Thời gian qua, du lịch cộng đồng được đánh giá là một trong những mô hình phát triển du lịch có nhiều đóng góp cho chương trình giảm nghèo và phát triển bền vững, tạo ra những trải nghiệm thú vị cho khách du lịch trên cơ sở khai thác những tài nguyên du lịch tại cộng đồng. Song song với các hiệu quả cho người kinh doanh du lịch, du lịch cộng đồng mang lại lợi ích chung cho cộng đồng ở các mức độ khác nhau, bao gồm cả lợi ích kinh tế và xã hội, tinh thần, văn hóa… Du lịch cộng đồng thúc đẩy vai trò của người dân địa phương trong việc tham gia phát triển và hoạch định phát triển du lịch.

Thái Nguyên xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng  giai đoạn 2021-2025
Làng nhà sàn sinh thái Thái Hải tổ chức lễ cơm mới hàng năm

Tại Thái Nguyên – vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa, địa phương có nhiều tiềm năng về tài nguyên du lịch với đầy đủ các điều kiện để có thể phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt tại một số địa phương như: thành phố Thái Nguyên, huyện Đại Từ, Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa, thành phố Sông Công. Tuy nhiên, hiện nay ở Thái Nguyên mới chỉ có một số mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng như ở xã La Bằng, huyện Đại Từ; Tân Cương, thành phố Thái Nguyên,; xã Phú Đình, Định Hóa; Phú Thượng, Võ Nhai… Có thể nói, các mô hình du lịch cộng đồng ở các địa phương đã nhận được sự quan tâm của chính quyền, người dân và sự quan tâm tích cực từ phía khách du lịch. Nhờ đó, dù chưa thực sự xứng tầm song bước đầu, du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên đã tạo ra những hiệu ứng và đánh giá cao từ du khách.

Với lợi thế của vùng chè Tân Cương nổi danh, từ vài năm trở lại đây, những người làm chè Tân Cương đã bắt đầu quan tâm và đầu tư phát triển các mô hình du lịch cộng đồng. Tận dụng ưu thế về cảnh quan thiên nhiên khoáng đạt của vùng chè, nắm bắt tâm lý của đông đảo du khách mong muốn khám phá, tìm hiểu các phương thức trồng và chế biến chè, du lịch cộng đồng tại đây đã bước đầu tạo nên thương hiệu gắn với đặc sản Trà Tân Cương. Các điểm đến du lịch cộng đồng có thể kể đến như: Hợp tác xã chè Hảo Đạt, Hợp tác xã Tâm Trà Thái, Hợp tác xã chè Tiến Yên, Nghìn Hạnh... Phát triển du lịch cộng đồng tại vùng chè đặc sản Tân Cương là một trong những hướng đi phù hợp, góp phần đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm đặc sản của địa phương.

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX Chè Hảo Đạt, Tân Cương, TP Thái Nguyên chia sẻ: " Khi HTX có quy mô như vậy chúng tôi rất muốn phát triển về du lịch cộng đồng. Trong du lịch. chúng tôi muốn bảo tồn văn hóa trà Tân Cương thông qua các lớp tập huấn để cho bà con tiến tới từ cây chè truyền thống đến các HTX phát triển tốt. Mong muốn khách thập phương sẽ biết đến mô hình của HTX chè chúng tôi"

Trong những điểm du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên thì Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải là một điểm được du khách trong và ngoài tỉnh đánh giá là hoạt động khá quy củ, đúng nghĩa của du lịch cộng đồng. Nơi đây đã được công nhận là điểm đến du lịch của địa phương từ năm 2014. Đến với bản làng Thái Hải, du khách được nghỉ dưỡng trong một không gian tươi xanh với sự hồn hậu, mộc mạc của người dân trong sắc áo chàm, được tìm hiểu, trải nghiệm các nét văn hóa của bà con dân tộc Tày, Nùng xứ Thái như các hoạt động lễ hội, ẩm thực, trò chơi dân gian, trải nghiệm nông nghiệp cùng bà con... Đặc biệt bản làng Thái Hải có nhân lực và một hệ thống cơ sở vật chất khá đồng bộ đáp ứng được nhu cầu ăn uống, lưu trú và trải nghiệm với đoàn khách có số lượng hàng nghìn người. Nơi đây được đánh giá như một bảo tàng về văn hóa dân tộc Tày, Nùng vùng Việt Bắc.

Thái Nguyên xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng  giai đoạn 2021-2025
Không gian văn hóa Trà Tân Cương thuyết minh đón khách du lịch

Anh Trương Thế Vinh đến từ Cao Bằng cho biết: "Thái Nguyên giờ đây có sự đổi mới về du lịch rất nhiều, khi tôi đến Thái Hải tôi thấy người dân có thu nhập và sinh kế từ hoạt động du lịch cộng đồng."

Thái Nguyên có lợi thế tự nhiên với nhiều hồ, thác, suối nước, là những điểm đến dã ngoại được nhiều du khách lựa chọn vào dịp cuối tuần. Do khách đến các điểm trải nghiệm này ngày một nhiều nên cần có các dịch vụ để đáp ứng nhu cầu cơ bản của du khách, bởi vậy một số homestay đã hình thành như: La Bằng homestay, Cửa Tử farmstay, du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè... Tuy nhiên đa phần các cơ sở mới chỉ có dịch vụ ăn uống và vui chơi giải trí như cắm trại, bơi lội... mà chưa có dịch vụ lưu trú chất lượng.

Vì lẽ đó, nghiên cứu cơ chế hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng là rất cần thiết để có thể khai thác hết các tiềm năng sẵn có. Bởi lẽ, để phát triển du lịch cộng đồng thì ngoài tài nguyên du lịch, các giá trị văn hóa bản địa thì các yếu tố khác như hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất phục vụ du lịch, dịch vụ, nguồn nhân lực… là rất quan trọng. Mặt khác, cần có công tác hoạch định, xác định các khu vực có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, trên cơ sở đó có chính sách hỗ trợ đảm bảo việc xây dựng các mô hình có bản sắc, hiệu quả và khả thi khi đưa vào hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên nói: " Chúng tôi hy vọng có sự vào cuộc của các cấp các nhành để dành nguồn lực cho xây dựng và phát triển du lịch, phát huy tiềm năng của tỉnh. Thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các khu điểm du lịch như Hồ Núi Cốc. Phát triển thiết chế thể thao để gắn kết và phát triển. Đây là nguồn động lực đem lại sự đổi thay về quản lý nhà nước tạo tiền đề cho các đơn vị, doanh nghiệp của ngành này phát triển"

Theo chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng thì mục đích chính là tạo nguồn hỗ trợ kịp thời và tốt nhất cho hoạt động đầu tư phát triển du lịch cộng đồng; phát huy lợi thế về vị trí, tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa; hình thành các điểm du lịch mới góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Thái Nguyên. Việc xây dựng hệ thống chính sách cũng nhằm tạo cơ sở pháp lý để huy động nguồn lực Nhà nước, nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Du lịch Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành hỗ trợ 05 địa điểm được lựa chọn xây dựng mô hình điểm về phát triển du lịch cộng đồng, cụ thể: Năm 2022 xây dựng 1 điểm ở xã La Bằng, huyện Đại Từ và 1 điểm ở thành phố Thái Nguyên; năm 2023 xây dựng 1 điểm ở huyện Phú Lương; năm 2024 xây dựng 1 điểm xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai; năm 2025 xây dựng 1 điểm ở huyện Định Hóa.

Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp, gắn truyền thống với hiện đại, coi trọng đặc biệt tới chất lượng dịch vụ và uy tín thương hiệu trong hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ du lịch; đồng thời lấy lợi ích của người dân địa phương là trung tâm, tạo điều kiện cho người dân và cộng đồng tham gia, làm chủ và được hưởng lợi từ chính hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ cho khách du lịch. Phát triển du lịch cộng đồng gắn kết với sự phát triển chung của tỉnh, đồng thời tạo động lực xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, nâng cao sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân địa phương, xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương kém phát triển, thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực KTXH khác cùng phát triển; đó là những mục tiêu lớn, dài hạn được đặt ra không chỉ cho du lịch cộng đồng mà cho cả ngành Du lịch Thái Nguyên trong những năm tới đây.