Thành phố Sông Công nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm OCOP
Quy mô nuôi thỏ của HTX Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Sông Công

Năm 2022, HTX này đăng ký 2 sản phẩm để dự thi OCOP, Tuy nhiên, hiện HTX vẫn đang khá bỡ ngỡ trong quá trình thiết kế bao bì, đăng ký chất lượng và xin cấp mã số mã vạch cho sản phẩm của mình. Ngay cả việc hoàn thiện quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn Vietgap cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Anh Phạm Thanh Quang, HTX Nấm Thảo Anh, TP Sông Công chia sẻ: "HTX mới được thành lập, cơ sở vật chất và nhân công còn hạn chế, việc hoàn thành nhãn mác sản phẩm cũng cần có thời gian."

Anh Nguyễn Minh Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Mỏ Chè, TP Sông Công cho biết: "Để đầu tư vào các hệ thống máy móc, nhà xưởng sản xuất thì các HTX nào cũng đều quan tâm đến vấn đề vốn và hỗ trợ."

Năm 2022, TP Sông Công hỗ trợ, định hướng cho các sản phẩm nông nghiệp đa dạng hơn để trở thành sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, ngoài yếu tố năng lực từ các chủ thể cũng còn gặp nhiều khó khăn đến từ quá trình mở rộng quy mô, hay quảng bá sản phẩm ra ngoài địa phương.

Bà Bùi Thị Kim Yến, HTX Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Sông Công cho biết thêm: "Trong quá trình hoàn thiện sản phẩm OCOP thì HTX Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Sông Công phải chăn nuôi với quy mô khoảng 5 nghìn con thỏ thì mới đủ tiêu chuẩn thực hiện sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Sản phẩm này được sản xuất từ chăn nuôi cho đến chế biến thành sản phẩm và đưa ra siêu thị. Với quy mô chăn nuôi như vậy thì HTX cần diện tích sử dụng tầm 1ha."

Để trở thành sản phẩm OCOP thì các chủ thể cần đáp ứng một số điều kiện như sản xuất xuyên suốt, có sự tham gia của nhiều hộ, có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và mang đặc trưng vùng, miền, đồng thời các địa phương phải xác định sản phẩm nào là chủ lực và đã được quy hoạch trong vùng sản xuất hay chưa. Tuy nhiên, không phải địa phương nào, chủ thể nào cũng có đủ điều kiện, năng lực để giải quyết các yếu tố này.

Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Trưởng phòng Kinh tế TP Sông Công: "Chúng tôi chủ yếu tập trung mở rộng để đa dạng sản phẩm hơn là có thêm sản phẩm gạo, chè và nấm. Ngoài chính sách hỗ trợ của Tỉnh thì Thành phố Sông Công hỗ thêm với các chủ thể đạt sản phẩm OCOP như 3 sao thì hỗ trợ 20 triệu đồng, 4 sao hỗ trợ thêm 30 triệu đồng và 5 sao hộ trợ thêm 40 triệu đồng."

Từ năm 2022 đến năm 2025, mục tiêu của TP Sông Công là có thêm 40 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên. Tuy nhiên, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ngày càng bị thu hẹp, việc phát triển sản phẩm đảm bảo đạt tiêu chuẩn OCOP về diện tích, khả năng cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định, lâu dài là rất khó. Cùng với đó, còn lại những sản phẩm và chủ thể với năng lực hạn chế hơn những sản phẩm đã được công nhận trước nên ngành nông nghiệp và các địa phương sẽ còn phải nỗ lực để hoàn thành mục tiêu trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn./.