Thêm 2 ca mắc COVID-19 được cách ly, TPHCM nâng cao cảnh giác
TPHCM đã hoàn thành đợt 1 tiêm chủng cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch

Tính đến 6h ngày 13/4, Việt Nam có tổng cộng 1570 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 910 ca, riêng Hải Dương có 726 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TPHCM (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).

10 tỉnh, thành phố (Hoà Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TPHCM) đã qua 59 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng;

Hà Nội đã 56 ngày và Hải Phòng 49 ngày, Hải Dương đã 19 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Tính từ 18h ngày 12/4 đến 6h ngày 13/4, có 02 ca mắc mới, đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

CA BỆNH 2706 (BN2706) ghi nhận tại TPCHM là bệnh nhân nam, 37 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 03/4/2021, bệnh nhân từ Qatar nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay QR970 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TPHCM.

Kết quả xét nghiệm ngày 12/4/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.

CA BỆNH 2707 (BN2707) ghi nhận tại TPHCM là bệnh nhân nữ, 21 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.

Ngày 10/4/2021, bệnh nhân từ Nhật Bản quá cảnh Hàn Quốc nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay OZ735 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TPHCM.

Kết quả xét nghiệm ngày 12/4/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.

TPHCM: Nguy cơ xâm nhập, bùng phát dịch bệnh còn rất lớn

Trước đó, tại cuộc họp ngày 12/4, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp, nhất là tại Campuchia và tiềm ẩn nguy cơ cao xâm nhập vào TPHCM nếu không quản lý, giám sát chặt chẽ đối với các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, từ ngày 11/2 đến nay, tròn 2 tháng TPHCM không ghi nhận ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Đó là sự nỗ lực và cố gắng đáng ghi nhận của cả hệ thống chính trị và nhân dân TP. Hiện TPHCM đang duy trì thực hiện các giải pháp như khai báo y tế, giám sát và tầm soát định kỳ các nhóm nguy cơ, xét nghiệm COVID-19… kịp thời nắm bắt diễn biến của dịch bệnh tại TP để chủ động phát hiện sớm, khoanh vùng và dập dịch hiệu quả hơn.

Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu, các đơn vị, lực lượng chức năng của TP tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tăng cường quân số để thắt chặt kiểm soát người nhập cảnh trái phép, quyết tâm không để tái xâm nhập dịch bệnh trong cộng đồng.

TP Thủ Đức và các quận - huyện, xã - phường cần tích cực thông tin, tuyên truyền, vận động người dân, các tổ dân phố tự giác, phát hiện và kịp thời báo tin cho chính quyền về các trường hợp nhập cư trái phép; phát huy vai trò của các tổ COVID-19 cộng đồng.

Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, TPHCM đã hoàn thành đợt 1 tiêm chủng cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch. Trong đợt tiếp theo, UBND TP Thủ Đức cùng các quận-huyện cần phối hợp các sở-ngành lên danh sách, thống kê số lượng để xây dựng kế hoạch chặt chẽ cho đợt tiêm chủng tiếp theo.

“Dù số lượng vaccine được phân bổ cho TPHCM lớn nhất cả nước nhưng hiệu quả của vaccine chỉ duy trì thời gian ngắn, không thể đảm bảo tiêm bao phủ toàn dân. Nguy cơ xâm nhập, bùng phát dịch bệnh còn rất lớn, các địa phương cần tiếp tục cảnh giác, xây dựng kịch bản cho từng tình huống xấu xảy ra”, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động rà soát, đánh giá mức độ an toàn trong phạm vi của đơn vị mình và xây dựng kế hoạch ứng phó, kiểm soát./.