Thay đổi để thích nghi
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Hạnh Marphavet - 1 trong số ít các doanh nghiệp công nghệ cao của tỉnh, đã đưa ra thị trường 2 sản phẩm mới với nhiều tính năng vượt trội.

Vượt qua những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, liên tiếp trong vòng 3 tháng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Hạnh Marphavet - 1 trong số ít các doanh nghiệp công nghệ cao của tỉnh, đã đưa ra thị trường 2 sản phẩm mới với nhiều tính năng vượt trội, nhằm tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Ông Lê Thành Công, Phó Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Tập đoàn Đức Hạnh Marphavet cho biết: "Tập đoàn sản xuất được những loại vắcxin đa giá, tiêm phòng được nhiều bệnh, cùng với đó, một số loại vắcxin đặc biệt, Marphavet là đơn vị duy nhất ở Việt Nam sản xuất được, những vắcxin này là những vắcxin mang lại được những giá trị về chất xám và công nghệ cao".

Thay đổi để thích nghi
Hiện, các doanh nghiệp đang tích cực đẩy mạnh sản xuất, các đơn hàng đã được xác lập đến hết quý 2 và đầu quý 3.

Do có sự chủ động từ sớm, các doanh nghiệp may mặc của tỉnh đã nhanh chóng phục hồi và phát triển… Hiện, các doanh nghiệp đang tích cực đẩy mạnh sản xuất, các đơn hàng đã được xác lập đến hết quý 2 và đầu quý 3. Kết thúc quý 1 vừa qua, giá trị sản xuất toàn ngành tăng khoảng 30%... Nhiều doanh nghiệp đã lớn mạnh hơn trong bối cảnh dịch bệnh nhờ sự nhạy bén, biến “nguy” thành “cơ”, xác định “đúng và trúng” hướng đầu tư, mở rộng quy mô, tăng cường năng lực sản xuất.

Ông Vũ Văn Thường, Giám đốc Công ty CP May xuất khẩu Phú Lương cho hay: "Kiểm soát dịch của Việt Nam rất tốt, nên một số nước bạn tin tưởng và ký kết đặt hàng tại Việt Nam. Với sự dịch chuyển của ngành may mặc, công ty rất kỳ vọng và phấn đấu để đạt mục tiêu".

Để tăng “sức đề kháng” trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số và chú trọng chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Ông Dương Thanh Lâm, Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan cho biết: "Khi chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thì hiệu quả trong công việc ngày càng được nâng cao, có thể nói là gấp đôi so với trước".

Chị Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng kỹ thuật, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia chia sẻ: "Khi đầu tư hệ thống máy móc thì tôi thấy thị trường đã có những phản hồi rất tốt về sản phẩm".

Chuyển đổi phương thức kinh doanh, cơ cấu sản phẩm, dịch vụ; đặc biệt là tìm kiếm, thay thế nguyên liệu nhập khẩu bằng nguyên liệu sẵn có, xây dựng chuỗi giá trị khép kín, bền vững, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực bởi sự đứt gẫy chuỗi giá trị toàn cầu, là yêu cầu và lựa chọn tất yếu của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.

Ông Vũ Thanh Sơn, Trưởng phòng Thị trường, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cho hay: "Nguyên liệu như mỏ quặng, mỏ than, từ những nguyên liệu này, chúng tôi sản xuất ra sản phẩm thép, tỷ lệ nội địa chúng tôi có thể hoàn toàn đáp ứng được".

Để trụ vững, thích ứng trước những biến động của thị trường, các doanh nghiệp luôn xác định cho mình 1 tâm thế vững vàng trong sự đổi mới và phát triển.

Ông Trần Việt Cường, Giám đốc Công ty CP Xi măng Quán Triều cho biết: "Về vấn đề sản xuất, chúng tôi đã chuẩn bị triển khai tất cả những vấn đề, lĩnh vực đầu tư làm sao để giảm hết chi phí giá thành. Về vấn đề tiêu thụ, chúng tôi cũng đặt ra tất cả các khu vực tỉnh, thành phố liên quan đến thị trường, chúng tôi đã có những phương án song song với việc phòng, chống dịch bệnh".

Sự nhạy bén, chủ động và linh hoạt với khả năng thích ứng nhanh, doanh nghiệp Thái Nguyên đã biến những khó khăn do dịch bệnh thành phép thử và cơ hội để thúc đẩy đổi mới sản xuất, kinh doanh, tăng cường hội nhập… Với cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, Thái Nguyên sẽ tiếp tục có những bước tiến vững chắc trong giai đoạn phát triển mới./.