Thiếu giáo viên- nỗi lo cũ đầu năm học mới
Cơ chế tuyển dụng chưa tạo được sức hút với giáo viên khiến nhiều địa phương đang loay hoay với bài toán thuê khoán

Trường tiểu học Mỏ Chè, thành phố Sông Công được giao 54 chỉ tiêu biên chế giáo viên thực hiện nhiệm vụ giảng dạy cho 30 lớp học. Tuy nhiên, hiện tại trường mới chỉ có 36 giáo viên. Theo phân bổ, trường được giao 17 định mức khoán giáo viên, nhưng đến nay mới thuê khoán được tám giáo viên.

Bà Lê Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường TH Mỏ Chè, TP Sông Công thông tin: “Những giáo viên còn thiếu chúng tôi sử dụng nguồn biên chế của trường và những giáo viên được thuê khoán sẽ phải tăng giờ, tăng tiết để đảm bảo hoạt động của nhà trường”.

Năm học này, thành phố Sông Công còn thiếu hơn 370 biên chế giáo viên ở cả ba cấp học là mầm non, tiểu học và THCS. Để giải quyết tình trạng thiếu biên chế, thành phố đã phân bổ 474 định mức khoán đến các nhà trường nhưng đến nay số giáo viên, cán bộ giáo dục mà thành phố mới thuê khoán chỉ đạt 60%.

Bà Đỗ Thị Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Việt Đức, TP Sông Công cho rằng: “Để thuê đủ giáo viên đảm bảo cho định mức trên lớp thì sẽ không đủ được vì mức lương của họ không được cao lắm. Và thời gian dịch họ phải nghỉ ở nhà mà không có lương”.

Ông Trịnh Văn Dũng, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Sông Công cho biết: “Ngành giáo dục đã động viên các nhà trường cố gắng sắp xếp, ưu tiên thực hiện dạy chương trình phổ thông mới là những giáo viên có kinh nghiệm, có năng lực. Còn lại, các khối lớp khác, các trường sẽ bố trí định mức khoán để thay cho định mức thiếu”.

Khi mà số học sinh ngày một tăng qua từng năm học, số lượng giáo viên biên chế ngày một giảm, do vậy, nhu cầu giáo viên thuê khoán cũng tăng lên. Tuy nhiên, cơ chế tuyển dụng chưa thực sự tạo được sức hút với giáo viên khiến nhiều địa phương loay hoay với bài toán thuê khoán.

Thiếu giáo viên- nỗi lo cũ đầu năm học mới
Đến thời điểm này, tỉnh Thái Nguyên còn thiếu 800 giáo viên các cấp học do chưa thuê khoán được

Bà Đoàn Thị Hiền, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Hỷ cho rằng: “Giáo viên chỉ có định mức 10 tháng và không có chế độ gì như bảo hiểm bắt buộc là không được đóng. Phương án chúng tôi vẫn phải huy động giáo viên dạy thêm giờ để đảm bảo, cố gắng tìm nguồn giáo viên thuê khoán đủ để đảm bảo cho năm học mới”.

Ðến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên còn thiếu 800 giáo viên các cấp học do không thuê khoán được. Việc bố trí giáo viên dạy thay, dạy thêm giờ nhiều địa phương đang thực hiện chỉ là giải pháp trước mắt; về lâu dài ngành giáo dục Thái Nguyên cần có giải pháp tích cực, căn cơ để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên đã diễn ra nhiều năm qua.

Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên cho hay: “Chúng ta vẫn phải thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế. Cùng với đó là rà soát điểm trường để làm sao sử dụng hiệu quả số lượng giáo viên đang có. Trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng trung ương có xem xét cụ thể, có phân bổ biên chế về cho các tỉnh”.

Năm học mới với nhiều khó khăn và thách thức phía trước khi ngành giáo dục phải nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo chất lượng dạy và học. Thế nhưng, khi mà bài toán thiếu giáo viên còn chưa có lời giải thì khó có thể nói đến việc đảm bảo chất lượng giáo dục. Bởi đây chính là lực lượng nòng cốt, quyết định sự thành bại của quá trình đổi mới giáo dục.