Nhiều năm qua, loại hình xe hợp đồng lách luật chạy như tuyến cố định (thường gọi là xe Limousine), gây khó khăn trong kiểm soát số lượng phương tiện, lượng khách, hợp đồng, lộ trình xe và doanh thu cũng như nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Giải quyết thực trạng trên, Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải vừa được Chính phủ ban hành đã tạo hành lang pháp lý, cho phép loại hình xe hợp đồng được sử dụng cả hợp đồng bằng văn bản giấy và hợp đồng điện tử. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải kết nối để truyền dữ liệu về các cơ quan chức năng để kiểm soát.

Thái Nguyên với lộ trình trở thành trung tâm chuyển đổi số (CM PCI 14/12)
Hóa đơn điện tử được công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan áp dụng mang lại hiệu quả cao

Với mong muốn minh bạch hóa hoạt động và giúp cơ quan quản lý nhà nước thấy được bức tranh tổng thể về loại hình xe hợp đồng điện tử, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19, song Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan vẫn mạnh dạn đầu tư nguồn kinh phí lớn để đưa ra những giải pháp công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh và quản lý nhân sự ngay sau khi dịch bệnh được khống chế. Chỉ trong vòng 2 tháng (tháng 3 và 4/2020), công ty đã hoàn thiện hệ thống công nghệ ứng dụng hợp đồng điện tử được kết nối với cơ quan quản lý (công an, cơ quan thuế, ngành GTVT).

Bà Nguyễn Thị Thảo, kế toán trưởng Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan cho biết: “Hóa đơn điện tử với công ty Hà Lan tại Thái Nguyên bắt đầu áp dụng từ đầu năm 2020. Việc sử dụng hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích cho công ty. Trước hết về việc lưu trữ, không phải lưu trữ nhiều hóa đơn giấy, không mất thời gian gửi hóa đơn cho khách, giảm thiểu sai sót khi viết hóa đơn. Bên cạnh đó chi phí in ấn giảm thiểu 1/3, hóa đơn điện tử có thể kết nối trực tiếp với phần mềm kể toán, với đơn vị thuế rất tiện lợi.”

Thái Nguyên với lộ trình trở thành trung tâm chuyển đổi số (CM PCI 14/12)
Công ty đã xây dựng website Halan.vn và app Ha Lan tạo thuận lợi cho lái xe và khách hàng

Bên cạnh đó, công ty cũng xây dựng website Halan.vn và app Ha Lan thông qua ứng dụng trên hai hệ điều hành phổ biến hiện nay là IOS và Android. Với ứng dụng công nghệ hiện đại này, khách hàng chỉ mất 1 phút để vào website hay vào app để chọn chuyến xe, chỗ ngồi phù hợp kết hợp với hình thức thanh toán online nhanh chóng, tiện lợi thông qua thẻ ATM đã đăng ký Internet Banking hay thanh toán qua QR code hoặc khách chỉ việc đặt, giữ chỗ trước và thanh toán sau. Đối với hàng hóa, khách hàng có thể kiểm soát, biết được hàng của mình đang ở vị trí nào và chủ động ra lấy hoặc báo ship tới nhà riêng với tổng đài công ty.

Bà Phạm Thị Thanh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan cho biết: “Công ty đã phối hợp với công ty phần mềm xây dựng được app dành cho khách hàng. Khi khách hàng đang ngồi họp hoặc đang bận mà không tiện gọi điện, với điều kiện có mạng khách hàng sẽ vào trang web của Hà Lan và tự đặt được chỗ. Bên cạnh đó, app dành cho lái xe, thay vì lái xe dùng hợp đồng giấy, thì họ sẽ dùng app có hợp đồng điện tử, sẽ rất tiện cho lái xe không phải lên tận công ty.”

Thái Nguyên với lộ trình trở thành trung tâm chuyển đổi số (CM PCI 14/12)
Hạ tầng công nghệ thông tin được trang bị tại các cơ quan, đơn vị đã kịp thời phục vụ người dân, doanh nghiệp

Cùng với sự tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ của nền kinh tế, Thái Nguyên đã có sự phát triển không ngừng về lĩnh vực thông tin và truyền thông. Hiện nay 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh có mạng lưới cáp quang; trên 1,1 triệu thuê bao di động với gần 1.600 điểm thu phát sóng; gần 900 nghìn thuê bao sử dụng dịch vụ internet. Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin được trang bị đầy đủ với 100% cơ quan nhà nước đã có trang web, cổng thông tin, kịp thời phục vụ người dân, doanh nghiệp; dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 cũng đang tiếp tục được triển khai rộng rãi.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Viễn thông Thái Nguyên cho biết: “Trong lộ trình chuyển đổi số, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam nói chung và Viễn thông Thái Nguyên nói riêng cam kết sử dụng các nguồn lực tốt nhất về cơ sở hạ tầng cũng như cơ sở vật chất và con người, cùng với các hãng công nghệ tiên tiến trên thế giới để xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành 1 trong những tỉnh đi đầu trong khu vực miền Bắc.”

Mới đây, trong chương trình làm việc tại tỉnh Thái Nguyên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đánh giá cao tiềm năng và lợi thế để tỉnh phát triển công nghệ thông tin, tiến đến chuyển đổi số, đồng thời đề nghị tỉnh cần xây dựng chiến lược cụ thể, ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền số, trước mắt là bắt tay vào đầu tư hạ tầng viễn thông số trong thời gian tới. Đây cũng là mong muốn và quyết tâm của tỉnh trong việc để xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc.

Ông Đỗ Xuân Hoà, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi sẽ tham mưu với tỉnh sớm ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, và thực hiện các nhiệm vụ trong chuyển đổi số. Đầu tiên phải phát triển hạ tầng viễn thông. Bên cạnh đó sẽ tham mưu với tỉnh thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực trọng yếu, trọng tâm, và theo hướng Nhà nước đặt hàng, doanh nghiệp sẽ là đơn vị thực hiện nhiệm vụ này và nhân dân được hưởng lợi. Nhiệm vụ nữa là tham mưu về phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin.”

Trong lộ trình chuyển đổi số, Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2030 sẽ có khoảng 85% dân số có kỹ năng số cơ bản; chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh thuộc nhóm 20 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước; thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 đạt 80%. Với những thế mạnh như: nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, lại là một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo của cả nước, Thái Nguyên được đánh giá có tiềm năng rất lớn trong việc chuyển đổi số, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển trong thời gian tới./.