Thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng đáp ứng yêu cầu hội nhập
Chú trọng đo lường trong thương mại, giao nhận hàng hóa, quản lý thị trường và xuất nhập khẩu giúp các doanh nghiệp dỡ bỏ các rào cản thương mại theo hiệp định được ký kết.

Hội nhập kinh tế đang mang lại rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Các rào cản thương mại được dỡ bỏ theo hiệp định được ký kết giữa các quốc gia thành viên của các tổ chức, việc tiếp cận thị trường dễ dàng hơn, thông tin được cung cấp đầy đủ hơn. Nhưng các doanh nghiệp cũng đứng trước nhiều thách thức: Các quốc gia thay vì sử dụng thuế, giấy phép xuất nhập khẩu, hạn ngạch để bảo vệ thị trường đã dựng nên một loại rào cản mới tinh vi, phức tạp và khó vượt qua hơn nhiều, đó là rào cản kỹ thuật.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên đã tiếp nhận và chuyển 1.729 thông báo về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đến các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn đã được đẩy mạnh xã hội hóa, các tổ chức đo lường trên địa bàn cơ bản đáp ứng được nhu cầu về đảm bảo đo lường trong thương mại, giao nhận hàng hóa, trong quản lý thị trường và xuất nhập khẩu.

Ông Vũ Đức Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên thông tin: “Trung tâm hằng năm đều được Sở Khoa học và Công nghệ quan tâm đầu tư tăng cường tiềm lực khoa học kỹ thuật và công nghệ. Cụ thể, tăng cường đầu tư thiết bị, máy móc phục vụ công tác quản lý nhà nước cũng như để thực hiện cung cấp dịch vụ công” .

Ông Đỗ Trung Kiên, Trưởng phòng Kiểm định Hiệu chuẩn, Công ty CP Kiểm định đo lường Miền Bắc cho biết: “Thiết bị của chúng tôi là phải đảm bảo theo đúng quy định của Tổng cục đo lường Việt Nam. Đình kỳ hằng năm có kiểm tra, đánh giá lại thiết bị, nhân lực”.

Năm 2020, sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên cũng đã tổ chức kiểm tra về đo lường đối với 16 tổ chức, cá nhân có sử dụng 88 phương tiện đo các loại trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua kiểm tra, các cơ sở đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật về đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng đáp ứng yêu cầu hội nhập
Đầu tư công nghệ đo lường đúng với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, góp phần xóa bỏ rào cản kỹ thuật trong thương mại, doanh nghiệp giảm được chi phí, thời gian xuất nhập khẩu.

Ông Dương Văn Cam, Cửa hàng Vàng bạc Kim Quy, T.P Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu bên chuyên môn thường xuyên đến kiểm tra, kiểm định lại cân và máy quang phổ để đảm bảo độ chính xác cũng như đảm bảo quyền lợi của khách hàng”.

Ông Phạm Kiên, Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Bắc Thái khẳng định: “Công tác đo lường tại công ty cũng như tại các đơn vị bán hàng của Công ty Xăng dầu Bắc Thái trong thời gian qua đều được lãnh đạo công ty quan tâm; người lao động, đội ngũ bán hàng, đội ngũ cửa hàng trưởng tại các đơn vị quan tâm. Riêng tại các cửa hàng đối với mặt hàng xăng dầu được công ty trang bị cột bơm được kết nối điện tử theo công nghệ của Nhật Bản hiện đại nhất hiện nay”.

Các hoạt động quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã từng bước đáp ứng đúng với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, góp phần xóa bỏ rào cản kỹ thuật trong thương mại, doanh nghiệp giảm được chi phí, thời gian xuất nhập khẩu nhất là đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của địa phương.

Ông Hoàng Đức Vỹ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên cho biết: “ Để nâng cao năng lực và hội nhập quốc tế về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng thì thời gian tới, về lĩnh vực tiêu chuẩn, chủ yếu chúng tôi sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý và hệ thống truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số vào nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với quy chuẩn quốc tế. Về lĩnh vực đo lường chất lượng, chúng tôi sẽ xây dựng hạ tầng kỹ thuật về quy chuẩn đo lường chất lượng của tỉnh phù hợp với yêu cầu của hội nhập quốc tế”.

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên cũng đang triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, hướng tới mục tiêu chung là phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam./.