Thái Nguyên triển khai nhiều giải pháp hạ thấp tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em
Cán bộ y tế cơ sở tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ ở xã vùng cao Sảng Mộc, huyện Võ Nhai

Sảng Mộc là một xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, nên việc tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ được cán bộ y tế vận dụng một cách linh hoạt, vừa đảm bảo tính khoa học vừa tận dụng được nguồn thực phẩm sẵn có của từng hộ gia đình. Gia đình chị Nguyễn Thị Hà ở xóm Bản Trương là một trong số ít gia đình ở xã Sảng Mộc có trẻ bị suy dinh dưỡng. Vì vậy, để cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho bé, cán bộ y tế xã và nhân viên y tế thôn bản thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và hướng dẫn cách cho trẻ ăn bổ sung hợp lý.

Chị Nguyễn Thị Hà cho biết về những kiến thức đang được gia đình áp dụng: “Em thường xuyên được cán bộ y tế xã đến tuyên truyền, hướng dẫn cách cho con trẻ ăn uống, đi tiêm đúng lịch cho trẻ khỏe mạnh”.

Với trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 29%, vì vậy chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em được triển khai tại Sảng Mộc cũng có nhiều linh hoạt. Các buổi truyền thông dinh dưỡng tại hộ gia đình có trẻ bị suy dinh dưỡng được thực hiện thường xuyên, kết hợp với các chiến dịch cân đo, khám sàng lọc được tổ chức tại trạm y tế đã giúp phát hiện những trẻ bị suy dinh dưỡng và có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, từ đó kịp thời có các biện pháp tư vấn, giáo dục dinh dưỡng cho các bà mẹ hoặc người nuôi dưỡng trẻ. Điều này đã góp phần giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trên địa bàn xã xuống còn 15,47% thể nhẹ cân và 23,41% thể thấp còi.

Thái Nguyên triển khai nhiều giải pháp hạ thấp tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em
Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em được triển khai tại Sảng Mộc được thực hiện linh hoạt, lồng ghép thường xuyên với các chiến dịch cân đo, khám sàng lọc.

Bác sĩ Nông Văn Ánh, Trưởng Trạm y tế Sảng mộc, Võ Nhai cho biết: “Công tác truyền thông đã làm thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt với đồng bào người Dao, người Mông. Và chúng tôi cũng lồng ghép với chương trình tiêm chủng làm thực hành cái bữa ăn tô màu bát bột cho trẻ. Qua quá trình đó, kết quả từ đầu năm đến nay, sau cân đo tháng 6 vừa rồi chúng tôi khám trẻ suy dinh dưỡng giảm 1% so với kế hoạch đề ra”.

Không có nhiều khó khăn như ở Sảng Mộc, song công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em cũng được ngành y tế và chính quyền phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên đặc biệt quan tâm. Nhờ có mạng lưới y tế thôn bản phủ kín 13/13 tổ dân phố, tất cả các chương trình y tế như tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, kế hoạch hóa gia đình, truyền thông giáo dục sức khỏe được triển khai có hiệu quả.

Hàng năm, 100% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, 100% bà mẹ mang thai được quản lý thai nghén và cấp viên sắt. Mỗi tháng một lần, trạm y tế tổ chức truyền thông dinh dưỡng, hướng dẫn cho các bà mẹ có con nhỏ cách tô màu bát bột, chế biến bữa ăn bổ sung cho trẻ một cách hợp lý và đầy đủ các chất dinh dưỡng. Nhờ đó, toàn phường tân Lập chỉ còn 6,8% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và 6,4% trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Thái Nguyên triển khai nhiều giải pháp hạ thấp tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em
Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân của tỉnh Thái nguyên đến nay giảm còn 10,6%

Mặc dù vậy, Tân Lập cũng như một số xã phường vùng thành thị đang phải đối mặt với tỷ lệ trẻ béo phì có xu hướng gia tăng. Đây cũng là một trong những khó khăn khi thực hiện công tác phòng chống suy dinh dưỡng trên địa bàn.

Y sĩ Trương thị Mai Anh, Thư ký chương trình Phòng chống suy dinh dưỡng phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên cho biết: “2 năm gần đây tôi thấy tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì có dấu hiệu tăng lên. Chúng tôi cũng chú trọng vào chế độ dinh dưỡng của những trẻ này. Với đặc thù nền tảng thu nhập chung của mọi gia đình tăng, phần đa các bà mẹ chú trọng khẩu phần, chăm sóc dinh dưỡng cho con quá cao nên đây là một nhiệm vụ chúng tôi tiếp tục phải tập trung tuyên truyền, hướng dẫn”.

Có thể nhận thấy, với những hoạt động đã và đang triển khai, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em tại Thái Nguyên đã có những kết quả đáng mừng, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân của tỉnh Thái nguyên đến nay giảm còn 10,6% và tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm còn 14%.

Trong thời gian tới Thái Nguyên sẽ hướng trọng tâm can thiệp ưu tiên cho những xã có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao, cải thiện đồng thời cân nặng và chiều cao theo tuổi. Tăng cường khám sức khỏe cho trẻ và tư vấn dinh dưỡng cho các bà mẹ mang thai; triển khai nhiều hoạt động can thiệp, truyền thông tại cộng đồng nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em trên địa bàn./.