Thực hiện Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án - Yêu cầu về cải cách hành chính tư pháp
Với việc ra đời Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã tạo lên sự đồng thuận trong nhân dân và các tổ chức thực thi pháp luật.

Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Luật này không áp dụng đối với hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định. Theo đó, Luật này quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án. Với việc ra đời Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã tạo lên sự đồng thuận trong nhân dân và các tổ chức thực thi pháp luật.

Chị Trương Thị Thu Trang, phường Quang Trung, TP Thái Nguyên cho hay: "Tôi làm đương sự trong vụ tranh chấp dân sự, tôi thấy Luật Hòa giải đối thoại này rất thiết thực đối với người dân chúng tôi, bởi vì, thông qua hòa giải chúng tôi hiểu hơn về những khúc mắc của mình trong quá trình tranh chấp. Khi được làm việc với hòa giải viên, tôi thấy các đồng chí đã giải thích cặn kẽ và thái độ làm việc rất hòa nhã, giúp chúng tôi cởi mở hơn trong quá trình giải quyết vấn đề".

Kể từ khi Luật Hòa giải đối thoại chính thức có hiệu lực, tại Tòa án nhân dân TP Thái Nguyên đã nhận được 161 đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tòa án giải quyết, trong đó dân sự 45 đơn, hôn nhân gia đình 111 đơn và hành chính 1 đơn. Theo đó, có 7 vụ việc được chuyển sang tiến hành hòa giải, đối thoại tại tòa án, đã có 1 việc hòa giải thành, các vụ việc còn lại đang tiếp tục trong thời gian tiến hành hòa giải theo quy định. Với công tác dân vận này cũng góp phần tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, triệt tiêu những mâu thuẫn có thể phát sinh khi các tranh chấp phải giải quyết bằng việc mở phiên tòa; góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của Nhà nước và nhân dân.

Ông Phùng Văn Thành, Hòa giải viên tại Tòa án nhân dân TP Thái Nguyên cho biết: "Hiện nay, chúng tôi thấy có một số vấn đề cần có sự hướng dẫn cụ thể của Tòa án nhân dân tối cao như: hệ thống biểu mẫu và làm sao có cơ chế phối hợp giữa hòa giải viên với các thẩm phán trong quá trình làm việc".

Thực hiện Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án - Yêu cầu về cải cách hành chính tư pháp
Ông Lê Quý My, Chánh án Tòa án nhân dân TP Thái Nguyên trao đổi với phóng viên

Ông Lê Quý My, Chánh án Tòa án nhân dân TP Thái Nguyên thông tin: "Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án ra đời đã tạo điều kiện cho chúng tôi là những người áp dụng pháp luật giảm thiểu được lượng án đang tồn đọng với số lượng nhiều. Với số lượng thực tế hiện nay chúng tôi đang giải quyết là từ 1.500 - 1.700 vụ việc dân sự các loại, Luật ra đời đã góp phần tạo điều kiện cho chúng tôi có thêm thời gian để giải quyết các vụ việc phát sinh, giảm bớt áp lực về thời hạn, thời gian chuẩn bị xét xử các vụ việc khác cùng một lúc mà thẩm phán đang phải chịu sức ép theo quy định của pháp luật về tố tụng".

Theo quy định của pháp luật hiện nay, việc hòa giải, đối thoại được thực hiện cả trong tố tụng và ngoài tố tụng với nhiều cơ quan tổ chức khác nhau thực hiện. Việc thực hiện hòa giải đã lại mang nhiều kết quả tích cực, rất nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện đã hòa giải thành, đối thoại thành, tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, số vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án ngày càng tăng, đang trở thành áp lực cho Tòa án./.