Thử thách với doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh dịch bệnh
Từ tháng đầu tháng 9/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch triển khai các chính sách, biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành, trước mắt tập trung cho thị trường khách nội địa nhằm thực hiện "mục tiêu kép"

Khó khăn về tài chính, sự đứt gãy trong kết nối với các đối tác, nguồn nhân lực thiếu hụt do phải chuyển sang những công việc khác là những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp du lịch, lữ hành gặp phải do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Anh Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Công ty CP Du lịch Quốc tế Âu Lạc chia sẻ: "Tài chính đơn vị đã dùng hết vốn tích lũy, mặt khác thời gian nghỉ dịch lâu khiến khách hàng lãng quên đối với doanh nghiệp...".

4 đợt dịch ập đến đã khiến các doanh nghiệp du lịch chịu thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, nhìn nhận và đánh giá đúng thực trạng đã đặt nhiều doanh nghiệp vào thế buộc phải chuyển mình, thậm chí thúc đẩy các doanh nghiệp nhanh nhạy thích ứng với các tác động, cơ cấu lại bộ máy tổ chức và hoạt động để có phương án tốt nhất duy trì, ổn định phần nào hoạt động của doanh nghiệp giữa bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Tổng Giams đốc Công ty SVN Travel: "Về nhân sự phòng kinh doanh chúng tôi phải chuẩn bị cho anh em những công việc trước mắt để có thu nhập đảm bảo cuộc sống. Những công việc đang duy trì chúng tôi giữ lại bộ phận nòng cốt để thực hiện công việc không bị đứt gẫy với khách hàng, với đối tác, đảm bảo cho sản phẩm. Thời điểm này cũng lý tưởng cho việc đào tạo chuyên sâu cho nhân sự chủ chốt...".

Nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn cho rằng, khi ngành du lịch gặp khó khăn thì liên kết, kích cầu luôn là là “chất xúc tác” thúc đẩy lượng khách; thông qua kích cầu, nhiều sản phẩm mới lạ đã trở thành xu thế và điểm đến hấp dẫn. Đối với du lịch Thái Nguyên, đây cũng là một trong những gợi mở và đã được các doanh nghiệp quan tâm hưởng ứng, triển khai.

Ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên chcho biết: "Thái Nguyên đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với trên 20 tỉnh, trong đó có 17 tỉnh phía bắc, 7 tỉnh Tây Nguyên và 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long... từ đó các doanh nghiệp có sự kết nối với nhau, cung cấp dịch vụ cho nhau, giúp cho du khách yên tâm khi được các đơn vị tham gia kích cầu, các doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ minh bạch trong kinh doanh".

Từ tháng đầu tháng 9/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch triển khai các chính sách, biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành, trước mắt tập trung cho thị trường khách nội địa nhằm thực hiện "mục tiêu kép". Cũng theo đó, kế hoạch kích cầu, phục hồi du lịch, lữ hành sẽ tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ, gồm: Đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch./.