Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành xây dựng
Nhiều giải pháp phối hợp liên ngành, liên bộ đang được thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng

Trúng thầu dự án xây dựng công trình nhà lớp học trường tiểu học Hương Sơn, huyện Phú Bình từ đầu tháng 4/2021 với giá thép chỉ hơn 15 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, khi bước vào thi công đúng thời điểm thép tăng giá mạnh nhất, nhà thầu này đã phải mua thép với giá gần 20 triệu đồng/tấn. Toàn bộ công trình sử dụng hơn 100 tấn thép, tính toán sơ bộ nhà thầu đã lỗ khoảng 400 triệu đồng tiền thép, chưa kể các loại vật liệu xây dựng khác cũng bị tăng giá:

Ông Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Minh Quân, huyện Phú Bình cho biết: “Tiến độ thế này thì nhà thầu vẫn phải thi công để kịp tiến độ đề ra. Gía thép như vậy thì nhà thầu phải bù lỗ khoảng 40-45% giá thép so với giá hiện nay trên thị trường”.

Phải bù lỗ tiền thép cũng như các loại vật liệu xây dựng khác là khó khăn chung của các doanh nghiệp xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2021. Trong khi đó, hầu hết các hợp đồng xây lắp nhà thầu ký với chủ đầu tư là hợp đồng trọn gói, không điều chỉnh đơn giá. Trước thực tế này, nhiều nhà thầu đã phải giãn tiến độ thi công công trình để giảm bớt áp lực về tài chính.

Ông Lê Văn Khiêm, Công ty TNHH Xây dựng và Công nghệ Tín Phát, Hà Nội cho biết: “Để đảm bảo nguồn kinh phí cho đơn vị nhà thầu trong khi giá vật liệu xây dựng leo thang, chúng tôi cũng điều chỉnh lại biện pháp thi công sao cho hợp lý và tiết kiệm tối đa cho nhà thầu thi công”.

Vật liệu xây dựng tăng giá mạnh khiến một số công trình bị chậm tiến độ không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các đơn vị chủ đầu tư vì không có khối lượng thanh toán. Chính vì vậy, bên cạnh nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp, các đơn vị chủ đầu tư cũng thường xuyên đôn đốc, giám sát tiến độ thi công tại công trường, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nhanh chóng giải ngân các nguồn vốn khi nhà thầu có khối lượng thanh toán để doanh nghiệp giảm áp lực lãi vay từ ngân hàng.

Bà Trần Thị Thanh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Phú Bình thông tin: “Chủ đầu tư cũng đưa ra một số giải pháp để đề nghị sở Xây dựng, sở Tài chính đi khảo sát giá để cân đối sát với giá thị trường, có văn bản đề nghị gửi Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ về cho phép điều chỉnh giá hợp đồng, đặc biệt là điều chỉnh mức hợp đồng trọn gói và hợp đồng theo đơn giá cố định và điều chỉnh tổng mức dự toán đầu tư xây dựng theo mức giá thực tế của thị trường”.

Thông tin khá tích cực dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản là sau nhiều đợt tăng giá mạnh, hiện tại, giá các loại vật liệu xây dựng đã có xu hướng giảm, đặc biệt là mặt hàng thép đã giảm từ 500.000 đồng đến 800.000 đồng/tấn. Bên cạnh đó, những tháng cuối năm cũng là cao điểm của ngành xây dựng, các doanh nghiệp có thể tận dụng thời điểm này để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, bù đắp lại một phần sản lượng thiếu hụt trong những tháng đầu năm.