lãnh đạo tiếp dân và đối thoại với dân thì có đến 50-60% người dân rút đơn”- ông Lê Minh Quang nói.

Tại nhiều địa phương, người đứng đầu không chỉ tiếp dân định kỳ tại trụ sở tiếp dân mà còn chủ động đến gặp gỡ, đối thoại với dân ở địa bàn dân cư. Chẳng hạn, lãnh đạo thành phố Hà Giang đề ra chương trình “Ngày cuối tuần nghe dân”. Theo đó, chiều thứ 7 hằng tuần cán bộ chủ chốt và các phòng ban phân công nhau đến gặp gỡ người dân mà trong tuần họ đã có đơn thư, hay ý kiến đến cơ quan chức năng. Tại tỉnh Đồng Tháp, Tỉnh ủy yêu cầu mỗi một tháng ít nhất 1 lần lãnh đạo huyện, tỉnh cùng một số cán bộ, đảng viên về khu dân cư để lắng nghe ý kiến và trực tiếp giải quyết thắc mắc kiến nghị của bà con.

Ông Lê Minh Hoan- Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, những lần gặp gỡ trực tiếp dân như vậy giúp cán bộ thấu hiểu cuộc sống của người dân, qua đó, giải quyết được nhiều vấn đề cho dân và cho cả chính quyền.

“Ngoài tiếp dân tại trụ sở, là cán bộ lãnh đạo cần trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với dân tại nhà họ để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và hiểu hơn cuộc sống của dân mình. Từ đó, có cách vận dụng linh hoạt trong áp dụng thực hiện chính sách. Trong quá trình đối thoại với dân nếu phát hiện chính quyền có sai sót thì bản thân người lãnh đạo phải chân thành xin lỗi người dân”- ông Lê Minh Hoa chia sẻ thêm.

Có địa phương người đứng đầu không thực hiện việc tiếp dân theo định kỳ

Bên cạnh một số địa phương, đơn vị đã làm tốt công tác tiếp công dân vẫn còn rất nhiều địa phương, đơn vị chưa thực hiện tốt việc tiếp công dân. Nhiều nơi còn làm qua loa, hình thức, thực hiện chưa nghiêm quy định của pháp luật. Đặc biệt, có địa phương người đứng đầu không thực hiện việc tiếp dân theo định kỳ, có nơi còn ủy quyền, khoán trắng cho cấp dưới theo kiểu làm cho có, lấy lệ, đối phó. Nhiều nơi người đứng đầu địa phương, đơn vị vẫn tổ chức tiếp công dân nhưng lại giải quyết các thắc mắc, khiếu nại không đến nơi đến chốn, tránh né những việc làm sai trái. Nhiều khi còn bao che cho những sai trái của cấp dưới.

tiep cong dan nhieu noi khoan trang cho cap duoi kieu lam cho co
Ông Lê Minh Hoan- Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp. (Ảnh: Người Lao động)

Từ thực tế nhiều năm làm công tác Thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo, ông Nguyễn Đức Hạnh- nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ rõ: “Chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở, địa phương còn nhiều yếu kém. Có nhiều trường hợp có quyết định giải quyết nhưng qua rà soát thấy rằng cách giải quyết của địa phương sai cả trình tự thủ tục và bản chất…Khi sai lại không mạnh dạn sửa chữa mà lại bảo thủ, cố tình né tránh gay bức xúc cho người”.

Không những một số nơi, người dứng đầu không tiếp dân theo đúng quy định của pháp luật, mà còn còn xảy ra trường hợp biến việc tiếp công dân trở thành diễn đàn để biện minh, giải trình cho việc làm sai trái của mình và cán bộ dưới quyền…Những cán bộ như vậy, lẽ ra phải được lãnh đạo cấp trên xem xét kỷ luật, nhưng đáng tiếc chưa có trường hợp nào người đứng đầu bị xử lý khi họ không thực hiện nghĩa vụ trách nhiệm tiếp công dân.

Làm tốt việc tiếp dân đồng nghĩa với việc làm giảm khiếu kiện. Và khi khiếu kiện nảy sinh thì người dân cần được đối thoại thì bức xúc của người dân được giải tỏa. Khi lời hứa của người đứng đầu được thực hiện người dân sẽ tin tưởng vào chính quyền. Vì vậy, cán bộ công chức và thủ trưởng đơn vị phải nghiêm túc thi hành Luật Tiếp công dân đảm bảo mọi khiếu kiện phải được giải quyết triệt để ở địa phương. Nếu địa phương, đợn vị nào thực hiện không tốt các quy định về nghĩa vụ trách nhiệp tiếp công dân thì chúng ta cũng cần mạnh áp dụng biện pháp xử lý nghiêm minh đối với với những đứng đầu ở đơn vị, địa phương đó thì mới tránh được tình trạng tiếp dân hình thức mang tính đối phó./.