Thúc đẩy phát triển hợp tác xã đa ngành nghề khu vực miền núi
Mô hình kinh tế tập thể đa ngành nghề của HTX Dịch vụ vận tải Chuyên Đức ở xã Trung Hội, huyện Định Hóa được đánh giá là một trong những mô hình HTX tiêu biểu của tỉnh.

Mô hình kinh tế tập thể đa ngành nghề của HTX Dịch vụ vận tải Chuyên Đức ở xã Trung Hội, huyện Định Hóa được đánh giá là một trong những mô hình HTX tiêu biểu của tỉnh. Sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, HTX đã mở rộng thêm nhiều ngành nghề như: Kinh doanh xăng dầu, san lấp mặt bằng, mở rộng hoạt động chế biến lâm sản. Đặc biệt là đầu tư dây chuyền sản xuất ván ép khép kín từ nguyên liệu đầu vào, sản xuất ván thành phẩm cung cấp ra thị trường. Đến nay, HTX có gần 50 thành viên và người lao động với thu nhập bình quân hàng tháng đạt từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng, trung bình mỗi năm nộp ngân sách Nhà nước từ 200 đến 400 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải Chuyên Đức, huyện Định Hóa chia sẻ: "Ở Định Hóa, vùng trồng rất nhiều, nguyên liệu, nhân công, lao động tại chỗ rất dồi dào, nên các xã mạnh dạn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Khó khăn hiện tại là đất đai, mặt bằng sản xuất".

Thúc đẩy phát triển hợp tác xã đa ngành nghề khu vực miền núi
HTX Nông nghiệp sạch Tràng Xá ở huyện Võ Nhai xây dựng thương hiệu nông sản sạch Tràng Xá với các sản phẩm chính là mật ong, chè VietGap và rau an toàn theo hướng hữu cơ.

Với mong muốn khai thác thế mạnh của địa phương về sản xuất nông nghiệp với nguồn nguyên liệu sẵn có, HTX Nông nghiệp sạch Tràng Xá ở huyện Võ Nhai đã được thành lập nhằm liên kết chia sẻ, xây dựng thương hiệu nông sản sạch Tràng Xá với các sản phẩm chính là mật ong, chè VietGap và rau an toàn theo hướng hữu cơ. Tuy nhiên, HTX đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại; cùng việc iếp cận các chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật…

Ông Hoàng Ngọc Vũ, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Tràng Xá cho hay: "Mong các ngành chức năng quan tâm đến HTX miền núi gặp nhiều khó khăn về kinh phí, khoa học kỹ thuật".

Hiện, toàn tỉnh có trên 200 HTX đa ngành nghề. Mặc dù, số lượng HTX tăng về số lượng và chất lượng, nhưng quy mô còn nhỏ. Rào cản lớn nhất của các HTX đa ngành nghề là thiếu vốn, thiếu quỹ đất để phát triển sản xuất, khó khăn trong tiếp cận thị trường tiêu thụ... Đây là vấn đề cần có giải pháp để các HTX thực sự trở thành “bà đỡ” cho người dân, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền núi để sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Hiện nay, chúng tôi đang nhân rộng mô hình đa ngành nghề này, giúp các địa phương thu hút lao động, giải quyết việc làm. Chúng tôi tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật cho các HTX vay vốn trong Quỹ Phát triển HTX của tỉnh; xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm của các HTX trên sàn thương mại điện tử".

Để phát huy và nâng cao hơn nữa hiệu quả mô hình kinh tế tập thể đa ngành nghề, bên cạnh sự nỗ lực trong tư duy làm kinh tế của xã viên, cần có thêm cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, vùng cao./.