Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên là một trong những doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất cả nước. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam và đang diễn biến phức tạp hiện nay, hoạt động sản xuất của đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề. Theo đại diện đơn vị, trong 7 tháng năm 2020, sản lượng tiêu thụ thép cán mới chỉ đạt trên 480 nghìn tấn, bằng 58% kế hoạch; lượng hàng tồn kho lớn, chi phí sản xuất không giảm, vì vậy doanh thu đạt trên 7.600 tỷ đồng, bằng 56% kế hoạch, trong khi cùng kỳ năm 2019 doanh thu là gần 7.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay sau khi Nghị quyết số 41 của Chính phủ và nhiều chính sách khác được ban hành, một số khó khăn của doanh nghiệp đã từng bước được tháo gỡ. Ông Hoàng Danh Sơn, Kế toán trưởng công ty chia sẻ: "Cục thuế Thái Nguyên đã có hướng dẫn chúng tôi giãn thời gian nộp thuế, trong đó có thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất để giúp công ty có nguồn vốn bổ sung cho sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khó khăn hiện nay".

thao go kho khan cho doanh nghiep bi anh huong do dich covid 19 ts toi
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động sản xuất của đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo số liệu khảo sát của Cục Thống kê tỉnh, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, những tháng đầu năm, toàn tỉnh có đến 96,5% doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Trong đó, gần 48% doanh nghiệp không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh; khoảng 34% doanh nghiệp được khảo sát phải sử dụng biện pháp cắt giảm lao động; 49% số doanh nghiệp cho lao động giãn hoặc nghỉ việc luân phiên; 21% doanh nghiệp áp dụng biện pháp giảm lương của công nhân; 28% doanh nghiệp cho lao động nghỉ việc không lương và khoảng 20% doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Riêng tại thành phố Thái Nguyên, theo thống kê của Chi cục Thuế thành phố, hiện nay, trên địa bàn có gần 2.000 doanh nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, nên số lượng doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch là rất lớn. Ngoài ra, thành phố cũng có gần 6.000 hộ kinh doanh cá thể phải nghỉ hoạt động kinh doanh do thực hiện giãn cách xã hội và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. "Chi cục đã triển khai tới các doanh nghiệp thuộc đối tượng gửi hồ sơ để hưởng những chính sách gia hạn nộp thuế. Trên 900 đối tượng là doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất với số tiền gần 79 tỷ đồng", ông Phan Chí Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế thành phố Thái Nguyên cho hay.

thao go kho khan cho doanh nghiep bi anh huong do dich covid 19 ts toi
Toàn tỉnh có đến 96,5% doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Thực hiện Nghị quyết số 41, Nghị quyết số 84 và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch, ngành Thuế Thái Nguyên đã triển khai thực hiện các chính sách thuế hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế. Tính đến tháng 7, toàn tỉnh đã có trên 1.800 doanh nghiệp, tổ chức và hộ gia đình, cá nhân kinh doanh gửi giấy đề nghị đến các cơ quan thuế để được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất với số tiền trên 940 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành thuế cũng đã tổ chức đối thoại để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế thực hiện hiệu quả những chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đây cũng là giải pháp để quản lý tốt nguồn thu, chống thất thu thuế từ nay đến cuối năm. Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Cục trưởng Cục Thuế Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi đã tuyên truyền cho người nộp thuế nắm được và kê khai. Chúng tôi cũng thường xuyên nắm bắt những doanh nghiệp có điều kiện khó khăn cũng như rà soát lại những nguồn thu ngân sách nhà nước mà doanh nghiệp đã, đang và sắp tới phải thực hiện".

thao go kho khan cho doanh nghiep bi anh huong do dich covid 19 ts toi
Tính đến tháng 7/2020, trên 1.800 doanh nghiệp, tổ chức và hộ gia đình, cá nhân kinh doanh gửi giấy đề nghị đến các cơ quan thuế để được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất.

Trong khi các doanh nghiệp đang từng bước khắc phục sản xuất kinh doanh do những tác động của dịch đợt đầu năm thì hiện nay, dịch tiếp tục bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố, khiến các doanh nghiệp chịu những thiệt hại nặng nề. Do vậy, trong khi các ngành chức năng đang tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, từng bước phục hồi nền kinh tế thì các doanh nghiệp cần tiếp tục đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm đối tác mới và tư duy quản trị, để thúc đẩy phát triển sản xuất trong thời gian tới./.