Tại phiên họp, Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá cao công tác tổ chức Tết Nguyên Đán vừa qua của Chính phủ, đảm bảo cho người dân, kể cả người nghèo và hoàn cảnh khó khăn, đều đón đến vui vẻ, đầm ấm. Cùng với hàng hóa tiêu dùng phong phú thì điều đáng mừng là người tiêu dùng đã chọn nhiều hàng hóa trong nước. Trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao thì chỉ số giá tiêu dùng không tăng quá cao sau Tết.

Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tháng 2, các ý kiến đều đánh giá tích cực về kết quả đạt được, thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ về việc bắt tay vào việc ngay từ đầu năm để không phải đầu năm thong thả mà cuối năm vất vả như Thủ tướng nhiều lần yêu cầu.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục tiêu của năm 2018 là tăng trưởng cao, lạm phát phải thấp và tỷ giá ổn định. Do đó các bộ, ngành và địa phương không được chủ quan, mà phải chủ động theo dõi sát tình hình, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giải pháp phù hợp trước những diễn biến của thị trường trong và ngoài nước. Theo đó, việc phản ứng chính sách của cơ quan quản lý Nhà nước đặt ra gay gắt và kịp thời hơn.

thu tuong yeu cau giai ngan von dau tu cong ngay trong thang 3

Thủ tướng yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công ngay trong tháng 3. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường đôn đốc kiểm tra, chống tình trạng trì trệ trong hệ thống, chống tình trạng trên nóng, dưới lạnh. "Tức là hệ thống chuyển động rồi, cấp vụ cấp cục, cấp sở, cấp ngành đã có chuyển động rồi, nhưng mà chưa đồng đều, lần này phải làm đồng đều, quyết liệt hơn. Cả hệ thống phải chuyển động để phục vụ nhân dân và phục vụ doanh nghiệp, chống bệnh hình thức, bệnh thành tích, bệnh phô trương. Những người lãnh đạo các cấp cần tạo một cảm hứng, một tinh thần là quan tâm hơn đến những khát vọng của một Việt Nam thịnh vượng để mọi cấp mọi ngành có một sức chiến đấu mới"- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Để thúc đẩy phát triển, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương phải lo phát triển thị trường và gắn với sản xuất, nhất là khi một số thị trường còn bấp bênh trong khi năng lực sản xuất trong nước lớn. Cùng với đó là tiếp tục xác định nhiệm vụ quan trọng là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

"Chính phủ xác định xây dựng thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Yêu cầu các bộ ngành, địa phương rà soát các cơ chế chính sách, quy định pháp luật nào, thủ tục hành chính nào không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải sửa ngay. Đặc biệt các quy định liên quan đến đầu tư kinh doanh, quy hoạch, môi trường, đất đai mà làm cho chúng ta trì trệ. Chúng ta đang làm Trung tâm hành chính công, vậy Trung tâm có thực sự là giải pháp tháo gỡ môi trường kinh doanh để nhân rộng mô hình ra?"- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết 19 của năm 2018. Nêu rõ có tình trạng còn tình trạng quy định trói buộc sản xuất kinh doanh khiến phải gặp để “xin”, Thủ tướng cho biết Nghị đinh 19/2018 sẽ tập trung cắt giảm điều kiện kinh doanh, yêu cầu các bộ công khai và lên phương án tiếp tục cắt giảm; đơn giản rút ngắn các thủ tục đầu tư dự án; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thiết lập cơ chế kiểm tra đánh giá, chấn chỉnh thái độ thực thi công vụ, đề cao trách nhiệm của cán bộ công chức gắn với đổi mới hình thức đánh giá cán bộ.

Ngay trong tháng 3, các cơ quan chức năng cần tiếp tục có biện pháp cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp như chi phí vận tải, logistic, lãi suất ngân hàng, các chi phí không chính thức.

Thủ tướng chỉ đạo cần đặc biệt chú trọng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô năm 2018, nhất là trong bối cảnh trong nước tiếp tục thực hiện giá thị trường với các mặt hàng như điện, giáo dục, y tế; còn ở bên ngoài xu hướng giá dầu thô và các hàng hóa cơ bản tăng. Cùng với đó là Mỹ và các đối tác lớn có xu hướng tăng lãi suất, còn nước ta phải trung hòa một lượng ngoại tệ rất lớn, cho nên nên bối cảnh, tâm lý kỳ vọng lạm phát rất lớn.

Do đó, cùng với việc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện tốt chính sách tiền tệ, phối hợp với chính sách tài khóa để kiểm soát vĩ mô, Thủ tướng lưu ý việc điều chỉnh giá điện, dịch vụ công như giáo dục y tế chỉ được thực hiện khi điều kiện cho phép vào thời điểm thích hợp và xin ý kiến của cấp có thẩm quyền.

Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mới chỉ đạt 9% sau hai tháng đầu năm, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, Bộ Tài chính, ngành thực hiện các giải pháp, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tiến độ vốn thực hiện và phải có sự cải thiện ngay trong tháng 3. Phải tăng cường thanh tra kiểm tra xử lý vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công, nghiêm khắc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu gây chậm trễ trong thực hiện. Nhất là qua kiểm toán Nhà nước ở một số địa phương phát hiện nhiều vấn đề về chi tiêu ngân sách chưa đúng.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành có đối sách phù hợp, kịp thời trước những điều chỉnh chính sách của các nước, các đối tác lớn, nhất là trước việc Mỹ và các đối tác lớn đang điều chỉnh chính sách. Đáng lưu ý những chính sách tác động đến nước ta như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng thuế một số mặt hàng nhập khẩu, dựng hàng rào thương mại, tăng lãi suất…

thu tuong yeu cau giai ngan von dau tu cong ngay trong thang 3
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhắc lại bài học thành công của năm 2017, Thủ tướng yêu cầu xây dựng kịch bản tăng trưởng từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm theo quý, để có cơ sở làm rõ trách nhiệm cá nhân thuộc lĩnh vực mình quản lý, để đóng góp vào sự phát triển chung chứ không để tình trạng “cha chung không ai khóc”. Trong đó xuất khẩu nông nghiệp phải đạt trên 40 tỷ USD; du lịch phải tăng ít nhất 30% trên lượng khách 13 triệu lượt khách quốc tế năm ngoái… Cho biết yêu cầu này đã được giao trong Nghị quyết 01/2018 củ Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp và báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/3.

Về vấn đề xét phong hàm giáo sư-phó giáo sư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã nhận được báo cáo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước vào tối ngày 28/2. Thủ tướng đã giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Văn phòng Chính phủ chuẩn bị để đưa ra phiên họp thường trực Chính phủ để xem xét kết luận cho chặt chẽ, hợp lý, có cơ sở khoa học.

Tại phiên họp, Thủ tướng cho biết, đã quyết định thành lập Tổ kiểm tra công vụ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm tổ trưởng. Về vấn đề chế độ tiền lương, tiền công của vận động viên quá thấp, đã ban hành 10 năm nay, Thủ tướng đồng ý chủ trương tăng mức chế độ với đối tượng này./.