Thúc đẩy hợp tác phát triển giữa Thái Nguyên và Bắc Giang
![]() |
Toàn cảnh hội nghị. |
Bắc Giang và Thái Nguyên có nhiều điểm tương đồng, nằm trên địa bàn Quân khu 1, trong vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội. Trong những năm qua, hai tỉnh đã chủ động xây dựng, triển khai nhiều chương trình, nội dung hợp tác phát triển trên một số lĩnh vực trọng tâm, có tiềm năng, thế mạnh, góp phần tích cực thúc đẩy liên kết vùng ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả. Hiện nay, Thái Nguyên và Bắc Giang đều nằm trong tốp 15 tỉnh, thành phố có GRDP cao nhất cả nước, nhiều chỉ số phát triển kinh tế như giá trị xuất khẩu, thu hút đầu tư vốn nước ngoài nằm trong tốp đầu cả nước.
Nổi bật là trong quá trình xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, hai tỉnh đã tích cực phối hợp trao đổi để lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; qua đó, góp phần trở thành những địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh.
Điểm nhấn trong sự tăng cường hợp tác giữa Thái Nguyên và Bắc Giang còn là phương án phát triển giao thông vận tải được thống nhất xây dựng phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải của cả nước, bảo đảm kết nối với các tỉnh trong khu vực và đang được cụ thể hoá bằng hàng loạt dự án giao thông liên vùng, như: Đường Vành đai V, Đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…
Sự hợp tác chặt chẽ giữa hai địa phương cũng thể hiện rõ trong lĩnh vực công nghiệp. Đến nay, ở các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang có trên 40 doanh nghiệp là doanh nghiệp vệ tinh của Tập đoàn Samsung, trong đó có Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên. Hiện, có khoảng 10.000 lao động của tỉnh Bắc Giang đang làm việc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và khoảng 4.000 lao động của Thái Nguyên làm việc tại Bắc Giang.
Bên cạnh đó, hai tỉnh cũng đã chủ động phối hợp để thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội; trao đổi thông tin về xúc tiến, thu hút đầu tư; xây dựng kế hoạch nâng hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, văn hoá, giáo dục, bảo vệ môi trường và quốc phòng – an ninh.
Để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, bảo đảm thiết thực, hiệu quả trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, thảo luận tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo hai tỉnh đã trao đổi, thảo luận nhiều nội dung. Trên cơ sở đó, Hội nghị đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc triển khai các biện pháp phối hợp, liên kết phát triển giữa tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo. Trong đó, thống nhất tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện một số nội dung về: Đẩy mạnh hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; phối hợp phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh, bền vững gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Qua đó, góp phần đẩy nhanh việc cụ thể hoá Nghị quyết số 11 ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang khẳng định, các nội dung trong chương trình hợp tác lần này sẽ là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành của hai tỉnh tổ chức triển khai thực hiện, qua đó phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương và hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển. Hội nghị ký kết biên bản hợp tác lần này là dấu mốc quan trọng để thắt chặt hơn nữa tình cảm gắn bó thân thiết, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai địa phương.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Từng tỉnh phấn đấu nỗ lực đã rất tốt, nhưng chúng ta liên kết, hợp lực lại thì sẽ phát huy được điểm mạnh. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, các đồng chí sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ, chia sẻ sâu rộng hơn, nhiều hơn để làm sao sự phát triển của tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên cùng đóng góp vào sự phát triển chung của vùng Trung du miền núi phía Bắc và là một trong những điểm sáng của phát triển kinh tế miền Bắc. Đặc biệt, mối quan hệ hợp tác phối hợp của tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên sẽ là điển hình hay, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương lấy làm ví dụ điển hình".
Đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang khẳng định: "Trong những năm qua, Bắc Giang và Thái Nguyên đã có phối hợp, hợp tác cùng nhau phát triển. Hôm nay đánh dấu một dấu mốc chúng ta có sự phối hợp, hợp tác toàn diện hơn, sâu sắc hơn, thường xuyên hơn và hy vọng sẽ hiệu quả hơn để cùng nhau phát triển. Trong thời gian tới, chúng ta sớm hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết XI của Bộ Chính trị là Thái Nguyên và Bắc Giang là một cực tăng trưởng và động lực tăng trưởng của vùng Trung du miền núi Bắc bộ".
Để công tác phối hợp đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang và Thái Nguyên yêu cầu: Ngay sau Hội nghị này, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên khẩn trương chỉ đạo xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch; phân công trách nhiệm, xác định rõ tiến độ hoàn thành, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, đơn vị triển khai cụ thể hóa các nội dung hợp tác; định kỳ hằng năm, báo cáo kết quả với Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh. Lãnh đạo các cấp, ngành của hai địa phương cần thể hiện rõ sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, bám sát các yêu cầu, nội dung trong chương trình hợp tác; chú trọng xây dựng các phương pháp, cách thức phối hợp bảo đảm đồng bộ, toàn diện, hiệu quả./.