Dịch Covid-19 được kiểm soát đã góp phần quan trọng để các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để họ hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu về đích sớm
Các doanh nghiệp lớn đóng góp khoảng 70% tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu mỗi năm.

Là doanh nghiệp phụ trợ cho Samsung, mỗi tháng Công ty TNHH UTI Vina nhập khẩu một lượng không nhỏ nguyên vật liệu và cũng xuất khẩu khoảng 30 triệu sản phẩm sang thị trường Ấn Độ. Số lượng tờ khai lớn, nhưng nhờ hệ thống công nghệ thông tin Hải quan hiện đại, nên hầu như mọi thủ tục thông quan của công ty đều được xử lý trên môi trường số.

Ông Shin Hyun Soo, Phó Giám đốc Tài chính, Công ty TNHH UTI Vina cho biết: “Với hệ thống xử lý thủ tục thông quan điện tử, nên gần như mọi thủ tục xuất nhập khẩu đều được thực hiện tại công ty mà không cần đến tận Chi cục Hải quan để hoàn thiện. Điều này tiết kiệm cả chi phí thời gian và nhân lực cho doanh nghiệp chúng tôi. Tính đến hết tháng 10, doanh thu của đơn vị đạt 560 tỷ đồng, dự ước cả năm đạt 700 tỷ đồng, thu nộp ngân sách nhà nước gần 3 tỷ đồng”.

Nếu như trước năm 2015, nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh chỉ đạt trên 750 tỷ đồng, thì từ năm 2015 trở đi, nguồn thu này bắt đầu tăng đáng kể khi có sự đóng góp của Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam, Thái Nguyên (SEVT), Núi Pháo Mining (nay là Masan High-Tech Meterials) và hiện có thêm một số công ty phụ trợ của Samsung. Các doanh nghiệp này đóng góp khoảng 70% tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu mỗi năm. Tính riêng tại các khu công nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh, như khu công nghiệp Yên Bình, hiện số lượng tờ khai thực hiện thông quan trong một tháng lên tới 15 nghìn. Tuy nhiên, nhờ nhiều giải pháp đồng bộ của cơ quan Hải quan, mọi thủ tục đều được thực hiện nhanh gọn, hiệu quả.

Ông Hoàng Văn Khuyến, Công ty CP Logistics ASG chia sẻ: “Những lô hàng phát sinh do đặc thù công việc và đặc thù sản xuất của khách hàng Samsung và lô hàng phát sinh ngoài giờ hay vào thứ 7, chủ nhật cũng rất nhiều. Hải quan khu vực Yên Bình cũng rất tạo điều kiện phục vụ doanh nghiệp".

Ông Nguyễn Hải Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Thái Nguyên: “Đặc thù là quản lý kho hàng không kéo dài, khối lượng hàng hóa của Samsung và các công ty vệ tinh rất lớn, nhu cầu thông quan vào ngoài giờ hành chính nhiều, nên chúng tôi đã phân công cán bộ trực để đảm bảo thời gian thông quan 24/7. Chúng tôi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin Hải quan điện tử tiên tiến, hiện đại, hướng tới mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh với mức độ tự động cao, không để tồn đọng các tờ khai hải quan nhưng vẫn đảm bảo yếu tố chống thất thu”.

Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu về đích sớm
Dự kiến, trong 2 tháng còn lại của năm, tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn sẽ đạt khoảng 450 tỷ đồng, đưa tổng nguồn thu năm 2022 từ hoạt động này của tỉnh đạt 3.100 tỷ đồng

Tính đến cuối tháng 10, số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn đã đạt 2.640 tỷ đồng, vượt gần 40% so với chỉ tiêu giao và tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021. Có 480 doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên, tăng 12% so với năm trước. Tổng tờ khai thực hiện qua Hải quan Thái Nguyên đạt trên 149 nghìn tờ khai, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 41,3 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Các lĩnh vực xuất nhập khẩu truyền thống như may mặc, nguyên liệu thép sản xuất khuôn mẫu, dụng cụ y tế, bao bì vẫn duy trì tăng trưởng, có đóng góp số thu ổn định. Dù số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 đã về đích sớm, tuy nhiên dự báo những tháng cuối năm và sang năm 2023, tình hình thế giới sẽ có tác động không nhỏ tới hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời sẽ gây áp lực lớn đối với việc hoàn thành số thu quan trọng này.

Về giải pháp tăng nguồn thu, ông Nguyễn Đăng Chinh, Chi Cục trưởng Chi Cục Hải quan Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tập trung rà soát các doanh nghiệp có số thu lớn đang làm thủ tục Hải quan nơi khác, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động để các doanh nghiệp đó thực hiện thủ tục tại Hải quan Thái Nguyên”.

Theo dự kiến, trong 2 tháng còn lại của năm, tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn sẽ đạt khoảng 450 tỷ đồng, đưa tổng nguồn thu năm 2022 từ hoạt động này của tỉnh đạt 3.100 tỷ đồng. Cùng với tập trung rà soát, nắm chắc các nguồn thu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rà soát, thu hồi nợ đọng, Chi cục Hải quan tỉnh cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; qua đó, xây dựng môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, an toàn, thuận lợi, thu hút doanh nghiệp, tăng thu ngân sách nhà nước, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của tỉnh./.